Nho Lâm Ngoại Sử

Chương 32: Đỗ Thiếu Khanh ngày thường hào phóng Lâu Hoán Văn từ biệt dặn lời

/56


Sau khi tan việc, cụ Vi ngủ mãi đến gần trưa hôm sau mới dậy. Cụ từ biệt Thiếu Khanh:

- Tôi còn phải đến thăm các chú và anh em họ hàng của anh nữa. Bữa tiệc hôm qua anh đãi tôi thật làm cho tôi vui sướng vô cùng! Tôi nghĩ rằng không ai có thể đãi tôi một bữa tiệc thú vị như thế. Bây giờ tôi phải đi. Tôi cũng không có thì giờ đến thăm ông Tang được. Nhờ anh nói hộ tôi có lời thăm.

Thiếu Khanh giữ lại một ngày nữa. Hôm sau, Thiếu Khanh thuê người khiêng kiệu và lấy ra một cái chén ngọc, hai bộ quần áo của cha mình ngày xưa biếu cụ Vi mà rằng:

- Các bạn thân của thầy cháu nay chỉ còn có bác, cháu mong bác đến đây luôn và cháu cũng phải năng đến hầu thăm bác. Cháu mong bác cầm cái chén ngọc này để uống rượu. Hai bộ quần áo này là của thầy cháu trước đây bác nhận giúp, để khi nào bác mặc nó, cháu sẽ tưởng như thấy thầy cháu sống lại.

Cụ Vi vui vẻ nhận. Bão Đình Tỷ lại ngồi tiếp cùng uống thêm một bình rượu nữa và ăn cơm.

Đỗ và Đình Tỷ tiễn cụ Vi ra khỏi thành và cúi đầu chào khi cụ Vi lên kiệu. Hai người trở về, Đỗ đến phòng của ông Lâu xem bệnh tình như thế nào. Ông Lâu nói bệnh đã bớt, muốn cho người cháu trở về, chỉ giữ lại người con để hầu hạ mình mà thôi. Đỗ bằng lòng. Nghĩ đến việc ông Lâu không có tiền, Đỗ sai gọi Vương Râu đến bàn:

- Mày đem bán những thửa ruộng của ta ở phía trong để cho thằng ấy đi.

- Hắn muốn Thiếu Gia bán rẻ cho hắn. Thiếu Gia đòi một ngàn năm trăm lạng. Hắn chỉ trả một ngàn ba trăm lạng thôi. Vì vậy, con không dám bán.

- Một nghìn ba trăm lạng cũng được.

- Con muốn thưa để Thiếu Gia rõ việc đó trước khi bán. Kẻo bán rẻ sợ Thiếu Gia mắng.

- Ai mắng mày làm gì? Đi bán đi, mau lên. Ta cần tiền ngay để tiêu.

- Thưa Thiếu Gia, con muốn bẩm một việc này nữa. Khi Thiếu Gia có tiền trong tay xin Thiếu Gia dùng vào việc có ích. Bán sản nghiệp đi là một việc đáng tiếc. Nhưng Thiếu Gia lại cho người ta hàng trăm hàng ngàn lạng, và cứ cho không như vậy.

- Mày thấy tao có bao giờ dùng tiền không được việc gì cả không! Mày muốn kiếm chác một ít phải không? Đừng nói liều! Thôi đi mau cho được việc.

- Con chỉ bẩm qua thế thôi!

Vương Râu đi ra, nói thầm với Đình Tỷ:

- Tốt rồi! Anh có hy vọng kiếm chác rồi đấy. Bây giờ tôi đến để bán ruộng, bán ruộng về tôi sẽ bày kế cho anh.

Vương Râu đi. Mấy ngày sau, y đem về một ngàn mấy trăm lạng đựng trong một cái túi và thưa với Thiếu Khanh.

- Số bạc này chỉ có từ chín mươi lăm đến chín mươi bảy phần trăm là bạc thực. Vì cân là cân chợ, nên mỗi lạng lại thiếu đi mười ba đồng rưỡi. Hắn lại rút bớt đi hai mươi ba lạng bốn đồng để trả tiền cho người mách mối, hai mươi ba lạng cho người làm chứng. Số tiền ấy nhà ta đều phải chịu cả. Nay số tiền đã đem về đây. Để con đi lấy cân về cho Thiếu Gia cân.

