Những Bông Hồng Trong Thung

Chương 7 - Chương 7

/13


Chuẩn bị cho kỳ thi kiểm tra lên đai, các võ sinh cấp đai nhỏ tập luyện ráo riết bài quyền của mình. Mười lăm phút cuối thường tập đánh đối kháng. Nguyên chạy lên chỗ tôi:

- Anh nói thầy cho em miễn thi được không?

- Sao vậy Nguyên?

- Em học cho khỏe thôi mà, em không cần lên đai đâu.

Tôi bật cười:

- Nhưng em không lên đai thì làm sao sư phụ cho em tập bài quyền mới?

- Sao thế? Em cũng đi tập luyện như mọi người, khi em tập tốt bài quyền rồi thì sư phụ sẽ cho các huynh cho em tập bài quyền mới chứ?

- Nhưng những người có cấp đai cao hơn mới được học những bài quyền đó. Em có hình dung ra em đeo đai đen đứng giữa những người đai xanh để học bài quyền mới không? Nó là như vậy đó.

Nguyên nhìn tôi nghĩ ngợi một chút. Em không nhăn nhó nài nỉ gì, chỉ quyết định rất nhanh:

- Vậy thì em đánh hoài một bài quyền cũng được - Rồi Nguyên cười - Một đòn năng tập cũng sẽ hóa biến thiên anh Quân nhỉ?

- Nhưng sao em không muốn lên đai, đâu có gì xấu đâu Nguyên?

Nguyên cười không trả lời, bỏ về một góc tập quyền cước.

Sư phụ nói tôi gọi Nguyên và Thúy lên bắt cặp đầu đối kháng. Thúy là sinh viên năm thứ nhất, người thấp hơn Nguyên một chút nhưng đậm, khá hiền, ít nói, không có vẻ lì đòn bằng Nguyên. Đó là tôi đoán vậy vì thấy Nguyên thường tập trung luyện đòn cước còn Thúy thì ít hơn.

Nghe tôi gọi, Nguyên bước lên với nét mặt không vui. Sư phụ nói cả hai đeo găng. Nguyên quay sang nói với sư phụ:

- Thầy cho em khỏi tập đối kháng được không thầy? Em không muốn thi lên đai đâu.

Sư phụ nhìn Nguyên lạ lẫm. Hình như ai cũng nghĩ Nguyên siêng năng tập như vậy hẳn sẽ đấu đối kháng tốt lắm.

- Tại sao em không muốn thi lên đai?

- Em chỉ định đến tập cho khỏe thôi ạ.

- Vậy em nghĩ những người thi lên đai là những người như thế nào?

Nguyên im lặng. Câu hỏi quá khó! Tôi biết Nguyên luôn tôn trọng mọi người. Nguyên đưa mắt nhìn tôi. Làm sao anh dám nói với sư phụ cho em miễn tập đối kháng được hả Nguyên? - Nhưng anh là đại sư huynh mà! - Anh không làm được, cố lên đi Nguyên! - Đại sư huynh mà thế à?

- Đeo găng!

Sư phụ dứt khoát. Vũ xỏ găng vào tay Nguyên, buộc dây. Tôi lẳng lặng buộc găng cho Thúy. Cả hai bước vào vòng tròn. Tôi trong vai đại sư huynh luôn là người điều khiển, đưa hai tay đối vào nhau. Nguyên và Thúy bắt bông chào sư phụ rồi cúi người chào nhau. Đấu!

Cả hai nhìn nhau, vờn một vòng. Thúy xuất cước. Cú đá non nớt không tới đích. Mọi người ồ lên nho nhỏ. Việc những người mới tập đá không chuẩn là chuyện bình thường vì cùng một cước ấy các học viên ngày nào cũng tập, sau vài ba năm phải khác hẳn người mới vào. Mọi người ngạc nhiên là vì không nghĩ Thúy là người ra đòn trước.

Thúy liên tiếp ra đòn. Nguyên đi sát vòng tròn để tránh những cú đá của Thúy. Võ sinh mới thường tấn công bằng cước vì cảm giác đứng xa đối thủ hơn, an toàn hơn. Những đòn cước chỉ búng ra từng cái chứ không phải là chuỗi liên hoàn cước. Nguyên vẫn né và đi xoay vòng trong vòng tròn. Thỉnh thoảng Nguyên lấn ra vòng. Sao vậy Nguyên, tấn công lại đi em! Ai cũng biết Nguyên là võ sinh mới nhưng tập quyền cước chuẩn nhất trong những người mới, những cú đá rất nhanh và gọn, tuy không phải lúc nào cũng phát lực đúng lúc vào điểm dừng cuối.

- Đánh đi Nguyên!

