Ở Nơi Nào Có Cây Dẻ Gai

Chương 10

/26


Ánh nắng buổi sáng bắt đầu ửng lên trên con đường họ đi qua. Cây cỏ hai bên đường xanh mướt. Dưới ánh nắng mặt trời vẫn còn rất dịu dàng trong tiết đầu xuân, màu xanh đó bỗng trở nên trong suốt, có cảm giác như nếu nhìn kĩ sẽ thấy từng phiến lá là một mảnh ngọc bích mềm mại. Dấu hiệu của thành phố đã lùi xa là từng bụi, từng bụi dương xỉ rồi hoa dại nở trắng li ti hai bên đường. Không khí bắt đầu nhẹ hơn và thanh hơn. Di mở he hé cửa sổ xe, cơn gió lạnh thanh khiết len lỏi vào trong không làm ai khó chịu. Tất cả còn đang say sưa ngắm nhìn cảnh vật hai bên đường. Có cảm giác lòng người nhẹ dần trên từng cây số mà chiếc xe đang lấn tới. Cả bọn hướng về phía cao nguyên.

Họ dừng xe trên một đồng hoa dại trắng trải dài ngút tầm mắt. Trong lúc mọi người lục tục chuẩn bị, cô dâu trẻ nhảy ào xuống xe, chú rể cao lêu đêu chạy theo. Cả hai dang tay, vừa chạy vừa cười khúc khích. Chú rể vô tư nhấc bổng cô dâu lên. Di vừa bỏ máy ra đã chụp liền vài kiểu. Mọi người ngắm nhìn cả cánh đồng hoa sóng sánh trong gió và nắng. Di nghĩ đến việc sẽ dẫn thằng Phương đến đây một lần nếu như nó còn muốn chụp ảnh cưới. Nếu nói chỗ này không liên quan gì đến tình yêu thì sai lầm lắm. Ngắm cả thảm hoa trắng kia một mình, bước trong làn gió kia một mình, ngẩng mặt lên bầu trời xanh bao la kia một mình sẽ không tuyệt bằng quay đầu lại đợi ai đó cùng chạy đến. Di khum tay, nheo mắt nhìn ra xa. Trong tiếng cười của đôi vợ chồng trẻ, Di như thấy sự tiếc nuối của mình bay đi. Nếu không thể có hai người thì một người tự do sẽ tốt hơn một người tiếc nuối.

Dũng – trợ lý của Di – vừa nhìn đôi vợ chồng trẻ mỉm cười vừa lo lắng nói: “Chạy thế kia chỉ sợ tí nữa mệt lại không chụp được.”

“Ngày hôm nay còn dài lắm, coi như freshen up đi.” Di đưa máy cho cậu ta rồi dang hai tay, chạy về phía tiếng cười theo hình dích dắc. Hơi thở ấm nóng của cô quyện với mùi hương hoa dại nhè nhẹ trước mắt. Có tiếng hét lên ở phía sau, Dũng và Chi – chuyên viên trang điểm của Di – cũng đang chạy theo ríu rít. Mọi người dang tay chao liệng cùng với nhau, nếu tất cả có thể biến thành một đàn chim nhỏ bay vút lên cao kia thì tốt, cảm giác tự do nhưng không cô đơn này con người có lẽ không hiểu rõ được bằng những chú chim.

Mọi người quay lại khi đã mệt phờ, mồ hôi vã ra trong khí trời lành lạnh khiến mặt ai cũng đỏ ửng. Từ xa bọn họ đã thấy anh chàng hàng xóm đang ngắm họ tươi cười. Di vừa thở gấp vừa tiến lại phía gốc cây để lấy đồ đạc chuẩn bị làm việc. Thoáng thấy cô lại gần, anh hàng xóm ngại ngần đổi nét mặt, giấu ngay nụ cười. Trong lúc tất cả chạy nhảy, vui đùa thì anh ta bê đã giúp toàn bộ đồ đạc họ mang theo xuống xe. Bên cạnh gốc cây là một tấm vải lớn, anh ta trải sẵn và để lên đó vài chai nước.

