Nhật Ký Dạy Chồng Của Hổ Cái

Chương 17: Về quê

/22


Điện thoại vừa ngắt cũng là lúc đèn xanh bật sáng, Thương Ngô vội chạy đến bên tôi rồi đưa tay lên cốc đầu tôi:

- Trốn làm à?

- Trốn cái đầu anh ấy. - Tôi ôm đầu, nói: - Được nghỉ sớm.

- Nghỉ trước mười phút sao?

- Ba tiếng.

- Ồ!

- Anh gật đầu vẻ không nghĩ ngợi gì rồi nắm tay tôi một cách tự nhiên để chuẩn bị qua đường. Anh tiện miệng hỏi: - Em đi dạo phố với đồng nghiệp à?

- Không, em ngồi ở đây theo dõi anh.

Anh liếc nhìn tôi, nói:

- Thảo nào mặt mũi nhem nhuốc như con gà châu Phi vậy, hóa ra là bị khói xe phả vào.

- …

Sau đó con gà là tôi bị con hổ đó cắp đi.

Nơi tôi sinh ra và lớn lên là một huyện không lớn cũng chẳng nhỏ. Đó là nơi non xanh nước biếc, phong cảnh hữu tình, địa linh nhân kiệt, đậm đà bản sắc... Tôi yêu quê hương tôi.

Chúng tôi ngủ một đêm trên tàu, về đến nhà đúng lúc kênh truyền hình trung ương đang phát chương trình tin tức buổi sáng.

Vừa vào đến nhà, Thương Ngô đã lễ phép cúi người, nhã nhặn nói:

- Cháu chào hai bác. Cháu xin lỗi đã làm phiền hai bác. - Anh tỏ ra là người rất có học thức, lễ phép, ăn nói lịch sự.

Bố mẹ tôi không hổ danh là những vị tiền bối từng trải qua phong ba bão táp, tầm nhìn sâu rộng. Phản ứng của họ rất linh hoạt, không khách sáo quá, cũng chẳng nhiệt tình quá, như thể người đàn ông đứng trước mặt họ không phải là tên con trai đang có ý với con gái mình mà chỉ như anh Tiểu Cường, con ông Vương nhà hàng xóm sang chơi.

Nhưng nói đi cũng phải nói lại, đối với bố mẹ tôi, Thương Ngô có lẽ quen thuộc và thân thiết hơn so với Tiểu Cường.

Vì kể từ khi anh Tiểu Cường không mặc quần khoét đũng nữa, một vài bộ phận trên cơ thể anh ấy trông như thế nào, là hàng xóm, bố mẹ tôi không còn cách nào để nhìn thấy được.

Nhưng Thương Ngô thì khác, nhớ lại cảnh tượng nóng bỏng hôm đầu, cơ thể trần trụi của anh đã bị bố mẹ tôi nhìn thấu từ đầu đến chân...

Có được sự hiểu biết sâu sắc và toàn diện đó, ánh mắt bố mẹ tôi nhìn Thương Ngô đẩy ắp tình cảm như người trong một nhà, thậm chí còn hiền từ, độ lượng hơn cả khi nhìn tôi.

Mẹ tôi vừa bày đồ ăn sáng lên bàn vừa sai Thương Ngô xếp bát đũa, múc sữa đậu nành ra một cách hết sức tự nhiên.

Bố tôi không biết mò ở đâu ra được nửa chai rượu, cười như Di Lặc nói:

- Tiểu Phó, uống vài hớp chứ?

Nhìn từ phía tôi, có thể thấy rõ bàn tay đang run lẩy bẩy của Thương Ngô...

Nhưng chỉ vài giây sau, giọng anh bình thản đáp:

- Vâng ạ.

Anh có thể không sợ chết nhưng tôi thì không thể trơ mắt ra nhìn anh chết, đang định ngăn cản thì nghe tiếng bố tôi cười ha hả:

- Đừng lo, mới sáng tinh mơ, chúng ta không uống Nhị Cô Đầu mà uống rượu thuốc, bồi bổ cơ thể.

