Nam Thiên Đại Hiệp

Chương 22

/73


Nể lời Bảo Ngọc, theo giúp Tiêu Dao

Cùng lái một thuyền, tình cảm dần dần nẩy nở

Họ cố chống lại tiếng kinh âm, nhưng càng tăng thêm công lực, thì càng như bị hút mất, họ lo sợ trở về thế thủ, bảo khí tồn nguyên, và cầm cự trong thế thủ ít lâu rồi dần dần họ bị tiếng kinh âm thu hút, lòng mất hết ác niệm, từ từ buông xả công lực lúc nào không hay. Cả Bảo Ngọc và bọn Yết Kỳ đang đấu nhau cũng tự động dừng tay. Khi biết hai bên đã thu giảm công lực, Thanh Ngân ngưng khúc diệu âm, đứng dậy vòng tay:

- Mong các vị nể tình tại hạ. Các vị là những đại cao thủ của giang hồ. Tại hạ không muốn thấy ai trong qúy vị bị tử thương, thiệt mạng.

Thanh Ngân ngưng khúc diệu âm, những cao thủ của hai bên như sực tỉnh từ một giấc mơ, những cặp mắt chú mục nhìn Thanh Ngân với tất cả những sự ngạc nhiên. Họ không thể ngờ một thanh niên quá trẻ lại có đủ công lực để phân giải cuộc chiến như vậy, và biết ngay họ không phải là đối thủ.

Tên thủ lãnh bọn áo đen, đứng lên nhìn Thanh Ngân như quái vật, không nói một lời khoát tay cho thuộc hạ:

- Chúng ta phải đi thôi!

Hắn phóng mình như qủy mị, mất hút ngay trong màn đêm. Bốn tên áo đen cũng phóng mình theo hắn. Tiếng tên áo đen thủ lãnh vọng lại:

- Tiểu tử! Võ công của ngươi thật đáng phục, nhưng nếu can thiệp vào chuyện chúng ta, giang hồ bao la, tưởng ngươi sẽ không còn chốn an thân. Chúng ta chỉ là những người võ công chỉ liệt vào hàng ba hàng bốn trong đám thuộc hạ dưới tay... minh chủ mà thôi. Đông Hải Nhị Tẩu! Nếu các ngươi hành động càn dỡ sẽ có nhiều hậu quả tai hại. Nhắn cho Lý hoa Thanh cố nhân gặp tại Linh đảo năm xưa có lời thăm mụ.

Tang Lạp, Yết Kỳ thấy bọn áo đen bỏ đi, mặt biến sắc lộ vẽ bất mãn. Tang Lạp nhìn theo bọn chúng trâm trết một hồi, có lẽ là những lời chưởi rủa. Sau đó lão lấy lại bình tỉnh hỏi Thanh Ngân:

- Đại hiệp đã hoá giải trận đấu giữa chúng tôi và Tiêu Dao Đảo, thần công làm mọi người phải kính phục, nhưng chẳng hay đại hiệp đã đứng trên lập trường nào? Truyện "Nam Thiên Đại Hiệp "

Thanh Ngân thật tình:

- Tại hạ không muốn nhìn thấy các vị ỷ đông áp chế Tiêu Dao Đảo, nhưng giữa anh em tại hạ và Tiêu Dao Đảo cũng chẳng quen biết nên chỉ muốn các vị ngừng tay, không ai làm thiệt hại ai.

Tang Lạp:

- Nếu vậy lão nạp xin cáo từ và mong đại hiệp cho biết qúi tánh tôn danh.

Thanh Ngân chưa kịp đáp lời thì Bảo Ngọc xen vào:

- Đại sư có thể thong thả ra đi chỉ có điều mong đại sư cho biết bọn áo đen là ai và đại sư đến Đại Việt đã cấu kết với những người nào trong võ lâm đã cam tâm làm tay sai cho Mông Cổ!

Tang Lạp biến sắc:

- Thí chủ dùng chữ tay sai Mông Cổ e có điều quá đáng! Chim hiền chọn cây mà đậu. Thiên hạ khắp vòm trời bao la trước sau gì cũng thuộc vào tay Đại Mông, các Đại Hãn sẽ chia nhau cai trị. Biết đại thế thiên hạ, ra sức không phò Đại Mông là sự thông đạt của người tuấn kiệt. Lão tăng thấy thí chủ anh tài trót chúng chi bằng...

Bảo Ngọc cau mày, định bụng dạy cho lão một bài học, thì cô gái áo trắng thở dài. Nàng thở dài rất nhẹ nhưng mọi người đều nghe. Nàng lên tiếng thanh tao, từ tốn, rất nhỏ như nói với chính mình nhưng tiếng nói như rót vào tai mọi người:

- Cái lý sự trong thiên hạ thật khôn cùng! Bán nước cầu vinh, làm tay sai cho giặc cũng có cái lý của họ!

Bảo Ngọc cười ha hả:

- Công chúa Tiêu Dao Đảo thật xứng đáng văn võ song toàn. Nói chỉ ít lời nhưng tại hạ nghe qua đã vô cùng khâm phục. Lão sư già Thổ Phồn kia! Lão có chịu nói cho chúng ta biết bọn áo đen kia là ai hay không?

Tang Lạp tỏ vẻ cứng cỏi:

- Lão tăng không biết họ là ai, tên gì, ta chỉ biết họ muốn cộng tác với lão tăng để thu phục Tiêu Dao Đảo mà thôi. Cho dù có biết lão tăng cũng không thể nói cho thí chủ. Thí chủ xưng mình là người của Đại lý thì quan tâm đến võ lâm An Nam làm gì?

Bảo Ngọc:

- Đại Lý và Đại Việt là hai lân bang, môi hở răng lạnh. Vì vận mệnh của Đại Lý ta phải biết những kẻ cộng tác cho Mông Cổ ở Đại Việt là ai. Nếu ngươi không nói chúng ta đành thất lễ.

Yết Kỳ tức giận:

- Ngươi tưởng chỉ có hai đứa ngươi, trên mặt trường giang này các ngươi tưởng có thể tự tung tự tác được hay sao?

Bảo Ngọc:

- Dù trên trường giang hay trên đất bằng. Hôm nay các ngươi không cho ta biết bọn áo đen là ai, ta nhất quyết chẳng dung tình.

Yết Kỳ vận công xương cốt kêu răng rắc, bước tới hai bước:

- Trong lúc bất ngờ ta bị ngươi điểm trúng một chỉ, ngươi đừng vội đắc ý! Nếu ngươi đánh thắng được ta, ta nguyện suốt đời để ngươi sai khiến.

Bảo Ngọc tự lượng võ công mình còn thua Yết Kỳ một bực, nên nói:

- Ta chưa giở hết công phu ngươi đã bị bại, thì đánh nữa làm gì cho mất công. Nếu ngươi tiếp được hiền đệ ta mười chiêu không bị bại, ta đồng ý để ngươi và mấy tên Thổ Phồn ra đi không làm khó dễ.

Yết Kỳ ngửa mặt lên trời cười dài:

- Yết Kỳ ta có thể bị người đánh bại trong mười chiêu! Hà! Nếu ta bị bại trong mười chiêu của hắn, ta nghĩ ta cũng nên tự xử trước mặt ngươi, không cần phải đi lại trên giang hồ.

