Ở Rể ( Chuế Tế )

Q.2 - Chương 97 - Thời Cuộc (Hạ)

/532


Nếu như buông ra, bịch một cái, triều Vũ, quốc gia này... cũng mất.

Trong phòng, Ninh Nghị làm động tác thả tay, Lý Tần nhíu mày nói:

Sao lại như vậy?

Ninh Nghị trầm mặc một hồi trả lời:

Lý huynh đã nghĩ tới chuyện Nho gia phát triển đã mấy nghìn năm qua, nhưng vì sao họ chưa bao giờ bỏ cách nói thương nhân trục lợi?

Thánh nhân đề xướng đức hạnh, phản đối hành vi ích kỷ trục lợi, chẳng lẽ không nên thế hay sao?

Đó cũng là một lý do.

Ninh Nghị gật đầu:

Nhưng còn một lý do khác, đó là đạo học thương nhân bất lợi cho sự thống trị, thể hiện qua ba chữ: khó quản lý. Một người cả đời ở sơn thôn làm ruộng thì chẳng sao, họ cứ dựa theo quy trình đời đời truyền xuống là sống, kết hôn, chết thì mai táng trong núi. Nhưng có một ngày người đó vào thị trấn, thấy cuộc sống đa dạng, lại có một ngày người đó vào tỉnh thành, thấy vô số thứ khiến mình bất ngờ, cũng giống như nhìn thấy một bộ quần áo, đầu tiên là muốn mua, sau đó nghĩ cách... tham lam là như vậy...

Ninh Nghị cười cười:

Đương nhiên phần lớn con người sẽ làm việc đàng hoàng kiếm tiền mua quần áo, chỉ khi nào có dục vọng, lúc rảnh rỗi sẽ sinh ra nhiều chuyện. Lý huynh nghĩ xem, một nông dân trung thực, suốt đời bán mặt cho đất, bán lưng cho trời hay một người trong lòng có dục vọng dễ quản hơn? Triều ta mấy ngàn vạn con dân, Lý huynh, triều ta dùng pháp trị thật sự có thể quản lý được bao nhiêu? Có bao nhiêu người cứ an an ổn ổn sống hết cuộc đời? Thương nghiệp luôn phát triển trước một bước, sẽ sinh ra bao nhiêu người có dục vọng?

Đây thật ra là một hệ thống rất thú vị. Từ thời bách gia chư tử (1) đã sinh ra pháp trị và đức trị. Pháp trị mới đầu có thể chiếm thượng phong, nhưng nếu ngẫm kỹ từ thời Tần, Hán, Tam quốc, Lưỡng Tấn, Nam Bắc triều, Tùy, Đường... tới nay, huynh sẽ phát hiện một việc: pháp trị trước đây có thể quản bao nhiêu người? Thực ra đa số đều dựa vào tính tự giác, dân phong thuần phác mà thôi, ở mỗi thôn nhỏ có một bộ quy tắc là được. Nếu như đem Giang Ninh hiện giờ đến triều Tần, Lý huynh thử nghĩ xem, với luật pháp và thủ đoạn khi đó có thể yên ổn quản lý nơi này bao lâu? Vẫn nói triều Tần rất nghiêm khắc, nhưng Giang Ninh... người thông minh nhiều lắm, kẻ cơ hội cũng không thiếu...

(1): Bách Gia Chư Tử là thời kì chứng kiến sự mở rộng to lớn về văn hóa và trí thức ở Trung Quốc kéo dài từ 770 đến 222 TCN. Trùng khớp với giai đoạn Xuân Thu và Chiến Quốc, và nó cũng được gọi là thời đại hoàng kim của tư tưởng Trung Quốc và thời kì trăm nhà đua tranh ( bách gia tranh minh ) này chứng kiến sự nảy nở của nhiều trường phái tư tưởng khác nhau. Nhiều đề tài cổ điển Trung Quốc có nguồn gốc từ thời kỳ này đã có ảnh hưởng sâu rộng trong cách sống và ý thức xã hội của người Trung Quốc đến tận ngày nay. Xã hội trí thức thời kỳ này có đặc trưng ở sự lưu động của những người trí thức, họ thường được nhiều nhà cai trị ở nhiều tiểu quốc mời làm cố vấn về những cách thức điều hành chính phủ, chiến tranh, và ngoại giao.

