Nếu Được Yêu Như Thế

Chương 2: Rời xa quê hương

/37


Thuấn Nhân nhìn qua cửa sổ, thấy Tử Chấn đi ra khỏi nhà Trăn Trăn. Cậu đứng lặng lẽ giữa đường, mắt cũng chợt nhìn về phía nhà Thuấn Nhân.

Thuấn Nhân nhẹ nhàng mở cửa sổ, vẫy tay gọi Tử Chấn. Tử Chấn chạy về phía đó, mặt nghếch lên cửa sổ nhìn Thuấn Nhân cười. Thuấn Nhân thổi nhẹ vào vết thương trên thái dương cậu, nói: "Đợi tớ một chút, tớ lấy thuốc bôi cho cậu."

Cô bé rón rén mở cửa đi lấy thuốc, bỗng bắt gặp ông nội đang chống gậy nhìn, nét mặt giận dữ. Ông nội cầm gậy đánh vào lưng Thuần Nhân: "Nửa đêm, mở cửa sổ thì thầm với con trai, học bao nhiêu chữ mà để đâu hết rồi hả, không thấy xấu hổ à?"

Thuấn Nhân đau đến nỗi chỉ biết kêu la. Tử Chấn nhảy qua cửa sổ, cố giằng lấy cây gậy từ tay ông nội Thuấn Nhân: "Ông ơi, ông đừng đánh bạn ấy, ông đánh cháu đi, hãy đánh cháu đi ông, đều là lỗi ở cháu!" Ông nội giận, ném cái gậy về phía Tử Chấn, cái gậy sượt qua vết thương ở thái dương. Tử Chấn đau quá, tay phải ôm lấy mặt, tay trái giữ chặt lấy tay ông, không ngừng van nài: "Ông ơi, ông đừng, đánh Thuấn Nhân nữa, cháu xin ông mà, đừng đánh nữa!" Tử Chấn không cảm thấy máu từ thái dương chảy qua khe bàn tay rơi xuống đất. Ông nội ngạc nhiên vô cùng, kêu Thuấn Nhân nhanh đi lấy bông băng và thuốc.

Thuấn Nhân lấy thuốc sát trùng, nhẹ nhàng bôi lên vết thương, hai hàng nước mắt từ từ lăn xuống gò má. Ông nội nói: "Để nó ngủ ở phòng sau sảnh lớn một đêm đi, sáng sớm mai phải về nhà ngay."

Ông nội quay về phòng, đôi mắt Tử Chấn sáng long lanh nhìn Thuấn Nhân rồi cười. Thấy đuôi tóc cột sau gáy của cô bé rối tung lên, mũi cô đỏ ửng, Tử Chấn nói: "Cậu đẹp lắm!"

Trong lòng Thuấn Nhân rạng ngời hạnh phúc, cô bé e thẹn cúi đầu cắt miếng gạc. Tử Chấn lại nói: "Cậu có nét hơi giống mẹ tớ."

Nghe thấy vậy, Thuấn Nhân lại có vẻ hơi buồn, lông mày cau lại: "Tớ còn chưa già như mẹ cậu đâu."

"Mẹ tớ không già chút nào." Tử Chấn vội vàng phân bua: "Sau này cậu có dịp đến Bắc Kinh, tớ sẽ cho cậu xem ảnh của mẹ tớ. Mẹ tớ trẻ lắm, thật đấy."

Thuấn Nhân dùng tay ấn nhẹ vào miếng dán ở thái dương Tử Chấn, bỗng cô bé hỏi: "Theo cậu, thế nào là một cô gái tốt?"

Tử Chấn nhíu mày nghĩ một hồi lâu, câu này dường như rất khó trả lời, một lúc sau mới nói: "Theo tớ, tiên nữ là tốt nhất, vừa xinh đẹp, vừa có thể biến hóa rất nhiều thứ, lại không bao giờ già. Nếu được ở cạnh tiên nữ thì sẽ không bao giờ cảm thấy đau khổ."