Bảo Ngọc lạnh lùng:

- Mười chiêu là ta nói hơi nhiều. Hừ! Cỡ võ công của ngươi không thể tiếp nổi một chiêu của hắn!

Yết Kỳ tức giận:

- Nếu ta không tiếp hắn được trăm chiêu, ta giải tán Thủy cung, tình nguyện đi theo làm nô bộc cho hắn. Nào! Có giỏi thì ra đây.

Bảo Ngọc cười lớn, nói với Thanh Ngân:

- Bảo Kính hiền đệ! Nếu thủy ma cung giải tán, hiền đệ đã làm được một việc kinh thiên đại nghĩa đối với thương nhân, dân chúng xuôi ngược sông hồ. Ta mừng cho hiền đệ.

Thanh Ngân thấy Yết Kỳ dù là tướng cướp nhưng gặp nguy không mất bản sắc anh hùng, nghĩ trước kia dù không ra tay, nhưng đã làm cho Hồ lão tam thiệt mạng và Thiết Tháp cũng bị Kiều Loan móc mất đôi mắt, không muốn đẩy Yết Kỳ vào đường cùng nên nói:

- Nuông thú chết vì mồi, người chết vì danh! Tiểu đệ chẳng muốn tranh danh đoạt lợi nên chẳng muốn đấu với Yết tiên sinh làm gì. Ngọc ca! Đệ có thể biết bọn áo đen là ai, chúng ta không cần phải vặn hỏi, khó dễ với Yết tiên sinh nữa. Tiên sinh nói ra, chúng ta không giết người thì có kẻ khác sẽ ra tay! Tiểu đệ không muốn vì chuyện chúng ta muốn tìm hiểu mà làm cho Thủy Cung và Yết tiên sinh gặp nạn.

Thanh Ngân lại nói trống không, không ai hiểu gì cả:

- Các hạ võ công thật thông huyền! Đã đến sao còn chưa xuất hiện?

Mọi người không ngạc nhiên lâu, tiếng nói già nua chợt cất lên như xa như gần, khi tả khi hữu:

- Nhai nhi! Ngươi là kẻ đầu tiên trên giang hồ có thể phát hiện hành tung của ta khi ta chưa muốn. Khá lắm! Khá lắm! Nhưng ai thấy mặt ta không làm thuộc hạ của ta thì chỉ còn con đường chết. Ngươi muốn ta xuất hiện hay không?

Thanh Ngân:

- Tiền bối nói vậy làm vãn bối khó nghĩ! Làm thuộc hạ cho ai vãn bối nhất quyết không làm. Nhưng chết thì vãn bối thấy mình còn quá trẻ, trên đời còn nhiều cảnh đẹp phải xem, nhiều thú vui cần thưởng thức...

Tiếng già nua:

- Và nhiều hồng nhan tri kỷ nữa phải không? Con nhỏ họ Nùng coi bộ cũng mết ngươi lắm rồi! Nếu ngươi và con nhỏ chịu theo ta thì tương lai rạng rỡ khôn cùng. Nhược bằng...

Bảo Ngọc nghe người bí mật biết tông tích mình rất lấy làm ngạc nhiên, quát hỏi:

- Lão là ai? Lại biết được ta..

Nàng ngưng kịp không nói hết câu ..”là giái giả trai”.

Tiếng lão già thở dài:

- Vô Ngã gặp ta cũng chẳng dám lộng ngôn, con nhỏ ngươi chỉ được hắn truyền thụ cho nhất dương chỉ mà coi bộ đã mục hạ vô nhân, chẳng biết già biết trẻ. Nhà ngươi cần phải được giáo dục lại mới được! Vô Ngã thật là tên thầy chùa hư đốn!

Bảo Ngọc tức giận:

- Muốn gì thì hãy chường mặt ngay cho ta! Cả gan dám xúc phạm đến sư phụ ta, ta nhất định không tha thứ!

Lão già ẩn mình thở dài:

- Đã đến thì trước sau gì ta cũng xuất hiện thôi! Đáng tiếc con nhãi nhà ngươi phải chết sớm hơn một chút! Khi chết ngươi mang cái mặt nạ xấu xí kia, thì kiếp sau sẽ đầu thai thành quái vật! Tội nghiệp! Thật tội nghiệp!

Bảo Ngọc càng nghe lão nói càng giận điên người, muốn tấn công ngay nhưng nàng không thể biết lão hiện đang ở chỗ nào.

Một trong hai lão Đông Hải chợt lên tiếng:

- Ngọc Hoa lão nhân! Lão đã trên trăm tuổi vẫn còn thích hí lộng như xưa hay sao? Hai mươi năm không gặp tưởng lão đã bỏ xác ở Ngọc Hoa sơn không ngờ lão vẫn còn sống và trở chứng làm tay sai cho giặc!

Tiếng lão già:

- Tội nghiệp! Ngươi trên chín mươi tuổi vẫn còn hồ đồ! Các ngươi tự tin đến nỗi nếu không có ta và tên nhai nhi kia, thì giờ này chiếc lầu thuyền của ngươi đã nổ ra trăm mảnh và các ngươi thì.. hà.. hà...Nhị tẩu thành nhị tử!

Lão nhị tẩu:

- Sao ngươi lại biết rõ chuyện này? Phải chăng ngươi là minh chủ bọn hắc y?

Lão già lại thở dài:

- Đừng hồ đồ! Ta biết con nhãi Lý Hoa Thanh thích ăn uống cầu kỳ nên khi thấy chiếc lầu thuyền thì lên tìm nó định kiếm vài chung rượu ăn ít miếng cá. Nhưng khi ta lên thuyền thì biết chỉ có hai lão già các ngươi và con bé kia nên không thèm xuất hiện. Khi các ngươi lên Vọng Giang Lâu ta cũng vào xem cái Vọng Giang Lâu ra sao, thức ăn thức uống thế nào và ta trông thấy tên bé con thanh niên kia lấy làm thích ý, muốn thâu làm đệ tử, ngầm theo dõi. Rồi ta lại biết hắn và con nhãi họ Nùng đang theo các ngươi nên ta cũng phải cứ mất công chạy bộ đến đây. Khi tên bé con giúp ngươi thì ta phát hiện có hai tên áo đen võ công cũng không kém mấy tên trước đang lẻn lên lầu thuyền và đã đuổi chúng, dập tắc ngọn lửa dùm cho các ngươi. Ta mong với công này Lý Hoa Thanh sẽ mời ta ra đảo du ngoạn ăn chơi ít bữa.

Biết lão già kỳ bí kia là ai, Bảo Ngọc trở nên cung kính:

- Tiểu bối không biết tiền bối giá lâm đã xúc phạm tiên oai và vô lễ mong tiền bối tha thứ!

Tiếng lão già:

- Nếu ngươi là con trai thì ta đánh cho mấy gậy, nhưng ta cả đời rất sợ đàn bà con gái nên không tha thứ cho ngươi thì cũng bằng không! Hừ! không ngờ Vô Ngã đã quá vắn số. Ngươi rán vì hắn mà tập nhất dương chỉ cho đến nơi đến chốn.