Rượu thuốc thì cũng là rượu, ngộ nhỡ Thương Ngô uống rồi lăn quay ra chết thì tôi biết đi tìm Ngưu Ngưu, người vẫn biệt tăm cùng với Trứng muối ở đâu?

- Bố, bố biết anh ấy không uống được mà.

- Lần trước là vì uống lúc bụng đói và uống hơi nhanh nên mới bị bác trai chê cười.

Thương Ngô cầm hai chiếc ly đi đến, rót đầy, nói:

- Tửu lượng của cháu không tốt nhưng vẫn có thể uống cùng bác vài chén. Đó cũng là điều nên làm.

Tôi lườm anh, anh lại cười nên tôi cũng yên tâm.

Vết thương của Thương Ngô đã lành, có lẽ sẽ không xảy ra vấn đề gì lớn. Chủ yếu là, tôi tin anh sẽ không tùy tiện làm một hiện trường như xảy ra án mạng, máu đổ thành sông để thử xem tim mạch bố mẹ tôi chịu đựng được đến đâụ.

Về mặt này, anh rất đáng tin, hay nói một cách khác, thực ra anh đáng tin ở mọi mặt.

Nghĩ thế, tôi không khỏi tự thấy mình may mắn đến nỗi rưng lệ. Vì giờ đây, tìm được một người đáng tin còn khó hơn cả việc tìm một người ngoài hành tinh vừa có khả năng đọc thơ Đường, thơ Tống, vừa am hiểu âm nhạc cổ...

Những lời nói ngọt ngào như mật của Thương Ngô khiến bố tôi rất thoải mái, ông cười đến nỗi chỉ thấy răng mà không thấy mặt:

- Bố đã nói mà, giờ làm gì có thanh niên nào không uống được rượu cơ chứ? Nào, hai chúng ta cùng dùng thứ rượu được lên men với năm loại lương thực và sáu vị thuốc bổ, làm nóng cơ thể chuẩn bị cho đại chiến giang hồ tối nay!

Tôi bỗng có một dự cảm không lành:

- Tối nay làm gì ạ?

Mẹ tôi vừa uống một hớp sữa đậu nành vừa ăn một miếng quẩy, đáp:

- Làm cỗ mời mọi người trong họ.

Tôi lặng lẽ ăn hai miếng bánh bao rồi vỗ vai vị thần tiên vẫn chưa hề biết đại họa đang đến gần, chân thành góp ý:

- Anh mau liên lạc với Ngọc Đế, hỏi xem Phật Tổ Như Lai có rảnh thì chụp anh lại.

Thương Ngô ngơ ngác không hiểu.

Bà ngoại và bà nội tôi thời trẻ đều là những phụ nữ Trung Quốc kiểu mới, yêu nước, yêu Đảng, nhiệt tình hướng ứng lời hiệu triệu của vị lãnh tụ vĩ đại Mao Trạch Đông, tranh nhau làm "Bà mẹ quang vinh". Hai người họ vô cùng tích cực, bà nội bà ngoại tôi mỗi người sinh được tám người con. Con gái, con trai họ lại sinh ra con gái, con trai, đúng là cháu chắt đầy đàn.

Trong hàng ngũ thế hệ thứ ba, về phía nhà nội, tôi là bé nhất, bên nhà ngoại, tôi là lớn nhất, vậy nên tôi luôn nhận được nhiều sự quan tâm, chú ý. Lần này, nghe thấy tôi mang chàng rể tương lai về ra mắt, mọi người vô cùng háo hức, nhiệt tình, kéo nhau từ khắp nơi về. Những người ở quá xa hoặc bận việc không có cách nào về thì lần lượt gửi tin nhắn, gọi điện chúc mừng...

Tóm lại, tôi có một đại gia đình đoàn kết và thân ái.

Ngoài ra, nét văn hóa đậm đà bản sắc nơi tôi ở không chỉ thể hiện trong việc cầu khấn để gọi thần xua tà trên những viên gạch, mà còn thể hiện tương đối tập trung trên mâm rượu. Nói một cách đơn giản thì, gái, trai, già, trẻ đều là những đồng chí có tửu lượng tốt.