- Ai còn hơi sức đâu mà ngồi nghe mày tính toán rắc rối như thế. Nay tiền đã đem về rồi còn cân làm quái gì. Thôi đem cất đi.

- Con chỉ muốn thưa rõ.

Đỗ nhận được tiền liền gọi người cháu ông Lâu vào thư phòng nói:

- Ngày mai anh về nhà phải không?

- Thưa vâng, ông cháu bảo cháu về.

- Đây ta cho anh một trăm lạng bạc, anh không được nói cho ông anh biết đấy nhé. Anh có mẹ góa phải nuôi vì vậy phải đem số tiền này về nhà để lo làm ăn nuôi mẹ. Nếu như ông anh khỏe, chú anh có thể về được thì ta cũng cho chú anh một trăm lạng bạc nữa mang về.

Người cháu ông Lâu mừng rỡ nhận số bạc cảm tạ Thiếu Gia. Hôm sau y vào từ giã ra về. Ông Lâu chỉ cầm cho cháu ba đồng cân để làm tiền đi đường. Khi người cháu đi rồi, Đỗ Thiếu Khanh trở vào, thấy một người nhà quê đang đứng trong phòng khách. Thấy Thiếu Gia đến, hắn liền quỳ ngay xuống và đập đầu lạy. Thiếu Khanh nói:

- Anh có phải là Hoàng Đại người trông nom từ đường của tổ tiên chúng ta không? Anh đến đây có việc gì?

- Cái nhà của con ở bên từ đường là nhà của cụ phủ mua cho con. Đến nay đã lâu năm nhà hư hỏng cần phải sửa chữa lại. Con liều chết đến lấy mấy cây khô ở lăng về để thay cột kèo. Không ngờ có mấy vị ở trong họ biết chuyện ấy liền bảo con ăn trộm cây, đánh cho con một trận gần chết rồi sai mười người quản gia đến nhà lấy mấy cây kia về. Họ kéo đổ cả những gian nhà còn vững của con. Con không còn biết sống ở đâu, cho nên bây giờ con đến đây cúi xin Thiếu Gia nói với họ hàng một chút để họ cho con ít tiền sửa chữa nhà mà ở.

- Anh bảo ta nói với họ hàng ta à? Nói với họ chỉ vô ích mà thôi. Ông cụ ta mua nhà cho anh thì dĩ nhiên phải sửa chữa nhà cho anh. Bây giờ nó hư hỏng anh cần bao nhiêu tiền để làm lại.

- Làm một cái nhà mới phải cần một trăm lạng. Nhưng nếu chữa lại thì từ bốn mươi lạng đến năm mươi lạng là đủ.

- Thôi hiện nay ta không có tiền. Anh tạm cầm lấy năm mươi lạng. Nếu hết, lại đến đây nói với ta.

Đỗ Thiếu Khanh lại lấy năm mươi lạng đưa cho Hoàng Đại. Hoàng Đại cầm số tiền đi ra.

Người giữ cổng lại cầm hai tờ danh thiếp đưa vào bẩm:

- Ông Tang mời Thiếu Gia ngày mai đến nhà ông ta uống rượu. Thiếp này thì mời ông Bão cùng đi.

- Mày nói ta cám ơn ông Ba, đến mai ta sẽ lại.

Hôm sau, Đỗ Thiếu Khanh và Bão Đình Tỷ đến nhà Tang. Tang đã dọn một bàn tiệc chỉnh tề và rót rượu. Họ uống rượu và nói chuyện suông. Khi bữa tiệc gần tàn, Tang rót một chén rượu giơ cao lên đi quanh bàn, vái một vái và dâng rượu cho Đỗ Thiếu Khanh rồi quỳ xuống:

- Anh ơi! Tôi muốn nhờ anh một điều!

Đỗ giật mình, vội vàng đặt chén rượu xuống bàn, cùng quỳ xuống cầm lấy tay Tang:

- Anh Ba! Anh điên rồi sao? Làm cái gì thế?

- Nếu anh chưa uống hết chén rượu và hứa sẽ giúp tôi thì tôi không đứng dậy.

- Tôi không hiểu anh muốn nói cái gì? Anh đứng dậy và nói cho tôi biết.

Đình Tỷ cũng đỡ Tang dậy. Tang nói:

- Anh có hứa giúp tôi không?