Thuấn Nhân "hừm" một tiếng: "Trên đời này làm gì có tiên nữ, chỉ nhiều ma quỷ thôi, nửa đêm chúng sẽ ngồi trên nóc nhà cậu, thè cái lưỡi dài ngoằng ra gọi cậu."

Tử Chấn nói: "Thật đấy, nếu có thể bay được lên trên trời thì tốt biết mấy, đó là nơi sạch sẽ nhất. Cậu có biết trên thế giới này, chỗ nào gần bầu trời nhất không?"

"Thì là dãy núi Himalaya đấy." Thuấn Nhân còn nói thêm: "Cậu đến Tây Tạng, sau đó từ từ leo lên trời, chỗ đó chính là nấc thang để đi lên trời, lên đến đó thì thành tiên rồi."

Tử Chấn biết cô bé đang cười nhạo mình nên có chút thất vọng, bèn nói sang chuyện khác: "Thuấn Nhân, ngày mai tớ phải về rồi."

Thuấn Nhân hiểu ý Tử Chấn, cô bé ngạc nhiên hỏi: "Cậu có tiền mua vé rồi à?"

Từ Chấn lắc đầu: "Tớ lên tỉnh trước, sau đó bắt tàu hỏa về Bắc Kinh."

Thuấn Nhân lại tò mò hòi: "Cậu về Bắc Kinh tìm ai thế?"

Tử Chấn nói: "Bà tớ ở Bắc Kinh, bà không biết tớ bị đưa đến đây. Tóm lại, về sẽ tốt hơn ở đây."

"Bà nào thế?'’ Thuấn Nhân hỏi.

"Bà ngoại tớ," Tử Chấn nhìn Thuấn Nhân vói vẻ khẩn cầu: "Thuấn Nhân à, cậu chuẩn bị cho tớ một ít bánh bao nhé, đợi khi nào cậu đến Bắc Kinh, tớ sẽ mời cậu đi ăn kẹo hồ lô, ăn bao nhiêu cũng được."

“Ồ, kẹo hồ lô", cái này thì Thuấn Nhân biết: "Nó làm từ quả sơn trà, vỏ ngoài có bọc đường, đã từng thấy trên ti vi, nhưng tớ lại không thích ăn quả sơn trà."

Tử Chấn lại dỗ dành: "Thế thì tớ sẽ dẫn cậu đi thăm Thiên An Môn nhé! Chúng ta sẽ thăm Cố Cung, sẽ được nhìn thấy quần áo, đồ trang sức, ghế ngồi, giường nằm của các hoàng hậu ngày xưa, thú vị lắm đấy."

Nghe ra có vẻ thú vị hơn những thứ ở làng quê nhiều, Thuấn Nhân nói: "Để tớ xin ông nội mấy đồng để cậu bắt xe lên tỉnh sau đó ngồi tàu hỏa về Bắc Kinh."

Tử Chấn nói: “Cậu đừng coi thường tớ nhé, chỉ cần một ngày là tớ có thể về tới Bắc Kinh rồi."

Thuấn Nhân không tin, cười hi hi trêu Tử Chấn: "Thời Tử Chấn, Thời Tử, Thời Tử, Tiểu Sư Tử! Sau này gọi cậu là Tiểu Sư Tử.”

“Thời ở đây nghĩa là thời gian, Tử Thời là nửa đêm, Chấn Thời là sáng sớm, cái tên này là do mẹ tớ đặt đấy, có nghĩa là, đi tới ánh sáng”, Tử Chấn nói. “Sư tử là vua của các loài vật, tớ thấy hay gọi tớ là Tiểu Thạch Tử đi.”

“Được đấy, thế thì gọi cậu là Tiểu Thạch Tử nhé.”