Nho gia là một cái gì đó thật vĩ đại đã phát triển mấy nghìn năm, Lý huynh, chỗ tốt của thương nhân không phải đến triều Vũ họ mới nhận ra, nếu như để thương nhân tự do phát triển theo đuổi lợi ích, chắc chắn rằng không phải tới hiện giờ mọi người mới nhận ra điều này. Ví dụ về Đào chu công (2) vẫn còn đó. Nhưng vì sao cả ngàn năm qua các triều đại đều hạn chế thương nhân, lý do sâu xa nhất đó là họ đã nhận ra hậu quả là năng lực pháp trị... không theo kịp.

(2) Đào chu công tên thật là Phạm Lãi, tự là Thiếu Bá, là một tướng tài của nước Việt ở Trung Hoa thời Xuân Thu Chiến Quốc, người đã giúp Việt vương Câu Tiễn tiêu diệt nước Ngô. Khi đại sự thành công, Phạm Lãi cho rằng vua Việt có tướng cổ cao, môi dài mỏ quạ, là người nhẫn tâm mà ghét kẻ có công, cùng ở lúc hoạn nạn thì được chứ lúc an lạc thì không được, nên không ở lại làm quan mà bí mật trốn đi ở ẩn. Theo Sử ký, Phạm Lãi đến nước Tề, cha con cùng tự cày cấy làm ăn. Nước Tề sai sứ mang ấn tướng quốc đến mời ông vào triều, nhưng ông từ chối, không màng công danh, rồi cùng gia quyến đến đất Đào, đổi tên thành Đào Chu Công và trở thành một thương gia giàu có lúc bấy giờ.

Triều ta cũng có hình thái ý thức như vậy.

Ninh Nghị vỗ vỗ gáy:

Con người càng nhiều dục vọng, hành vi càng khó dò, càng dễ lừa lọc, vì lợi mà bất chấp, sẵn sàng cơ hội. Triều ta không hạn thương cũng có chỗ tốt của nó, nhưng quan văn tham tiền quan võ sợ chết, dân chúng kém phát triển, quan binh cũng qua loa cho xong, nào biết hậu quả do lợi ích đó mang lại? Tóm lại... nó cũng là một trong những nguyên nhân chính.

Lý Tần trợn mắt ngồi im suy nghĩ, chẳng còn tâm tư đâu mà đi hỏi những từ ngữ khó hiểu như hình thái ý thức , chỉ có thể nghe hiểu một phần cũng đủ làm cho hắn chấn động, một lúc lâu sau hắn mới nói:

Theo Lập Hằng nói... vấn đề thương nhân trục lợi kia mới là nguyên nhân chính khiến triều Vũ ta suy nhược lâu ngày?

Không phải.

Ninh Nghị nhấp một ngụm trà, nói:

Tuyệt không phải như thế, đây là một loại phát triển, bản chất của triều ta là dùng pháp trị quy định con đường phát triển của thương nhân, điều này cũng có nghĩa, trong quá trình phát triển hai bên phải cùng nhau phát triển, mà hiện giờ có rất nhiều thứ không phát triển kịp, cho nên… vấn đề này rất phiền phức, quá phức tạp... Muốn giải quyết vấn đề của triều Vũ hiện giờ mà chỉ nhìn chằm chằm vào số tiền của thương nhân, hi vọng triều đình tham gia làm kinh tế, thu hết tiền về mình rồi mới nghĩ tới chuyện giải quyết vấn đề dân giàu nước mạnh là không thể được. Không thể nhìn chằm chằm vào một chút lợi ích để rồi chết, nếu thực hiện điều đó, tính cân đối sẽ mất dần, sinh ra dị dạng, sớm muộn cũng nảy ra vấn đề không hay...

Ninh Nghị lắc đầu, Lý Tần ở bên kia suy nghĩ khá lâu mới hỏi:

Như vậy, theo Lập Hằng, để giải quyết vấn đề mấu chốt cần bắt tay từ đâu?

Nếu làm thực thì ta không biết, nhưng nếu nói cho vui thì ta sẽ không chịu trách nhiệm nói về lời của mình đâu...

Ninh Nghị cười cười:

Sao không bắt tay từ nho gia chứ?

Nho gia... chẳng nhẽ Lập Hằng ám chỉ vấn đề thừa biên chế?

