Sao Đen

Chương 33: TIẾNG SÚNG Ở NGHĨA ĐỊA SAINT-THOMAS

/72


Tôi trở về bán đảo Nelson trong niềm vui lớn của gia đình. Anh chị tôi hoan hỉ vì tôi đã "lỡ dịp" dấn thân vào nơi nguy hiểm. Bạch Kim sung sướng thực hiện được lời hứa bèn công bố cuộc sống lứa đôi trước khi cháu bé ra đời! Cháu Quang Trung thực sự mừng rỡ vì thấy mình có phần đóng góp vào việc ngăn chặn một thảm họa. Riêng tôi cùng với những niềm vui lớn còn canh cánh bên lòng một vấn đề: Tại sao cuộc đổ bộ bị đình hoãn? Nó có diễn ra nữa không hay đã bị hủy bỏ hoàn toàn? Liệu tôi còn cố vai trò gì trong cuộc hành quân hay những nhà kiến trúc của Viễn Đông vụ đã gạt tôi ra khỏi danh sách những người thâm nhập.

Bạch Kim bực mình thực sự bởi những dằn vặt của tôi:

- Hãy vứt cái kế hoạch bẩn thỉu đó vào sọt rác! Nó không bao giờ diễn ra nữa càng hay. Anh quan tâm đến nó làm gì cho mất thì giờ. Chúng ta cũng cần có một thời gian bình lặng chứ.

- Không phải anh thích nó xảy ra mà sợ nó diễn ra ngoài tầm kiểm soát của chúng mình.

- Em cho là "đòn ékibana" quá nặng nề. Hoàng Quý Nhân và Warrens phải kiểm điểm lại binh mã của mình. Việc rà soát tổ chức không thể tiến hành trong chốc lát. Hơn nữa đây là một chiến dịch chính trị, nó cần đến một thời cơ có lợi về tinh thần. Nếu sơ suất lần nữa chúng sẽ mất nghiệp. Vì vậy trước mắt, em tin là chưa có cuộc đổ bộ. Hoàng Bảo Thạch đã về Los Angeles rồi. Chị Mộng Vân chưa thấy xuất hiện nhưng chắc là không thể một mình "ôm chuông đi buộc cổ mèo" được.

- Em phán đoán có lý đấy. Họ đã dành cho chúng mình một thời gian làm lễ cưới.

Bạch Kim cười:

- Dù tái giá em cũng phải thách cưới cho đàng hoàng. Anh nắn túi xem còn đồng nào để dẫn cưới không?

- Còn vài đồng lẻ! Dù chưa có bài đăng anh cũng sẽ chạy đến "ăn vạ" ông Bùi Hạnh. Nếu thiếu, anh vay em rồi trả nợ sau! Những cuộc đi lại con thoi của anh đã làm em sạt nghiệp. Anh vẫn chưa tìm ra biện pháp khắc phục. Vừa qua cậu Đức cũng ngỏ ý trợ cấp cho anh ít nhiều nhưng anh không nhận. Quỹ ngoại tệ của Trung tâm eo hẹp, nhiều đồng chí khác khó khăn hơn chúng ta...

- Nói vui thôi mà anh lại hiểu lầm sang chuyện khác. Ta vẫn chưa phải tiêu vào vốn đâu em cũng phải lo lắng cho nguồn tài chính để đảm bảo công tác lâu dài chứ!

Tôi đến gặp "sếp" của mình: ông Bùi Hạnh. Ngài chủ bút báo Chim Việt vui vẻ bắt tay tôi và giải thích: cuộc hành quân đặc nhiệm bị đình hoãn vì lý do trục trặc kỹ thuật.

- Đâu phải là vụ phóng phi thuyền Apollo mà đòi hỏi những quy cách đảm bảo kỹ thuật nghiêm ngặt như vậy.

- Không phải ở phía chúng ta mà do thời tiết chính trị quốc nội hiện nay chưa cho phép. Sự cẩn trọng của Warrens là hữu lý. Nhưng tôi tin là sớm muộn ông sẽ có dịp trở về viếng thăm cố quốc trong một khung cảnh lạc quan, ngoạn mục hơn.

- Chưa thấy cái gì gọi là lạc quan và ngoạn mục mà tôi đã tiêu tốn cho hành trình này ba ngàn đô-la. Phí tổn ai chịu cho tôi, thưa ông chủ bút?

- Xin ông yên tâm. Quỹ của Liên Minh phải đài thọ cho ông. Mọi hoạt động của chúng ta đều được Langley1 (Tống hành dinh CIA ở Langley bang Virgina) bảo hiểm. Tôi sẽ can thiệp để ngày mai ông có được tấm ngân phiếu như ông đòi hỏi? Điều kiện duy nhất Liên Minh đặt ra là ông phải giữ vững hợp đồng.

- Bao giờ tôi cũng trung thành với những quyết định của mình.

...

Mặc dù chúng tôi cố gắng thu hẹp lượng khách khứa, nhưng số người anh tôi lựa ra từ trong tập danh bạ điện thoại để mời cũng khá dài. Chị Lệ Ngọc giải thích:

- Chúng ta là một gia đình Việt Nam nền nếp. Cần phải giữ đúng phong tục, lễ giáo. Tục huyền hay tái giá cũng phải có bái vọng gia tiên, tế lễ ông Tơ bà Nguyệt. Có như vậy mới mong con cái sau này nhiều cành lắm quả chứ!

Tôi cười:

- Chúng em luôn luôn thành tâm cầu Trời khấn Phật nên chưa tế lễ mà "đấng thiêng liêng" đã ban cho điều mong ước! Vì thế chúng em không muốn phô bày chuyện đó ra trước đám quan khách hay xét nét.

- Mới có ba tháng thì vẫn dễ dàng chọn kiểu áo cưới đặc biệt để che giấu được! Nói chung họ đều là người thân cả. Lỡ có lộ ra họ cũng thông cảm thôi. Ở cái đất Hợp Chủng quốc, nơi tương giao của nhiều nền văn hóa đông, tây, kim, cổ này thì dư luận cũng dễ khoan dung hơn.

Trong điện mời bạn bè, anh tôi xin phép giữ kín lý do của bữa tiệc. Tính tò mò của khách bị kích thích mạnh mẽ.

Tất cả đều nhận lời trừ Kenji. Chị kiếu lỗi vì đang có chuyện buồn. Tin chồng bị bắt trong vụ T20-20 làm cho tinh thần Kenji bị suy sụp nặng nề. Chị đã tiến hành nhiều cuộc vận động bằng con đường ngoại giao để xin ân giảm trọng án cho chồng nhưng chưa có hồi âm. Vụ Nghiêm Bửu Châu chưa được đem ra xử. Kenji đang xin hộ chiếu nhập cảnh vào Việt Nam để thăm chồng.

Và ngày cưới của chúng tôi đã diễn ra trước sự bất ngờ của mọi người. Đến khi nâng cốc anh tôi mới tuyên bố đây là hôn lễ của hai em. Anh khiêm tốn và thành thục trình bày cùng quý khách chú rể thì tục huyền, cô dâu thì tái giá. Sự kiện lại diễn ra giữa hai người trong nhà: em chồng lấy em vợ nên không muốn quảng bá tin vui. Số khách mời cũng chỉ bao gồm những người thân như trong nhà nên hy vọng mọi người sẽ thông cảm trường hợp đặc biệt này.

Cụ Hoàng Cơ Bao đã lên tiếng đầu tiên. Là người cao niên nhất cụ chúc phúc cho chúng tôi. Cụ thừa nhận tài tổ chức khéo léo và tuyệt vời của gia chủ đã làm cho quan khách bị bất ngờ và thú vị. Xét về mặt đột biến nó cũng ngoạn mục như một "coup d'état"!1 (Cuộc đảo chính).

Câu pha trò của cụ Bảo làm cho khách khứa vui cười thoả mái. Nhà chính khách lão thành đã tìm được một hình ảnh đầy kịch tính, hấp dẫn nhất trong các biến cố chính trị để mô tả hạnh phúc lứa đôi!