Đêm đó, chúng tôi đặt năm bàn lớn ở nhà hàng, từ đứa bé mới đầy tháng đến ông già chín mươi tuổi đều tưng bừng, rộn rã, tứ đại đồng đường.

Thương Ngô chỉ chào hỏi một lượt đã choáng đến nỗi không biết đêm nay là đêm nào, đến lúc ngồi cạnh ông bà nội ngoại, ánh mắt anh đã có phần mệt mỏi.

Tôi khẽ hỏi:

- Cảm thấy thế nào?

Anh suy nghĩ một lát rồi nhắc tới một vấn đề rất hiện thực:

- Lát nữa, anh có phải chúc rượu một lượt tất cả trưởng bối ở đây không?

- Đương nhiên là không rồi.

Tôi phủ định một cách chắc chắn rồi bổ sung ngay tức thì:

- Theo tập tục ở đây, ít nhất phải ba lần.

- …

Khuôn mặt tái nhợt, Thương Ngô ôm ấp tia hy vọng cuối cùng như người sắp chết:

- Mấy người già cả nên uống trà thay rượu chứ?

Vừa dứt lời, ông nội tôi, người được sinh ra trong thời cách mạng cũ liền chỉ vào chai Mao Đài trên bàn, ánh mắt đôn hậu, nói:

- Tiểu Phó à, ông không uống quen mấy loại rượu vang hay là bia. Lát nữa, ông uống cái này, cháu tùy ý nhé!

Ba ông bà đầu tóc bạc phơ còn lại nhìn Thương Ngô cười hì hì, rồi cùng gật đầu tán đồng...

Bữa ăn này bắt đầu từ lúc mặt trời hơi chếch về phía tây, đến tận nửa đêm vẫn chưa xong, không khí lúc nào cũng hừng hực, sôi động, mấy chú ngã xuống rồi, mấy cậu lại đứng lên, liên tục thay phiên nhau.

Bố tôi và Thương Ngô tay trong tay, vai kề vai, lưng tựa lưng, hỗ trợ và che chở cho nhau, luôn đứng ở tuyến đầu tiên trong cuộc chiến, anh dũng bất khuất, tạo nên một giai thoại mới mang tên "Chàng rể không say", có sức lay động lòng người...

Theo như điều tra sau bữa ăn, mọi người đều bày tỏ sự hài lòng đối với biểu hiện trong tối đó của Thương Ngô.

Anh em họ hàng trên mâm rượu đều cho rằng, rượu cũng như con người, bản tính của người đó như thế nào đều được bộc lộ rõ khi anh ta uống rượu, đặc biệt là sau khi đã uống say.

Thương Ngô không phải là anh chàng tửu lượng nghìn ly nhưng hễ rượu đến là uống cạn, vô cùng dứt khoát, phóng khoáng. Sau đó dù đã uống say đến nỗi thần trí mơ hồ nhưng anh không ầm ĩ, không phát khùng, mọi ngôn ngữ, hành động, cử chỉ không vượt quá giới hạn cho phép. Nên có thể kết luận rằng anh đã thành công trong thử thách về ý chí và khả năng tự kiềm chế.

Mặc dù bố tôi không chê trách gì đối với chàng rể tương lai nhưng ông cũng chẳng lưu tâm lắm đến hai ý kiến mà mọi người tổng kết.

Vì khi uống, ông hay sử dụng mánh lới, rất sở trường trong việc đấu rượu, uống say rồi, thì lại cười đùa, chửi mắng, khóc lóc, hò hét, bứt tóc, lao vào tường...

Về đến nhà, Thương Ngô cuối cùng cũng không chịu đựng thêm được, đổ vật ra ngủ.

Ban đầu, có lẽ do tác dụng của men rượu, anh ngủ không ngon giấc lắm, mày mi cau lại, trở mình suốt, thỉnh thoảng còn phát ra những tiếng kêu khe khẽ, kết hợp với khuôn mặt đỏ bừng và cái mũi lấm tấm mồ hôi trông vô cùng gợi cảm, khiến tôi suýt không kìm được thú tính, muốn ăn sống nuốt tươi anh ngay tại trận...