Tôi buộc lòng nhắc trước khi sư phụ lên tiếng. Nguyên vẫn tránh đòn. May mà Thúy cũng chỉ là người mới nên đá còn vụng về, nhưng né hoài sẽ thụ động mệt mỏi. Không ai kiên nhẫn để nhìn một trận đấu đối kháng chỉ có một bên tấn công.

Sư phụ khoát tay.

- Dừng!

Tôi hét gọn. Hai đối thủ tách ra. Sư phụ nhìn Nguyên vẻ rất không hài lòng:

- Con phải ra đòn thầy mới biết để chỉ tiếp chứ.

Nguyên đặt nắm tay phải vào lòng tay trái ngang ngực cúi nhẹ đầu xin lỗi. Hai cô gái lại so găng.

Lần này Thúy tấn công liên tục vì biết Nguyên không ra đòn. Việc duy nhất của Thúy là xem Nguyên như một mục tiêu và phải đánh trúng được mục tiêu di động đó.

Những học viên mới thường dùng đảo sơn cước, đòn đá dễ nhất, úp mu bàn chân vắt từ ngoài thẳng vào cần cổ của đối phương, chân trụ rất dễ lấy lại thăng bằng để rút chân kia về. Thúy không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên võ sinh chỉ được phép đá vào vai của người đấu với mình. Để tránh đảo sơn cước, Nguyên chưa biết dùng cách khóa chân mà chỉ biết lùi ra sau để tránh. Nguyên lùi ra khỏi vòng mấy lần. Tôi nhìn Nguyên nhắc nhở, trong lòng đau nhói như chính mình bị tấn công mà không thể phản đòn. Đánh lại một đòn đi Nguyên! Nếu Nguyên trúng đòn, nó không đủ mạnh để đau nhưng sẽ đủ tạo ra một sự choáng váng nhỏ về tâm lý.

Thúy vắt một đòn đảo sơn. Hai tay Nguyên vẫn đưa cao che gần mắt. Bỗng Thúy đứng sựng lại, nhìn sững vào Nguyên. Mọi người chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra. Nguyên và Thúy nhìn nhau vài giây, không có ai tỏ vẻ đau đớn, nhưng trận đấu khựng lại rất đột ngột. Và Thúy co chân lên, sau đó ngồi xuống, vẻ hoảng hốt. Khi tôi gỡ tay nhìn xuống mu bàn chân của Thúy, cục u nổi phồng lên rất nhanh. Một phút sau, chân Thúy đã sưng phồng lên như gắn một quả ổi to đùng. Thúy hoảng sợ yếu ớt. Sư phụ nói người đi mua nước đá. Tôi dìu Thúy về văn phòng. Khi đưa mắt nhìn về phía Nguyên, tôi thấy em vẫn đứng im ở ngoài vòng tròn, ngay chỗ mà em đã nhích cùi chỏ ngang sườn và cú đá vụng về của Thúy không úp từ ngoài vào mà kéo từ dưới lên, hốt thẳng vào trỏ của em. Ánh mắt của Nguyên vẫn chưa hết bàng hoàng.

Mọi người tản ra tập quyền tiếp. Hằng và Thủy dưới sự hướng dẫn của sư phụ đắp đá lạnh lên chỗ chân Thúy sưng phồng trong văn phòng. Tôi ra sân trông coi các võ sinh. Nguyên ngồi im ở một góc nhìn về phía văn phòng. Khi tôi đến gần, Nguyên hỏi vội:

- Chân Thúy sao rồi anh Quân?

- Không sao đâu Nguyên, chỉ là bị thương phần mềm thôi mà.

- Nhưng sao nó sưng to nhanh như vậy? Em chưa từng thấy bao giờ.

- Ờ, cái này cũng bình thường thôi, em đừng lo quá. Chắc tại chỏ của em chấn đúng vào một mạch máu nào đó nên nó tắc lại, sưng phồng lên. Anh vẫn thấy trường hợp như thế hoài. Mấy kiểu bị thương như thế nhìn thì nghĩ là ghê lắm nhưng chỉ là rất nhẹ thôi. Mình là dân nhà võ mà Nguyên.

Nguyên buồn buồn:

- Em không có ý đánh Thúy.

- Thì ai cũng thấy em không tấn công Thúy mà.

- Nhưng ai cũng thấy Thúy bị thương, còn em thì đâu có sao đâu.

- Đó là chuyện bình thường thôi, em đừng để tâm.

- Thúy đá gần quá, lúc đó em đã rơi ra khỏi vòng rồi, em không thể lùi được nữa nên định đưa vai chịu đòn, không ngờ Thúy lại đá thẳng vào chỏ của em. Lẽ ra Thúy không được đá như vậy, em không cố ý...

Tôi hiểu Nguyên đang day dứt về chuyện đã làm cho Thúy bị thương:

- Anh biết mà, cái đó là do Thúy tấn công hăng quá mà lại đá không đúng cách. Ai cũng hiểu không phải em cố ý.