- Cố nhiên là giúp. - Vậy thì anh uống chén rượu này đã!

- Tôi sẽ uống ngay.

- Tôi đợi anh xuống xong đã.

Sau đó Tang mới đứng dậy và ngồi vào ghế.

Đỗ nói:

- Bây giờ anh có gì thì cứ nói đi! - Hiện nay quan giá khảo đang chấm thi ở Lư Châu, nay mai ông sẽ đến huyện ta. Trước đây, tôi có nhờ mua hộ một chức tú tài cho một người và trả cho người làm việc ấy ba trăm lạng bạc. Nhưng sau đó, hắn nói với tôi quan giám khảo năm nay rất nghiêm, tôi không dám bán chức tú tài. Vậy anh khai tên anh để tôi bán cho anh một chức "lẫm sinh". Tôi mới khai tên tôi và vì vậy năm nay tôi thành một người "lẫm sinh". Nhưng hiện nay người định mua chức tú tài kia lại đến tôi đòi tiền về. Nếu tôi không trả thì hắn sẽ tố giác việc này ra và sẽ nguy đến gia đình và tính mạng. Anh cho tôi vay ba trăm lạng trong số tiền anh vừa bán ruộng hôm trước để tôi thu xếp việc này. Tôi sẽ trả dần. Anh vừa hứa với tôi là anh giúp đỡ tôi.

- Ối chà! Tôi tưởng là cái chuyện gì, hóa ra thứ chuyện vặt ấy. Thế mà anh cũng làm tôi sợ hết hồn, đập đầu lạy lục làm gì! Thôi được! Mai tôi sẽ đưa tiền cho anh.

Đình Tỷ vỗ tay:

- Khoái quá! Khoái quá! Đem chén rượu tống ra đây uống luôn mấy chén đi.

Chén tống đưa ra và họ uống mãi. Thiếu Khanh say mềm hỏi:

- Anh Tang! Này tôi hỏi anh, anh mua chức lẫm sinh để làm cái gì thế?

- Anh không biết rằng làm lẫm sinh thì có nhiều hy vọng thi đỗ à! Thi đỗ thì được làm quan. Nếu như không đỗ, sau mười mấy năm tôi cũng thành người cống sinh. Rồi nếu thi đỗ ở triều đình thì tôi sẽ được làm tri huyện. Thế rồi, tôi sẽ đi hia thêu cườm, ngồi trên công đường xử kiện, đánh người ta; và nếu những người như anh đến quấy rầy thì tôi có thể khóa cửa lại, cho ăn đậu phụ cầm hơi một tháng đến chết mới thôi!

Đỗ cười nói:

- Thế thì là kẻ cướp! Thực là hết sức hèn hạ, vô sỉ!

Bão Đình Tỷ cười nói:

- Hay quá! Hay quá! Hai ông đều đáng bị phạt mỗi người một chén rượu.

Tiệc đến đêm mới tan.

Sáng hôm sau, Đỗ bảo Vương Râu đưa một hòm bạc đến. Vương Râu lại được sáu lạng bạc thưởng. Khi trở về, hắn vào một hiệu bán cá tươi để ăn một bát mì, thì gặp Trương Tuấn dân đang ăn ở đấy. Trương Tuấn Dân nói:

- Cụ Vương! Mời cụ vào đây ngồi với tôi.

Vương Râu vào ngồi. Mì đưa lên, hai người bắt đầu ăn. Trương Tuấn Dân nói:

- Tôi có một việc muốn nhờ ông giúp cho.

- Việc gì? Có phải ông đã chữa ông Lâu nên muốn được lễ tạ đấy không?

- Không. Bệnh của ông Lâu không chữa được.

- Ông ta còn sống được bao lâu?

- Xem chừng khó lòng sống được một trăm ngày nữa. Nhưng ông không nên nói cho ông ta biết đấy nhé.

Tôi muốn nhờ ông một việc.

- Ông cứ nói đi!

- Ông giám khảo sắp về đây. Đứa con của tôi muốn đi thi nhưng vì mạo sổ 1 người ta không cho thi. Tôi nhờ ông nói hộ việc ấy với Thiếu Gia một chút.