Chúng tôi dắt nhau đi quanh từng bàn tiệc để cảm ơn thân bằng cố hữu. Vẻ mặt Hoàng Bảo Thạch hơi mất tự nhiên khi bắt tay chúng tôi.

Tiệc tan, mọi người tản sang phòng bên để chuyện trò và dự một khiêu vũ nhỏ kiểu gia đình. Hoàng Bảo Thạch mời cô dâu đi bài Tango. Vì phép lịch sự nên Bạch Kim miễn cưỡng nhận tời chứ thực tình cô rất ngại ngùng vì cái bụng to! Khi hai người lướt đi nhẹ nhàng trong một điệu nhạc du dương buồn buồn, Hoàng Bảo Thạch mới nói nhỏ với Bạch Kim:

- Tôi chấp nhận thất bại và xin gửi lời chân thành chúc mừng người thắng cuộc. Đáng tiếc là tôi không biết các bạn đã có ý định thu xếp gọn chuyện này trong gia đình.

Câu nói của Thạch vừa hằn học vừa mỉa mai nhưng Bạch Kim không mảy may biểu lộ sự bất bình.

- Tôi không thích hợp với những chính khách. Hình như số phận đã gắn tôi với những người lính. Trước đây Huỳnh Vĩnh Quốc bắt tôi phải "giơ tay", còn giờ đây Phan Quang Nghĩa không cho tôi "đường rút chạy"! Kim cười vui vẻ với cách mô tả sặc mùi nhà bình của mình.

- Bí quyết thành công của người lính là gì?

- Họ không ca hát, không nịnh hót, không ngâm thơ, không mưu mẹo. Họ tỏ tình thẳng thắn quyết liệt như những phát ca-nông. Họ bắn dồn dập chính xác. Không một thành luỹ nào của người đàn bà có thể bảo vệ được con tim mình! Đó là bí quyết của họ.

- Toàn là nhưng hình ảnh tượng trưng. Chị có thể mô tả chi tiết hơn được không?

- Không. Tôi không thể nói rõ cảnh "bại trận" của tôi cho anh nghe. Vả lại anh cũng chẳng nên bắt chước họ làm gì. Cách của anh đâu phải là xoàng. Tuy không "bẻ gãy" được tôi, nhưng nó đã từng thành công với nhiều người đàn bà khác.

- Cảm ơn Bạch Kim đã an ủi tôi... Tổng cộng tất cả chiến thắng trong tình yêu của đời tôi lại là một thất bại! Đó là nghịch lý nhưng tiếc rằng nó lại là sự thật.

Họ đi với nhau đến tàn bản nhạc. Khi rời cánh tay Hoàng Bảo Thạch, Bạch Kim cảm thấy lao đao, hoa mắt. Cô vội ngồi tựa vào thành ghế thở hổn hển. Mọi người ùa cả lại...

Tôi vội vàng dìu Kim vào phòng cô dâu rồi khép cửa lại.

- Sao thế em?

- Tại anh đấy! - cô mỉm cười cho yên tâm.

- Tại anh? Xin lỗi anh có điều gì làm em không vui? - Kim gục đầu vào vai tôi:

- Ốm mừng chứ không phải ốm lo đâu! Lẽ ra em không được khiêu vũ. Nhưng muốn "nguỵ trang" trong đám quan khách em đã miễn cưỡng quay mấy vòng tango... Nhưng không sao, em sẽ khỏi ngay thôi.

- Sự kiện trên làm cho khách khứa hồi hộp. Họ ngồi chờ xem chuyện gì xảy ra. Tôi quay ra buồng khách thì thầm với chị Ngọc. Chị vui vẻ công bố với mọi người:

- Thưa quý vị, cô dâu xin được phép thay đổi trang phục trong vài phút. Không có gì cản trở đến cuộc vui.

Mọi người vỗ tay và thở phào nhẹ nhõm. Khi Bạch Kim xuất hiện với bộ đồ lộng lẫy thì cử toạ hoan hô nhiệt liệt. Cô mỉm cười xin lỗi mọi người cô vữa bị choảng váng đôi chút. Nửa kín nửa hở, cô báo tin rằng mấy ngày gần đây cô thường hay xúc động đột ngột như vậy. Nhưng bác sĩ đã nhận xét là tình trạng đó hoàn toàn bình thường và chỉ trong một vài tháng nữa triệu trứng đó sẽ qua đi thôi. Vì vậy cô xin phép thân bằng cố hữu miễn cho việc tham gia vũ hội!

Mọi người vỡ lẽ và tất cả đều tỏ ra thông cảm vui vẻ. Anh chị Ân tôi lại một phen kinh ngạc vì lời công bố mạnh bạo của cô em. Nhưng không ai nỡ trách một thái độ thành thực. Cụ Bảo tự tay mở sâm-banh, nâng cốc và nói lớn:

- Một lần nữa cặp uyên ương lại đem lại cho chúng ta một điều bất ngờ. Xin chúc mừng hiện tượng đáng mong đợi này!

Mùa xuân năm 81, tiến sĩ Price bị cơn đau truỵ tim mạch và từ trần khá đột ngột. Tin này gây ra niềm xúc động lớn trong những người theo phái Lục địa ở nước Mỹ, Price là nhà cấu trúc chiến lược cho quan điểm thừa nhận Bắc Kinh và chủ trương một nước Trung Hoa. Trái lại phái hai nước Trung Hoa và nhóm duy Đài Loan thì tỏ ra vui mừng vì họ bớt đi được một đối thủ đáng gờm. Trong hơn một thập kỷ qua Price đã có những nỗ lực rất lớn ở cả hai Viện trong việc tăng cường những mỗi quan hệ toàn diện với Bắc Kinh, đặc biệt là về phương diện quân sự và chính trị. Trong lời phân ưu của giới chức Ngoại giao Bắc Kinh, người ta đã coi ông là chiến sĩ vĩ đại hàng đầu đấu tranh cho tình hữu nghị giữa hai dân tộc Trung - Mỹ. Cái chết của Price là một tổn thất không bù đắp được cho lợi ích chiến lược song song của hai quốc gia hùng mạnh.

Về phương diện cá nhân Price còn nặng nợ với một người tình mang nửa dòng máu Trung Hoa. Họ cũng là có một thành quả chung là cô gái Jimi xinh đẹp. Vì vậy trước khi qua đời người chồng ngoài giá thú đó đã không quên ghi trong chúc thư dành ra một khoản tiền nhỏ trong tài sản kếch xù của ông ta cho đứa con rơi tội nghiệp.

Luật sư riêng của gia đình Price, ông Cray đã thông báo tin này cho Hứa Quế Lan ở Hồng Kông và mời chị sang để nhận quyền thừa kế theo đúng tinh thần bản chúc thư của người quá cố.

Mặc dù khoản tiền đó không lớn lao gì lắm, nhưng vì nghĩa tử là nghĩa tận, không phải vợ chồng chính thức nhưng đã nhiều lần ân ái, lại có đứa con chung nên Hứa Quế Lan quyết định đưa Jimi về quê nội viếng mộ người cha.

Ở Mỹ lúc này Hứa Quế Lan chỉ quen thân gia đình chúng tôi thôi. Hồi ở Sài Gòn, khi còn sống với Đỗ Thúc Vượng, họ luôn luôn chọn những buổi chiều vui vẻ ở ngôi nhà anh chị tôi. Gần đây Bạch Kim đi Hồng LÔNG theo dõi mối quan hệ giữa Mộng Vân và Vương Phúc Đạt do Hứa Vĩnh Thanh môi giới, bắt buộc lần nào cũng phải qua nhà chị nên Quế Lan có địa chỉ của chúng tôi. Thi hài của Price lại được an táng ở nghĩa trang Saint - Thomas ở Los Angeles nên Quế Lan đã điện cho Bạch Kim biết chị sẽ đến nghỉ ở chỗ chúng tôi ít ngày.