Tạo dáng được một hồi thì cô dâu, chú rể đã bắt đầu thấm mệt. Trong lúc quấn chăn đứng dưới bóng cây cho Chi dặm lại phấn, cô dâu than thở: “Sắp đến giờ ăn trưa chưa chị? Em đói đến muốn xỉu rồi, không biết có đủ sức để treo cái váy này trên người không nữa.” Cô dâu dùng hai tay nhấc cái gấu váy cưới đang lượt thượt dưới đất lên.

Di xem lại mấy tấm hình trong máy: “Mình còn đi một điểm nữa trong ngày hôm nay, nốt mấy kiểu này thì nghỉ ăn trưa, tranh thủ nắng đẹp em ạ!”

“Em uống sữa đi.” Chú rể – người đã phản đối kế hoạch chụp ảnh rình rang này – ân cần cắm ống hút vào hộp sữa cho cô dâu rồi quay sang chỗ Di. “Đồ ăn bọn em chuẩn bị sẵn rồi, bếp ga du lịch cũng mang theo luôn, lát nữa mình hâm nóng lại là ăn thôi, nghỉ sớm một chút cũng được chị ạ!”

“Vậy chuẩn bị đi là vừa.” Di đồng tình. Thấy anh hàng xóm đang ngồi chơ vơ bên cạnh, Chi phân công luôn: “Anh Vũ chuẩn bị hộ bọn em nhé!” Anh ta gật đầu.

Họ ngồi ăn bên cạnh gốc cây với những thứ đồ ăn nóng sốt mà anh hàng xóm đã bày biện, hoa quả được xắt miếng đều tăm tắp bày trên đĩa. Không có vẻ gì là một bữa ăn tạm bợ cả. Mọi người đều có vẻ ngạc nhiên. Bọn họ vừa ăn vừa trò chuyện.

“Anh Vũ làm gì?” Chú rể vừa chấm miếng bánh mì vào bát xốt vang vừa hỏi.

“Làm bếp.” Anh hàng xóm cười.

“Tức là đầu bếp ấy à? Thể nào…” Cô dâu chép miệng nhìn lại bàn ăn.

“Sở trường của anh là món gì vậy?”

“Món Pháp.” Di thấy anh ta có vẻ hơi e ngại khi trả lời. Mọi người thì “ồ” lên kinh ngạc.

“Vũ học ở đâu thế?” Chi tò mò.

“Ở Pháp hai năm, mới về năm ngoái.”

“Vậy bây giờ anh đang làm nhà hàng nào? Tiếc là bọn em đặt cỗ cưới rồi, không thì sẽ nhờ anh tư vấn.”

Anh hàng xóm gãi đầu, uống một ngụm nước: “Anh đang làm cho khách sạn Việt Nam, bé xíu, không đủ chỗ tổ chức tiệc cưới đâu.”

Dũng ngạc nhiên nhìn anh ta: “Anh học ở Pháp về sao lại làm ở nhà hàng Việt Nam?”

“Công việc thôi mà.” Anh ta cười trừ rồi đứng dậy, lấy một cái bình đã được chuẩn bị trước, rót sáu cốc nước cam. Mọi người nhận lấy cốc của mình. Chú rể lên tiếng phá tan không khí ngại ngần: “Chiều về khách sạn em sẽ đãi mọi người một bữa cá hồi và đồ nướng tơi bời. Khách sạn này nhỏ thôi nhưng vợ chồng em đã ở một lần rồi, bà chủ nấu ăn ngon cực.”

“Chiều về khách sạn á?” Anh ta có vẻ vô cùng sửng sốt.

“Vâng, ngày mai bọn em còn vào bản chụp hình mà.” Chú rể tươi cười.

Anh hàng xóm đưa mắt nhìn Di thật nhanh, vẻ mặt vô cùng lo lắng và đau khổ. Gương mặt trắng trẻo có phần hơi trẻ con đỏ lên.

Họ về khách sạn khi trời bắt đầu chạng vạng. Xe leo chậm chạp trên đường vành núi. Vai và lưng Di mỏi nhừ. Anh hàng xóm bấm điện thoại liên tục trên đường, thi thoảng lại quay sang nhìn Di vẻ cay đắng. Cuối cùng họ tiến vào một khu dân cư với vài ba căn nhà thưa thớt. Xe vừa đỗ lại, cả bọn còn chưa kịp chuyển đồ xuống thì một người phụ nữ trung niên có vẻ là chủ nhà chạy vội từ trong sân ra.