Cả hai đang nói chuyện thì ông nội bỗng đi đến đứng cạnh bàn, nói: “Ngày mai ông cùng Thuấn Nhân đến trường, xem kết quả thi cử của Tử Chấn thế nào, nếu cháu đỗ thì từ mai ăn cơm ở nhà ông, tối về nhà họ Diệp ngủ. Chờ đến khi nào thi đại học, ông sẽ cho cháu tiền xe về Bắc Kinh thi. Bây giờ đứa nào về phòng đứa đấy ngủ, còn ở đây thì thào to nhỏ nữa là ông đuổi đấy!”

Thuấn Nhân vội vàng thu gom bông băng bỏ vào hộp, trong lòng vui sướng, chốc chốc lại nghếch đầu liếc nhìn Tử Chấn, thấy cậu đang lè lưỡi trêu mình. Thuấn Nhân quay về phòng, mở tủ cất hộp bông băng, nhưng khi nhét cái hộp vào, tay lại bị vướng vào góc nhọn của chiếc hộp khác, Thuấn Nhân cầm ra, để lên bàn.

Tử Chấn nhìn thấy chiếc hộp xinh xắn, liền đi tới để nhìn kỹ hơn: “Chạm trổ rất tinh vi, xem ra chiếc hộp này có từ thời nhà Minh.”

Thuấn Nhân trợn tròn mắt, trong lòng rất khâm phục, nhưng lời nói ra thì ngược lại: “Sao cậu nói cứ như ông cụ non thế, đến mấy thứ này cũng biết à?”

Tử Chấn ngạo mạn nói: “Ăn nhằm gì? Từ nhỏ tớ đã biết nhìn mấy thứ này rồi.”

Thuấn Nhân gạt chiếc khóa cài, mở nắp hộp, lấy sợi dây để dưới đáy hộp ra, sợi dây được tết bằng da bò.

Thuấn Nhân cầm sợi dây đeo vào cổ tay Tử Chấn: “Lúc rảnh rỗi tớ tết đấy, xong rồi lại lười đeo, cất trong cái hộp này lâu rồi, tặng cậu đấy!” Nói xong, cô bé buộc hai đầu sợi dây lại, rồi đút ngón tay trỏ vào: “Ôi! Cậu đeo rộng quá, cũng không sao, đợi khi nào cậu lớn, sẽ vừa thôi!”

Tử Chấn hỏi: “Ai dạy cậu tết sợi dây này vậy?”

“Mẹ tớ đấy. Đây là sợi dây may mắn, buộc lại rồi sẽ không gỡ ra được. Nếu ước một điều, đợi khi nào sợi dây tự nhiên bị đứt, điều ước sẽ trở thành hiện thực.”

Tử Chấn nhắm mắt lại cầu nguyện. Thuấn Nhân thấy bộ dạng cậu có vẻ nghiêm túc nên cảm thấy rất buồn cười.

Một ngày trước kỳ nghỉ hè, kết quả cuối học kỳ được công bố. Tổng số điểm của Trăn Trăn đứng thứ năm cả lớp, cả năm đứng thứ mười chín.

Các học sinh đang bàn tán xôn xao trước tờ kết quả thi dán trên bảng, Thuấn Nhân tìm thấy tên mình vẫn chỉ đứng ở mức khá trở xuống. Xem xong từng môn, nghi ngờ điểm số môn toán cao hơn bình thường mười mấy điểm, cô bé định quay về lớp học giở bài làm ra xem lại. Vừa định quay người đi, nhưng cô lại quay lại, tìm tên Tử Chấn. Tên cậu ấy rất dễ tìm, chỉ cách cái tên Trăn Trăn có vài dòng. Thuấn Nhân nhìn thấy tên cậu cao như núi Thái Sơn, Tử Chấn xếp thứ nhất. Thấy vậy, cô bé nhoẻn miệng cười sung sướng.

Về đến lớp học, Thuấn Nhân xem lại bài thi từ đầu đến cuối. Mặt sau bài thi còn có câu hỏi phụ mười lăm điểm, Thuấn Nhân không làm, thầy giáo nhầm lẫn đã cộng thêm mười lăm điểm của phần này. Thế nên môn toán được một trăm linh năm điểm, nếu trừ đi mười lăm điểm thì chỉ còn lại chín mươi điểm. Thuấn Nhân nhìn thấy Trăn Trăn đang ngồi gần đó, liền vẫy tay gọi cô bé lại, đưa cho bạn xem bài thi của mình. Trăn Trăn liếc nhìn Thuấn Nhân: “Cậu không thể được điểm cao như vậy.”

