Nếu Biết Trăm Năm Là Hữu Hạn

Chương 10

/10


Bởi vì yêu chính là đã nhận

Ngày xưa, trong nhóm bạn của tôi có một anh bạn yêu thầm một cô trong nhóm. Chúng tôi ủng hộ tinh thần cho anh chàng thổ lộ. Nhưng… cô bạn từ chối.

May sao tình bạn vẫn được duy trì. Nhưng tình yêu đơn phương của anh bạn cũng vậy. Anh nói “không cần em đáp lại, nhưng đừng cấm anh tiếp tục yêu”. Thì không cấm, bởi tình yêu ai mà cấm được. Tình yêu là điều không thể lên kế hoạch. Người ta đâu thể yêu chỉ vì được yêu, và cũng khó mà hết yêu ngay chỉ vì bị từ chối.

Nhóm bạn của tôi vẫn thân thiết êm đềm với nhau cho đến khi cô bạn có ý trung nhân. Lúc đó cô mới…phiền lòng, vì cô luôn thấy tồn tại rất gần, quanh quẩn bên cuộc sống của mình một anh chàng trồng cây si trong bóng tối. Mặc dù khi gặp cô anh luôn vui vẻ chân thành “chúc em hạnh phúc” nhưng thỉnh thoảng vẫn thổ lộ tâm sự với người này người nọ. Tất nhiên đến tai cô. Điều đó khiến cô cảm thấy như một phần trái tim mình bị cầm tù ngoài ý muốn.

Chúng tôi đột nhiên bị chia làm hai phe. Một phe nói rằng tình yêu phải xuất phát từ hai phía, nếu anh bạn kia thực sự vì cô thì hãy quên cô đi mà tìm người khác. Chứ nếu cứ yêu …đơn phương như vậy hoài thì không phải thủy chung mà là ngoan cố.

Một phe bênh anh chàng, bảo rằng “Người ta chỉ yêu thôi thì đâu có lỗi gì. Người ta đã chấp nhận “yêu chay”, không mong nhận lại, không đòi hỏi, không làm phiền. Mắc mớ gì mà cấm.” Có người còn trích dẫn Larmartine “Yêu vì mong được yêu lại là con người, yêu chỉ để yêu là thiên thần” và hùng hồn tuyên bố anh bạn tôi thuộc dạng… thiên thần.

Cuộc tranh luận không có hồi kết, bởi sau đó cô bạn theo chồng, anh bạn cũng đi xa… Đã mười mấy năm có lẽ. Nhưng mới đây mail về anh vẫn nhắc đến cô.

Tôi chợt nhớ đến câu chuyện đó khi đọc được bài viết “Tình yêu là vị kỷ”của một tiến sĩ triết học tên là Gary Hull. Hull viết “Chúng ta vẫn được nhắc đi nhắc lại, rằng tình yêu phải bao gồm sự hy sinh. Chúng ta thường được răn dạy rằng tình yêu dựa trên những lợi ích riêng - là thứ tình thấp kém và hèn hạ. Rằng tình yêu đích thực là phải vì người khác. Nhưng có thật vậy chăng?

Thử tưởng tượng một tấm thiệp Valentine viết bởi một người yêu theo chủ nghĩa hy sinh ‘cho mà không cần nhận lại’ với những dòng chữ sau: “Anh chẳng vui vẻ gì với sự hiện diện của em. Anh không có được sự thích thú cá nhân nào khi nhìn ngắm khuôn mặt em, dáng người em, cách em bước đi, hành động hay suy nghĩ. Mối quan hệ của chúng ta không đem lại ích lợi gì cho anh (mà chỉ cho em). Em không thỏa mãn bất cứ nhu cầu thể xác, cảm xúc hay trí tuệ nào của anh. Em là một cái thùng từ thiện (nơi anh trao tặng vô điều kiện tình yêu của mình). Yêu em. XXX”.

Ví dụ thú vị của ông khiến tôi suy nghĩ. Ai sẽ khát khao kiểu tình yêu đó? Chắc chắn không phải tôi, có lẽ cũng không phải bạn.