“Chú bị tai nạn phải vào bệnh viện, cô đợi mấy đứa mãi. Này, cầm lấy chìa khóa, cô phải lên đấy bây giờ đây.” Bà chủ nhà sốt sắng nói với chú rể.

“Chú bị sao hả cô? Có nặng không?” Cô dâu lo lắng níu tay bà chủ nhà một cách thân mật.

Bà chủ nhà phẩy tay, tất tả trèo lên xe máy: “Không sao, không sao, chấn thương nhẹ thôi nhưng con cái ở Hà Nội chưa đứa nào về kịp, cô tranh thủ về đây đưa chìa khóa cho mấy đứa. Đồ ăn có sẵn trong bếp rồi, mấy đứa tự lo nhé! Sáng sớm mai cô về.”

Bà chủ nhà phóng xe đi, để lại cả lũ chỏng chơ với căn nhà trống. Mọi người lục tục mang đồ vào nhà. Ngôi nhà giống một cái nhà nghỉ hơn là khách sạn, nằm trên vách núi, cách khá xa các nhà lân cận, nhà hai tầng, kiến trúc khá hiện đại. Các phòng đều lát gỗ và có ban công nhìn ra thung lũng. Trời càng tối càng lạnh. Anh hàng xóm nhăn nhó vì điện thoại mất sóng. Anh ta loay hoay ở ngoài sân một hồi cuối cùng cũng gửi đi được một tin nhắn cầu may cho ông chủ khách sạn. Cả bọn kéo vào bếp. Bà chủ đã chuẩn bị một bàn thức ăn ê hề. Các loại rau và khoai xanh mướt, một tảng thịt lợn mán đỏ au đặt bên cạnh bếp than chưa nhóm, một con cá hồi tròn lẳn, bóng nhẫy nằm trên đĩa. Trên bếp chỉ có một cái nồi to đậy vung hờ. Cả bọn nhìn nhau thở dài. Tất cả vẫn còn tươi sống, chưa chế biến gì cả. Thậm chí rau còn chưa nhặt.

“Cái này chắc lại phải nhờ Vũ thôi, em thì chả biết nấu nướng gì đâu.” Chi nhanh nhảu.

“Em cũng thế.” Cô dâu cũng vội vàng lên tiếng.

“Mọi người cứ lên tắm rửa nghỉ ngơi đi đã, ai cũng mệt rồi, lát nữa xuống thì cùng nhau làm. Một loáng là xong thôi. Một mình anh Vũ đánh vật với cả lợn cả cá cả rau thế này thì có mà đến mai.” Chú rể nhấc ba lô lên vai, mọi người đồng tình lếch thếch nhấc đồ đạc, định đi lên gác thì anh chàng hàng xóm bước vào. Anh ta nhìn một lượt mọi thứ đồ ăn trên bàn, gương mặt thoáng vẻ ưng ý.

“Anh em mình lên phòng tắm rửa, lát xuống nấu nướng anh nhé!” Dũng lúc lắc chùm chìa khóa. Chú rể vội phân trần: “Vì không biết có anh đi cùng nên em chỉ book hai phòng thôi, nhưng phòng của các anh chị là phòng đôi, hai người ngủ một giường vẫn được.” Anh chàng hàng xóm gật đầu vẻ ái ngại. Mọi người lục tục lên cầu thang, anh ta chơ vơ đi cuối hàng vì không mang đồ đạc gì cả.

Nước nóng khiến cho cơ thể như bừng tỉnh. Di đứng dưới vòi hoa sen hồi lâu, hương thơm man mác của loại dầu gội hay dùng bỗng nồng hơn trong làn khói ẩm. Đầu óc Di mệt mỏi nhưng nhẹ bẫng. Tất cả giống như một cuộc thanh tẩy và xông hương vậy.

Lúc Di bước ra ngoài thì Chi đã ngủ quên trên ghế bành tự lúc nào. Anh hàng xóm và Dũng chắc xuống sử dụng phòng tắm dưới nhà cho nhanh. Di bật nước nóng đầy bồn, đánh thức Chi dậy, bảo nó ngâm mình rồi vừa lau tóc vừa bước xuống nhà.

