Người Bình Xuyên

Chương 71: NĂM 60 BẢY RÔ NHẬP ĐẠI HỌC CÔN ĐẢO LIÊN MỘT CẤP SO VỚI LÝT XÊ KHÁM LỚN

/74


Bảy Rô bị bắt trong nhóm binh vận gồm có ba người vào năm 58. Địch đưa nhóm anh đi khắp nơi, Chí Hòa, Gia Định, Thủ Đức, Phú Lợi trước khi đưa ra Côn Đảo. Vốn tính lạc quan, Bảy Rô coi thường chuyện ngồi khám và nói cà rỡn với hai bạn:

- Tụi nó phong ba đứa mình tổng thanh tra các khám đường.

Với thầy chú, Bảy Rô có cách tranh thủ tình cảm, ít khi xin xỏ bị từ chối. Những lúc gặp chủ ngục khó khăn không cho nước uống, bộ ba phải uống nước đái của nhau. Lúc thầy chú mở ngục, Bảy Rô đưa hai tay bị còng lên:

- Tui tui không xin thầy mở còng, chỉ xin thầy cho nước uống. Thầy cho một lon cũng bằng cất kiểng chùa, để đức cho con…

Thầy chú im lặng đi ra nhưng sau một lúc có người mang tới cho lon nước.

Nhưng không phải lúc nào Bảy Rô cũng xin xỏ thầy chú. Có lúc anh thật cương quyết, như năm 1960, anh vận động tẩy chay bữa tiệc bánh hỏi thịt quay để phản đối cánh đối xử vô nhân đạo của nhà tù. Kỳ đó anh bị bỏ đói một tuần. Lại phải trổ tài ngoại giao với thầy chú xin nước uống "cầm thực". Đang đói rã ruột, xin được nước, Bảy Rô không dám cho bạn uống tự do mà nhúng khăn mùi-soa cho bạn mút. Uống theo cách đó, Bảy Rô khám phá được một điều vô cùng lý thú: nước ngọt và béo lạ lùng.

Cuối năm 60, nhóm binh vận của Bảy Rô được đưa ra Côn Đảo. Đối với người chưa quen ngồi tù, nghe tin đi đảo ai cũng toát mồ hôi lạnh. Nhưng Bảy Rô lại càng thích chí. Anh đã vào "lít-xê Khám Lớn" 1 trước Cách mạng tháng Tám. Bây giờ được vào "Đại học Côn Đảo" thì con đường học vấn của anh kể như đẩy lên một cấp nữa. Ra đảo, Bảy Rô không lẻ loi. "Mình sẽ đựoc gặp các bạn Bình Xuyên như Năm Chảng, Mười Lực…" Như vậy trên đất lạ anh có người quen. Nhận định của Bảy Rô rất chính xác. Vừa đặt chân lên đảo, anh đã gặp Năm Chảng và ngay hôm sau được Năm Chảng tặng một món quà quý giá: Một rê thuốc Gò Vấp và một cuộn giấy quyến. Ở tù mà có chút khói là tuyệt rồi!

Người bạn nằm bên Bảy Rô là Ba Khá thường hay than thở ăn uống cực khổ, ăn ròng mắm ruốt, nưốt không vô. Ba Khá thèm một bữa ăn bình thường như lúc chưa sa lưới địch. Bảy Rô nghe bạn than hoài cũng khổ dùm bạn. Và anh nghĩ ra một cách giúp bạn qua cơn thèm khát:

- Anh Ba muốn ăn món gì? Tôi làm cho anh Ba ăn ngay. Mình ăn cá biển hoài ngán lắm.Bây giờ tui làm món cá bống mú chưng tương ăn nghe anh Ba? Cá bống lựa con lớn bằng cườm tay, mập núc, tròn quay, bắt lên còn giãy đành đạch; mài con dao cho thật béng để đánh vẩy cho ngọt. Tương phải qua tận vựa, bên hông Lăng Ông Bà Chiểu mà mua. Đó là tương y, đem về bầm nhuyễn, rồi còn cả chục thứ gia vị như kim châm, nấm mèo, bún tàu, gừng, ớt, tiêu, ngò. Nhớ phải có gừng, thiếu không được. Gừng là vị thuốc, ăn vô ấm bụng. Để lửa liu riu cho cá chín đều, đừng có nóng này chụm lửa cháy phừng lên là tiêu hết cá. Vừa sôi là bỏ hành ngò rồi bắc xuống dọn ra ăn liền cho nóng sốt. Sao, có vừa miệng không anh Ba?