Đến khi trời sáng, hơi rượu dần tan đi, trông anh mới khá hơn, phục hồi lại trạng thái ngủ bình thường. Anh nằm ngửa, mặt hơi nghiêng về bên trái, mi mày ổn định, hơi thở đều đều, không nói mê man cũng không nghiến răng nữa.

Mặc dù cảnh tượng gặp mặt lần trước khiến bố mẹ tôi hiểu nhầm rằng con gái họ đã thất thủ trong việc bảo vệ "cái ngàn vàng", thế nhưng tôi và Thương Ngô bây giờ vẫn chỉ là quan hệ người yêu, cũng không thể coi thường truyền thống, lễ giáo của con người mà cởi mở sống chung một cách phi pháp.

Nên tôi vẫn ở phòng của tôi, còn Thương Ngô ngủ trong phòng khách bên cạnh.

Đêm qua, khi vừa về đến nơi, tôi liền kê một chiếc ghế nhỏ cạnh giường của Thương Ngô, cả đêm ngắm nhìn anh, không cảm thấy buồn ngủ chút nào.

Tôi ngồi ngắm "người đẹp ngủ" đã no nên không cần ăn sáng. Đến bữa trưa, mẹ không chịu được nữa, kéo lôi ra ngoài.

Ở nhà tôi, ý của mẹ chính là mệnh lệnh cao nhất, ai không nghe theo sẽ bị trừng trị.

Tôi đành phải ngoan ngoãn đi đên phòng ăn. Bố tôi ngồi ở đó như hoàn toàn chưa từng có việc gì xảy ra, khuôn mặt hồng hào, tinh thần tỉnh táo.

- Cậu chàng kia vẫn chưa dậy à?

- Chưa ạ.

Bố tôi lắc đầu cười hì hì, nói:

- Không uống được rượu nhưng có gan uống, người xưa gọi là "Thằng ngốc to gan".

Mẹ tôi phát vào người bố tôi một cái, nói:

- Không phải ngốc, mà là thật thà. Hơn nữa, nếu như không vì giữ thể diện cho cục cưng nhà mình thì Tiểu Phó có ra nông nỗi thế kia không?

- Đúng, đúng, đúng, bà lúc nào cũng đúng. – Bố tôi thể hiện sự trung thành với mẹ tôi xong liền nghiêm túc nói với tôi: - Con người của Tiểu Phó không tồi, rất quan tâm đến con. Cậu chàng này được.

Tôi gật đầu.

Mẹ tôi tranh thủ cơ hội nói:

- Theo mẹ, hai con nên dứt khoát tổ chức trong năm nay. Tiểu Phó có mang theo hộ khẩu không? Chi bằng đợi đến hết kỳ nghỉ, phòng Dân chính làm việc thì đi đăng ký luôn, còn tiệc mừng, có thể làm vào lần sau, khi hai con về.

Tôi ỉu xìu:

- Bố mẹ có cần phải hắt con gái đi nhanh như vậy không ạ?

- Cần chứ. Sao lại không cần? Gặp được người đàn ông thích hợp cũng như là tìm mua căn nhà trong thành phố mấy năm về trước. Phải ra tay nhanh, chính xác, do dự một chút là đồ ăn nguội ngay. - Mẹ tôi nói mãi rồi lại bắt đầu đau buồn, tiếp: - Nên mua nhà ngay khi con đậu đại học mới đúng. Năm ấy, giá nhà ở Thượng Hải chưa đến năm nghìn...

- Mẹ à, đừng nghĩ mãi về chuyện đó nữa! - Tôi quyết định ngắt phăng những lời ân hận vì năm đó không quyết định mua nhà của mẹ. Tôi hít hơi, cắn răng nói: - Đã nói đến đây rồi, tiện thể con muốn bàn bạc với bố mẹ một vấn đề là... con và Thương Ngô, tương lai sẽ không định sinh con.

Mẹ nhìn tôi vài giây rồi lại nhìn chằm chằm vào bố tôi trong vài giây nữa, sau đó hỏi:

- Đây là chủ ý của ai?

- Cả hai chúng con.