Biết tin này anh chị chúng tôi cũng rất mừng. Mặc dù chị đã ly dị với Vượng nhưng anh tôi vẫn giữ được mối thân hữu với cả hai. Nay chị có việc đến thành phố này viếng mộ người tình thì việc đón tiếp mẹ con chị phải coi như nghĩa vụ.

Chỉ có tôi và Bạch Kim là lo lắng về sự kiện này. Dù sao chị cũng đang là vợ Hoàng Quy Nhân, đối thủ chính của tôi, nắm được "mật mã" sinh tử của đời tôi. Có thể chị chưa biết tôi là điệp viên Cộng sản, nhưng nếu vô tình chị kể lại chuyện này với chồng qua thư từ hoặc trong những lần gặp gỡ trực tiếp thì vô cùng nguy hiểm cho tôi. Hoàng Quý Nhân sẽ có một đối sách triệt để. Cuộc đối mặt lần này sẽ không thiết lập trên thế cân bằng được nữa, tình trạng "hưu chiến" sẽ chấm dứt, tôi và Quý Nhân sẽ một mất một còn.

Tình huống thật chớ trêu. Chúng tôi phải gạt bỏ khả năng từ chối tiếp đón Quế Lan vì anh chị tôi đã điện phúc đáp là sẽ ra tận sân bay đón mẹ con chị đúng giờ hẹn.

- Hay anh lánh mặt đi ít bữa - Bạch Kim khuyên tôi.

- Được thôi, nhưng chuyện trò anh chị Ân nhắc đến tên anh thì lẩn trốn có ích gì.

- Em sẽ bảo anh chị Ân đừng gọi anh là Nghĩa nữa, chỉ gọi điện Hoài Việt thôi.

- Như vậy mình lại tự thú với anh chị là mình cần mai danh ẩn tích à?

- Em có thể giải thích là anh sắp có chuyến thâm nhập về Tổ Quốc, anh không muốn phô cái tên cúng cơm ra.

- Tạm được đây, nhưng cái cớ đó có vẻ trẻ con quá. Lỡ lúc vui chuyện Quế Lan hỏi chồng mới của em là ai, em trả lời là Hoài Việt, còn anh Ân thì lại nhận Hoài Việt là em ruột mình. Như vậy thì khó gì mà Hoàng Quý Nhân chẳng suy đoán được hai tên Phan Quang Nghĩa và Hoài Việt là một.

- Nói thế thì không cùng. Bịt thế nào cũng còn khe hở. Có thể chị ta không chú ý đến khe hở đó. Vì vậy có bịt có hơn. Anh cứ tạm lánh đi một tuần. Khi nào chị ấy quay về Hồng Kông, em gọi điện cho anh.

Thế là tôi quyết định bay đến Kansas City với John Antonio một tuần, đúng dịp chị Quế Lan đến Nelson.

...

Vì có nhiều thời gian nên Antonio kéo tôi về trại Olive đi săn thỏ rừng. Cái trò này hoàn toàn xa lạ với tôi. Trong đời, chưa bao giờ tôi là thợ săn ngoài việc bắn mấy con chim trên cao nguyên Lâm Viên làm bữa trưa và chúng tôi đã mời Hoàng Quý Nhân cùng ăn. Thế mà thấm thoát đã hơn hai chục năm trời.

Ở Olive điều thú vị hơn đối với tôi không phải là chuyện săn thỏ rừng mà là những buổi nói chuyện cởi mở với tướng Davis Antonio.

Ông vẫn nhớ cuộc nói chuyện với tôi cách đây hai thập kỷ. Davis đã già đi như một cây cổ thụ. Tóc bạc trắng, da dẻ hồng hào và nếp nhăn nheo chằng chịt trên khuôn mặt. Ở tuổi bảy nhăm mà ông vẫn còn hoạt bát lắm. Tất cả những biến đổi trong mấy chục năm qua vẫn nổi lên trong ông "tấn bi kịch Việt Nam ". Đó là vết thương tinh thần lớn nhất ông không sao nguôi được. Tướng Davis quay lại đề tài cũ. Ông vẫn tiếc cái sáng kiến chiến lược độc đáo của mình:

- Các bạn trẻ! Lúc đó ta đưa ra một chủ trương mà các con đều cho là vô vọng. Những nhận xét cho cùng nó vẫn là phương sách tối ưu, là lối thoát duy nhất trong danh dự.

- Ba tôi vẫn tiếc rẻ ý kiến tung đô-la ra mua ba mươi ngàn Việt Cộng! - Antonio nhún vai mỉm cười.

- Ba mươi ngàn hay ba mươi triệu nước Mỹ vẫn đủ sức mua. Thực ra tốn phí của cuộc chiến tranh đã vượt quá xa số tiền mua ba mươi triệu Việt Cộng. Đó là ta không tính đến số máu người Mỹ phải đổ.

- Ba quá tin vào sức mạnh của đồng đô-la - John Antonio phản đồi một cách vui vẻ.

- Là quân nhân bao giờ ta cũng tin cậy vào vũ khí. Nhưng thực tế vũ khi đã không thể giải quyết được mọi vấn đề của thế giới. Và nhiều lúc bạo lực đã phải cam chịu thất bại dù đó là bạo lực của nước Mỹ vĩ đại.

- Thế thì đồng đô-la có ý nghĩa gì?

- Có đôi lúc đồng đô-la bị yếu đôi chút. Nhưng nói chung nó vẫn làm chủ ở khắp thị trường tiền tệ thế giới. Ở các nước tư bản công nghiệp cũng như ở các nước thuộc thế giới thứ ba, thậm chí ngay trong các nước Cộng sản, đô-la vẫn là giọt hồng cầu năng động nhất trong mạch máu tài chính của họ. Muốn đi ra thế giới bên ngoài, họ phải vịn vào cây cầu đô-la của chúng ta. Thế mà ta lại không biết tận dụng sức mạnh của nó.

- Thưa tướng quân, trong cuộc chiến tranh Việt Nam , người Mỹ đã vận dụng biện pháp tổng lực. Sau bom đạn là đồng đô-la. Bên cây gậy là củ cà rốt. Hàng tỷ đô-la đã rót vào xứ này. Xung quanh những căn cứ, những cư xá, khách sạn, tiệm nhảy... đô-la chảy ra như những dòng suối, tạo nên những trận lụt. Dân bản xứ đã nhiễm phải cái hội chứng "há miệng chờ sung".

- Không, không! Họ đã rót lầm chỗ. Ta muốn nói dùng đồng đô-la để mua vixi kia. Ta muốn tạo cho chính vixi cái "hội chứng đô-la" kia!

- Chưa bao giờ họ chấp nhận với ta một cuộc mặc cả hèn hạ như vậy.

- Con lầm rồi. Nếu ta đưa ra một giải pháp "cả gói" thì họ chịu nuốt ngay thôi. Ta vẫn có thể tìm ra cơ hội khơi một dòng chảy cho đô-la tràn ngập trận địa của họ.

- Thưa tướng quân, khi ta chấp nhận kế hoạch "cả gói" thì đồng đô-la chỉ còn là phương tiện thứ yếu và không thể đánh bại họ.

- Thực tế ta đã tạo được một cơ hội tốt đẹp như vậy. Nhưng những nhà lãnh đạo keo kiệt của chúng ta đã làm hỏng mất.

- Con nghi ngờ về một cơ hội như vậy đã xảy ra.

- Khi ký hiệp định PARIS. Tổng thống của chúng ta đã hứa hẹn viện trợ hậu chiến cho Bắc Việt hơn ba tỷ đô-la. Ba vui mừng vì tính khôn ngoan của Nixon. Nhưng ba đã lầm vì nó chỉ là một mưu mẹo vặt. Khi đã hồi hương được người tù binh cuối cùng, Tổng thống lờ đi việc bồi dưỡng những tổn thất cho họ. Nếu chúng ta khôn ngoan tận dụng được cơ may thì chúng ta đã tìm được danh dự cho cuộc chiến tranh lầm lẫn và bi thảm này.