Theo Gary Hull thì tình yêu đích thực trái ngược hoàn toàn với điều đó. Nó có thể là kinh nghiệm ích kỷ nhất mà một người có thể nếm trải, theo ý nghĩa chính xác nhất của từ này: Yêu là tìm kiếm lợi ích trước hết cho chính cuộc đời ta mà không đòi hỏi sự hy sinh của người khác hay của bản thân ta. Ông khẳng định rằng, chính vì vậy mà những người mong đợi mình sẽ nhận được một tình yêu “vô điều kiện” dựa trên chủ nghĩa hy sinh - là những kẻ ăn bám, cố gắng giành lấy một giá trị tinh thần mà mình không đáng có - cùng một cách với những kẻ trộm cố gắng đoạt lấy của cải vật chất không do công sức mình làm ra.

Đúng là người ta thường tô đậm chữ hy sinh trong tình yêu mà quên rằng, một tình yêu thực sự đẹp là tình yêu sâu đậm từ cả hai phía mà không ai phải hy sinh cho ai cả. Tình yêu đẹp nhất là cả hai cùng hưởng lợi mà không ai thiệt hại.

Yêu một người là vị kỷ, vì ta yêu một người trước hết là bởi người ấy mang một giá trị đối với riêng ta theo tiêu chuẩn của ta, rằng người ấy làm cho cuộc đời ta trở nên tốt đẹp hơn, tràn đầy hơn, ý nghĩa hơn, rằng người ấy là một nguồn vui lớn lao của ta. Ngược lại, hãy nhớ rằng ta được yêu bởi ta có một “giá trị” đối với người ấy.

Giá trị đó khác nhau tùy theo tiêu chuẩn của mỗi người. Có khi nó là cảm giác được dựa dẫm, được ngưỡng mộ, có khi là cảm giác được thưởng ngoạn một vẻ đẹp, là việc hưởng thụ một cảm xúc, nhưng rất thường khi đó chỉ là một cảm giác bình yên, nhẹ nhõm trong lòng, hay cảm giác ấm áp, được tin cậy. Nó có thể khó nhận ra bởi sự trộn lẫn giữa bao nhiêu cảm xúc thường ngày, nhưng lại vô cùng quan trọng. Bởi nếu nó không được duy trì, trước sau gì tình yêu cũng sẽ tan theo. Chính vì vậy mà cách giữ gìn tình yêu hiệu quả nhất chính là tìm ra giá trị của người ấy đối với ta, đồng thời nhận ra giá trị của ta đối với người ấy và giữ cho hai giá trị ấy được cân bằng. Đừng để xảy ra tình trạng “được lòng ta - xót xa lòng người”.

Nhiều năm về trước, tôi đã tự hỏi mình, vì sao tình yêu đơn phương tồn tại? Vì sao người ta có thể ôm ấp hình bóng một người suốt hàng chục năm trời mà thậm chí không cần người ấy hay biết hay đáp trả? Bây giờ tôi chợt nhận ra lý do. Đó là bởi tình yêu tự nó đã làm thỏa lòng ta rồi, trước cả nỗi khổ đau vì không được đáp trả.

Daisaku Ikeda viết trong Con đường tuổi trẻ rằng: “Hạnh phúc không phải là một cái gì đó mà người khác - như một bạn gái hay bạn trai - có thể hiến tặng cho chúng ta. Ta phải hoàn thành cho chính mình”.

Niềm hạnh phúc sâu xa và trọn vẹn nhất mà chúng ta cảm nhận được trong tình yêu, không phải khi ta nhận ra rằng mình được yêu mà là khi ta nhận ra rằng mình yêu.

Bởi vì yêu chính là đã nhận.

Sự hữu hạn của cảm xúc

Lẽ nào em buộc cánh anh

Buộc cánh anh

Buộc cánh anh cũng chẳng thành tình yêu?(8)

8. Trích “Lời ru với anh” - thơ Lý Phương Liên.

Tôi có một cô bạn, mỗi khi có chuyện buồn hay cảm thấy mình trống rỗng, thường đến tiệm làm đầu và đổi một kiểu tóc mới. Dài thành ngắn, thậm chí ngắn thành dài, thẳng thành xoăn tít và đôi khi ngược lại. Dường như kiểu tóc có tác dụng phi thường đối với phụ nữ, ngay sau khi ra khỏi đó, cô biến thành một con người khác hẳn, không chỉ về ngoại hình, mà còn trạng thái cảm xúc.