Giọng Thuấn Nhân nhỏ lại: “Phải đấy, thầy chấm thừa mười lăm điểm. Tớ định tan học sẽ đến tìm thầy để sửa lại.”

Trăn Trăn nói: “Ngày mai nghỉ hè rồi, nếu như nghỉ hè xong mới sửa lại thì ai mà biết được cậu chỉ đạt chín mươi điểm, muốn sửa thì sửa bây giờ đi, cũng phải sửa lại bảng xếp hạng dán ở tường kia nữa.”

Thấy Thuấn Nhân im lặng, Trăn Trăn lại cao giọng: “Cậu có đi không? Cậu không đi là tớ báo cho cô chủ nhiệm đấy.”

Thuấn Nhân vội cầm bài kiểm tra mang đến phòng giám hiệu. Trên đường đi ngang qua bảng xếp hạng, cô bé dừng lại nhìn một lúc, nếu như phải trừ đi mười lăm điểm thì tên của cô bé lại bị tụt xuống tám bậc nữa. Nấn ná hồi lâu, cô bé thở dài một tiếng, đành phải đến phòng giám hiệu vậy.

Thầy Vương dạy môn toán không có ở đó, Thuấn Nhân đến tìm cô giáo chủ nhiệm. Cô nhìn lên chiếc đồng hồ treo tường: “Đã là buổi chiều rồi, bảng xếp hạng đó không kịp sửa nữa rồi, chờ thầy Vương về, em bảo thầy sửa ở bài kiểm tra là được rồi.”

Thuấn Nhân quay lại lớp học, ngại ngùng nói: “Thầy Vương không có ở đó, cô chủ nhiệm nói, bảng xếp hạng không cần sửa.”

Trăn Trăn nhắm mắt lại, không nói gì. Thuấn Nhân cúi đầu trở về chỗ của mình.

Tan học, Trăn Trăn đeo cặp chuẩn bị về nhà, Thuấn Nhân chờ Trăn Trăn đi ra cửa lớp học rồi mới thu dọn sách vở. Đến ngã ba gần đường Thạch Bản, nhìn thấy bóng dáng của Tử Chấn và Trăn Trăn, Thuấn Nhân định đi nhanh để đuổi kịp họ, nhưng rồi lại do dự, bước chậm lại. Cô bé nghe thấy tiếng Trăn Trăn nói: “Trà trộn vào đám đông để kiếm danh lợi, đúng là câu để nói loại người này, là bạn tốt của nhau, tớ mới không lên tiếng, chuyện này mà cả trường biết được thì sẽ chẳng có ai chơi với cậu ấy.”

Nghe thấy câu này, tim Thuấn Nhân đập mạnh hơn, lại nghe thấy Tử Chấn nói: “Đây cũng không hẳn là mưu đồ của cậu ấy, chỉ là cậu ấy may mắn mà thôi, tớ thấy người có vận may mới đúng là có thực lực.”

Trăn Trăn nói: “Điều này cũng chưa chắc, chắc chắn tớ sẽ đỗ vào trường hạng nhất, chứ cậu ấy đỗ được vào trường hạng ba đã là giỏi lắm rồi! Cái này không thể chỉ dựa vào vận may mà được đâu nhỉ?”

Tử Chấn không nói gì, chạy lên phía trước gọi to: “Lý Triệt, Lý Triệt! Chơi bóng không?”

Trăn Trăn quay đầu lại nhìn thấy Thuấn Nhân, định nói gì đó nhưng lại quay đầu đi tiếp.