- Tiểu Phó là trẻ mồ côi, sao lại không muốn có con? - Thái độ của mẹ bắt đầu trở nên nghiêm túc: - Con gái yêu à, con đừng nên ích kỷ như vậy, phải học cách nghĩ cho cậu ta.

- Mẹ hiểu nhầm rồi. Chúng con không sinh con nhưng không phải không cần con cái. - Tôi mở to mắt, nói những lời có sức lay động trái tim mọi người: - Đợi hai năm nữa cuộc sống ổn định lại, bọn con sẽ nhận nuôi một đứa trẻ mồ côi. Thương Ngô nói, anh ấy lớn lên là nhờ sự giúp đỡ của rất nhiều những tấm lòng nhân ái, nên muốn khi có khả năng rồi thì báo đáp lại xã hội.

Thời đại này, số người trả thù xã hội nhiều, chứ số người muốn báo đáp xã hội thì có bao nhiêu.

Là một người ngay thẳng, lương thiện, giản dị, có lẽ bố tôi cũng cảm động, ông trầm tư một hồi rồi nói:

- Giờ quyết định việc này có phần hơi sớm, nhưng con gái yêu à, thái độ của bố mẹ đối với con vẫn không hề thay đổi, chỉ cần con đã nghĩ kỹ rồi thì dù là việc gì, quyết đinh thếnào, bố mẹ cũng sẽ không can thiệp, chỉ ủng hộ con thôi.

Nhìn bố mẹ, những người đã sinh tôi, nuôi tôi, nay không còn trẻ nữa, sống mũi tôi bỗng cay cay.

Trước khi đôi mắt nhòa lệ, tôi vùi đầu vào lòng mẹ, ôm vào vòng eo đã hơi phát tướng của bà, giống như ngày bé, tôi vùi cả khuôn mặt vào đó, quệt đi quệt lại làm nũng.

Bố mẹ, con xin lỗi vì đã không thể cho bố mẹ một đứa cháu ngoại để nối tiếp huyết mạch...

Khi trở về phòng khách, tôi bưng một bát cháo trắng nóng hôi hổi, định gọi Thương Ngô dậy cho anh ăn no uống đủ rồi ngủ tiếp. Kết quả, vừa đẩy cửa ra thì phát hiện anh đã dậy rồi.

Có lẽ anh vừa tắm xong, đang ngồi giữa giường như kẻ mất hồn. Trên mặt và tóc mai vẫn còn dính những hạt nước nhỏ. Đôi mắt anh nhìn mơ hồ, dáng vẻ như vẫn chưa tỉnh hẳn, trông rất đáng yêu.

Tôi đặt bát cháo lên chiếc tủ đầu giường, tóm vào hai tai anh lắc mạnh, nói:

- Tạo dáng à? Thật đáng ghét!

Anh nhắm mắt, ôm đầu xin tha:

- Đừng lắc, đừng lắc nữa, sắp nổ rồi.

- Đáng đời! Xem anh còn dám to gan nữa không. - Tôi buông tay ra, bê cháo đến, nói: - Mẹ nấu riêng cho anh đấy. Mau ăn đi, ăn no rồi mới có sức ngủ tiếp.

Thương Ngô ngoan ngoãn nghe lời, húp mấy miếng đã hết sạch, cuối cùng cũng hồi phục phần lớn thần trí, hỏi:

- Mấy giờ rồi?

- Đã là chiều rồi.

- Quả nhiên say ghê quá... - Anh bóp bóp vai, sau đó ngẩng đầu nhìn tôi: - Tiểu Tường, em không nghỉ ngơi đủ sao? Mắt đỏ như thỏ, quầng mắt đen như gấu trúc, sắc mặt khó coi như Bạch Vô Thường.

Tôi tức giận:

- Anh không nói những lời độc địa thì chết à?

Thương Ngô cười, đứng lên, vò vò mái tóc vốn bù xù như lều cỏ của tôi, nói:

- Tối qua, em ở bên anh cả đêm, có đúng không?

- Không phải em thì là ma chắc? Còn nữa, đâu chỉ có đêm hôm qua.

- Đúng rồi. Cả ngày hôm nay nữa.

Tôi hoài nghi, bỏ tay anh ra, hỏi:

- Anh đâu có tỉnh dậy mà sao lại biết?