Bảy Rô liếc thấy Ba Khá nuốt nướng miếng đánh ực, bật cười nói tiếp:

- Ấy, ăn từ từ! Anh ăn mặn quá, mới đó mà hết con cá bóng mú rồi. Bây giờ phải làm món khác cho anh ăn, kẻo chua miệng. Món thứ hai tôi đãi anh món đặc biệt: đầu trâu khìa ăn với bánh trán mè đen. Món này nhậu với nếp than thì quên thôi. Bậy quá! Mình phải làm món này trước, nhậu lai rai trước khi ăn cơm với cá bống mú chưng tương thì đúng điệu hơn. Đầu trâu mua về, đốt lửa làm lông, luộc sơ qua rồi ướp ngũ vị hương. Bắc chảo lên bếp, cũng để lửa riu riu, chà, thơm quá! Anh Ba có nghe mùi thịt ướp ngũ vị hương chín vàng bốc lên đó không?

Ba Khá hít mạnh, tưởng như có mùi thịt trâu ướp ngũ vị hương thơm phức đâu đó, làm Bảy Rô cố nhịn cười cũng không nín được…

Trò chơi trẻ con đó cũng giúp cho các bạn trong dãy cầm cố vượt qua những thử thách triền miên trong nhà tù Mỹ-ngụy. Đối với anh, Côn Đảo còn dễ thở hơn Phú Lợi. Lúc chúng đưa anh vô Phú Lợi là luc Diệm điên cuồng đầy chiến dịch tố Cộng lên cao đột thành chiến dịch diệt Cộng. Giết tù Cộng sản là chuyện đáng khuyến khích, đáng khen thường. Cho nên trên 500 tù được dồn vô môt phòng chỉ sức chứa chừng hai trăm. Một thứ kỷ luật vô cùng khắc nghiệt: không ai được quyền nhìn nhau. Chúng sợ ánh mắt người tù nói lên nhiều điều không hay cho chúng. 500 người mà chỉ có dãy cầu bốn xí. Nhiều người không chờ được, ỉa ngay trong quần. Bảy Rô đến đúng lúc anh em mở chiến dịch chống chào cờ. Địch khủng bố dữ dội, nhưng trong số năm trăm người chì có 34 người nhát đòn chịu chào cờ ba que. Kế đến là chiến dịch không học bài hát suy tôn Ngô Tổng thống. Tên hồi chánh Hải tới dụ Bảy Rô học hát. Bảy Rô chỉ trán vồ của mình lắc đầu:

- Hát rồi thả tôi ra tôi cũng không hát được. Ở mấy khám khác tôi bị đòn loạn óc rồi. Làm sao học thuộc bài hát được?

Lúc địch buộc hô to khẩu hiêu "Ngô Tổng thống muôn năm", Bảy Rô hô "hai năm". Thầy chú bắt lên văn phòng hạch hỏi:

- Tại sao hô "hai năm"?

Bảy Rô nói thật tình:

- Mấy thằng hô "muôn năm" là mấy thằng xạo! Làm sao biết ổng đứng vững muôn năm? Còn tôi, tôi ủng hộ hai năm. Hết nhiệm kỳ hai năm mà ổng còn thì tôi ủng hộ thêm hai năm nữa. Mấy thầy thấy ai đúng ai sai?