Lý Tần ngẫm nghĩ rồi cười rộ lên:

Trước kia cùng người khác nói chuyện cũng đã nói qua việc căn nguyên của triều ta hiện giờ chính là thực trạng quan viên quá nhiều, đây là một vấn đề lớn, nhưng mà muốn giải quyết việc này chỉ sợ còn khó hơn vấn đề thương nghiệp...

Nếu ta nói... Không phải quá nhiều mà là quá ít thì sao?

A?

Lý Tần chớp mắt mấy cái, vẻ mặt mê hoặc. Ninh Nghị quay đầu nhìn về phía phòng học.

Lý huynh cảm thấy những học sinh đọc sách này tương lai có thể làm gì?

Với cách dạy của Lập Hằng, không chỉ dạy chúng học thức mà còn dạy cả chuyện đời, dạy phương pháp quyết đoán, tương lai nếu muốn làm quan tốt một phương thì không thành vấn đề.

Lý Tần nói rất nghiêm túc, Ninh Nghị ngồi đó nhịn không được cười ra tiếng, sau đó nhấp một ngụm trà, vỗ vỗ tay.

Lý Tần nghi ngờ nói:

Không biết theo Lập Hằng thì họ có thể làm được gì?

Về mặt này, cái tên Tô Văn Nghĩa kia có thể làm một quan nhỏ, thành tích của nó không tốt, nhưng tính cách nhanh nhẹn, quan hệ với người khác khá tốt, nhưng đứa còn lại… ta chỉ định dạy làm tiểu nhị, chưởng quỹ mà thôi, đương nhiên, đọc sách nghĩa là có cơ hội làm quan, không ngại gì cho chúng thử, dù sao thì làm quan cũng có phúc lợi tốt...

Ninh Nghị gập đầu ngón tay nhẩm tỉnh:

Chính bổng (lương chính), lộc túc (gạo cấp), chức tiền (tiền chức vụ), quần áo, từ quần áo trên người đến lương thực, trà rượu, mắm muối than củi tới thức ăn gia súc. Thời đại này một khi làm quan, ăn, mặc, ở, đi lại của mình và gia quyến đều do quốc gia phụ trách, quốc gia còn chia cho họ ruộng tốt. Công việc nhàn hạ, ba năm không phạm sai lầm lớn là được lên chức, điều kiện tốt như vậy ai không muốn làm quan cơ chứ...

Lý Tần trầm mặc một lát nói:

Lập Hằng định nói, những học trò như vậy chỉ có thể làm chưởng quỹ?

Cũng không phải chỉ có thể làm, mà là thích hợp làm. Tính cách của chúng hơn phân nửa chất phác thành thật, làm quan rất khó. Đạo làm quan rất coi trọng việc phán đoán thời thế và kết giao, nếu có năng lực có hoài bão thì có thể làm quan tốt. Đức Tân biết ứng đối tiến thối, có năng lực hoài bão, có năng lực cân nhắc, có thể làm quan tốt, nhưng phần lớn họ không được, việc này không đơn giản.

Ninh Nghị lắc đầu:

Dân giàu, binh cường, tiếp theo là sĩ tốt. Đạo của sĩ tốt kỳ thực là dùng người đúng nghề, vậy vì sao không thể mở những học đường chuyên ngành, phát huy hết lợi thế của họ. Làm chưởng quỹ cũng giống như bố trí người này học nghề mộc, người kia học nghề khoáng, người nọ học đầu bếp, học quản lý. Trong đó quan trọng nhất là bố trí người học quân lược, người học thủy lợi, người học nghề khoáng...

Lý Tần rõ ràng là không đồng ý với quan điểm này:

Nếu có tiền đọc sách, ai lại nguyện ý đi học những nghề đó?

Đây cũng là vấn đề, làm quan thật tốt, có cơ hội đọc sách đều phấn đấu làm quan. Trong sách tự có ngàn bồ thóc, trong sách tự có nhà lầu vàng (3), thế nhưng... tại sao bây giờ lại thừa nhiều quan viên như vậy? Thời cổ, người biết đọc sách chỉ là một nhóm người, người biết chữ không nhiều lắm, muốn học vấn được truyền thừa, quốc gia cần bọn họ tới cai quản, ngàn vàng dễ kiếm một sĩ khó cầu, bởi vậy, kẻ sĩ nghiễm nhiên đã ở trong nhóm người có vị trí cao nhất, bởi vì số lượng không nhiều nên thường lấy trời đất làm trái tim, lấy cuộc sống dân chúng làm tính mệnh, sinh ra thánh kế tuyệt học, muôn thuở thái bình...