- Nghĩa là chúng ta chịu khoản bồi thường ba tỷ chiến phí?

- Không phải ba tỷ mà cần quăng ra ba mươi tỷ để bảo đảm danh dự cho nước Mỹ chúng ta cũng nên làm.

- Làm sao mất thêm tiền mà có thể vẫn hồi được danh dự?

- Cách làm như sau: Ta yêu cầu Bắc Việt tháo gỡ những nhà máy bị đánh sập, thu dọn những cây cầu cong queo và víu trên những dòng sông, san bằng những thanh phố đổ vỡ, sứt mẻ vì bom đạn. Người Mỹ sẽ giúp họ tái thiết. Hàng trăm tàu hàng chở đầy vật phẩm đến đỗ kín các bến càng nghèo nàn cũ kỹ thúc giục họ phải lốc dỡ. Hàng ngàn chuyên viên kỹ thuật Mỹ kéo đến nằm kín các khách sạn, buộc họ phải đón tiếp. Hàng chục cuộc hội đàm, hàng trăm hợp đồng bày kín các mặt bàn hối thúc họ ký kết. Giao kèo này chưa thực hiện phụ lục khác lại dồn đến. Ta càng sử dụng những vật tư kỹ thuật hiện đại, họ càng gặp khó khăn về tiếp nhận. Vấn đề phối hợp, hiệp đồng, quản lý, chuyên gia thợ giỏi, vấn đề đào tạo thông dịch, khảo sát, ván đề môi trường nguyên liệu, năng lượng, kho bãi, vận hành sản xuất, tiêu thụ... Guồng máy lãnh đạo của họ sẽ rối bời, họ đâu còn thời giờ nghĩ đến chuyện tiến công nữa! Lúc đó ý niệm về Tổ Quốc với tự do, độc lập với thống nhất... đều mờ nhạt cả. Đó là cơ hội duy nhất giúp Thiệu sống sót, hồi sức ngõ hầu đạt được một giá trị thực nào đó trong so sánh tương quan lực lượng mà ta kỳ vọng...

- Nhưng nếu họ tận dụng tất cả những phương tiện do chúng ta giúp đỡ để nghiền nát Thiệu thì sao?

- Không có ta họ cũng đủ sức nghiền nát Thiệu. Ta viện trợ để hướng sức mạnh của họ vào mục tiêu khác. Vả lại ta đâu có giúp họ vũ khí. Khi tàu hàng của ta còn đậu kín các bến cảng thì Bắc Việt không còn chỗ để tiếp nhân quân cụ của Nga và các đồng minh khác. Đoàn tàu dân sự của ta thực sự tạo được một cuộc phong toả có khi còn hữu hiệu hơn, triệt để hơn các chiến dịch thả mìn trước đây. Một nước nghèo xác, kiệt quệ, đói khát, háu ăn, sau bao nhiêu năm chiến tranh là một môi trường lý tưởng cho hội chứng đô-la thâm nhiễm. Mỗi khi đã mắc phải thì từ các nhà lãnh đạo quốc gia đến anh thư ký quèn, từ vị tướng bốn sao đến anh binh nhì một hạt cũng đều chúi mũi vào chuyện đếm tiền. Ta nói đếm tiền là theo nghĩa bóng. Thực chất là làm cho họ hoa mắt vì những thứ hàng hoá thừa ế, những thứ bán "son" ở thị trường tiêu thụ của chúng ta: ô tô, xe máy, tivi, tủ lạnh, cát xét, ra đi ô, áo phông, quần bò, đồ ăn thức uống... tất cả tạo nên một trận hồng thuỷ nhấn chìm ý chí của họ trong cuộc sống tận hưởng vật chất. Ba mươi tỷ đô-la hàng hóa thực sự mạnh hơn ba mươi tỷ bom đạn thứ họ đã chịu đựng quen đến mức bão hoà. Ta đã đưa cái chết ra đe doạ mãi không thành công thì phải cho họ nếm sự sống phong phú của "hội chứng đô-la"để lôi kéo họ quay ngoắt. Nếu họ vẫn chứng nào tật ấy thì ta vẫn còn phương cách đe doạ họ. Chỉ cần đóng van cho cái vòi đô la ngừng chạy. Sự kinh hoàng này đối với họ cũng giống như kẻ nghiện ma tuý bị cắt nguồn thuốc. Đáng sợ hơn cả những trận bom B52 vì ở lĩnh vực này họ không có vũ khí phòng thủ. Họ sẽ phải quỳ gối dưới chân ta, ăn năn tự tội và xin chừa!

- Nó chẳng có gì mới hơn chiến lược cái gậy và củ cà rốt.

- Cái mới của nó là chuyện đảo lộn quá trình: củ cà rốt và cái gậy.

- Thưa tướng quân, tất cả sức tưởng tượng của chúng ta đối với Việt Cộng trong bao nhiêu năm qua đều trở nên nghèo nàn và thô thiển. Có thể đây là một chủ thuyết tân kỳ hơn, nhưng tiếc là những luận điểm của tướng quân mới thuần tuý lý thuyết. Nó chưa được kiểm chứng ở một môi trường nào trên trái đất để khẳng định được hiệu năng của nó.

- Ta cứ cho là đối với Việt Nam thì giả định nào cũng vẫn còn chứa đựng những tham số bất định. Nhưng ta đoán chắc chiến lược có mức tin cậy gần với dự báo. Ngay như luận thuyết của ta có thất bại đi nữa, nó vẫn mang tính nhân đạo cao cả, nó cứu vớt được một phần danh dự tinh thần của nước Mỹ. Đó là ta giúp đỡ cho họ thắng chứ không phải ta lừa lọc, dối trá, tàn ác mà vẫn phải cam chịu thất bại.

- Ngoài Việt Nam ra, ba cũng chưa thể tìm được mô hình nào khả dĩ làm sáng tỏ được "hội chứng đô-la".

- Có đấy! Ở một môi trường khác ta đã thấy "hội chứng đô-la" biểu hiện khá đẹp mắt. Nixon đã ngu ngốc ở Việt Nam , nhưng ông ta to ra sáng suốt, khôn ngoan ở Trung Quốc. Thực chất cả cho vay nhẹ lãi lẫn viện trợ cho không, chúng ta cũng chưa tưới vào cái đất nước mênh mông này quá một tỷ đô-la. Nhưng hầu hết các đào kép trên sân khấu chịnh trị Bắc Kinh đã nhảy múa theo các giai điệu cung đô trưởng, cung la thứ của chúng ta. Dĩ nhiên lời ca của họ đôi lúc còn lạc điệu, còn hậm hực... nhưng đó chỉ là những lời trách móc: "Hoa kỳ đã làm tổn thương đến tình hữu nghị lâu đời giữa hai dân tộc Trung-Mỹ vĩ đại..." chứ không chửi bới chúng ta như chém chả nữa. Họ đã phải ngậm quả đắng "bịt nòng pháo mỉm cười với đảo Kim Môn, Mã Tổ. Họ phải thề rằng không bao giờ có ý định bơi qua eo biển Đài Loan nữa. Rõ ràng "hội chứng đô-la" đã giúp ta bảo vệ được đảo quốc này vững vàng hơn gấp trăm lần ném vào đây trăm ngàn tấn vũ khí!

- Hoan hô ba. Có lẽ ba nên viết một cuốn sách về "Hội chứng đô-la" hoặc "Đô la, một vũ khí chiến lược của thời kỳ sau hạch tâm!" Những điều này của ba có thể giúp cho các Tổng thống Mỹ ở thế kỷ XXI. Ba sẽ được suy tôn thành giáo hoàng của "Mỹ kim giáo".