Vương Râu lắc đầu. - Cái đó không ăn thua. Thiếu Gia tôi xưa nay không bao giờ chịu nói với những người chấm thi đâu. Thiếu Gia lại không muốn nghe nói đến việc thi cử. Nếu ông nhờ Thiếu Gia việc ấy, Thiếu Gia sẽ khuyên ông đừng cho con đi thi nữa.

- Làm sao bây giờ?

- Chỉ còn một cách này: Tôi sẽ nói với Thiếu Gia rằng: cậu con trai của ông quả thực không được phép đi thi. Nhưng trường thi ở phủ Phụng Dương lại chính do cụ phủ nhà bỏ tiền ra làm. Nay Thiếu Gia muốn đưa một người vào thi thì còn ai dám không nghe? Nói như vậy mới khích ông ta, và ông ta sẽ giúp ông. Nếu cần đến tiền, ông chủ cũng sẽ sẵn lòng giúp ông tiền.

- Ông Vương! Tuỳ ý ông làm thế nào thì làm! Làm xong tôi không dám quên ơn ông đâu.

- Tôi cần ông đền ơn làm gì? Con ông tức là cháu tôi. Sau này hắn thi đỗ, đội mũ vuông mới tinh, mặc áo màu lam đập đầu mấy cái lạy chào ông chú, thế là được rồi.

Nói xong, Trương Tuấn Dân trả tiền và hai người đi ra.

Vương Râu về nhà hỏi người đầy tớ:

- Thiếu Gia ở đâu?

- Thiếu Gia ở trong thư phòng.

Hắn đi thẳng vào thư phòng và gặp Đỗ Thiếu Khanh đang ngồi ở đấy. Vương nói:

- Con đã đưa số tiền cho ông Tang rồi. Ông ta hết sức cám ơn Thiếu Gia. Ông ta nói Thiếu Gia đã làm ông tránh khỏi tai tiếng, làm cho ông giữ trọn được công danh. Ngoài Thiếu Gia ra thực không có ai dám làm như thế.

- Đó chẳng qua là việc vặt, xong thì thôi.

- Con có một việc muốn thưa với Thiếu Gia. Thiếu Gia đã cho ông Tang tiền mua chức lẫm sinh, cho người giữ từ đường tiền để làm nhà. Vài hôm nữa là đến kỳ thi. Người ta lại nhờ Thiếu Gia giúp cho việc sửa chữa trường thi. Cụ nhà ta xuất ra mấy ngàn lạng bạc để làm trường thi này, rõ ràng ích lợi cho tất cả mọi người. Nếu Thiếu Gia đưa một người vào thi thì còn ai dám nói năng gì.

- Thí sinh ai muốn thì cứ thi, ta đưa họ vào để làm gì?

- Nếu con có một người con mà Thiếu Gia đưa vào thi thì còn ai dám nói nữa.

- Chuyện đó cố nhiên không phải bàn nữa. Bọn tú tài kia xem ra cũng là bọn hèn mạt.

- Người con trai ông Trương ở cửa sau chịu khó học hành tại sao Thiếu Gia không bảo anh ta đi thi?

- Anh ta muốn đi thi sao?

- Anh ta là người mạo sổ nên không dám đi thi.

- Mày ra nói với anh ta rằng, cứ việc đi thi. Nếu có thí sinh nào nói năng gì mày cứ bảo chính ta đưa đi thi đấy!

Vương Râu vâng dạ rồi đi ra.

Bệnh của ông Lâu một ngày một nặng. Thiếu Khanh mời một thầy thuốc khác đến thăm. Thiếu Khanh ở trong nhà rất buồn bã.

Một hôm Tang chạy đến, nói hốt hoảng:

- Anh có nghe chuyện gì không? Ông huyện Vương hỏng to rồi! Hôm qua ông bị lấy ấn tín, và vị quan mới đã đến thay. Ông ta phải ra khỏi nha môn. Người trong huyện nói ông ta là ông quan thối nát nên không ai chịu cho ở. Bây giờ ông ta nguy lắm, chết đến nơi rồi!

- Hiện nay ông ta như thế nào rồi?

- Tối hôm qua, ông ta còn ở lỳ tại nha môn, nhưng nếu đến ngày mai mà không ra khỏi thì sẽ không còn mặt mũi nào nữa. Chẳng có ai cho ông ta thuê nhà. Có lẽ rồi ông ta phải đến ở cô lão viện 2 thôi.