Ông nội Thuấn Nhân đã suy nghĩ hai ngày nay, ông quyết định cho Thuấn Nhân lên tỉnh học. Ông nghĩ, Thuấn Nhân cũng lớn rồi, cần có một gia sư kèm cặp, hơn nữa kết quả học tập ở trường trung học huyện Uyển này tuy không tốt lắm, nhưng khi lên tỉnh, nó nhất định sẽ là đứa giỏi, cháu gái mình tài mạo song toàn cũng phải thôi. Nghĩ vậy, ông liền ra bưu điện gọi cho cô con gái đang ở trên tỉnh, nói cô giúp việc liên hệ chuyển trường.

Cô con gái đang sống trên tỉnh này là người con thứ ba của ông, tên Nhan Xuân Nam, đã kết hôn với một anh thủ trưởng trong quân đội. Ông Nhan tuy cũng có chân đứng trong trường đại học Bắc Kinh, nhưng trước mặt con gái cũng mất hết cả uy phong, dùng lời Nhan Xuân Nam mà nói thì là: “Thời của bố đã qua rồi.”

Thời của Nhan Xuân Nam là trong nhà phải có ô sin, có bảo vệ, phải theo phong cách phương Tây. Thời của ông Nhan lại ngồi ở cái nhà cũ kỹ gần đường Thạch Bản mà đọc Mao Trạch Đông toàn tập, trong cuộc sống thì cái gì cũng lơ mơ, động vào việc gì cũng không biết phải giải quyết thế nào. Ông Nhan không muốn cháu gái mình lạc vào cái thời của ông, xã hội bây giờ sang trang mới rồi thì để nó nhanh nhanh hòa nhập, nếu không sẽ bị cơn lốc xoáy của thời đại nhấn chìm. Cơn lốc ấy đã nhấn chìm con trai và con dâu ông rồi, cháu gái ông nhất định không được đi vào vết xe đổ đó.

Thuấn Nhân vốn định nhân dịp nghỉ hè sẽ về quê một người bạn cùng lớp chơi mấy ngày. Những ngọn núi dưới quê cao lắm, nếu trèo lên đó mà nhìn xuống dưới, cánh đồng lúa giống như bàn cờ, xanh xanh từng mảng, xa xa là những ngôi nhà tường trắng ngói đen, mây bay quanh những ngọn núi, giống như những làn khói bất tận, không khí trong lành, mát mẻ.

Trên thành phố thì làm gì có những cảnh sắc này. Ở đó chỉ có nhà cao, xe cộ đi lại tấp nập, có quần áo thời trang và giọng nói cũng khác. Thuấn Nhân vừa mừng vừa tủi, cô bé đi lại trong phòng suy nghĩ một lúc lâu, nói với ông là còn chưa tạm biệt Trăn Trăn rồi đi ra ngoài.

Trăn Trăn nghe Thuấn Nhân nói cô sắp phải đi, liền nói: “Viết thư hay gọi điện cho tớ nhé, điện thoại nhà cô cậu có đơn vị chồng cô ấy trả tiền nên gọi thoải mái, nhà tớ cũng sắp lắp điện thoại rồi, cậu có thể gọi tới chỗ anh tớ, nhờ anh ấy gọi tớ sang nghe.”

Thuấn Nhân gật đầu, nhưng mắt vẫn ngó nghiêng tìm kiếm.

Trăn Trăn nói: “Tử Chấn đến thôn Đường phụ đạo cho Tôn Chính Quảng rồi, ngày mai mới về. Tớ sẽ chuyển lời cho cậu.”

Thuấn Nhân “ừ” một tiếng, chần chừ một lát rồi lại nói: “Tớ ghi cho cậu số điện thoại nhà cô tớ nhé?”

Trăn Trăn nói: “Không cần đâu, cậu gọi cho tớ là được rồi, cậu gọi về thì không mất tiền.”

Nhà của cô Thuấn Nhân là một ngôi nhà nhỏ màu hồng có hai tầng. Đến nơi, cô đã đứng đón ở cổng. Bảo vệ và người giúp việc vội xách va li hành lý của ông cháu Thuấn Nhân vào nhà. Cô bé chào cô một tiếng rồi vào theo ông.