(3) Hai câu này có xuất xứ từ một bài thơ của Tống Chân tông Thiệu Hằng, ý bài thơ muốn nói nếu chăm chỉ dùi mài kinh sử, đi thi đỗ đạt làm quan thì tự sẽ giàu sang phú quý, vợ đẹp như ngọc, kẻ hầu người hạ, xe đưa ngựa đón (sẽ trích cuối chương).

Nhưng hiện giờ thì sao? Mấy nghìn năm, thế sự luôn phát triển... Nếu như nói trên đời có quá nhiều việc cần làm, trong đó có một việc quan trọng nhất, đương nhiên chúng ta sẽ làm nó đầu tiên. Nhưng hiện giờ, Đức Tân, những người làm chuyện này đã quá nhiều rồi, ta cũng không phải chỉ nho học, mà là nói quan chức. Vì sao không thể phân công họ đi làm một số chuyện khác cơ chứ? Có đọc sách, họ sẽ có sự suy nghĩ. Bây giờ lũ lụt hoành hành, nếu có chuyên gia nghiên cứu thủy lợi, xây dựng một số học thuyết, người đời sau sẽ tiếp tục học tập, nghiên cứu, những người này nếu không nghiên cứu thì còn những người khác, dù sao chuyên tâm nghiên cứu thuỷ lợi cũng tương đương việc tu thân dưỡng tính của nho học thì hậu quả của lũ lụt đâu có ghê gớm như mức này?

Chuyên gia chuyên dụng có thể nâng cao hiệu suất của rất nhiều việc, ít nhất cũng bớt đi đường vòng. Ví dụ như trước kia dệt cửi, mẫu thân dạy cho con gái, một số nông phụ ở nhà làm cái máy dệt, có nhanh có chậm, chất lượng không đồng đều. Bây giờ các hãng vải đều có xưởng dệt, thuê nữ công nhân đến làm việc, có người dạy các nàng dùng máy thế nào, làm thế nào để tăng sản lượng, đồng thời có một số người sẽ nghĩ cải tiến máy dệt thế nào. Một người có thể làm ra sản lượng của mấy người, chất lượng giống nhau, hiệu suất tăng cao mấy lần. Nếu như bất cứ chuyện gì hiệu suất cũng tăng lên mấy lần, vậy triều Vũ ta hiện giờ như thế nào? Binh cường chẳng lẽ không phải dễ như trở bàn tay hay sao?

Đương nhiên, đây cũng chỉ là nói cho vui mà thôi. Khó khăn trong đó lớn thế nào, huynh không tưởng tượng ra được đâu, huynh nói nho sinh nhiều, ta nói người đọc sách ít, nếu tính số chuyên gia chuyên dụng mà xã hội cần, vậy thì cần đó quá ít. Cũng như huynh nói, người có điều kiện đến trường sẽ không đi học làm thương nhân, thợ thủ công, nho học cũng không bao giờ làm cái việc đánh mất địa vị của mình. Nhưng mà, nếu đã bão hòa mà triều Vũ vẫn muốn phát triển thì có thể suy nghĩ từ điều này. Ví dụ như dần tăng cường dư luận, trước bắt đầu từ những hạng mục bức thiết như quân lược, thuỷ lợi, chống đỡ áp lực từ bên ngoài, đảm bảo dân sinh. Đến khi mọi người đỡ khổ, người đọc sách nhiều hơn tự nhiên sẽ sinh ra chuyên gia chuyên dụng. Chuyện này không giống những kế sách binh cường khô khan thường ngày, chỉ cần địa vị được nâng cao là sẽ có người chịu học, chịu làm, hiện giờ họ không có địa vị thì đương nhiên con đường duy nhất chỉ là đọc sách...

Gian phòng rơi vào tĩnh lặng, Lý Tần cúi đầu khổ tư, bên ngoài phòng, hai chị em chống cằm khổ não suy nghĩ.

Ninh Nghị cầm ấm trà tự rót cho mình một chén.