- Thật không? Đỗ sai người đi tìm Vương Râu và nói với Vương Râu:

- Mày đi ngay đến huyện, nói với những người đầy tớ nhờ họ thưa lại ông Vương rằng nếu ông Vương không biết ở đâu thì cứ đến vườn hoa của ta mà ở. Ông ta cần chỗ ở gấp. Mày đi ngay đi.

Vương Râu đi, Tang nói: - Hôm trước, anh không chịu gặp ông ta. Tại sao bây giờ anh lại cho ông ta ở trong nhà? Nếu việc này xảy ra thì liên luỵ đến cả anh. Nếu dân họ xông vào làm náo động thì họ sẽ phá cả vườn hoa của anh mất.

- Ông cụ tôi có công đức đối với dân ở đây như thế nào, mọi người đều biết hết. Ngay như tôi có giấu một tên ăn cướp trong nhà cũng không có ai vào phá nhà tôi bao giờ. Anh cứ yên tâm. Còn về việc ông Vương kia đã biết ngưỡng mộ tôi, thế là cũng có điểm nào khá đấy. Trước đây tôi không chịu đến thăm ông ta bởi vì ông ta đang làm tri huyện. Nhưng bây giờ ông ta mất chức rồi, lại không có nhà ở, vậy bổn phận của tôi là phải giúp đỡ ông ta. Ông ta nghe vậy nhất định là đến. Anh cứ đứng đợi ở đây mà nói chuyện với ông ta.

Đang nói thì người giữ cổng đi vào nói:

- Ông Trương đến đây rồi.

Trương Tuấn Dân vào quỳ xuống sụp lạy. Đỗ Thiếu Khanh hỏi:

- Ông có việc gì thế?

- Về việc đứa con trai của tôi đi thi. Tôi rất cảm ơn Thiếu Gia.

- Tôi đã nói rồi kia mà.

- Khi các lẫm sinh biết là Thiếu Gia nói, họ đều không dám nói năng gì, chỉ đòi tôi đưa ra một trăm hai mươi lạng bạc để sửa cái trường thi. Tôi kiếm đâu ra tiền? Vì vậy lại đến đây cầu cứu với Thiếu Gia.

- Một trăm hai mươi lạng bạc thôi chứ? Ngoài ra có cần gì nữa không?

- Dạ không dám ạ.

- Thế thì dễ lắm. Tôi sẽ xuất tiền hộ ông. Ông chỉ phải viết một cái đơn xin ghi tên con vào danh sách các thí sinh và tình nguyện nộp tiền sửa trường. Anh Tang! Anh đem tiền đến trường cho ông ta. Hiện nay số tiền tôi đang có đây.

Tang nói với Trương:

- Hôm nay tôi bận, ngày mai sẽ đi với ông.

Trương Tuấn Dân cảm ơn đi ra. Vừa gặp Vương Râu chạy vào nói:

- Ông Vương đã đến chào, hiện nay ông ta đã xuống kiệu đang ở ngoài cửa.

Đỗ và Tang ra đón. Vương tri huyện đầu đội mũ sa, mình mặc áo thường, vái chào, lạy hai lạy nói:

- Đã lâu tôi ngưỡng mộ danh tiếng của tiên sinh nhưng tiếc chưa được gặp mặt. Lần này, tôi ở trong tình trạng khốn cùng nhưng nhờ tiên sinh có lòng khẳng khái cho tôi ở nhờ, tôi rất lấy làm hổ thẹn. Vì vậy, trước tiên tôi xin đến tạ ơn rồi sau sẽ xin thỉnh giáo. May quá! Ông Tang cũng ở đây.

Đỗ Thiếu Khanh nói:

- Cụ nói làm gì cái việc vặt ấy, xin cụ chớ bận tâm. Nhà cửa tôi rộng, mời cụ cứ đến ở.

Tang nói:

- Con đến đây để rủ anh bạn cùng đến thăm thầy. Không ngờ thầy lại chịu khó đến đây trước.

Vương tri huyện nói:

- Không dám, không dám.