Tướng Davis cười vui vẻ:

- Ta già rồi, ta không còn thích vinh quang, thích được suy tôn nữa. Ta đã bỏ ra mười năm để suy nghĩ cho những thất bại của một siêu cường, nhưng ta không còn sức để viết ra. Các con hãy cố giúp ta trong việc quảng bá chân lý vĩ đại này!

Hứa Quế Lan cùng Jimi rời Hồng Kông bay đi Los Angeles. Lần đầu tiên hai mẹ con đặt chân đến vùng đất xa lạ này, vừa là chuyện phúng điếu cũng vừa là một chuyến du lịch. Không có một bộ mặt quen thuộc nào trên chuyến bay quốc tế kéo dài hai mươi giờ. Sau bốn chặng nghỉ dọc đường, chiếc Boeing nhẹ nhàng tiếp đất trên đường băng phi trường Los Angeles. Hai má con ngỡ ngàng trước một thành phố lạ. Họ qua cửa đưa mắt tìm kiếm người quen. Kia rồi, Bạch Kim và luật sư Phan Quang Ân đang cầm bó hoa vẫy họ.

Hứa Quế Lan nồng nhiệt bắt tay những người bạn cũ.

- Con chào bác Ân, chào cô Kim đị! - Quế Lan giới thiệu con gái với hai người.

- Chào cháu gái. Cháu xinh đẹp quá! Cháu có thể đi thi hoa hậu ở Los Angeles hay xin vào trường Nghệ thuật điện ảnh ở Hollywood được đấy.

Jimi cười ngượng nghịu cặp má ửng hồng làm cho khuôn mặt cô bé rực rỡ như toả ra ánh sáng. Ở tuổi hai mươi, tạo hoá đã hoàn thiện trên cơ thể cô gái một độ chín vừa tới, tươi trẻ, khoẻ mạnh, lộng lẫy hương sắc. Bạch Kim cũng phải sửng sốt trước sự biến đổi nhanh chóng của Jimi, mới cách nhau có một lần gặp mặt.

- Ở tuổi cháu, em đã là người vợ rồi đấy. Thế mà em vẫn coi cháu như trẻ con!

- Cháu có người yêu chưa? - Bạch Kim buột miệng hỏi làm Jimi lúng túng.

- Chưa ạ! Cháu... cháu còn lâu!

- Hoàn cảnh của cháu cũng đặc biệt. Cháu đến Hồng Kông không biết tiếng Tàu cũng chẳng biết tiếng Anh. Lỡ tuổi không vào được các lớp chung. Em phải thuê gia sư chỉ bảo tại nhà. Quan hệ xã hội của cháu hẹp quá nên chưa gặp được ý chung nhân. Ngay bạn trai cũng chẳng có. Bác Ân xem bên này có chàng trai nào tử tế bác kén cho cháu một đám!

- Có đấy! Luật sư Ân đưa mắt nhìn Bạch Kim mỉm cười. - Bác cũng có một chàng trai rất đáng yêu. Nếu cháu bằng lòng, bác sẽ dành cho cháu.

Tất cả mọi người đều cười vui vẻ. Thật chẳng có gì thích hợp với một cuộc hành hương thăm mộ người tình, viếng mộ người cha nữa.

Một tiếng sau họ đã có mặt ở ngôi nhà bên hồ Green. Chị Lệ Ngọc ra tận cổng đón khách. Lại một cuộc giới thiệu nửa vì còn hai nhân vật chưa bao giờ quen nhau.

- Đây là bạn Phan Quang Trung, sinh viên toán lý Berkeley. Trung là cháu bác, cũng có thể coi là con bác. Còn Jimi là con gái cô Quế Lan. Hai cháu làm quen với nhau đi.

Quang Trung và Jimi bắt tay nhau. Chàng trải cố tạo ra vẻ nghiêm trang, chân tay cứng đờ. Còn cô gái thì e lệ hai má ửng hồng, đầu hơi cúi xuống. Tất cả kéo nhau vào phòng khách. Thừa dịp đó Quang Trung lỉnh lên phòng học của mình. Tim chàng trai rộn lên như trống đình. Cậu cố gắng chống lại cảm xúc đó bằng lý trí. Cậu chăm chú đọc tiếp cuốn Lượng tử của Frank nhưng hình như chữ nghĩa rời rạc chẳng có gì ăn nhập với nhau...

Sau một hồi hàn huyên vui vẻ, Chị Lệ Ngọc dẫn hai mẹ con Quế Lan thàm vườn, thăm nhà rồi đưa họ đến căn phòng đẹp nhất dành cho khách. Ngồi ở lô gia có thể nhìn bao quát toàn cảnh hồ Green. Quế Lan cứ tấm tắc khen về tiện nghi, về vẻ đẹp và tư thế của toà biệt thự Jimi thì hoàn toàn thích thú. Ở Hồng Kông cô gái sống trên tầng tám của một cao ốc mười bốn tầng. Tiện nghi tốt nhưng không thể so sánh với một ngôi nhà riêng có vườn cây nằm bên hồ nước. Lại có cả một cầu cảng nho nhỏ neo một con thuyền dưới bóng rặng cây diệp liễu cành lá um tùm rủ xoà lên trên mặt nước. Đứng trên cầu có thể nhìn đàn cá lội tung tăng trên lớp đá cuội trắng nằm sâu hàng thước dưới đáy nước.

- Anh chị tìm được một chỗ thiên thần quá! - Quế Lan xuýt xoa.

- Nhờ có anh bạn tốt, luật sư Bùi Hạnh, tìm giúp chứ bọn mình đã bao giờ đặt chân tới đây. Khi mới sang bọn mình sống ở Canada.

- Nếu cô thích xin hãy sang đây chơi với chúng tôi. Ngôi nhà này bao giờ cũng mở rộng cửa chờ đón những người bạn cũ.

Lời mời thiệt thành của luật sư Phan Quang Ân làm cho Bạch Kim giật mình. Giả sử Hứa Quế Lan nhận lời thì sẽ xảy ra bao nhiêu chuyện phiền hà.

- Em cũng muốn sang đây lắm. Ngặt vì cụ nhà em và bà con thân tộc đều sống ở Hồng Kông, Singapore, Bangkok... sang đây quá xa, việc đi lại thăm viếng diệu vợi lắm.

- Sang đi má ơii Thiên nhiên ở đây đẹp lắm! Hai má con mình mua một ngôi nhà bằng nửa cái này thôi. Con thích sống bên hồ nước. Bơi ở đây chắc thú vị hơn trong bể bơi nhiều!

- Nó đã muốn sống ở quê ba nó rồi đấy - Quế Lan nói với Jimi qua nụ cười chua chát - Để mai tao trao trả cho gia đình Price. Họ sẽ cho con đi tắm hồ Green mỗi ngày ba lần!

- Má hiểu lầm con rồi. Con đâu có muốn đòi về với dòng họ Price. Bao giờ con cũng nghĩ mình là người Việt. Con chỉ thích sống bên những người Việt.

- Thế để má gửi con ở đây với gia đình bác Ân - Quế Lan nói đùa.

- Chúng ta sẵn sàng đón tiếp cháu Jimi nếu cháu chịu ở bên này với chúng tôi - Chị Lệ Ngọc cũng nói vui hưởng ứng - Cô gái xinh đẹp ạ, hai bác hiếm hoi, cầu trời khấn phật mấy chục năm rồi mà vẫn không được một đứa con - Bỗng chị xúc động nước mắt ứa ra làm cho Jimi cũng thấy bùi ngùi.

Mãi hôm sau Quế Lan mới đưa cho tiến sĩ Phan Quang Ân xem bức điện của Paul Cray, luật sư riêng của gia đình Price báo cho chị đưa Jimi đến nhận khoản tiền thừa kế. Paul Cray hẹn hai má con tại văn phòng của ông ở 1092 Stratford 05N, nếu chị có dịp qua Los Angeles.

- Bác có thể giúp mẹ con em về phương diện luật pháp trong chuyện này không?