Bảo Ngọc cúi đầu:

- Vãn bối cung kính tuân theo lời giáo huấn của tiền bối.

Lão già lại hỏi Tang Lạp:

- Tên sư hổ mang kia! Lão Chư Ma Thập còn sống hay đã chết? Khi ta đến chùa Thiền Vân hình như ngươi là đồ đệ thứ hai của lão và chỉ khoảng hai mươi mấy tuổi nhưng nay thì ngươi đã là một lão tăng! Tinh hoa chưởng của Chư Ma Thập ngươi luyện được mấy thành mà muốn gây hấn cùng Tiêu Dao Đảo?

Tang Lạp bối rối:

- Tiền bối là Ngọc Hoa tiên chủ? Ân sư đã viên tịch cách đây ba mươi năm. Đại sư huynh hiện là phương trượng chùa Thiền Vân. Khi mất ân sư cũng có nhắc đến tiền bối. Vãn bối ngu dốt nên tuyệt học của ân sư chỉ thụ đắc trong muôn một..

Tiếng lão già hừ nhẹ:

- Đừng gọi ta là tiên chủ tiên khách gì cả. Cứ gọi ta là lão già trong núi Ngọc Hoa! Hừ! So với Chư Ma Thập ngươi mới được bảy thành công lực! Với võ công của ngươi đến Đại Việt còn thua kém quá nhiều chỉ rước lấy cái chết không toàn thây mà thôi. Nể tình Chư Ma Thập ta khuyên ngươi hãy về chùa tiềm tu, đừng đặt chân đến đây lần nữa. Ngươi đừng tưởng ngươi và Yết Kỳ có thể lợi dụng bọn hắc y. Chúng đang lợi dụng các ngươi đấy. Hà! Còn tên Yết Kỳ này nữa! Khô Mộc thần quân năm xưa cai quản thủy cung cướp của bất nghĩa thi ân cho người nghèo khó, giúp đỡ ngư dân còn ngươi thì nặng nề ác nghiệp đã đành mà còn âm mưu cấu kết với ngoại bang, thật là...thật là!

Tang Lạp và Yết Kỳ nghe tiếng nói của Ngọc Hoa lão nhân mặt mày biến sắc. Tang Lạp lúc trẻ đã từng chứng kiến Ngọc Hoa lão nhân ấn chứng võ công với sư phụ lão, và sư phụ lão hết lòng kính phục, thì làm sao dám tỏ lời chống đối?

Còn Yết Kỳ thì biết Ngọc Hoa lão nhân như một thứ truyền thuyết trên giang hồ, sư phụ hắn là Khô Mộc Thần quân mỗi khi nhắc tên cũng tỏ ra vô cùng kính trọng, nên phải cúi đầu ngậm miệng.

Lão già lại thở dài:

- Cô bé Tiêu Dao và Nhị Tẩu! Tang Lạp và Yết Kỳ đã thất lễ với Tiêu Dao Đảo, nhưng ta vốn cũng quen biết với sư phụ họ, các ngươi có thể vì ta mà tha thứ cho chúng lần này không?

Cô gái áo trắng:

- Chúng chẳng phải chỉ dám vô lễ mà còn rắp tâm làm hại vãn bối và nhị tẩu. Với truyền thống của Tiêu Dao Đảo e rằng vãn bối khó tuân lời tiền bối.

Lão già lại thở dài:

- Ngươi và con mẹ ngươi có lẽ cố chấp như nhau. Theo ta tưởng giờ này các ngươi nên đi gấp về Tiêu Dao Đảo. Bọn hắc y dã tâm rất lớn, e rằng khi chúng sắp đặt kế hoạch tấn công các ngươi ở đây, thì cũng cho người thừa hư tiến ra sào huyệt.

Cô gái áo trắng động dung:

- Cảm ơn tiền bối cảnh giác âm mưu bọn chúng, nhưng trước khi đi vãn bối không thể không trừng trị Yết Kỳ và mấy tên Thổ Phồn kia.

Ngọc Hoa lão nhân:

- Xét công lực ngươi đấu với Tang Lạp cả ngàn chiêu mới phân thắng bại, còn nhị tẩu công lực cao thâm nhưng một mình cự chiến với năm người cũng đến sáng mai mới giải quyết, trong thời gian đó biết đâu bọn chúng lại có viện binh. Thì giờ cấp bách, ta còn muốn ngươi và nhị tẩu bỏ lầu thuyền xử dụng khinh công trở về Tiêu Dao Đảo nữa kìa. Nếu không có chút giao tình với mẹ ngươi, thì ta cũng chẳng phải quan tâm như vậy.

Cô gái cau mày lưỡng lự, thì một trong hai lão nhị tẩu nói:

- Nhất Tiên! Hai anh em chúng ta vốn chẳng phục ngươi chút nào, muốn tái đấu với ngươi một lần, nhưng coi bộ gừng càng già càng cay, chúng ta đi đây. Một ngày nào đó sẽ đến Ngọc Hoa động tìm ngươi.

Nói xong lão mấy máy môi, truyền âm nói chuyện với cô gái, mọi người thấy cô ta nhẹ nhàng gật đầu với lão. Rồi cô gái nói với lão nhân vẫn còn ẩn mình:

- Tiền bối là chỗ quen biết và có ân với gia mẫu, vãn bối không biết điều này nên thất lễ mong tiền bối lượng thứ. Vãn bối cùng Nhị Tẩu trở về Linh đảo ngay, lầu thuyền sẽ đi sau. Nếu tiền bối không có việc gì bận mời tiền bối ngự lầu thuyền đến thăm gia mẫu.

Ngọc Hoa tiên chủ:

- Ngươi muốn ta chiếu cố chiếc lầu thuyền qúi giá của ngươi chứ gì? Đã mấy mươi năm ta không gặp Lý Hoa Thanh, sẳn dịp đến quấy nhiễu mụ ít ngày, có nhiều việc trên giang hồ hiện nay ta cũng cần bàn với mụ. Các ngươi cứ yên trí đi nhanh đi. Ừ! Chú bé kia và con nhãi họ Nùng cũng có thể là bạn tốt với ngươi đấy! Sao không mời chúng đến Tiêu Dao Đảo?

Cô gái áo trắng:

- Tiêu Dao Đảo từ xưa đến nay ít khách vãng lai, chỉ sợ không được tận tình chủ khách. Nếu hai vị đại hiệp có lòng, thì tại hạ xin thay mặt gia mẫu mời hai vị quang lâm.

Ngọc Hoa lão nhân:

- Chú bé kia! Mới gặp ngươi ta muốn thu ngươi làm đệ tử, nhưng với võ công của ngươi, bây giờ ta chỉ muốn kết bạn với ngươi cùng du Đông Hải một phen ngươi có chịu không?

Không biết Ngọc Hoa lão nhân là ai, nhưng biết lão đã trên trăm tuổi mà muốn kết bạn với mình, làm Thanh Ngân thấy áy náy:

- Tiền bối dạy như thế sợ e vãn bối phải tổn thọ mất. Được đi với tiền bối thật là hân hạnh nhưng vãn bối hiện còn nhiều việc bên mình, mong xin để cho khi khác.