Y cúi chào rồi lên kiệu đi. Đỗ Thiếu Khanh giữ Tang Đồ lại, lấy ra một trăm hai mươi lạng bạc đưa cho Tang bảo thu xếp công việc giúp Trương Tuấn Dân. Tang mang tiền đi. Hôm sau Vương tri huyện đến. Hai hôm sau, Trương Tuấn Dân làm một bữa tiệc đưa đến Đỗ phủ mời Tang Đồ và Đình Tỷ ngồi tiếp. Vương Râu nói thầm với Bão Đình Tỷ:

- Bây giờ đến lượt anh phải nói đi thôi! Cứ theo như tôi tính, chẳng bao lâu nữa, ông ta sẽ tiêu hết nhẵn cả số tiền, và nếu có ai đến xin xỏ gì thì anh không có được đồng nào nữa. Chiều nay anh phải nói mới được!

Bấy giờ khách khứa đã đến. Bữa tiệc trong thư phòng gần phòng khách. Bốn người cùng ngồi vào bàn tiệc. Trương Tuấn Dân nâng chén cảm tạ Đỗ Thiếu Khanh rồi rót rượu cảm tạ Tang Đồ. Mọi người đều ngồi vào chỗ. Nói chuyện suông một lát, Bão Đình Tỷ nói:

- Con ở đây đã nửa năm nay, thấy Thiếu Gia tiêu tiền như nước. Đến anh thợ may cũng được nhiều tiền. Riêng con ở phủ bảy tám tháng nay không được đồng tiền nào, con chỉ được ăn thịt uống rượu mà thôi. Con cảm thấy cứ như thế này mãi thì con ở đây làm gì! Con đành phải gạt nước mắt khóc và xin đi nơi khác. Đến ngày mai con xin từ biệt.

Đỗ Thiếu Khanh nói:

- Anh nghĩ gì thế? Anh có bao giờ nói gì với tôi đâu. Tôi có hiểu trong lòng anh có việc gì đâu. Anh cần gì thì phải nói ra chứ!

Bão Đình Tỷ vội vàng rót một chén rượu đưa cho Thiếu Khanh và nói:

- Cha con và con làm nghề dạy các ban hát để kiếm ăn qua ngày. Không may cha con chết, con chẳng làm cho cha được đẹp mày đẹp mặt, lại hết cả tiền vốn. Con có một người mẹ già ở nhà mà không nuôi nổi. Con là người đáng chết nếu Thiếu Gia không cho con ít vốn liếng để đem về phụng dưỡng mẹ già...

Đỗ Thiếu Khanh nói:

- Anh là người con hát mà lại biết nghĩ đến cha, hiếu với mẹ già như thế thật là đáng kính. Ta phải giúp anh chứ!

Đình Tỷ đứng dậy nói:

- Con xin đội ơn Thiếu Gia.

- Ngồi xuống đây! Anh muốn bao nhiêu tiền? Đình Tỷ liếc mắt nhìn Vương Râu đang đứng ở đấy. Vương Râu bước lên, nói:

- Ông Bão ông phải cần nhiều tiền. Muốn sắm sửa cho một ban hát có đủ quần áo, đồ đạc thì phải mất từ năm trăm đến sáu trăm lạng, Thiếu Gia hiện nay không có nhiều tiền. Thiếu Gia chỉ có thể cho anh vài chục lạng để anh qua sông và lấy đó mà lo liệu thôi.

Đỗ nói:

- Vài chục lạng thì ăn thua vào đâu? Ta sẽ cho anh một trăm lạng để anh đem về dạy một ban hát. Khi nào hết tiền, anh lại đến đây.

Bão Đình Tỷ quỳ xuống cảm tạ. Đỗ nói:

- Đáng lẽ ra, tôi phải cho anh nhiều hơn nữa. Nhưng hiện nay ông Lâu đau nặng, tôi phải có tiền để lo liệu mọi việc cho ông ta.

Tang và Bão đều ca ngợi lòng khẳng khái của Đỗ. Ăn xong mọi người ra về.

Từ đấy về sau, bệnh của ông Lâu càng ngày càng nặng. Hôm ấy, Đỗ ngồi bên giường bệnh. Ông Lâu nói:

- Thưa ông, trước đây tôi tưởng rằng tôi có thể khỏe được, nhưng xem tình trạng này, bệnh của tôi không thể bớt được. Xin phép ông cho tôi trở về.

- Tôi chưa làm được gì để báo đáp mối tình của bác, bác đòi về nhà sao được?