- Cảm giác.

- Đàn ông cũng có giác quan thứ sáu à?

Thương Ngô không tiếp tục đấu khẩu nữa mà kéo tôi vào lòng, hai vai thu lại, ôm chặt đến nỗi tôi thấy hơi ngạt thở. Giọng anh nhẹ nhàng nhưng trầm lắng một cách kỳ lạ:

- Tiểu Tường, cảm ơn em.

- Cảm ơn gì cơ?

- Cảm ơn em đã chăm sóc anh.

- Có gì đáng cảm ơn chứ? Khi em ốm, chẳng phải anh cũng làm vậy sao?

Tôi ngoan ngoãn để cho anh ôm, rồi đưa tay ra, từ từ phủ lên lưng anh. Cách lớp áo ngủ bằng cotton, tôi vẫn có thể cảm nhận được vết sẹo, từ vai trái kéo xuống eo bên phải, rất dài, rẩt sâu. Dù vết sẹo đến hôm nay đã khép miệng, đã tương đối lành, nhưng tôi vẫn có thể tưởng tượng, lúc đó nó kinh khủng như thế nào, chắc anh đau đớn lắm...

- Người nhà em rất hài lòng về anh, nói anh là chàng trai thật thà, ngốc nghếch, ha ha, sau này nhất định sẽ rất nghe lời vợ. Nên bố mẹ muốn chúng ta tổ chức đám cưới trong năm nay.

Thương Ngô cười đáp:

- Được khen, thật cảm động quá!

- Chúng mình kết hôn nhé, anh là chồng, phải nuôi em cả đời đấy.

- Không vấn đề gì. - Anh khẽ thả lỏng tay, tựa cằm vào đỉnh đầu tôi: - Anh đã nghĩ cả rồi việc kinh doanh của quán thịt nướng không tồi, thu nhập cũng rất ổn định. Sau này, em muốn đi làm thì đi, không thích làm công cho người khác thì về làm bà chủ cho anh. Ngưu Bôn có để lại một khoản tiền trong tài khoản, sau khi từ đây về, chúng mình tranh thủ thời gian đi xem nhà, mua một căn hộ nhỏ trước, đợi hai năm sau, tích cóp đủ rồi thì đổi căn rộng hơn. Đến lúc đó...

- Đến lúc đó, chúng ta sẽ nhận nuôi một đứa trẻ mồ côi.

Tôi hơi ngả người về sau, nhìn vào đôi mắt anh:

- Em thích con trai, tốt nhất là không lớn quá ba tuổi. Như vậy tương đối dễ trong việc nuôi dưỡng tình cảm. Em hy vọng, con sẽ đáng yêu như phiên bản thu nhỏ của anh, đôi lông mày rậm, cặp mắt to tròn, đôi môi đỏ chót, còn nữa, rất quyết đoán.

Thương Ngô ngạc nhiên:

- Sao lại phải...?

- Em vừa nói với bố mẹ rồi, họ cũng không phản đối.

Anh vẫn tỏ ra ngạc nhiên:

- Nhưng...

Tôi đưa tay lên, dùng ngón tay ấn vào phần lông mày hếch lên của anh, giọng khe khẽ, đều đều:

- Em tin, ông bố thần tiên và bà mẹ yêu quái của em cũng sẽ đồng ý.

Anh thoáng giật mình, mặt chợt biến sắc, nhìn tôi vẻ kinh hãi:

- Là Mạc Linh nói với em sao?

- Hôm đó, em đi kiểm tra anh, đúng lúc bắt được một đôi gian.

- Bắt gian gì chứ? Nói linh tinh! - Mặt Thương Ngô cau lại, rõ ràng có vẻ tức tối: - Anh đã ra lệnh cô ta phải lập tức rời khỏi đó, không được tự ý ra khỏi tộc nữa! Vậy mà cô ta còn dám...

Tôi kiên nhẫn giúp anh phân tích hiện thực tàn khốc lúc có quyền không dùng, đến khi hết hạn rồi lại thấy tiếc, nói:

- Điều này cũng bình thường thôi, giờ anh không còn là "sếp" của cô ta nữa, sao cô ta phải nghe mệnh lệnh của anh?