- Anh là đại sư huynh còn mọi người đâu phải ai cũng quan sát và biết phân tích như anh. Em đã nói em không muốn tập đối kháng mà.

Giọng Nguyên hơi gắt nhỏ nhưng rất buồn. Tôi lúng túng nhớ tới ánh mắt em nhìn tôi cầu cứu khi bị sư phụ ép so găng.

- Anh sẽ nói với sư phụ cho em ngoại lệ xem có được không.

- Nếu hôm nay Thúy không bị đau thì em sẽ bị đau. Tại sao lại bắt đấu đối kháng mà kết quả là thế nào cũng có một người bị đau?

Tôi không biết phải trả lời như thế nào. Đó chỉ là tập luyện thôi. Nguyên cũng là một người rất siêng năng, có tinh thần, đã nhiều lần tôi thấy em tập những đòn ngã từ trên cao xuống huỳnh huỵch rất lỳ lợm, không hiểu tại sao em lại không thích tập đấu đối kháng. Em nhạy cảm quá Nguyên à!

- Sư phụ nói khi tập đối kháng mình sẽ có nhiều kinh nghiệm hơn. Nếu sau này ra đời có bị tấn công mình cũng tự vệ được.

Nguyên nhìn tôi định nói gì đó. Ánh mắt của em làm tôi lúng túng, cảm giác có lỗi. Nguyên không yểu điệu thục nữ nhưng cũng không phải là một người ưa tấn công người khác. Chắc Nguyên đang nghĩ anh là kẻ háo thắng, thích tấn công người khác? Tôi quay mặt nói vội:

- Thúy không sao đâu em, cô ấy sẽ nhanh khỏi thôi mà.

Không dám đứng lâu, tôi đi qua nhóm nhóc tì đai xanh để xem chúng tập quyền.

Mấy ngày sau, không biết Nguyên nói gì với sư phụ mà không thấy em phải tập đối kháng nữa. Tôi giận mình hèn nhát không dám nói với sư phụ giùm em, rồi tự nhủ có lẽ Nguyên làm điều ấy thì tốt hơn.

Gần thi, sư phụ nói ai ngoài giờ tập muốn luyện thêm có thể vào nhà thầy. Tôi mắc chạy xe ngoài hồ nên không đến. Cấp đai của tôi một năm mới thi một lần, những cấp đai nhỏ ba tháng kiểm tra một lần. Tôi nghe Vũ nói chủ nhật vừa rồi Nguyên có ghé. Sư phụ không đưa Nguyên ra sân sau tập mà chở Nguyên đi đâu đó. Nói xong Vũ quay đi chỗ khác thở dài. Tôi cũng chẳng biết phải nói gì, chỉ ậm ừ. Tụi mình làm sao bằng thầy được hả Vũ?

Buổi sáng thứ ba, tan lớp, Nguyên nán lại chờ tôi dọn binh khí. Em dành phần cầm mấy cây kiếm.

- Em thích đánh kiếm ghê! Sư phụ đang chỉ cho em bài quyền với thương.

Tôi giật mình. Dù gì Nguyên cũng chỉ mới học ba tháng, nhiều thế tấn còn chưa học hoặc chưa vững. Những bài quyền với trường côn, kiếm, thương ít nhất tập luyện cả năm mới được đụng đến. Sư phụ đang tạo ra ngoại lệ?

- Em tập ở nhà sư phụ hả?

- Không, em nói anh bí mật nhỏ này nhe: sư phụ bảo nếu mọi người biết em tập sẽ so bì nên muốn em tập riêng với sư phụ.

- Em thấy vui không? Sư phụ đang ưu tiên cho em đó, thường thì phải học ít nhất một năm mới được đụng đến binh khí, mà cũng ít khi chính sư phụ hướng dẫn.

Tôi hỏi, nuốt nước miếng đánh ực. Rồi em sẽ bị cuốn hút vào những bài quyền ấy mất thôi. Nguyên cười lắc đầu nhẹ:

- Em không thích, em từ chối rồi.

- Sao vậy?

Tôi ngạc nhiên hết sức. Nguyên luôn làm tôi bất ngờ. Vậy mà tôi tưởng em sẽ hí hửng vui lắm khi biết mình đang được ưu tiên. Nếu như Nguyên biết bài thương không phải là bài quyền quy định để thi lên đai mà là bài biểu diễn để đi thi toàn quốc thì có lẽ khác hơn.

- Em không thích ưu tiên mà phải tránh mọi người vì sợ so bì. Nếu như em thực sự đáng để được sư phụ chỉ dẫn thì mọi người sẽ không so bì. Đằng này em mới tập, chắc chắn những bài quyền đó không phải để em tập lúc này rồi.