Bảo Ngọc vì tò mò muốn biết Tiêu Dao Đảo như thế nào, hơn nữa cũng muốn có cơ hội được gần gũi Ngọc Hoa lão nhân nên hỏi:

- Tiền bối chỉ mời Lê hiền đệ không mời vãn bối hay sao?

Ngọc Hoa lão nhân cười khúc khắc:

- Hắn như thỏi nam châm mà ngươi là sắt thép, có thỏi nam châm thì sẽ có mặt ngươi rồi cần gì phải nhiều lời?

Bảo Ngọc dậm chân xuống sàn thuyền:

- Tiền bối! Tiền bối làm vãn bối tức muốn chết được!

Ngọc Hoa lão nhân lại cười:

- Sắt thép cũng có thể di chuyển cục nam châm. Nếu ngươi muốn đi thì thế nào hắn cũng phải theo ngươi có phải vậy không? Ngươi có muốn đi với ta hay không? Hà! vì Vô Ngã ta muốn chỉ điểm thêm cho ngươi một ít võ công.

Bảo Ngọc mừng rỡ:

- Vãn bối và Lê hiền đệ thật ra cũng chẳng có việc gì quan trọng. Được gần gũi tiền bối ít ngày là sự sung sướng nhất trong đời của người học võ. Vãn bối cung kính không bằng phụng mạng.

Ngọc Hoa lão nhân cười khà khà:

- Lý a đầu! Ta và con nhãi họ Nùng sẽ đi sau một bước đem lầu thuyền trả về Tiêu Dao Đảo cho ngươi. Chú bé họ Lê thần công so ra cũng chẳng kém chi ta, ta muốn mời hắn đi trước cùng ngươi và nhị tẩu, ngươi thấy sao? Ta không dám coi thường các ngươi, nhưng võ công bọn hắc y vẫn làm ta lo âu trong lòng.

Cô gái áo trắng:

- Tiền bối đã quan tâm như vậy vãn bối có đâu lại chẳng hàm ân, nhưng sợ Lê thiếu hiệp có nhiều việc bận, hay không thể xa rời Nùng cô nương. Vãn bối thấy không nên ép Lê thiếu hiệp.

Ngọc Hoa lão nhân:

- Tự ái hay tình nhi nữ không nên đặt trên kiếp vận giang hồ. Lê nhai nhi! Theo ta thấy để đối phó với bọn áo đen, ngươi và Tiêu Dao Đảo phải phối hợp mới may ra. Ngươi có vì ta mà ra đi trước chúng ta một hai bữa hay không?

Bảo Ngọc sợ Thanh Ngân từ chối, mất dịp ra Tiêu Dao Đảo nên nói:

- Lê hiền đệ! Hiền đệ nên nghe lời tiền bối, đến chốn thần tiên ngoài biển một phen, chúng ta sẽ gặp lại nhau.

Thanh Ngân thấy sự kênh kiệu của Tiêu Dao Đảo không muốn gần gũi, nhưng Ngọc Hoa lão nhân đã nói và Bảo Ngọc cũng vậy. Nếu từ chối sợ phật lòng nên miễn cưỡng:

- Nếu Lý cô nương và nhị tẩu không chê tại hạ tháp tùng, thì xin nghe lời tiền bối vậy.

Cô gái áo trắng:

- Tại hạ là Lý Thanh Nguyên, thay mặt gia mẫu cảm tạ trước lòng quan tâm của thiếu hiệp với Tiêu Dao Đảo.

Ngọc Hoa lão nhân:

- Thì giờ cấp bách! Các ngươi hãy đi nhanh đi! Đừng nên khách sáo nhiều lời nữa.

Cô gái áo trắng:

- Kính chào tiền bối, hẹn gặp tại Tiêu Dao Đảo. Điều động mọi việc trên lầu thuyền đã có các thanh y thiếu nữ. Từ đây về Tiêu Dao Đảo họ sẽ lo lắng cho tiền bối và Nùng cô nương.

Và nàng nói với Thanh Ngân:

- Xin mời Lê đại hiệp.

Dứt lời đôi chân không nhích động, xiêm y phất phới, thân pháp tà tà lên cao, như cánh hạc vẫy cánh rời khỏi boang thuyền. Nhị Tẩu đưa mắt ra hiệu cho Thanh Ngân theo nàng.

Thanh Ngân cung kính:

- Mời nhị vị tiền bối đi trước cho.

Đông Hải Nhị Tẩu không khách sáo, tức thì phi thân theo cô gái, Thanh Ngân nói với Bảo Ngọc:

- Mong Ngọc ca bảo trọng.

Thanh Ngân cung tay, quay mặt ra sau lái thuyền:

- Vãn bối đi trước một bước. Mong tiền bối chiếu cố cho Ngọc ca.

Cùng lúc lên tiếng chào Ngọc Hoa lão nhân, Thanh Ngân giở Lạc Long thăng thiên, đưa thân hình nhất bổng lên cao từ từ lẫn vào màn đêm. Thế phi thân đưa lưng đi trước của Thanh Ngân làm cho Tang Lạp và bọn Yết Kỳ trố mắt. Bảo Ngọc vì hiếu kỳ muốn đến Tiêu Dao Đảo nên giục Thanh Ngân ra đi, nhưng rồi nhìn theo bóng dáng của người yêu nhỏ dần, lòng chợt cảm thấy như mất mát, hụt hẫng, lẫn chút lo âu khi liên tưởng đến nhan sắc khuynh thành của Lý Thanh Nguyên.

Ngọc Hoa lão nhân, như một huyền thoại của võ lâm, cả Tang Lạp và Yết Kỳ đến bây giờ vẫn không thể phát hiện ông ta đang ở đâu trên thuyền, nên dù nhóm người của Tiêu Dao Đảo và Thanh Ngân ra đi vẫn chẳng dám tỏ một cử chỉ gì bất phục. Và khi tiếng già nua thần bí của ông ta cất lên: “Ta nể tình Chư Ma Thập và Khô Mộc Thần quân giúp các ngươi thoát nạn sao không đi còn đợi gì nữa!”.

Tức thì Tang Lạp và Yết Kỳ ra hiệu cho đồng bọn cùng cung kính cúi đầu, riu ríu nhảy sang chiếc thuyền kế bên, kéo neo đi ngay. Chiếc thuyền Bảo Ngọc đang đứng là thuyền của Yết Kỳ nhưng hắn chẳng một lời hỏi han là Ngọc Hoa lão nhân có xử dụng nó hay không?

Khi bọn chúng đã đi Bảo Ngọc vòng tay:

- Dám thưa tiền bối chẳng hay tiền bối ở đâu? Có thể cho tiểu nữ được vinh dự diện kiến?

Tiếng già nua lại nghe như từ trên bờ vọng lại:

- Con bé ngươi lên lầu thuyền cùng bọn thanh y thiếu nữ trở ra Đông Hải ngay. Ta có vài việc cần phải đi trong giây lát. Chậm lắm là khi thuyền ra cửa sông ta sẽ gặp lại ngươi. Lời hứa với ngươi ta không quên đâu!