- Công việc đơn giản thôi. Trước hết ta đến gặp luật sư Paul Cray để ông ta trao cho bản sao của chúc thư. Ông ta sẽ hướng dẫn cho hai mẹ con cách thức chuyển khoản ở Ngân hàng nào hiện đảm nhiệm sở hữu tài chính của Price. Nếu có phải tiếp xúc với gia đình Price thì Cray sẽ thu xếp. Tôi sẽ giúp hai mẹ con các thủ tục pháp lý đối với quyền thừa kế.

- Mai bác có thể bớt chút thì giờ cùng em đến chỗ Cray được không?

- Tôi sẽ đưa hai má con đi. Trước hết phải gọi điện báo cho Cray để ông ta hẹn giờ tiếp. Sau đó ta xem bản đồ để tìm đường đến Stratford.

Phan Quang Ân đã tra bảng danh bạ điện thoại để liên lạc với Cray. Viên luật sư hẹn tiếp hai mẹ con Jimi vào mười giờ sáng hôm sau.

... Họ đã có mặt tại văn phòng của Cray đúng giờ hẹn. Qua vài lời giới thiệu xã giao ngắn ngủi, Cray xem chứng chỉ, hộ chiếu của quế Lan và Jimi rồi đưa cho chị tập hồ sơ mong đã chuẩn bị sẵn Jimi chỉ ký vào là xong.

Quế Lan nhờ luật sư Ân xem hộ. Theo di chúc thì khoản tiền của Price để lại cho cô con gái ngoài giá thú chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong gia sản của ông ta. Nhưng giá trị tuyệt đối thì lại khá lớn. Trừ các khoản thù lao cho luật sư và phí tổn thủ tục tài chính thì Jimi cũng còn một khoản đủ sống suốt đời.

Bằng tiếng Việt, Phan Quang Ân khuyên Hứa Quế Lan nên hỏi nốt những vấn đề có liên quan về tình cảm với dòng họ Price rồi hãy ký nhận.

Quế Lan đồng ý và chị hỏi viên luật sư.

- Thưa ông Cray, chúng tôi có được phép hoặc cần phải tiếp kiến gia đình Price không?

- Thưa bà, tôi có thể chuyển lời thỉnh cầu của bà đến Mrs May Price. Riêng về mặt pháp lý, tôi thấy không cần thiết. Còn về phương tiện tâm lý, bà cho phép tôi nói thẳng là gia đình Price không thích thú gì một cuộc tiếp kiến với bà hoặc ngay cả với cô Jimi nữa.

- Cảm ơn ông đã cho tôi biết điều đó. Chúng tôi có thể viếng thăm mộ người quá cố được không?

- Hoàn toàn được. Tiến sĩ Price an táng tại nghĩa trang Saint Thomas trong khu lăng tẩm của dòng họ Price. Nếu bà muốn có cuộc viếng thăm thì đúng mười sáu giờ ngày thứ bảy tới xin mời bà lại đây. Tôi sẽ đưa bà và tiểu thư đến viếng mộ phần người quá cố. Bây giờ xin cô Jimi ký vào biên bản tiếp nhận để tôi thu xếp nốt phần việc còn lại. Từ mười giờ ngày mai, người thừa kế có quyền nhận khoản tiền đó bất cứ chi nhánh nào của First National Bank.

Quế Lan chuyển tập hồ sơ cho con gái.

- Con ký vào đi.

- Thưa luật sư, tiếp nhận ký vào đây còn từ chối ký vào đâu?

Quế Lan nhìn con gái vẻ sửng sốt. Tiến sĩ Phan Quang Ân thì bất ngờ và có ý thán phục cô gái. Còn luật sư Cray thì ngạc nhiên và lúng túng.

- Thưa cô, tôi đã không chuẩn bị cho chuyện khước từ. Trong đời làm luật sư, tôi chưa gặp trường hợp từ bỏ quyền thừa kế theo chúc thư của người đã chết.

- Thưa ông, hôm nay ông gặp trường hợp như vậy Tôi chỉ muốn nhận một đặc ân duy nhất là được viếng mộ tiến sĩ Price, người để lại dòng máu trong tôi.

- Con nói gì vội vàng thế, con đã suy nghĩ kỹ chưa? - Quế Lan hỏi con bằng tiếng Việt.

Trong lúc mấy người khách nói chuyện bằng tiếng Việt, Cray đã thảo xong văn bản vắn tắt đầy đủ để đảm bảo quyền khước từ như luật định.

- Thưa cô Jimi, về phương diện cá nhân tôi khuyên cô nên nhận khoản thừa kế mà ông Price di chúc lại. Đối với một người đã chết thì sự chấp nhận chỉ đơn thuần là vấn đề thủ tục tài chính. Không có điều gì thách thức danh dự cô. Không một người nào của gia đình Price được phép cản trở. Cô nhận là một việc làm bình thường như mọi thành viên khác có tên trong tờ di chúc. Còn nếu cô từ chối thì xin cô hãy ký vào đây.

Jimi không nói thêm điều gì với luật sư. Cô thản nhiên ký vào tờ giấy khước từ rồi đưa cho Cray.

- Thưa cô, cô có thể giữ tờ giấy này thêm một vài bữa nữa. Đến thứ bảy chúng ta vẫn còn phải gặp nhau. Lúc đó cô có thể xé đi hoặc đưa cho tôi cũng chưa muộn. Cô nên canh giác với những cú sốc đột biến về tâm lý. Món tiền cô từ chối không nhỏ đâu. Nó lại không kèm theo bất cứ điều kiện gì. Nếu cô không quá giàu thì lợi tức thường niên nó rất có ích cho cô. Nó có thể nuôi cô suốt đời đấy.

- Thưa luật sư, tôi chân thành cảm ơn những lời khuyên vô tư của ngài. Tôi đã suy nghĩ đầy đủ về quyết định này và không bao giờ xé chừ ký của mình. Vì vậy công việc chúc thư của Mr Price về tôi đến giờ phút này là kết thúc. Tôi không giàu nhưng tôi có đôi bàn tay. Ngoài ra bà con và bạn bè tôi có thể đùm bọc tôi.

- Cô thật là một người cứng rắn.

Cuộc gặp gỡ kết thúc đầy kịch tính.

Luật sư Cray tiễn khách ra xe. Tiến sĩ Phan Quang Ân đưa hai mẹ con về bán đảo Nelson. Cả nhà xúm xít đón họ. Bên bàn ăn, cuộc đối thoại ở văn phòng luật sư Cray được tường thuật lại.

Chị Lệ Ngọc, Bạch Kim, và Phan Quang Trung đều xúc động. Bạch Kim thấm nước mắt, ôm lấy Jimi.

- Con hành động thật dũng cảm!

- Nhưng hình như con đã không làm vừa lòng má con! - Chị Lệ Ngọc nói với Jimi - Lẽ ra con phải bàn với má con trước, hoặc là con cứ giữ lại tờ giấy khước từ đến thứ bảy này, xem mọi người có thể giúp con tìm ra giải pháp nào tốt đẹp hơn chăng?

- Thưa hai bác, thưa cô. Có nhiều cách lựa chọn, nhưng giải pháp trong danh dự chỉ có một. Gia đình Price không bao giờ thừa nhận một đứa con hoang, một kẻ "hạ đẳng" như con, lại càng không thể được. Ngay chỉ một cuộc gặp gỡ để những kẻ có huyết thống nhận mặt nhau cũng làm cho họ cảm thấm bị xúc phạm. Thế thì vợ con Price coi món tiền thừa kế đó có ý nghĩa gì? Với con là nhắm mắt xuôi tay. Với má con, đó là món tiền công họ trả cho những lạc thú một thời của người chồng phóng đãng. Nếu con chấp nhận nó, chính là con chịu nuốt đi nỗi tủi nhục của đứa con hoang và chà đạp lên danh dự, lên thiên diễm tình (nếu có) giữa má con và ông Price. Việc khước từ của con không phải đáp lại vong linh người đã khuất mà để trả lời cho thái độ kênh kiệu của gia đình dòng họ Price.