- Đó là em nghĩ vậy thôi.

- Anh biết đi bài hồng phiến quyền không?

Tôi lắc đầu. Tôi là đại sư huynh, được sư phụ chỉ cho rất nhiều bài quyền riêng và có trách nhiệm huấn luyện cho các võ sinh dưới đai những bài quyền quy định. Võ sinh cấp dưới luôn thấy tôi biết nhiều bài quyền và có những bài quyền chỉ có tôi mới biết và biểu diễn. Sư phụ ít khi đi quyền, trừ khi tập cho các huynh đai đỏ cho kỳ thi lên đai hàng năm. Tôi đã từng thấy sư phụ biểu diễn hồng phiến quyền với những tư thế như bay lượn rất tuyệt. Sư phụ cũng đã chỉ cho tôi một chút, và tôi đã làm rách 5 cây quạt giấy để tập đoạn quyền ấy. Chỉ bấy nhiêu đó thì xem như tôi không thể đi hồng phiến quyền.

- Anh thấy sư phụ đi bài này chưa?

- Ừ, anh có thấy vài lần, hai hay ba gì đó. Sư phụ chỉ múa bài này cho tụi anh xem thôi, còn trước các võ sinh cấp đai nhỏ thì anh chưa thấy bao giờ.

- Thì có bao giờ em thấy thầy đi quyền trong lớp, lúc nào cũng là anh hoặc các huynh khác tập cho tụi em thôi. Nhưng mà hôm chủ nhật rồi sư phụ đưa em lên chùa Tàu. Sư phụ nói muốn tập cho em một số bài quyền nhưng vì không muốn cho ai biết nên phải đi lên chùa. Xong rồi sư phụ biểu diễn bài quyền này ngay trên đồi, chỗ có cái nhà nhỏ dừng chân với sự tích về Phật đó, anh biết không?

Tôi gật đầu. Nguyên quay sang nhìn thoáng tôi rồi kể tiếp:

- Em rất thích bài quyền đó. Sư phụ nói em có thể tập bài thương trước rồi sẽ tập hồng phiến quyền.

- Ừ, em là một võ sinh giỏi, nên chắc thầy muốn truyền bí kíp cho em. Bài hồng phiến quyền nữ đi đẹp hơn nam. Sư phụ có nói với anh sẽ tìm một nữ đệ tử để truyền lại.

- Nhưng mà em từ chối.

- Tại sao vậy?

- Em nói em chưa có khả năng tập những bài quyền khó như vậy. Sư phụ nói em cứ tập thử vài chiêu của bài thương đã rồi tính tiếp.

- Vậy thì tốt rồi! Em cứ từ từ tập.

Tôi buột miệng. Nguyên nhìn tôi rất lạ. Khuôn mặt em buồn buồn:

- Em hỏi cái này nhe, anh theo sư phụ bao lâu rồi?

- Hình như là năm năm thì phải.

- Anh có nghĩ mình hiểu sư phụ không?

- Ờ... cũng một phần nào, anh cũng không rõ nữa.

- Anh muốn em theo sư phụ tập những bài quyền ấy?

- Ừ... ừ... nếu em thích, tại anh thấy em cũng thích võ thuật mà.

Nguyên im lặng suốt khúc đường ngắn ngủi còn lại. Đến ngã năm, tôi đỡ những cây kiếm từ tay em. Nguyên cười chào tôi đi tiếp về lối khác. Em có vẻ không vui. Tôi không hiểu Nguyên thật rồi. Tôi biết một chút về sư phụ, nhưng tôi không hiểu vì sao mà Nguyên lại buồn. Tôi thật sự muốn nắm chặt tay em nói rằng Anh hiểu em mà, sư phụ muốn gì mình không để tâm tới, miễn là học quyền, học hết mình, vậy thôi! Anh lúc nào cũng ở bên em và tin em mà! . Nhưng tôi có tư cách gì để nói với em như thế? Hoặc giả sử lúc ấy tôi nói Nguyên cứ tập với sư phụ, nhưng em nhớ cẩn thận nha! thì có thể sẽ khác đi. Nói như vậy nghĩa là tôi quan tâm đến Nguyên lắm, và tôi hiểu sư phụ đang muốn điều gì. Nhưng tôi đã không nói gì vì tôi sợ Nguyên sẽ nổi giận. Nguyên lúc nào cũng mạnh mẽ, em sẽ không dễ gì để sư phụ lái theo ý đồ của ông. Nguyên vui vẻ tươi tắn nhưng không phải là người yếu đuối nhẹ dạ.

Tôi ngoái lại nhìn, thấy Nguyên đi khá chậm. Vậy là tôi đã làm em buồn, nhưng tôi chẳng biết làm gì hơn.

/13

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

adsdoctruyen@gmail.com

DMCA.com Protection Status