Việc cắt tóc đối với tôi cũng có chút ý nghĩa, nhưng đến mức mạnh mẽ như vậy thì không. Có lần trò chuyện về việc ấy, cô nói với tôi rằng: “Bạn có nhận ra không. Cảm xúc của chúng ta là thứ hữu hạn. Và khi đến tột cùng của một cảm xúc, nó phải đổi sang một trạng thái khác. Hỷ nộ ái ố đều như vậy cả. Có người chờ đợi sự thay đổi đó một cách thụ động. Còn mình, mình biết mình có thể chủ động thay đổi một cảm xúc khi đã tới hạn”

Thực ra, tôi đã quên hết gần như tất cả những câu nói của cô trong suốt nhiều năm thân thiết với nhau, chỉ câu nói đó là tôi còn nhớ mãi.

Tôi đã nhận được không ít email và lời nhắn hỏi vì sao những bài Cảm Thức ký tên Phạm Lữ Ân cứ thưa dần. Và tôi nhận ra rằng tôi chưa bao giờ chia sẻ với bạn về điều đó.

Trong đời làm báo của mình, tôi có rất nhiều bút danh. Có những bút danh của thuở 20, tôi không bao giờ dùng lại. Cũng có những bút danh chỉ gắn liền với một tờ báo, hay một chuyên mục, và một thời điểm nào đó. Phạm Lữ Ân cũng vậy, điều đặc biệt nhất là ngay từ đầu, tôi đã muốn những bài viết ký tên này phải luôn luôn THẬT. Nó phải xuất phát từ những trải nghiệm của chính tôi, và viết bằng cảm xúc từ trái tim tôi. Nó không chỉ để chia sẻ với bạn, mà còn để tôi đọc lại khi cảm thấy tôi đang lạc mất chính mình. Trong một thời điểm nào đó, nó còn để tôi trao lại cho con cái như một món quà, để chúng có thể nhìn thấy cuộc đời qua một lăng kính trong sáng và thành thực nhất.

Tôi có thể viết những bài Cảm Thức cho đến tận cuối đời, nhưng không thể lên lịch. Bởi chúng ta không thể đặt lịch cho cảm xúc. Những bài viết này phải không giáo điều, không xã giao. Nó không phải là sáng tác, cũng không phải là những bài báo đơn thuần cung cấp thông tin. Và khi xác định nó là như vậy, thì tôi chạm phải điều này: Năng lực sáng tác là vô hạn. Khả năng khai thác rồi cung cấp thông tin cho bạn đọc cũng không có điểm cuối. Nhưng, cảm xúc của chúng ta là hữu hạn. Hết ghét, đến yêu. Hết giận, đến thương. Hết vui, đến buồn. Qua thất vọng, là hy vọng, và đôi khi trở lại tuyệt vọng. Các cảm xúc xoay vòng với bất cứ ai. Nếu sống thành thật, chúng ta sẽ như một con tắc kè hoa, đổi màu da theo cảm xúc của mình.

Cảm Thức là những gì tôi viết từ đáy tim. Đằng sau bút danh ấy là một con người, hay đôi lúc là hai con người gắn bó như một. Và khi là con người, chúng ta phải trải qua những biến cố mà sau đó, ta cần có thời gian để ngẫm nghĩ, đối diện với chính mình, nạp lại năng lượng, thay đổi cảm xúc, trau dồi trải nghiệm của bản thân. Là con người, đôi khi chúng ta nhận ra rằng mình cần dừng lại. Rất nhiều khi, dừng lại khó hơn là đi tiếp. Nhưng dừng lại để thay đổi, để rẽ qua một hướng mới, là điều cần thiết. Dừng lại, để không bị trôi theo quán tính, hay bị cuốn đi bởi ảo tưởng.