- Sao ông lại nói kỳ thế? Tôi có con, có cháu, tôi lại sống xa cửa, xa nhà bây giờ cố nhiên là tôi phải chết ở nhà. Lẽ nào người ta lại trách ông không giữ tôi lại?

Thiếu Khanh nước mắt ròng ròng nói:

- Nếu đã vậy thì tôi không dám giữ bác lại... Tôi đã sắm sửa hậu sự cho bác cả rồi, bây giờ nếu bác không dùng thì mang đi cũng không tiện. Vậy tôi đưa cho bác mấy mươi lạng để mua áo quan khác. Áo quần chăn nệm tất cả đều có sẵn để bác đem đi.

- Tôi xin nhận quan tài và áo quần, nhưng xin ông đừng cho con cháu tôi tiền làm gì. Ba ngày nữa tôi xin về nhà. Vì tôi không ngồi dậy được, nên tôi phải nằm trên giường để cho người ta khiêng. Ngày mai, ông đến nhà thờ cụ cố khấn rằng ông Lâu xin phép cụ để về nhà. Tôi ở với gia đình ông ba mươi năm nay như một người bạn thân nhất nhà. Sau khi ông cụ đã mất đi việc làm của ông quả thực không ai sánh kịp. Về phẩm hạnh và văn chương, ông là người tuyệt vời. Ông lại có một cậu con đặc biệt hơn người 3. Sau này phải giáo dục cậu thành con người chân chính. Nhưng ông không phải là người biết lo việc nhà, và không biết chọn những người bạn tốt. Như thế, gia tài chẳng bao lâu rồi sẽ khánh kiệt. Tôi thấy ông có lòng khẳng khái giúp người, trong lòng tôi rất vui. Nhưng ông phải hỏi xem ông giúp đỡ những người như thế nào mới được. Chứ cái lối giúp đỡ của ông xem ra thì sẽ bị người ta lừa hết cả nhà mà không được báo đáp gì. Đành rằng, làm ân không cần báo đáp, nhưng mình cũng phải tìm xem mình làm ơn cho ai chứ! Ông Tang Đồ và ông Trương Tuấn Dân mà ông kính trọng đều là những người không có lương tâm. Gần đây, thêm anh chàng Bão Đình Tỷ là một anh hát tuồng có gì tốt đâu, thế mà ông cũng chăm sóc đến anh ta. Còn cái lão Vương Râu của ông thì lại càng tệ nữa. Tiền bạc tuy là việc nhỏ, nhưng sau khi tôi chết đi rồi, hai cha con ông nhất nhất việc gì cũng phải học đức hạnh của cụ cố nhà ta, nếu đức hạnh mà tốt thì dù không có ăn cũng không đáng lo. Người mà bình sinh ông thân nhất là ông Thận Khanh anh em họ của ông. Ông Thận Khanh có tài nhưng cũng không phải là người đạo đức lắm. Ông chỉ nên bắt chước ông cụ thân sinh thì sau này mới khỏi khổ. Ông không nghĩ gì đến việc làm quan, gia sản lại không còn gì nữa. Ở nơi này không phải chỗ ông ở. Nam Kinh là một đô hộ, tài hoa, ông lên đó, hoặc giả có thể tìm được người tri kỷ và làm nên một sự nghiệp gì. Gia tư của ông chẳng còn bao lâu nữa sẽ hết sạch. Ông ơi! xin ông nghe lời tôi, tôi chết mới nhắm mắt được.

Đỗ Thiếu Khanh nước mắt giàn giụa nói:

- Bác nói những lời đáng quý, tôi xin ghi nhớ. Đỗ liền ra bảo người nhà thuê bốn nhiều khiêng kiệu đưa ông Lâu qua Nam Kinh về Đào Hồng Tuấn. Lại đưa một trăm lạng bạc cho con ông Lâu để lo việc hậu sự.

Đến ngày thứ ba, Đỗ tiễn ông Lâu lên đường. Chỉ nhân phen này, khiến cho:

Kinh Đô cảnh đẹp, đón người tuấn kiệt lại chơi;

Giang Bắc quê nhà, vắng kẻ anh hiền hào phóng.

Muốn biết việc sau như thế nào hãy xem hồi sau phân giải.

/56

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

adsdoctruyen@gmail.com

DMCA.com Protection Status