Trong bếp vọng ra những tiếng lạch cạch. Anh chàng hàng xóm đứng quay người lại phía Di đang nêm nếm cái gì đó trên bếp, từng cử động vô cùng linh hoạt. Anh ta xoay sang trái, giã cái gì đó, hương thơm nồng của sả, của tỏi, của hành, của quế cùng mùi cay lựng của ớt bay lên. Anh ta lại xoay sang phải lạng những lớp thịt cá mỏng trong suốt, bày thành vòng tròn trên đĩa, ở giữa để một bông hồng bằng cà chua. Đó là lần đầu tiên Di nhìn kĩ anh ta. Anh ta có vẻ tầm tuổi Di nhưng nhìn rất trẻ, khá cao lớn, vai rộng và cường tráng, sống mũi cao nhưng hơi dài, đôi môi nhỏ, phần môi dưới hơi hướng ra ngoài, lúc nào cũng như đang thả lỏng. Đặc biệt nhất là đôi mắt, to đen và hàng mi dài, đôi mắt đáng ra phải là của một mĩ nữ nhưng lại được đặt dưới đôi lông mày rậm dài, hoang dã. Sự kết hợp khó hiểu đó của tạo hóa khiến anh ta nhìn vừa nam tính lại vừa ngây thơ. Nhìn anh ta giống như một cái sofa rộng và dài, không cầu kì, tối giản về đường nét nhưng lại đảm bảo một chỗ nằm thoải mái và êm dịu. Những cử động nhanh, khéo léo và liên tục của anh ta khiến Di không rời mắt được. Gương mặt anh ta lấm tấm mồ hôi nhưng tươi tỉnh, vẻ e dè biến mất, thay vào đó là sự tự tin và một chút say mê.

Anh hàng xóm bê nồi nước lẩu, quay lại đặt xuống bàn. Anh ta vẫn mặc nguyên bộ đồ lúc sáng, tóc mái áp vào trán, mặt hồng lên vì lửa bếp, ánh mắt ngỡ ngàng nhìn Di.

“Cần tôi giúp gì không?” Di nhẹ nhàng lên tiếng.

“Tôi xong hết rồi. Chỉ cần xiên thịt vào que rồi nhóm bếp nữa thôi. Cô vừa tắm xong, đừng vào đây, ám mùi.” Anh ta xua tay.

“Sao anh không đợi mọi người xuống đã?” Mặc kệ lời anh ta nói Di tiến vào bếp.

Anh hàng xóm cười, đôi mắt hơi nheo lại: “Người ta chỉ vào bếp xong mới tắm, chứ ai lại tắm xong rồi vào bếp bao giờ.”

“Vậy đầu bếp các anh đều để bẩn như thế rồi vào bếp nấu đồ ăn à?” Di đã đứng ngay sát anh ta, mùi mồ hôi lẫn mùi gia vị từ người anh ta tỏa ra nồng nồng. Đột nhiên anh ta nắm lấy hai cổ tay Di. Mặc cô ngơ ngác, anh dùng những ngón tay dài và rắn chắc của mình mở rộng hai bàn tay cô trên chậu rửa, xoay vòi nước. Một dòng nước giá lạnh chảy qua bàn tay anh rồi tràn xuống tay Di. “Chúng tôi luôn giữ bàn tay sạch.” Anh ta nhìn Di ân cần. Ánh nhìn ấm áp đó khiến Di thấy mình như bé lại. Trong một phút người đứng trước mặt Di dường như không còn là anh hàng xóm vụng về, đầy e ngại sáng nay gõ cửa nhà cô xin giày nữa. “Nếu cô đã vào đây rồi thì giúp tôi xiên thịt nhé, để tôi nhóm bếp, việc này chắc cô thành thục lắm.” Anh ta chỉ âu thịt đã được tẩm ướp rồi bê bếp than củi ra sân.