Nghe Ngọc Hoa nói vậy, Bảo Ngọc lấy làm thất vọng, nhưng đành theo bọn thanh y thiếu nữ qua lầu thuyền, và khi thuyền lên buồm rẽ nước về xuôi, nàng đứng tì tay trên boang nhìn xuyên đêm tối, tưởng tượng Thanh Ngân cùng cô gái áo trắng đang sánh vai nhau trên đường thiên lý cảm thấy buồn bực và khó chịu vô cùng. Nàng xao xuyến, tự trách mình đã thúc đẩy Thanh Ngân đi Tiêu Dao Đảo, tự trách mình đã vì tò mò muốn biết đảo Tiêu Dao ra sao và cũng chỉ vì tò mò muốn biết mặt Ngọc Hoa lão nhân, muốn được gần lão mà phải xa rời người thầm yêu trộm nhớ. Chiếc lầu thuyền xuôi giòng, căng gió đi như xé nước thế mà Bảo Ngọc cứ tưởng như nó đi chậm vô cùng. Bọn thiếu nữ thanh y hình như không ai quan tâm đến Bảo Ngọc, nàng không thấy chúng đâu. Có lẽ tất cả đang yên giấc. Bọn thuyền phu vai u thịt bắp thì tên nào cũng im lặng lo phân sự như những người câm càng làm cho Bảo Ngọc cảm thấy cô đơn phiền muộn, tự nói thầm:

- Hừ! Từ nay về sau một trăm cái Tiêu Dao Đảo, một trăm Ngọc Hoa lão nhân ta cũng chẳng thèm quan tâm nữa. Hừ! Ngọc Hoa lão nhân! Lão là ai? Tại sao ta cũng bị lôi cuốn, tò mò, nôn nao muốn gặp cho được lão đến nỗi phải xa rời Ngân đệ!

Như đã nói Ngọc Hoa lão nhân, có người gọi là Ngọc Hoa lão tiên. Ngọc Hoa tiên chủ, hay ngắn gọn là Nhất Tiên, là một người theo truyền thuyết có võ công và hành tung kỳ bí như thần tiên. Đã là người học võ và thuộc thế hệ như Bảo Ngọc được lão tỏ ý muốn điểm xuyết thêm công phu cho mình là một kỳ duyên hiếm có, nếu không vì phải xa Thanh Ngân, Bảo Ngọc hẳn chỉ nóng lòng được gặp lão mà không phải ưu tư phiền muộn như hiện tại.

Ngọc Hoa lão nhân, lão già ở núi Ngọc Hoa, là một trong ba ngọn núi cao của dãy Ba vì: Đại vương sơn sau này gọi là núi Vua, núi Tản Viên và núi Ngọc Hoa. Ngọc Hoa là ngọn núi thấp nhất. Người ta cho rằng trong dãy Ba Vì có rất nhiều hang động bí mật, ông ta xưng là Ngọc Hoa lão nhân nhưng không nhất thiết phải ở núi Ngọc Hoa. Có thể ông ta ở trên ngọn Đại Vương hay Tản Viên, nhưng đã lấy ngọn núi thấp nhất làm danh hiệu để tỏ ý khiêm nhường. Ông ta ở đâu? Giang hồ chưa ai hân hạnh được ông ta tiếp kiến tại nơi cư ngụ của mình. Người ta cũng không rõ võ công của Ngọc Hoa lão nhân cao thâm đến đâu, nguồn cội từ đâu, những cao thủ tuyệt đỉnh giang hồ bất cứ chính tà, nhắc đến tên ông ta ông không ai không tỏ lòng tuyệt đối kính ngưỡng. Từ sự tích Sơn Tinh - Thủy Tinh, người ta cho rằng thần Tản Viên của ngàn năm trước không phải là thần thánh gì như trong chuyện cổ tích mà Sơn Tinh là một tuyệt đại cao thủ, võ công siêu phàm nhập thánh đã đánh bại quần hùng, cưới công chúa vua Hùng Vương, rồi sau đó cùng công chúa lên ẩn cư trên đỉnh Tản Viên. Ngọc Hoa lão nhân là người đã có cơ duyên phát hiện ra nơi cư ngụ của thần Tản Viên trước đây, học được võ công của thần Tản Viên lưu truyền lại.

Có người không đồng ý như vậy, họ cho rằng thần Tản Viên là thần thánh thật sự, nhưng Bố Cái Đại vương Phùng Hưng và Ngô vương Quyền là những người cũng đã có võ công kinh vĩ, đều xuất thân từ Đường Lâm dưới chân núi Ba Vì, có thể Bố Cái Phùng Hưng hay Ngô vương Quyền đã cất dấu bí kiếp trong hang động trên ngọn Ngọc Hoa, và Ngọc Hoa lão nhân chỉ là một tiều phu tình cờ phát hiện nên đã học được võ công của một trong hai kỳ nhân trên. Ngọc Hoa lão nhân đã học được công phu võ học từ đâu có lẽ Bảo Ngọc khi gặp ông, một người tò mò như nàng thế nào cũng tìm hiểu.

Nói về Thanh Ngân khi phi thân theo cô gái áo trắng và Nhị Tẩu nghĩ đến những việc cần phải làm như tìm tung tích Kiều Linh, tìm kẻ giả mạo mình tạo những việc dâm ác ở Thăng Long, trở lại Mai Sơn thăm Đoàn phu nhân và Thùy Trang, Thùy Vân phải đình hoãn lấy làm phiền muộn, tự trách mình không cương quyết để phải miễn cưỡng làm theo lời Bảo Ngọc và Ngọc Hoa lão nhân.

Thanh Ngân tự trách nên lầm lũi dùng khinh công xúc địa thành thốn theo sau hai lão Đông Hải Nhị Tẩu và hai lão Nhị Tẩu lại cố giữ khoảng cách sau lưng cô gái. Với thuật phi hành của họ, khi thì họ lướt mình trên đầu cây, ngọn cỏ, khi thì từ mái nhà này sang mái nhà khác, khi thì vùn vụt trên đường cái quan. Phút chốc họ đã vượt khúc sông Đại Tam Giang.

Theo sách Địa dư chí, Thanh Ngân biết ngoài khơi từ cửa sông Bạch Đằng lên biển Bắc có hàng trăm đảo nhỏ, nên nghĩ cô gái áo trắng sẽ dùng phép đăng bình độ thủy, vượt sông Nhĩ, theo đường chim bay ra cửa Bạch Đằng; nhưng không, cô ta và Nhị Tẩu vẫn theo hữu ngạn vượt phạm vi Thăng Long, tiến về Chương Dương. Theo hướng đi của họ, Thanh Ngân biết họ sẽ đến cửa Thiên Trường ở phía Nam và tự hỏi phải chăng Tiêu Dao Đảo cũng sẽ ở hướng Nam thay vì hướng Bắc.