Thương Ngô tức giận "hứ" một tiếng, vươn vai lên cao rồi dừng một lát. Nửa phút sau, anh lại lên tiếng nhưng không còn vẻ tức giận nữa, chỉ dè dặt hỏi:

- Tiểu Tường, em... rốt cuộc em đã biết được những gì?

- Biết cả những điều nên biết và không nên biết.

- Bao gồm...?

Tôi cười, cố gắng để giọng mình đừng run lên:

- Thiên kiếp.

Sắc mặt Thương Ngô đột nhiên trắng bệch, đôi môi đỏ chót theo đó cũng bợt đi. Anh ôm cứng lấy cánh tay tôi như không gì có thể lay chuyển, không gì có thể chia rẽ được.

Tôi thở dài, kiễng chân, khẽ hôn vào đôi môi đang mím chặt của anh, nói:

- Thương Ngô, em ở đây, em vẫn ở đây mà.

Anh nhìn tôi hồi lâu, cuối cùng mới dần buông ra rồi ngay sau đó, như thể gom lại hết thảy sức lực, anh nghiêng người về phía trước, dồn hết trọng lượng cơ thể lên đôi vai tôi, nói nhát gừng, lặp đi lặp lại:

- Ừ, em ở đây. May quá, em vẫn ở đây.

Vì việc tôi còn ở đây, đối với anh thực sự quan trọng.

Tôi nghĩ, lựa chọn của tôi không sai.

Thương Ngô cao một mét tám mươi lăm, mặc dù nhìn có vẻ gầy nhưng tôi có lý do để nghi ngờ, vì vòng tay của anh như gọng kìm vậy, cơ bắp cuồn cuộn. Chưa đầy vài phút sau đã ấn tôi đến nỗi ê hông, đau lưng, nhức đùi, trán lấm tấm mồ hôi, hơi thở hổn hển. Nhưng tôi không hề động đậy, cứ đứng vững như thế, đỡ lấy anh.

Trước đây, toàn là anh vất vả chịu đựng, giờ đến lượt tôi nâng đỡ anh, dù chỉ một thoáng chốc.

Những việc trước đây, những việc sau này, những việc kiếp trước, những việc kiếp sau đều xa vời quá, không cần phải suy nghĩ.

Tôi là người vô cùng ích kỷ, tầm nhìn ngắn ngủi, việc mãi mãi sau này, trong mắt tôi chỉ là chuyện ba đến năm năm tới, chuyện một mẫu ba thửa ruộng mà thôi.

Tôi chỉ biết, năm nay tôi sẽ kết hôn cùng với Thương Ngô, rồi mua một căn hộ nhỏ gồm một phòng ngủ và một phòng khách. Ba năm sau sẽ tranh thủ đổi căn rộng hơn, ít nhất là hai phòng ngủ, một phòng khách vì trẻ con cần phải có phòng riêng.

Rồi sau đó, chúng tôi sẽ là một gia đình ba người, chi li tính toán, lo lắng chuyện cơm áo gạo tiền hằng ngày.

Sau này ra sao nữa... đã vượt quá khả năng lên kế hoạch của tôi. Dù sao, thuyền đến bến sẽ tự nhiên cất lên, điều gì đến sẽ đến, cũng ắt sẽ có cách giải quyết.

Chỉ cần, tôi và anh ở bên nhau.

Tôi hỏi Thương Ngô, sở dĩ không cho tôi biết những chuyện kia, có phải là vì sợ tôi phải chịu áp lực quá lớn, lại bỏ chạy như trước đây không?

Anh rói đúng, rồi lại bảo, ngoài chuyện đó ra thi còn vì hy vọng tôi sẽ thực sự yêu anh một lần nữa, chứ không chỉ vì cảm động bởi những chuyện xảy ra trước đây.

Tôi bảo anh là đồ ngốc, phụ nữ vốn vì cảm động mà động lòng. Giữa hai điều này làm gì có ranh giới rõ ràng?

Anh cúi người, cụng đầu vào trán tôi rồi bật cười, vai anh không co lại nữa, khóe mắt cong cong, đôi mắt sáng lấp lánh.