Có một lần, tôi “chat” với bạn qua Yahoo. Bạn hỏi tên một loại gỗ mà tôi chỉ nhớ mang máng. Tôi nói “đợi một chút” và mở Google. Chỉ trong 30 giây tôi tìm được câu trả lời, cho bạn. Bạn cảm kích và khâm phục tôi lắm. Bạn nghĩ rằng tôi là kẻ biết tuốt. Thỉnh thoảng chúng ta vẫn tự lừa gạt mình với những ảo tưởng như vậy. Với việc tự mình tìm câu trả lời cho bạn, tôi đã gặm nhấm trong thoáng chốc cái ảo tưởng mình là kẻ biết tuốt, và tôi cũng lấy mất của bạn một cơ hội biết thêm nhiều thông tin về loại gỗ đó thay vì chỉ một cái tên.

Có những lúc, với bút danh khác, tôi đã viết những bài hài hước trong khi tâm trạng buồn bã. Nhưng với Phạm Lữ Ân, điều đó là không thể. Nếu tôi viết mà không xuất phát từ nhu cầu tự thân, rồi sẽ đến lúc tôi viết ra bằng trải nghiệm của người khác, tôi sẽ nói những lời mà tôi không tin, tôi sẽ khoe khoang những kiến thức chóng vánh có được từ Google. Và cảm xúc không thật nữa. Tôi cho rằng, nếu thành thật, chúng ta cần phải thú nhận sự hữu hạn của cảm xúc, và cả nhận thức. Nếu bạn nhặt được đôi lời khôn ngoan trong những bài Cảm thức, hãy nhớ rằng đó là những gì Phạm Lữ Ân đã học được từ cuộc sống, từ cha mẹ, thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp, từ sách vở và tất cả những người tôi đã gặp trong cuộc đời này. Còn nếu bạn bắt gặp những điều phiến diện và nông cạn, thì hãy nhớ rằng đó chính là suy nghĩ chủ quan của riêng tôi.

Mới đây, một người quen thông báo với tôi rằng anh đã quyết định rời khỏi vị trí của mình trong một công ty lớn, vị trí đã mang đến cho anh danh tiếng trong nghề và mức lương cùng những biệt đãi khiến không ít người mơ ước. Tôi đã rất ngạc nhiên khi anh ra đi chỉ vì một lý do đơn giản: “Cảm xúc đã cạn. Và cần phải thay đổi!”. Nhưng khi về đến nhà, tôi nhận ra rằng tất cả chúng ta đều cần thay đổi. Để trưởng thành về một mặt nào đó. Để khám phá phần còn lại mênh mông và bí hiểm của cuộc sống. Cái chúng ta để lại sau lưng không bao giờ so sánh được với những gì chúng ta có thể chinh phục phía trước.

Cũng giống như tạp chí “2!” vậy. Tôi vẫn còn nhớ ngày số báo đầu tiên của “2!” ra đời. Đó là một cái gì đó hoàn toàn mới mẻ. Và từ đó, tôi luôn mong rằng, sức thu hút của “2!” sẽ không nằm ở một vài trang mục cố định, hay lệ thuộc vào một con số ít ỏi những cái tên được yêu thích, mà nằm ở chỗ năng lực thay đổi của “2!” là vô hạn. Bạn đọc luôn có thể tìm thấy trong tờ báo những ý tưởng mới, những chuyên mục mới đầy hấp dẫn và hữu ích. Luôn luôn mới mẻ.

Tôi muốn cám ơn những người đã yêu quý Cảm Thức của Phạm Lữ Ân. Tôi cũng yêu quý Phạm Lữ Ân, và tôi muốn đó là một con người tự do, bởi tôi nhớ những câu thơ này của Lý Phương Liên:

“Em muốn anh như bàn tay

Xòe ra là gặp”(9)

9. Trích “Lời ru với anh” - thơ Lý Phương Liên

Nhưng…

Nếu là tình yêu, xin đừng ràng buộc. Dù là tình yêu, cũng đừng kỳ vọng. Hãy để tình yêu đó tự do. Chúng ta sẽ không muốn buộc mình vào một chiếc áo duy nhất, dù đó là một chiếc áo đẹp. Tôi sẽ để Phạm Lữ Ân ra đi, trong một chuyến viễn du nhằm khám phá những góc cạnh khác của bản thân mình. Và mong bạn cũng vậy. Hãy hy vọng rằng con người ấy sẽ quay lại một lúc nào đó, với một mái tóc mới, một chiếc áo mới, với những suy tư đã chín, và một cảm xúc khác đáng để chia sẻ với bạn.