Xuân Nam tự tay đi rửa táo, rồi bưng một đĩa lên phòng khách. Thuấn Nhân vẫn đứng đó, không dám ngồi. Xuân Namthấy vậy cười và nói với ông Nhan: “Bố, sao bố lại để cho nó quê mùa, cứ như là lần đầu ra tỉnh thế? Gia đình nhà ta dù sao cũng là mấy đời dòng dõi quan lại kia mà.”

Ông Nhan có vẻ không vui: “Sao lại gọi là quê mùa được? Đấy gọi là lễ phép. Người lớn còn chưa ngồi, trẻ con sao dám ngồi? Từ lúc văn hóa phương Tây du nhập vào thì đen trắng, phải trái đảo lộn hết cả.”

Thuấn Nhân với đĩa trái cây, gọt táo mời ông, Xuân Namngắm cô bé từ đầu đến chân, nói: “Nhìn dễ thương thật đấy, toàn chọn những nét đẹp của bố mẹ. Thế nào? Ngày mai cô đưa cháu đi chơi công viên nhé?”

Tuy hỏi thế thôi, nhưng cô đã quay sang nói với anh bảo vệ: “Tiểu Giang này, cậu gọi cho thư ký Phương, bảo anh ta thông báo cho công viên Cổ Thành ngày mai đóng cửa sớm một tiếng, tôi muốn đi dạo một vòng.”

Ông Nhan vội xua tay, nói: “Thôi đi, thôi đi, bố không thích thế đâu, họ mở cửa khi nào thì chúng ta đến lúc đó, đừng có làm phiền họ.”

Xuân Nam cũng không ép, cô dẫn Thuấn Nhân đi xem hết tầng trên lại xuống tầng dưới, có phòng vệ sinh, phòng cho người giúp việc, kho, phòng khách, phòng đọc sách, phòng bếp, ban công. Xuân Nam chọn một phòng nhỏ quay về hướng nam cho Thuấn Nhân ở. Cô chỉ cho cô bé biết công tắc bóng đèn, ổ cắm ở đâu, rồi lại nói: “Chú của cháu bị suy nhược thần kinh, nên cháu nhớ là phải đi ngủ trước mười một giờ tối nhé.”

Thuấn Nhân hỏi: “Thế lỡ bài tập còn chưa làm xong thì sao hả cô?”

Xuân Nam tiện tay bê chậu hoa trên bàn ra ngoài ban công rồi nói: “Thì không làm nữa, hôm sau làm cũng được mà.”

Mới đến được có hai, ba ngày, Xuân Nam đã mua cho Thuấn Nhân bao nhiêu là quần áo, giày dép đẹp. Anh bảo vệ tên Tiểu Giang còn lái xe đưa cô bé đi dạo mấy khu mua sắm.

Thuấn Nhân thấy chán, nhà ở đây không cao như trong tưởng tượng, xe cộ cũng không nhiều, đường phố rất rộng, đến mức không biết đi đâu. Hơn nữa lại không có người bạn thân nào để nói chuyện. Cô của Thuấn Nhân có hai người con trai, cả hai đều chưa tới mười tuổi và rất nghịch nghợm, hết leo trèo rồi lại phá phách.

“Sắp đến ngày khai giảng rồi”, Thuấn Nhân nghĩ.

Thuấn Nhân không thích dạo phố lắm, cả ngày chỉ ngồi đọc sách trong phòng đọc của chú. Những loại sách cổ điển kiểu Tứ thư, Ngũ kinh, Nhị thập tứ sử, nhà ở huyện Uyển đều có, cô bé lại lấy Bàn về chiến tranh của Carl Von Clausewitz[1] ra đọc, được vài trang, cảm thấy không thể đọc tiếp được nữa bèn gập sách lại. Cô bé lại nhìn thấy trên bàn có chiếc điện thoại, cầm trên tay nghịch nghịch một hồi rồi gọi đến hiệu ảnh của anh họ Trăn Trăn. Diệp Vị Kỳ nghe thấy giọng của Thuấn Nhân ở đầu dây bên kia thì mừng lắm, cô bé hỏi Trăn Trăn có ở đó không, Vị Kỳ nói cô ấy đã về quê chơi rồi. Hai người nói chuyện một lát, thấy không còn gì để nói nữa, Thuấn Nhân định cúp máy, nhưng chần chừ vài giây rồi lại nói: “Phiền anh gọi hộ Tử Chấn qua nghe điện thoại.”