Trên mấy trăm dặm đường, chỉ mấy khắc thời gian, tiếng gà gáy sáng Thanh Ngân đã nghe tiếng sóng biển ầm ì, và thấy Lý Thanh Nguyên và Nhị Tẩu lại vượt đầm lầy rẽ về hướng nam. Một lúc sau, họ đáp xuống một cồn đất cao, trên đó có một căn nhà tranh nhỏ, chung quanh có mấy chiếc thuyền con. Thuyền nhỏ nhưng sâu, và dài lại đóng bằng gỗ tốt trông rất chắc chắn. Trên thuyền buồm lạt đều đầy đủ. Trong nhà có người ở, Thanh Ngân nghe được tiếng ngủ ngáy của họ, nhưng Thanh Nguyên và Nhị Tẩu không thèm kêu cửa hỏi han gì. Hai lão Nhị Tẩu đi quanh xem xét mấy chiếc thuyền, rồi tháo giây hai chiếc. Thanh Ngân thấy Nhị Tẩu và Lý Thanh Nguyên tự nhiên đứng im, liếc thấy môi họ mấp máy, biết họ dùng phép truyền âm trao đổi ý kiến với nhau. Thanh Ngân cũng thấy Nhị Tẩu không có vẻ bằng lòng, nhưng rồi một trong hai lão nói:

- Thuyền nhỏ, chúng ta lại cần đi nhanh nên hai chúng tôi sẽ đi một thuyền hộ vệ công chúa và thiếu hiệp. Mời thiếu hiệp và công chúa lên thuyền cho. Thiếu hiệp có lòng quan tâm đến Tiêu Dao Đảo nên công chúa muốn đích thân lái thuyền cho thiếu hiệp.

Thanh Ngân biết Nhị Tẩu không muốn Lý Thanh Nguyên phải lái thuyền nên vòng tay:

- Công chúa là cành vàng lá ngọc, chi bằng để công chúa và vãn bối chia ra, mỗi người đi với một trong hai vị.

Lý Thanh Nguyên nhẹ nhàng:

- Chúng tôi sinh sống trên mặt nước, ai cũng biết điều khiển con thuyền, nếu đại hiệp không tị hiềm thì không có gì phải bàn luận về việc này. Mong đại hiệp xuống thuyền cho, chúng ta rất gấp. Truyện "Nam Thiên Đại Hiệp "

Thanh Nguyên đã nói vậy, Thanh Ngân sợ chạm tự ái của nàng nên đành tuân theo sự sắp đặt, và nói:

- Nếu công chúa đã có nhã ý, tại hạ xin được vinh dự cùng đi với công chúa.

Và không đợi nàng nói thêm, phi thân xuống một trong hai chiếc thuyền con, Lý Thanh Nguyên phi thân theo sau, đứng sau lái cầm sào đẩy thuyền vùn vụt, theo rãnh nước nhỏ ra sông. Thuyền vừa ra mặt trường giang, Thanh Nguyên ném chiếc sào cắm sâu bên bờ rãnh, rồi cầm mái chèo, chèo thuyền ra cửa, nàng nói:

- Võ công Lê đại hiệp rất cao, nhưng ra cửa bể sóng dồi rất mạnh và thuyền lại nhỏ, mong cẩn thận.

Thanh Ngân ngồi xuống thuyền:

- Công chúa gọi tại hạ là đại hiệp làm tại hạ thấy thẹn với mình. Tại hạ họ Lê tên là Thanh Ngân, xin công chúa cứ gọi tại hạ là Lê huynh đệ cho tại hạ bớt áy náy.

Thanh Ngân ngồi quay lưng lại với Thanh Nguyên nên không thấy nàng cau mày. Nàng tưởng hắn biết tên mình là Thanh Nguyên nên lấy tên là Thanh Ngân. Tuy nhiên, Thanh Nguyên cũng hỏi:

- Trên thuyền của Yết Kỳ, nghe vị họ Nùng gọi huynh đệ là Bảo Kính sao lại có tên là Thanh Ngân nữa?

Thanh Ngân:

- Tại hạ là Thanh Ngân, nhưng vì ở Thăng Long có kẻ mạo tên tại hạ làm những việc dâm ác, nên Nùng đại ca lấy cho tại hạ một cái tên khác là Bảo Kính để tránh phiền phức và tiện việc điều tra mà thôi. Công chúa gọi tại hạ là Thanh Ngân hay Bảo Kính cũng được, nhưng đừng gọi tại hạ là đại hiệp.

Thanh Nguyên vui vẻ ngay, cười:

- Vị họ Nùng có tài cải dung rất giỏi, nếu không có Ngọc Hoa lão nhân thì ta cũng không thể biết là hồng nhan tri kỷ của Lê.. huynh đệ. Nhưng sao Lê huynh đệ lại gọi nàng là Ngọc ca? Vị đó thật sự là trai hay gái?

Thanh ngân:

- Tại hạ quen với Bảo Ngọc khi nàng giả dạng nam trang, nên đã xưng hô là Ngọc ca. Gọi nàng là Bảo Ngọc ca đã quen, tại hạ không muốn thay đổi.

Thanh Nguyên:

- Nùng Bảo Ngọc! Thì ra nàng là cung chủ của Đại Lịch cung tiếng dậy vùng biên giới. Khi nàng đến Tiêu Dao Đảo, Thanh Nguyên thế nào cũng xin được kết bạn với nàng.

Thanh Ngân:

- Công chúa và Bảo Ngọc thân nhau, tại hạ tin chắc thế nào nàng cũng rất mừng. Tại hạ cũng biết chèo thuyền đôi chút, trên thuyền cũng còn một mái chèo, tại hạ có thể phụ với công chúa một tay được không?

Thanh Nguyên vui vẻ:

- Nếu Lê huynh đệ biết chèo thuyền thì cứ tự nhiên, chỉ trong giây lát sau khi ra khỏi cửa biển thì chúng ta không cần phải chèo chống gì nữa. Sợ Lê huynh đệ đi với trưởng lão, tính họ rất nghiêm, ít nói, trên đường đi cả ngày buồn bực nên mời huynh đệ đi cùng tại hạ, nhưng với tài của huynh đệ có lẽ ta cũng không phải mệt nhọc như họ nghĩ.

Thanh Ngân cầm mái chèo đùa nước với Thanh Nguyên, chiếc thuyền tăng thêm tốc độ vượt như bắn trên mặt sông và trong chốc lát, Thanh Ngân đã thấy cửa sông với muôn ngàn lượn sóng bạc đầu dựng cao cả trượng đổ dồn tới. Lần đầu tên thấy sóng biển, Thanh Ngân thích thú trong cảm giác mới lạ, nhưng cũng lo âu con thuyền nhỏ sẽ không thể chịu đựng nổi với sức sóng, nhưng nghĩ lại thuyền là thuyền của Tiêu Dao Đảo, những người sống cùng biển cả nên Thanh Ngân mau chóng xua đi những nỗi lo ngại đó. Lý Thanh Nguyên vẫn đẩy con thuyền lướt tới đâm thẳng vào những lượn sóng cao, chiếc thuyền con như bị hất tung lên, rồi rơi xuống, Thanh Ngân tưởng những lượn sóng chung quanh sẽ đổ ập xuống trên đầu mình, đập tan chiếc thuyền, nhưng sóng đổ xuống lại đẩy thuyền lên, những đợt sóng liên tục đổ tới, thuyền nhồi lên rồi rơi xuống chập chùng, liên tiếp. Những đợt sóng đầu tiên làm Thanh Ngân lo ngại, e dè, chỉ giữ yên mái chèo, nhưng chỉ qua mấy lần, thấy được nguyên lý, liền đưa mái chèo tiếp tay cùng Thanh Nguyên. Khó nhọc chỉ trong một lúc, khi thuyền ra cửa sông hơn ngàn trượng, Thanh Nguyên nói:

- Chúng ta có thể căng buồm, từ đây về đảo gió sẽ giúp sức chúng ta không cần phải cực nhọc nữa. Cảm ơn Lê huynh đệ đã giúp ta chèo chống một lúc khá lâu.