Nho học là một hệ thống vĩ đại, ngoại trừ tu thân còn quản lý con người, nếu so sánh số lượng quan viên với số người đọc sách, thì hơn mười vạn học trò cũng chẳng có bao nhiêu quan viên, quan trọng là cả nước hiện có mấy ngàn vạn con dân, học trò cũng từ đó mà ra, quan viên cũng từ đó mà chọn. Đặc biệt ở triều ta, việc thừa biên chế đã quá rõ ràng, các loại học thuyết nào là phật gia, đạo gia mâu thuẫn, công kích lẫn nhau, khi nó thay đổi sẽ sinh ra quy tắc, không chỉ làm cho quan viên gần lợi ích hơn, mà còn có thể không ngừng lớn mạnh, khiến cho toàn bộ học trò đều coi đây là mục đích phấn đấu, mười năm gian khổ học tập khổ, một khi thành danh thiên hạ biết, quyền lực cũng được như nguyện vọng...

Hắn thật sâu hít một hơi hương trà:

Ta rất sùng bái loại học vấn này, cho dù nó có ưu khuyết điểm, nhưng có thể ghi lại hình thái sinh tồn của con người thì cũng là một loại nghệ thuật. Nho học tuyệt đối là một loại nghệ thuật vĩ đại nhất, tinh hoa nhất trong vô số loại nghệ thuật từ cổ chí kim. Đất rộng trời cao, nhiều người như vậy nhưng mà nó có thể dùng một loại phương thức gần như cực đoan đặt họ dưới một quy tắc, trí tuệ mấy nghìn năm thật đúng là cao sơn ngưỡng chỉ (4)...

(4): Cao sơn ngưỡng chỉ: thành ngữ, ý nói sự kính ngưỡng đối với trí tuệ mấy ngàn năm

Hắn nâng chén chạm vào chén trà của Lý Tần một cái, nói:

May mắn gặp dịp, ta với huynh có thể phẩm thưởng.

Hương của trà thực ra đã nhạt, Lý Tần đang suy nghĩ nghe thấy tiếng động thì đứng dậy, lui ra phía sau hai bước, bái một cái thật sâu, Ninh Nghị không thể làm gì khác hơn là bất đắc dĩ đứng lên.

Những điều Lập Hằng nói, có rất nhiều thứ ta vẫn chưa nghĩ thông suốt, nhưng mà chỉ với những chỗ nghĩ thông cũng đã chứng tỏ Lập Hằng hơn ta rất nhiều, việc này đã đủ khiến ta cúi đầu. (5)

(5): Chỗ này các bạn nếu đọc kỹ, liên hệ với câu cao sơn ngưỡng chỉ sẽ thấy Ninh Nghị đã nhắc khéo Lý Tần.

Chỉ nói cho vui mà thôi.

Ninh Nghị đáp lễ lại, sau đó cười nói:

Nếu không phải triều đình không trị tội lời nói, hơn nữa ta với huynh chỉ là những người không quan trọng thì cũng không dám nói với huynh... Nói cho vui, nói chuyện phiếm mà thôi...

------------------------------------------------------------------------

Bài thơ của Tống Chân tông (nằm trong tập thơ Khuyến học, bạn nào biết tên vui lòng chỉ mình với)

富家不用买良田,Phú gia bất dụng mãi lương điền,

书中自有千锺粟; Thư trung tự hữu thiên chung túc;

安居不用架高楼,An cư bất dụng giá cao lâu,

书中自有黄金屋; Thư trung tự hữu hoàng kim ốc;

娶妻莫恨无良媒,Thú thê mạc hận vô lương môi,

书中自有颜如玉; Thư trung tự hữu nhan như ngọc;

出门莫恨无人随,Xuất môn mạc hận vô nhân tùy,

书中车马多如簇; Thư trũnga mã đa như thốc;

男儿欲遂平生志,Nam nhi dục toại bình sinh chí,

五经勤向窗前读。Ngũ kinh cần hướng song tiền đọc

Tạm dịch (sưu tầm):

Nhà giàu chẳng phải mua ruộng tốt,

Trong sách tự có ngàn bồ thóc;

An cư chẳng phải xây nhà cao,

Trong sách tự có nhà lầu vàng;

Lấy vợ chẳng hận không người mối,

Trong sách tự có người như ngọc;

Ra đường chẳng hận không tùy tùng,

Trong sách xe ngựa nhiều vô khối;

Làm trai muốn thỏa chí tang bồng,

Bên cửa chuyên cần đọc ngũ kinh.

/532

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

adsdoctruyen@gmail.com

DMCA.com Protection Status