Mấy ngày sau đó, vị trí của Thương Ngô trong nhà tôi giống như chính sách kiểm soát giá nhà hiện nay, chỉ có tăng chứ không khi nào giảm.

Bảng thứ tự vị trí nhà họ Đậu tôi có sự thay đổi như sau:

Trước đây: Mẹ, Đậu địa chủ, bố, tôi.

Bây giờ: Mẹ, Thương Ngô, Đậu địa chủ, bố, tôi.

Đối với kết quả này, tâm trạng của hai người luôn đứng ở hai vị trí cuối là tôi và bố tôi khá ổn định, còn tâm trạng đồng chí Đậu địa chủ kia đang từ vị trí suýt nhất bảng giờ bị rơi vào giữa, có lẽ tương đối không vui. Nhưng, chắc cũng chỉ âm thầm vẽ một vòng tròn nguyền rủa gì đó trong bụng thôi, chứ không dám thể hiện sự bất mãn trước mặt Thương Ngô, càng đừng nói đến chuyện khiêu khích gây sự.

Rốt cuộc thì khí thế của vị chúa tể muôn loài cũng không thể xem thường, đồng chí Đậu địa chủ dù có leo lên được tám mươi cấp nữa, cũng chưa chắc có phúc được nhìn thấy một cọng râu hổ…

À phải rồi, cần phải giới thiệu qua về đồng chí Đậu địa chủ của nhà chúng tôi:

Giới tính: Đực.

Tuổi: 6.

Chủng loại: Pomeran.

Loại động vật: Chó.

Ba năm trước, anh chàng Đậu địa chủ vào ở trong nhà tôi. Vẻ lắc đầu, ngoáy đuôi kiểu nịnh bợ của nó đã dễ dàng chiếm được cảm tình của mẹ tôi, được mẹ tôi che chở. Bình thường, nó làm mưa làm gió, coi thường thiên hạ. Rõ ràng là một con chó nhỏ giống Bắc Kinh nhưng lại cứ coi mình là chó Tây Tạng. Loài chó Tây Tạng, hễ thấy người là kêu, không vui là nhe răng cắn hoặc cào chân. Bấy nhiêu năm nay, tôi và bố không ít lần bị nó bắt nạt.

Đặc biệt là người thỉnh thoảng mới về như tôi, dưới sự áp bức của nó, đành phải nuốt tủi cầu toàn, thực sự nghĩ lại chỉ muốn ôm mặt mà khóc.

Người xưa nói rất hay, phong thủy luân chuyển, ở hiền gặp lành, ác giả ác báo, không tin thì hãy ngẩng đầu lên xem ông trời đã tha cho ai... Thấy con chó cúp đuôi, cụp tai trước mặt Thương Ngô rồi khép nép đi sát vào chân tường, tôi không khỏi hả dạ, muốn ngửa mặt lên trời cười vang ha ha ha. Kẻ hung hăng như ngươi cũng có ngày hôm nay!

Nhưng cũng phải nói rõ một khía cạnh khác, bất kể là thần hay là yêu, làm thú hay làm người, tôi luôn là một kẻ bị hắt hủi...

Từ khi mẹ biết Thương Ngô thích ăn thịt, bà liền cam kết một câu "Theo mẹ thì có thịt ăn", sau đó bàn ăn nhà tôi liền biến thành bữa tiệc toàn thịt, đến một cọng rau cũng không thấy. Ăn đến nỗi mắt tôi sung huyết, còn Đậu địa chủ thì gâu gâu vui vẻ.

Chả trách mà người ta nói, mẹ vợ càng nhìn con rể càng thích. Tình mẫu ái bao la của mẹ đối với Thương Ngô thì không nói làm gì, đằng này, bố tôi, người đáng lẽ phải đứng đối lập với chàng rể lại cũng hùa vào. Từ sáng đến tối luôn tỏ ra hiền từ. Điều này khiến cô con gái bị họ phớt lờ, thật không còn lời nào diễn tả nữa...


/22

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

adsdoctruyen@gmail.com

DMCA.com Protection Status