[1] Carl Von Clausewtz (1780-1831) là một binh sĩ của vương quốc Phổ, một nhà lịch sử học quân sự, lý luận học quân sự có tầm ảnh hưởng lớn.

Vị Kỳ nói: “Nó cũng không có ở nhà.”

Thuấn Nhân lại hỏi tiếp: “Cậu ấy đi đâu thế?”

Vị Kỳ đáp: “Không biết.”

Thuấn Nhân không tin lời Vị Kỳ nói, nhưng lại ngại không dám hỏi tiếp, đành buồn thiu đặt điện thoại xuống, nhìn lên trần nhà. Cô bé nghĩ, là con gái chán thật, muốn tìm một người cũng phải rào trước đón sau, trong lòng muốn nói lại không thể nói ra. Ngày nhỏ ghét đọc mấy quyển sách cổ văn, nhưng rốt cuộc nó cũng có cái lý của nó, đều là những thứ mà ông cha đã đúc kết lại qua mấy nghìn năm, không nghe thánh hiền dạy bảo, chắc chắn sẽ không thu được quả ngọt.

Thuấn Nhân mở ngăn bàn, lấy ra một tập giấy viết thư, để lên bàn, dùng tay xoa xoa cho phẳng, rồi mở nắp bút ra, tên người nhận để trống, chỉ nắn nót viết hai chữ: “Xin chào”, theo sau là một dấu chấm than, rồi xuống dòng viết ba chữ: “Tiểu Sư Tử.” Suy nghĩ đắn đo một hồi, lại xóa đi, viết thành: “Thời Tử Chấn.” Nhìn một hồi, cô bé vẫn cảm thấy không được thỏa đáng cho lắm, lại xóa đi, cuối cùng quyết định không viết họ tên nữa mà để trống một dòng dưới chữ: “Xin chào”, mở đầu bằng câu: “Một mình nơi tha hương làm khách lạ”, trong lòng nghĩ mở đầu bằng mấy câu thơ cho bức thư thêm phần sinh động.

Viết mãi cũng chỉ được có ba dòng, đọc đi đọc lại mấy lần, thấy cũng không hay lắm, cô bé dừng bút, suy nghĩ. Viết thư cho Tử Chấn không phải là cách hay, cậu ấy sẽ nghĩ mình có ý gì đó, như thế thì thật mất mặt, hay là gọi cho cậu ấy một cú điện thoại, như thế sẽ tự nhiên một chút, kiểu gì chả có lúc cậu ấy ở nhà.

Suy đi tính lại, Thuấn Nhân liền xé vụn tờ giấy, sau đó gom lại, soi dưới ánh mặt trời xem có đọc được chữ gì không, nhìn kỹ thì chỉ thấy dấu chấm than sau chữ “xin chào”, còn lại đều không rõ nữa, thế là cô bé cất tập giấy viết thư vào trong ngăn kéo, lôi quyển Bàn về chiến tranh ra xem. Nghe thấy bên ngoài có tiếng ồn, thấy không thể nuốt nổi mấy dòng chữ cứng nhắc ấy nữa, cô bé đành bỏ sách xuống, nhìn ra bên ngoài cửa sổ. Bầu trời ở đây không cao như ở huyện Uyển, nó thấp lắm, dường như với tay cũng có thể chạm tới, bầu trời chỉ có một màu xanh xám. Đã lâu rồi Thuấn Nhân không nhìn thấy mặt trời.


/37

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

adsdoctruyen@gmail.com

DMCA.com Protection Status