Những mảnh ký ức cuối năm

Đó là một buổi chiều cuối năm, sau khi dọn dẹp xong nhà cửa, tôi ngồi trước máy tính nghe Lillian Bùi, một cô gái người Việt sống ở Mỹ có khuôn mặt bầu bĩnh, ôm cây đàn ghi ta và hát trên Youtube bài hát do cô tự viết lời và phổ nhạc.

You can't go back to childhood

The road doesn't go that way

It's overgrown with brush and woods

The gates are locked, decayed…

Tạm dịch:

Anh chẳng thể nào về lại ấu thơ đâu

Con đường không dẫn về phía ấy

Giữa um tùm bụi rậm và rừng cây

Cánh cổng xưa khóa kín rồi, đổ nát…

Giọng hát và giai điệu mộc mạc ấy ngay lập tức đưa tôi về những ngày xưa. Phải, cô gái ạ, tuổi thơ của chúng ta chỉ đến một lần trong đời. Và từ đó trở đi, ta sẽ nhớ về nó mãi, nhớ về nó rất nhiều lần trong suốt quãng đời còn lại. Tôi biết mình chẳng thể quay lại nữa, nhưng xin đừng ngăn cản tôi nhớ nhung.

Những ngày xưa tươi đẹp đã đi qua. Những điều gần gũi như cái chợ gần xóm cũ, mùi của những cọng rau ngày còn bé, thiên nhiên trong trẻo chung quanh và cả mối tình thơ dại nào đó. Nó dệt nên tuổi thơ của ta.

Cuộc đời của chúng ta cơ hồ được ghép bởi những mảnh ký ức. Chính thế, những mảnh ký ức vỡ làm nên đời ta. Những kỷ niệm êm đềm và thơm ngát như ngọn gió mùa xuân thổi qua thềm nhà buổi chiều xa xưa nào. Một mối tình dang dở. Một nụ hôn chưa kịp trao. Cái nắm tay vội vàng. Một sai lầm không thể cứu vãn. Một tổn thương ta gây ra cho ai đó, hoặc ai đó gây ra cho ta. Những mảnh vỡ của ký ức, đôi khi nhọn hoắt, đôi khi nát vụn…vẫn trở về với tôi hoài vào những chiều cuối năm.

Khoảng khắc đó, tôi có thói quen ngồi xuống một nơi yên tĩnh, và nhâm nhi “chiếc bánh Madeleine”(10) của đời mình, và cố lắp lại những mảnh vỡ đó… Chiếc bánh Madeleine của bạn là gì? Điều gì có thể đưa bạn trở lại ngày xưa? Với tôi đó là món ăn mẹ nấu như hồi bé thơ. Cuốn album cũ. Con đường cũ. Người bạn cũ. Một món đồ chơi cũ…

10. Madeleine là loại bánh bông lan mềm hình con sò xuất xứ từ Pháp, nhẹ, xốp, có vị béo thơm. Trong tác phẩm “Đi Tìm Thời Gian Đánh Mất” , Marcel Proust kể lại một buổi chiều đông rét mướt, khi bị nhuốm lạnh, tác giả nhấp một ngụm nước trà hòa với những mảnh vụn của một chiếc bánh “madeleine” để sưởi ấm người. Và hương vị của chiếc bánh thuở ấu thời đã đột ngột đánh thức những ký ức và cảm xúc thầm kín, đưa ông trở về quá khứ đi “tìm thời gian đánh mất” …

Tôi quen một người bạn. Anh thường ra phố Lê Công Kiều mua đồ cổ. Thật ra anh chẳng mua thứ gì đắt đỏ vì anh không có nhiều tiền. Anh chỉ mua những chiếc tô gấm chiết yêu vẽ xanh trắng. Anh chất từng chồng trong phòng mình. Tôi những tưởng anh mê lắm. Nhưng không, anh mua vì nhớ mẹ. Anh mua vì lúc anh còn nhỏ, gia đình còn nghèo, mẹ anh được ai đó tặng cho hai cái tô gấm và mấy cái chén sứ xanh trắng. Mẹ anh quý lắm. Anh nhớ, chỉ những bữa cơm ngày Ba mươi Tết, mẹ mới cho hai anh em anh ăn cháo gà trong chiếc tô gấm.