Thanh Nguyên vốn võ công thuộc hàng thượng thặng, nên các động tác giữ yên bánh lái, kéo giây căng buồm nàng làm thoăn thoắt và khi chiếc buồm lớn được căng lên, với tài điều khiển của nàng, buồm bọc gió đưa thuyền lướt nhanh trên mặt biển bao la. Thanh Ngân muốn học cách đi thuyền trên biển của Lý Thanh Nguyên, nhưng thuyền quá nhỏ, sợ nàng hiểu lầm mình muốn lợi dụng cơ hội để gần gũi lân la, nên ngồi yên nhìn mặt biển mông lung và chân trời đang dần dần ửng đỏ. Thanh Ngân vô cùng thích thú nhìn vầng dương từ từ nhô lên trên mặt biển xanh.

Lý Thanh Nguyên, thấy Thanh Ngân ngồi yên lặng khá lâu, lên tiếng, đánh tan bầu không khí chợt trở nên trầm lặng:

- Cảm tưởng của Lê huynh với biển như thế nào?

Thanh Ngân vui vẻ:

- Thật là tuyệt diệu được nhìn cảnh ban mai trên biển. Đây là lần đầu tiên đệ được nhìn thấy nên thích thú vô cùng.

Thanh Nguyên:

- Những gì mới lạ sẽ khiến cho con người thích thú, nhưng khi đã quen lại trở nên nhàm chán hay không còn chú ý nữa. Phía trước, gần mũi thuyền, có một ngăn nhỏ trong đó có nước uống, rượu và lương khô, tại hạ phải lái thuyền không thể phân thân hầu tiếp Lê huynh, rất mong Lê huynh tự nhiên. Lê huynh có thể uống rượu để thưởng thức cảnh biển trời.

Thanh Ngân:

- Tại hạ uống rượu ngắm cảnh trong khi công chúa lại phải cực nhọc lái thuyền, tại hạ càng thấy mình vô dụng, chi bằng công chúa chỉ tại hạ cách điều khiển để tại hạ được lái thuyền cho công chúa.

Thanh Nguyên:

- Lê huynh đã biết đi thuyền trên sông, thì trên biển chỉ cần có thêm một chút kinh nghiệm lượn theo đợt sóng và canh phương hướng theo kim la bàn mà thôi. Lê huynh muốn học, ta không có gì phải dấu.

Thanh Ngân thích thú:

- Nếu vậy tại hạ cảm ơn công chúa.

Thanh Ngân quay lại, ra phía sau lái với Thanh Nguyên, nàng chỉ những lượn sóng chung quanh chỉ dẫn nên đưa thuyền đi như thế nào, và nàng cũng chỉ cách dùng la bàn định phương hướng. Sau khi được nàng giảng giải kỹ thuật hàng hải, Thanh Ngân lãnh ngộ ngay và thay thế Thanh Nguyên điều khiển con thuyền. Thanh Nguyên vui vẻ để cho Thanh Ngân thực tập, và nàng rất kinh ngạc thấy chỉ trong vài phút bối rối lúc đầu, Thanh Ngân đã bẻ lái, kéo thả cánh buồm cho thuận gió, thuyền xuôi sóng như tay thủy thủ hàng hải rành nghề. Thuyền của Đông Hải Nhị Tẩu theo sau không xa, khi họ thấy Thanh Nguyên giao thuyền cho Thanh Ngân lấy làm khó chịu nhưng rồi họ cũng kinh ngạc vì không ngờ Thanh Ngân lái thuyền sành sỏi như vậy.

Nhờ được lái thuyền, Thanh Ngân biết thuyền đi chênh chếch về phía Nam. Thanh Nguyên được rảnh rổi, lấy lương khô và rượu mời điểm tâm, kể chuyện biển cả cho Thanh Ngân nghe. Gặp nàng trong Vọng Giang Lâu, rồi trên thuyền Yết Kỳ, Thanh Ngân không mấy thiện cảm, cho nàng là người lãnh đạm, tà ác, nhưng qua giọng nói ngọt ngào, duyên dáng với những câu truyện nhỏ không đâu nhưng vui tươi, làm Thanh Ngân bớt lần ác cảm và họ dần dần trở nên thân thiện.

Thời bấy giờ người ta vẫn cho rằng đi quá xa ngoài biển sẽ đụng chân trời là hố sâu thăm thẳm nên ít người mạo hiểm, và cũng do không quan tâm đến giá trị của biển cả, các hải đảo, vì thế sách vở về địa dư Đại Việt không đề cập đến nhiều. Kiến thức của Thanh Ngân chỉ là kiến thức từ sách vở, nên khi nhìn trở lại không còn thấy đất liền, và phiá trước vẫn mênh mông vô tận, nước biển càng lúc càng xanh, bóng chim càng lúc càng thưa thớt, thì hỏi Thanh Nguyên:

- Tại hạ nghe rằng đi xa ngoài biển không gặp chốn đào nguyên, thì đụng chân trời không thể quay về, công chúa ở ngoài hải đảo có nghĩ như vậy hay không?

Thanh Nguyên mỉm cười:

- Chốn đào nguyên có lẽ chỉ dành cho nam nhân như Lê huynh đi lạc đến mà thôi. Còn biển cả theo ta biết thì mênh mông vô tận. Ta chưa được dịp đi những chuyến hải hành xa, nhưng theo lời gia mẫu và các trưởng lão, thì ngoài biển có vô số đảo, đảo lớn, đảo nhỏ, có những đảo nhỏ không vết chân người, nhưng những đảo lớn có dân man di sinh sống, còn có đảo là cả một vương quốc không khác gì Đại Việt.

Thanh Ngân chép miệng:

- Trời đất mênh mông vô tận khó có thể nào biết hết. Được đi với công chúa hôm nay tại hạ được mở mang kiến thức rất nhiều. Một ngày nào đó có thể tại hạ đóng một chiếc thuyền lớn để đi quan lãm cho biết các nơi xa lạ.

Thanh Nguyên cười khúc khích:

- Lê huynh đi thám thính biển cả hay tìm chốn đào nguyên? Dù sao, ngày nào Lê huynh nhã hứng, Tiêu Dao Đảo có thể đóng giúp cho Lê huynh một chiếc thuyền như ý.