- Tôi thấy chúng ta không nên trách cứ hành động quyết đoán không do dự của Jimi. Cháu đã làm được một việc vượt lên trên dự đoán của chúng ta, một hành động cao thượng. Quế Lan ạ, một đứa con như vậy phải là niềm tự hào to lớn của cô. Chúng ta có thể để lại cho con cái tiền bạc lớn hơn nhiều lần số tiền của Price di chúc cho Jimi. Nhưng một tâm hồn cao thượng thì tự nó phải có, phai tìm lấy. Nhân sự kiện này tôi lại nhớ tới lời trăng trối của nhạc phụ tôi. Cụ nói: "Ba để lại cho con rất nhiều của cải nhưng ba chẳng truyền lại cho con một chút di sản tinh thần nào... Các con phải biết lo lắng cho sự giàu có của tâm hồn". Tôi nói cháu Jimi vượt lên sức tưởng tượng của chúng ta là ở chỗ đó. Ở tuổi đó, cháu đã biết lo lắng cho danh dự, cháu biết trọng nghĩa khinh tài... thì chính chúng ta phải hỗ trợ cho cách xừ sự của cháu chứ không được phép trách móc cháu.

Khi tĩnh tâm Hứa Quế Lan hồi tưởng lại mối tình của mình với tiến sĩ Price diễn ra nhủ một canh bạc. Vì muốn đột nhập vào phòng làm việc của Price ở khách sạn Phoenic, Hoành Quý Nhân cho cảnh sát bắt giam Đỗ Thúc Vượng chồng chị và chính y lại khuyên Hứa Quế Lan mời Price đến nhà nhờ Price can thiệp cứu Vượng. Việc chị tiếp người Mỹ này trong buồng ngủ đã có hiệu lực tức thời. Vượng được tha, Nhân chụp được tài liệu của Price, còn chị thì có mang! Jimi ra đời là sự thách thức đạo lý dẫn đến vụ ly dị. Hoàng Quý Nhân thèm món tài sản của Hứa Quế Lan đã đứng vào thế chân Vượng với vai trò người chồng định kỳ ba đêm một tuần. Tháng ngày khác chị sống tự do. Chị đã trao cho Price bức thư của Bấc Kinh dẫn tới vụ "ngoại tình thế kỷ" biểu hiện qua tuyên bố chung Thượng Hải. Ngày "tận thế" 30 tháng tư, Price đã nhận Hứa Quế Lan và Jimi là vợ con để đưa vào sân bay Tân Sơn Nhất trước cặp mắt tuyệt vọng của Quý Nhân. Ân tình đến đó cũng chấm hết.

Thế mà nay lại cứ nài ép Jimi nhận món tiền thừa kế thì cũng chẳng hay gì. Vì vậy chị đã chiều theo ý con.

...

Câu chuyện đó tác động mạnh mẽ tới tâm hồn Phan Quang Trung. Cậu thầm phục cử chỉ kiêu hãnh của cô gái.

Jimi có nét mặt trầm tư kiên nghị thoáng một nét buồn sầu kín. Mái tóc cô gái vàng như ánh nắng. Đôi môi đỏ mọng như quả chín... Hình ảnh Jimi chập chờn ẩn hiện trong hồi tưởng của Quang Trung... cho tới khi vóc dáng cân đối uyển chuyên của cô gái lướt qua hành lang đi về phía căn buồng dành cho khách, bất giác Quang Trung vụt đứng dậy. Một lực hút bí ẩn kéo chàng trai nhìn theo bóng dáng đó cho đến lúc khuất sau ô cửa. Một cảm xúc thần diệu còn mạnh mẽ hơn cái bắt tay đầu tiên tràn ngập tâm hồn Quang Trung...

Buổi chiều thứ bảy, hai mẹ con Jimi đến Stratford nhờ Paul Cray đưa đi viếng mộ Price. Theo phong tục phương Đông chị không quên mang đi một bó hương.

Luật sư Ân định đưa hai mẹ con đi, nhưng Hứa Quế Lan từ chối.

- Hôm nay em đi tắc xi cũng được. Không còn vấn đề gì về pháp luật để phải phiền đến bác nữa.

Luật sư Ân cũng giữ ý vì thấy hai mẹ con chưa hoàn toàn thống nhất quan điểm với nhau. Biết đâu trên đường đi chị chẳng cố thuyết phục cô bé để làm ngược lại điều đã nói với Cray bữa trước.

- Hai má con tự đi cũng được. Nhưng có việc gì cần cứ gọi điện cho tôi. Tôi sẽ đến ngay.

- Dạ.

Hứa Quế Lan đến Stratford đúng giờ hẹn. Luật sư Cray đã sẵn sàng. Ông ân cần hỏi lại Jimi:

- Tôi vẫn chờ đợi tiểu thư Jimi Price. Sau mấy ngày suy nghĩ, cô có muốn thay đổi ý định không? - Ông đặt tờ giấy khước từ quyền thừa kế trước mặt hai mẹ con - Chúng ta vẫn còn thì giờ quay lại mọi chuyện từ đâu.

Jimi mỉm cười:

- Xin cảm ơn luật sư, tôi không thấy có gì cần thay đổi.

- Còn bà, thưa bà Quế Lan. Bà có muốn khuyên bảo gì con gái mình điều gì không?

- Dạ, tôi cũng đã khuyên cháu một lần rồi. Nhưng tôi cũng vui lòng trân trọng quyết định cuối cùng của con tôi.

- Tôi thực sự chưa hiểu hết tâm hồn những người phương Đông. Nhiều khi tình cảm của họ có sức mạnh vượt xa lý trí. Nhưng dù sao tôi cũng khâm phục quyết định của cô Jimi. Đúng là cô mang dòng máu của Price, một người Mỹ gốc Irish cứng rắn. Bây giờ chúng ta có thể đến viếng mộ Price. Xin mời bà và cô ra xe.

Chiếc Rolls Royce trôi đi theo dòng xe cộ dày đặc của buổi chiều thứ bảy. Nửa tiếng sau họ ra đèn vùng ngoại ô. Con đường uốn lượn ven những rừng cây. Những toà biệt thự ẩn hiện trong vòm lá. Nghĩa địa Saint - Thomas hiện trên một ngọn đồi thấp. Ánh hoàng hôn rực đỏ chân trời. Xa xa mặt biển sánh lại một màu lam xẫm. Những cây thánh giá nhấp nhô in lên nền trời mây tạo thành một bức tranh hoang vắng buồn tẻ.

Cray cho xe dừng ở bãi đỗ trước cổng nghĩa trang. Hứa Quế Lan và Jimi xuống xe. Cray hướng dẫn hai mẹ con đến một quầy hoa bên phải cổng chính. Quế Lan mua một bó hoa cẩm chướng, thứ hoa chị hay nhận được từ tay Price mỗi lần ông đến thăm chị cách đây hai chục năm trời.

Khi họ rời khỏi quầy hoa quay ra thì một chiếc Lincoln đen bóng, dài như chiếc máy bay lướt qua mặt họ rồi đỗ lại. Jimi nhận ra một khuôn mặt quen quen bước xuống đi đến quầy hoa...

Phải đi bộ chừng vài trăm mét họ đến khu lăng tẩm của dòng họ Price. Hàng chục ngôi mộ nằm trật tự trong khuôn viên bao bọc lớp chấn song thấp ngang thắt lưng. Cray mở cánh cửa sắt và chỉ cho hai mẹ con Quế Lan ngôi mộ mới xây của tiến sĩ Price.

Quế Lan xúc động khi nhìn thấy bức chân dung người tình in trên men sứ, lắp dưới chân cây thánh giá với hàng chữ:

Surname Price.

Firstname Edward.

Dưới cùng là hàng chữ số ghi niên đại sinh tử.