Thầy chú bật cười đuổi Bảy Rô về khám. Nhờ tánh kỳ khôi đi đôi với mồm mép mà Bảy Rô tranh thủ được cảm tình của mọi người, kể cả thầy chú. Một điều làm Bảy Rô phần khởi nữa là trong tình trạng nghiệt ngã đó, mỗi sáng thức dậy, anh thấy nơi đầu giường có vài điếu thuốc. Một đôi khi anh lại được tiếp tế hai mẫu giấy vệ sinh. Và một ngày kia lại được một món quà có phần xa xỉ: một đôi guốc vuông. Anh cố tìm hiểu xem ai là "Mạnh thường quân", nhưng không tìm ra. Người có lòng tốt có lẽ là một thầy chú nào đó còn "một chút lương tâm trong gió lốc" - nói theo tiểu thuyết người hùng của Lê Văn Trương.

Trở lại những ngày du học tại Đại học Côn Đảo, Bảy Rô thích nằm "quay phim" cuộc đời giang hồ của anh từ đầu chí cuối, từ lúc đánh xe thổ mộ, say mê cờ bạc, bị đánh lận, nổi cơn đâm chết tên Tần, trốn theo Mười Nhỏ đánh cướp các ghe thương hồ trên sông rạch ngoại ô Sài Gòn rồi chuyện phải đến đã đến: ngồi tù Khám Lớn. May mắn gặp hai anh em Thắng và Châu dắt đi vào con đường cách mạng…

Anh thấy mình đã chọn đúng con đường và quyết tâm đi suốt. Nó chông gai thật nhưng cũng vô cùng hào hứng, hơn gấp trăm lần con đường đánh xe thổ mộ lộ trình từ chợ Long Kiểng đến bên đò…

Đang nằm lơ mơ với những kỷ niệm thân thương ấy thì hai con chim sẻ bay sà vào phòng giam. Chúng đang hăng tiêt cắn lộn nhau, một chuyện hiếm có xảy ra trước mắt và trong tầm tay Bảy Rô: hai con rớt ngay trên mình anh! Lập tức Bảy Rô chụp dính trong hai tay. Cả hai con đều bị thương, máu thấm đỏ ngoài lông. Nếu săn sóc chu đáo thì chúng sẽ lành mạnh trở lại cuộc đời gió lá cành chim. Nhưng không may cho chúng lại rơi nhằm những kẻ đang thiếu chất đạm để kéo dài cuộc sống. Bảy Rô quyết định dùng hai con chim sẻ này để bồi dưỡng cơ thể suy nhược. Anh bẻ cổ chúng và bắt đầu nhổ lông. Nhìn cái ức tròn lẳn và cặp đùi hồng hào của chim, anh nuốt nước miếng, chờ đợi giây phút khoái lạc thưởng thức mùi vị của chất tươi sốt. Nhưng một tiếng rên từ chiếu bên cạnh chợt lướt qua, nhỏ nhẹ như một hơi thở. Bảy Rô nhìn người bạn tù nằm bên. Cuộc sống của y gần như đã được tính từng ngày, người gầy chỉ còn da bọc xương. Bảy Rô chồm qua, trao con chim vừa nhổ lông sạch sẽ.

- Anh cố ăn con chim này lấy sức sống cho tới ngày về đất liền.

Bảy Rô tiếp tục nhổ lông con chim thứ hai. Anh nghe bạn tù bên cạnh nhai rau ráu con chim, chắp mút một cách thòm thèm mà chảy nước miếng, nghĩ thầm: "Bạn mình ăn thì cũng như mình ăn"…

Nhổ xong con chim thứ hai, sắp sửa ăn, anh lại nhìn thấy anh bạn tù bên kia. Anh này không được gia đình tiếp tế và cũng cần chất tươi để sống lây lắt qua ngày. Không chần chờ - vì sợ một phút mình sẽ đổi ý - Bảy Rô cho nốt con chim thứ hai. Đấy là kỷ niệm nhỏ nhoi nhưng khó thể nào quên trong những ngày ở "Đại học Côn Đảo".

--------------------------------

1Lycée: Trường trung học


/74

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

adsdoctruyen@gmail.com

DMCA.com Protection Status