Di ngồi cạnh anh hàng xóm bên cái bàn nhỏ bà chủ nhà kê sẵn ở giữa sân. Anh ta hì hụi thổi lửa từ cây củi mồi. Di bắt đầu xiên thịt. Anh ta ngồi xoay lưng lại với cô, những đốm lửa lóe lên rồi lan ra như những mảnh sáng li ti trên thanh củi. Ánh sáng gợi nhắc hình ảnh những bóng điện nhìn từ phía xa đang từ từ bật sáng khi bóng chiều tàn dần trong thành phố. Nhiều buổi chiều của những năm về trước, Di ngồi bên ban công xiên thịt vào que nướng, thằng Phương lười nhác ngồi bên Nhã trong nhà chờ Nhã gọt hoa quả. Nhắm mắt lại Di vẫn có thể nghe thấy tiếng bước chân anh di chuyển trong lúc bê mấy chai bia ra cạnh chỗ cô ngồi rồi châm thuốc hút. Lúc nào anh cũng quay người sang bên phải vì sợ khói thuốc làm Di nhăn mặt. Di quen với gương mặt nhìn từ phía bên phải của anh hơn. Ở bên đó, phần tóc mái dài hơn, che khuất đuôi mắt, sống mũi cao có dấu mờ mờ của chấm mụn ruồi, khóe miệng hơi trễ xuống khi ngậm điếu thuốc. Giây phút đó Di quên mất mình đang sống trong những ngày hiếm hoi anh ở nhà, cứ ngỡ rằng anh cứ ngồi đó mãi, chỉ cần mở cửa bước ra ban công là thấy. Anh nói rằng không ai làm thịt xiên nướng ngon như Di, kể cả ông già ở phố Tàu với bàn tay thoăn thoắt phồng lên bởi hơi nóng lửa than. Mọi người ăn thịt nướng vào những ngày hè nóng bức với bia ướp đá, vào những ngày đông lạnh giá với rượu gạo trắng cho đến khi quần áo ám mùi. Có lần anh gọi điện bảo anh nhớ mùi nước mắm, mùi thịt nướng ướp nước mắm ngọt hơn và đậm hơn mùi thịt nướng ướp nước tương hay ướp ca ri ở bên đó. Di và anh không gặp nhau nhiều, có lúc ngoài hình ảnh gương mặt anh nhìn từ phía bên phải ra, tất cả còn lại trong Di đều có vẻ quá mơ hồ. Có thể trong lúc đó anh đã đổi một kiểu tóc mới, cạo râu thường xuyên hơn, không còn mặc áo ngắn tay và đeo cái vòng da nâu nữa. Ngoại hình của họ thay đổi theo thời gian và theo thời tiết trong năm, bởi vậy họ nhớ nhau bằng những thứ không thay đổi khác: giọng nói và mùi hương. Có lần một người bạn nói với Di rằng anh đang theo đuổi một cô gái mới chuyển đến ở tầng ba khu học xá. Thỉnh thoảng thay vì đi thang máy lên tầng tám, anh lại leo bộ lên tầng ba, đứng tần ngần hồi lâu trước ban công phơi đầy quần áo của cô gái đó. Hết một tháng thì anh dừng lại, chưa nói với cô gái kia lời nào, mặc cho cô đợi chờ mỏi mắt. Cuối cùng, khi anh biến mất tăm, cô gái đã vô cùng tức giận, giận anh sao nhút nhát đến vậy, đứng trước cửa phòng người ta gần tháng trời mà không dám làm quen. Cô đến gặp anh, hỏi cho ra lẽ thì anh trả lời rằng: “Vì cô đã thay loại nước xả vải mới, không phải là loại nước xả vải mang từ Việt Nam sang, không phải loại mà bạn gái tôi hay dùng.” Có nhiều chuyện mà thời gian trôi qua, lâu dần Di không còn nhớ nữa, chỉ có những điều nhỏ nhặt như vậy vẫn đâu đó lẩn khuất, in rõ trong đầu óc cô, như tiếng thở của anh xen lẫn những âm thanh lạo xạo từ những cuộc điện thoại đường dài chẳng hạn.

“Thịt đã xong chưa…?’’ Anh hàng xóm quay lại nhìn Di, bên cạnh anh ta bếp lửa đã đỏ hồng. Câu hỏi của anh ta ngưng lại ở cuối câu vẻ hơi bối rối.

“Di”, Di tiếp lời.

“Ờ, Di.” Anh ta lẩm nhẩm, quệt mồ hôi trên trán. Trong ánh sáng lờ mờ của bóng đèn vàng yếu ớt ở sân, mặt anh hàng xóm hiện ra đầy những vết nhọ nhem. Những vết nhọ bị cánh tay quét qua loang trên mặt thành những khoảng đen mờ mờ. Di bật cười. Anh ta nhìn cô, có vẻ gì đó như ngỡ ngàng nhiều hơn là bực bội.