Vừa lái thuyền vừa chuyện vãn với Thanh Nguyên, nhưng Thanh Ngân cũng để ý trời về trưa sức gió càng yếu đi, nên hỏi:

- Gió hình như càng lúc càng yếu, làm sao chúng ta có thể đi nhanh được?

Thanh Nguyên:

- Trời tháng này, nửa đêm có gió trong đất liền thổi ra, nhưng đến trưa chiều, thì gió Đông Nam lại thổi vào. Lúc này là lúc hai ngọn gió giao nhau và Lê huynh cũng sắp sửa chuẩn bị để lấy sức gió Đông Nam mà đưa thuyền chúng ta đi ngược gió về hướng Đông Bắc.

Thanh Ngân:

- Nếu vậy chúng ta phải chậm trễ rất nhiều, đi ngược gió chẳng những chậm mà lộ trình theo hình chữ chi lại trở nên dài ra.

Thanh Nguyên thở dài:

- Đành phải vậy chứ biết sao hơn! Dù chúng ta có nôn nóng cũng không thể chèo thuyền vượt cả hàng trăm dặm hải hành.

Thanh Ngân an ủi:

- Bọn hắc y ra Tiêu Dao Đảo cũng phải dùng thuyền, và như vậy chúng cũng không thể nhanh hơn thuyền nhỏ của chúng ta được.

Thanh Nguyên lo âu:

- Ta chỉ cầu trời là chúng không đi sớm hơn chúng ta một ngày. Nếu chúng ra Tiêu Dao Đảo một ngày hay mấy ngày trước, thì thật tai họa vô cùng vì trên đảo hiện giờ chỉ có mẫu thân ta và bốn vị hầu tướng là có võ công cao siêu mà thôi.

Thanh Ngân thăm dò:

- Võ công của bốn vị hầu tướng hẳn cũng không kém so với Yết Kỳ?

Thanh Nguyên gật đầu:

- Võ công của họ so với Yết Kỳ cũng một chín một mười. Trên giang hồ hiện nay, Khô Mộc Giang Vương Yết Kỳ, Thiềm Mục Lão Nhân, Võ Lâm Tam Tuyệt, Ngân Sơn Ma Nữ, Yên Tử Thần Tăng, Côn Lĩnh Đầu Đà, Lang Cung Yêu Đạo..có thể nói không hơn kém nhau là bao. Ta cũng nghĩ các đại cao thủ chính tà trong đất liền chỉ mấy người ấy. Không ngờ đêm qua ta lại thấy được nhiều cao thủ vô danh có thể làm khó cho ta và hai vị trưởng lão.

Thanh Ngân:

- Những cao thủ dưới trướng Trần Thủ Độ theo ý của công chúa thì thế nào?

Thanh Nguyên:

- Hoàng Liên nhất lão võ công có lẽ trên những danh thủ giang hồ như Yết Kỳ chút đỉnh, nhưng lão xử dụng độc vật rất thần kỳ, cho nên có thể được liệt ngang hàng với nhị vị trưởng lão. Còn những cao thủ khác chẳng có ai xuất sắc.

Thanh Ngân thấy ngọn gió hiu hắt lần lần ngừng hẳn, chiếc buồm gần như xụi lơ, thuyền trở nên dật dờ trên sóng, nói:

- Chẳng có một chút gió nào cả, hay là chúng ta hạ buồm, cùng nhau chèo một đoạn.

Thanh Nguyên:

- Không có gió để buồm chỉ làm cho chiếc thuyền dễ mất quân bằng, làm theo ý Lê huynh là hay nhất.

Được Thanh Nguyên tán đồng, Thanh Ngân hạ buồm, cùng nàng cầm chèo quẫy nước đưa thuyền đi. Thanh Ngân thấy thuyền Đông Hải Nhị Tẩu cũng làm tương tự.

Họ chèo khá lâu, nhưng ngọn gió mùa vẫn còn biền biệt nơi đâu. Trên mặt biển nhưng họ cảm thấy ánh nắng gay gắt và mặt biển nhấp nhô lần lần như trở nên bằng phẳng. Thanh Nguyên nhìn mặt biển lộ vẻ lo âu, Thanh Ngân chưa kịp tìm hiểu vì nguyên nhân gì thì nghe tiếng Đông Hải Nhị Tẩu:

- Thưa công chúa, khí hậu thế này, nhất định sắp có cơn mưa lớn hay bão biển. Chúng ta phải trở thuyền vào bờ gấp.

Thanh Nguyên:

- Làm sao chúng ta có thể vào bờ kịp trong lúc này? Sẽ có mưa to hay gió lớn, nhưng với công lực của chúng ta và sự rắn chắc của hai chiếc thuyền, ta nghĩ chúng ta cứ mạo hiểm đi tới hơn là quay trở lại.

Đông Hải Nhị Tẩu nhìn mặt biển mông lung, họ đã đi cách bờ hàng trăm dặm, dù có quay trở lại thì tình trạng của họ cũng chẳng có thể thay đổi được nên nói:

- Hai lão già vô dụng chúng tôi đã không để ý và tiên đoán được thời tiết, để công chúa phải gặp cảnh hiểm nguy sắp tới, mong công chúa tha lỗi, và như công chúa nói chúng ta không còn cách chọn lựa nào khác.

Thanh Nguyên:

- Hai vị trưởng lão đừng nên tự trách mình, vì chúng ta phải vội vã quay trở về đảo không còn tâm trí chú ý đến điều gì khác. Hơn nữa, thời tiết đêm qua chẳng có một dấu hiệu bất thường nào.

Nàng nói với Thanh Ngân:

- Lê huynh! Thời tiết này sẽ có mưa bão, nhưng bây giờ không còn cách gì để chạy tránh cho kịp. Vì chuyện chúng tôi mà Lê huynh phải mạo hiểm. Chẳng biết sao hơn, mong Lê huynh niệm tình thông cảm.

Thanh Ngân nhìn mặt biển yên lặng, và bầu trời nóng rực lửa, không hiểu kinh nghiệm nào để Thanh Nguyên và Đông Hải Nhị Tẩu phải lo âu như vậy. Dù gì xảy ra, đã là những kẻ đồng thuyền, muốn chạy tránh một mình cũng không xong, thuật phi hành thủy thượng phiêu không thể áp dụng vượt mặt biển mênh mông, và dù có khả năng thần tiên này đi nữa, Thanh Ngân đâu có thể chạy lánh một mình? Chỉ an ủi Thanh Nguyên:

- Công chúa không phải quan tâm, gió bão là việc của trời đất làm sao chúng ta có thể dự đoán chính xác. Và có gì đi nữa, tại hạ há vì thế mà buồn trách? Tại hạ nghĩ, mùa này dù có mưa bão đi nữa cũng không lớn lắm đâu, với võ công của chúng ta, vẫn có thể bảo vệ chiếc thuyền con này được.

Thanh Nguyên nhìn mặt biển:

- Cảm ơn Lê Huynh! Ta cũng hy vọng như vậy, mặt biển lặng như hồ thu là dấu hiệu của một trận bão lớn sắp tràn tới, nhưng bầu trời vẫn trong nên có thể dự đoán của tiểu muội là sai lầm.


/73

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

adsdoctruyen@gmail.com

DMCA.com Protection Status