Rồi chiến tranh. Những món đồ sứ ít ỏi đó mẹ anh không giữ được. Và bà tiếc mãi, tiếc mãi… cho đến ngày ra đi. Anh nhớ mẹ, anh nhớ những buổi tối giao thừa sau khi dọn dẹp xong, anh ngồi nép bên mẹ nhìn mẹ anh lau sạch những chiếc chén xanh trắng tinh xảo và trầm trồ mãi. Và từ đó, dành dụm số tiền lương còm, anh mê mải tìm mua lại chút tuổi thơ xưa.

Tôi vẫn sống ở nơi mình từng sinh ra. Nhưng những hình ảnh cũ xưa đã không còn nữa. Cái giếng nước cũ. Hàng rào bông bụp đỏ. Tôi nhớ chúng. Những trái táo gai chua và xanh hái trên cây trong cái sân nhỏ trước nhà ở Phú Nhuận. Những trái mận từ nhà hàng xóm. Đôi khi, tôi nhớ tuổi thơ nên đi bộ ra đầu hẻm. Ngôi nhà đóng kín cửa. Tôi bấm chuông xin vào, chỉ để nhón chân lên hái một chùm mận. Bà cụ mỉm cười. Tôi cũng mỉm cười. Đôi khi, tôi đứng lại bên một bức tường, và nhặt lên một trái mận rơi. Những trái mận trong vườn, trái hồng nhạt và nhỏ, thật nhiều hạt. Tôi nhớ những cái hạt của trái mận biết bao nhiêu. Cuộc đời lạ lùng đến thế, chỉ là những hạt mận, vậy mà cơ hồ không còn thấy được bao nhiêu nữa. Nói gì bãi bể nương dâu...

Đôi lúc, tôi tin rằng dăm khoảnh khắc tìm lại tuổi thơ trong những ngày năm cùng tháng tận ấy đã trao lại cho tôi nguồn năng lượng mạnh mẽ, đến nỗi có thể giúp tôi vượt qua rất nhiều ngày khó khăn của thời gian còn lại trong một năm kế tiếp.

Cũng như những khoảnh khắc ta cuống quýt trở về nhà để đón Giao thừa vậy… Đó là thời khắc ta biết mình sắp mất một cái gì đó mơ hồ. Cái cảm giác ấy thật hoang mang. Đầy tiếc nuối, đầy hy vọng và cũng đầy nghi ngại. Tôi vẫn nghĩ về thời khắc giao thừa giống như một cánh cửa thời gian. Lật qua, lật lại. Đứng ở đó, ngay trước bàn thờ ông Thiên. Cỗ máy thời gian sẽ đưa ta đến một nơi khác. Biết đâu là ngày xưa…

Về nhà đi em. Sắp giao thừa rồi đó…Nhiều người bảo rằng chỉ thực sự thấy được không khí ngày Tết khi về ngôi nhà của mình dù nó có nhỏ bé thế nào…Về nhà đi. Ngồi xuống chiếc ghế ấm cúng thân quen này và nhâm nhi một “chiếc bánh Madeleine”. Rồi giao thừa sẽ đưa ta trở về tuổi thơ trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, nhưng vừa đủ để xoa dịu những tổn thương của chính ta. Để tha thứ cho những lỗi lầm của ta. Để làm thanh sạch trái tim ta lần nữa. Để tìm lại bình yên.

Nếu bạn không cảm thấy bình yên khi nhớ về thời thơ ấu, thì chẳng có tháng ngày nào nữa trong cuộc đời bạn có thể cảm thấy bình yên.

HẾT


/10

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

adsdoctruyen@gmail.com

DMCA.com Protection Status