Những xiên thịt nướng cháy xèo xèo trên bếp lò hồng rực.

“Trời ơi, hai người siêu quá, em mới vào bếp nhìn nồi lẩu mà choáng váng luôn.” Dũng xuất hiện ở đằng sau họ, cùng với Chi và cô dâu, chú rể. Mọi người nhìn những xiên thịt nướng và bếp than đỏ hồng vui sướng.

“Hôm nay phải làm một bữa ra trò mới được, anh Vũ đúng là anh hùng cứu đói, lát nữa em sẽ mời anh vài chén.” Chú rể hào hứng, lanh chanh lại bê cái bếp than để chính giữa bàn.

Món ăn làm mọi người thích thú nhất ngày hôm đó là món cá hồi nướng bơ theo kiểu Pháp nhưng lại được bọc lá chuối và rắc lá chanh xắt sợi. Di thì nhớ nhất hương thơm của tất cả các loại gia vị trong cái cối nhỏ mà anh hàng xóm đều tay giã. Hương thơm đó khác hẳn với hương thơm của những xiên thịt nướng ở nhà. Đã lâu lắm rồi Di không ăn thịt nướng của bất kì người nào làm, lâu đến nỗi Di mặc nhiên nghĩ rằng vị thịt nướng là phải như vậy, giống như nhiều thứ khác với Di sẽ không bao giờ thay đổi. Những tiếng thở đều đều và âm thanh lạo xạo của những cuộc điện thoại đường dài cũng vậy. Khi áp tai vào điện thoại và lắng nghe những tiếng thở đó, Di cứ nghĩ mãi về mùi hương tối nay mà không để ý anh hàng xóm cũng đã bước ra ban công. Anh ta nói gì đó với ông chủ rồi cúp máy.

“Cô làm gì ngoài này vậy? Lạnh quá, mọi người ngủ hết cả rồi.”

Di giơ chiếc điện thoại vẫn áp bên tai lên. “Còn anh?” Di hỏi.

“Tôi không ngủ được, mà tôi đâu thấy cô nói gì.”

“Tôi chẳng biết nói gì cả.”

“Vậy cúp máy đi.”

Di cười, hạ chiếc điện thoại xuống, nắm trong tay nhưng không tắt máy.

“Sáng mai tôi về sớm.” Cơn gió lạnh thổi tới làm anh ta so vai. Anh ta nhìn Di đang chậm chạp dùng cả bàn tay vuốt tóc về hai bên má rồi bước tới gần cô hơn.

“Anh muốn uống gì không?” Di hỏi rất lơ đãng.

“Chờ tôi một chút.” Anh ta nói rồi đi mất. Một lúc, Di đứng với cái điện thoại nắm hờ trong tay, những tiếng rộn rạo vẫn phát ra đều đặn từ ống nghe. Đêm ở nơi này quá lạnh. Cái lạnh như hòa tan mọi xúc cảm. Người ta như tan vào sương đêm.

Anh hàng xóm trở lại với hai cốc trà nóng, thứ trà thảo dược anh ta tìm thấy trong bếp. Di nhấp một ngụm nhỏ, nghe vị cam thảo ngọt ngọt tê tê nơi đầu lưỡi, đánh thức mọi giác quan.

“Anh ở đó lâu chưa?” Di hỏi anh ta mà không nhìn.

“Ở đâu cơ?” Anh ta vừa xoay xoay cốc trà trong lòng tay vừa nói.

“Ban công nhà đối diện.”

“Một năm, sáu tháng, hai mươi tám ngày.” Anh ta vừa trả lời vừa nhìn đám lá của cây hạt dẻ dưới sân chập chờn trong vùng sáng leo lét của bóng đèn hắt ra từ ban công.

Di nhìn anh chàng có vẻ ngạc nhiên, anh ta nhún vai, uống một ngụm trà.

“Còn cô?”

“Hai năm lẻ mấy ngày kể từ lúc tôi không còn đếm nữa.”

“Chà, lâu vậy rồi cơ à?”

Di khẽ gật đầu rồi cả hai cùng nhìn về phía trước. Phía trước là bầu trời đen thẫm, mảnh trăng cuối tháng mỏng manh, vàng lợt. Cây hạt dẻ dưới sân xạc xào trong gió.

/26

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

adsdoctruyen@gmail.com

DMCA.com Protection Status