Hình ảnh hai mươi năm trước tái hiện rõ nét trong ký ức của Quế Lan. Để cứu chồng, lúc Đỗ Thúc Vượng bị Hoàng Quý Nhân bắt giam, Quế Lan phải đến cầu xin Price can thiệp. Chị đã phải trả ơn người Mỹ bằng sự hiến thân. Dù chỉ là làm tình vụng trộm với nhau có đôi lần, nhưng niềm thương nhớ vẫn trào lên, chị khóc oà. Jimi im lặng trước cảnh tượng đó. Cray cúi mình đặt trước tấm hình người chủ cũ mấy bông hoa rồi lẳng lặng ra ngoài, lửng thững bách bộ trên con đường mòn lát đá viền những khóm hoa anh thảo màu hồng nhạt. Ông muốn để cho người đàn bà phương Đông được tự nhiên hành lễ theo tập tục của họ.

Quế Lan bày bó hoa cẩm chướng trước ảnh Price rồi đốt bó hương cắm dưới chân cây thánh giá. Chị quỳ trước mộ chắp hai tay lên ngực đầu cúi xuống, lầm rầm khấn vái Jimi lặng im làm theo me, quỳ chếch đấng sau, phía phải.

Bỗng một tiếng nổ khô khan vang lên giữa khung cảnh hoàng hôn hoang vắng của nghĩa địa Saint Thomas. Quế Lan gục xuống vũng máu giãy giụa không nói được câu nào. Jimi hét lên:

- Má, má ơi làm sao thế má, ai giết má tôi. Trời ơi! Cứu má tôi với!...

Tiếng nổ thứ hai Jimi lăn ra bởi một phản xạ tự nhiên. Cô gái thấy đau ở bên nách phải. Cô quờ lên thấy nhoe nhoét máu.

- Cứu tôi với! Chúng giết mẹ con tôi!

Tiếng súng rồi tiếng kêu làm cho Cray giật mình quay lại. Luật sư quét tầm mắt nhìn bao quát ông thấy có một bóng người lủi khuất trong hàng cột thánh giá nhấp nhô trên nghĩa địa. Cray vội vàng chạy đến chỗ có tiếng kêu thì thảm cảnh đã bày ra trước mắt ông. Hứa Quế Lan hầu như tắt thở, còn Jimi đang quằn quại đau đớn trên vũng máu. Có một mình trước hai nạn nhân nên Cray lúng túng ông quyết định cứu cô gái trước khi chạy ra máy điện thoại. Ông xé vội chiếc áo ngoài băng cầm máu cho vết thương trên ngực cô gái.

Mấy người viếng mộ gần đấy cũng chạy lại giúp sức. Cray yêu cầu một người chạy ra cổng báo cảnh sát và gọi điện thoại xin xe cấp cứu.

Năm phút sau cảnh sát mới có mặt. Họ phong toả hiện trường xác định hướng bắn, hướng tẩu thoát của hung thủ để báo động truy lùng. Họ tìm được hai vỏ đạn cách nạn nhân chừng ba chục mét.

Xe cứu thương đến đưa Jimi vào bệnh viện. Một giờ sau xác Hứa Quế Lan đưa vào buồng lạnh của trung tâm giám định pháp y Statford.

Mười chín giờ mười lăm tiến sĩ Phan Quang Ân được cú điện thoại của Cray tường thuật sơ bộ lại sự kiện trên. Phan Quang Ân xúc động mạnh mẽ. Ông yêu cầu Cray nhắc lại những điều cần ghi rồi hấp tấp thông báo điều bất hạnh này cho gia đình nghe. Mọi người đều bàng hoàng. Họ chia tay nhau đến bệnh viện và nhà xác.

Bạch Kim bảo Quang Trung lái xe đưa cô đi thăm Jimi ở bệnh viện Ben Queen. Hai mẹ con ngồi ở phòng đợi gần hai tiếng và được bác sĩ phẫu thuật cho biết là ca mổ kết thúc. Vết thương khâu lại. Xuất huyết nhiều nên kiệt sức. Công việc tiếp máu hồi sức đang tiến hành. Tình hình biến chuyển tốt. Bệnh nhân có thể qua khỏi nhưng lúc này chưa thể tiếp xúc với người thân được.

Vị bác sĩ cho hai mẹ con được nhìn bệnh nhân gián tiếp qua một ca mê ra truyền hình màu. Jimi nằm ngay ngắn trên giường tiếp huyết. Mặt cô gái võ vàng nhưng bình thản, cặp mắt nhắm nghiền. Hàng lông mày đôi lúc nhíu lại như cô chịu đựng cơn đau.

- Jimi, Jimi! - Bạch Kim gọi qua thiếc micro - Cô đây, Quang Trung đây. Mẹ con cô đến thăm cháu đây. Gắng chịu đựng nghe cháu. Cả nhà thương cháu lắm! - Bạch Kim xúc động rút khăn thấm nước mắt.

Bỗng nhiên Jimi hé mở đôi mắt mệt mỏi. Có thể Jimi đã nhận ra những khuôn mặt người thân qua ca mê ra ngược nhiều. Cô gái chớp chớp hàng mi và như cố nở một nụ cười qua làn môi khô héo...

Cuộc thăm viếng qua máy chỉ diễn ra trong ba phút. Bác sĩ cắt ca mê ra.

- Thưa bà, ta không nên để bệnh nhân xúc động nhiều.

- Cám ơn bác sĩ. Xin ngài cứu giúp cháu, gia đình chúng tôi vô cùng cám ơn ngài.

Bác sĩ mỉm cười:

- Xin bà cứ yên tâm. Cô sẽ qua khỏi, nhưng ít nhất ba ngày nữa chúng ta mới có thể nói chuyện với Jimi.

Hai mẹ con chào bác sĩ ra về.

...

Mười giờ tối Bạch Kim gọi điện báo cho tôi toàn bộ vụ án ám sát hèn hạ ở nghĩa địa Saint - Thomas. Tất cả nguyên nhân đều mờ mịt, Kim kêu tôi về ngay.

Tôi kể lại chuyện này cho Antonio nghe và thông báo ý định bay chuyến sớm mai về Los Angeles. Antonio cũng xúc động mạnh mẽ. Anh muốn cùng đi với tôi. Anh định viết một bài điều tra về vụ án đẫm máu này cho tờ Kansas Jounal. Thế là chúng tôi gọi điện lấy sẵn vé cho chuyến bay sớm mai.

Cháu Quang Trung đã đem xe đón chúng tôi ở sân bay Los Angeles. Antonio yêu cầu đi thẳng xe đến Sở cảnh sát Stratford để có được những dữ kiện mới nhất, tiếp đến đi thăm nghĩa địa Saint Thomas rồi mới quay về bán đảo Nelson.

Viên chánh cẩm Stratford đã chán ngấy chuyện tiếp khách ngày chủ nhật về vụ án mạng. Xem qua hai thẻ nhà báo, ông ta, miễn cưỡng cho chúng tôi phỏng vấn mười lăm phút. Ông ta đẩy ra trước mắt chúng tôi tập hồ sơ như có ý thay cho lời nói:

- Về nạn nhân? Chúng tôi hỏi.

- Các ông có thể xem tiểu sử của họ in trên các trang báo sáng nay.

- Hiện nay?

- Người mẹ chết tại chỗ. Cô con gái Jimi đã qua cơn nguy kịch có nhiều hy vọng cứu sống. Viên chành cẩm cho xem mấy bức ảnh chụp tại hiện trường.

- Nguyên nhân?

- Chưa có cứ liệu gì để tìm ra nguyên nhân. Dễ dàng gạt bỏ các nguyên nhân cướp bóc, ái tình. Có thể do tư thù, chánh trị...

- Về nhân chứng?

- Có luật sư Cray là người đi viếng mộ với hai mẹ con nạn nhân. Hai ngươi nữa ở gần đấy khi án mạng diễn ra. Các ông có thể đọc lời khai của họ, nhưng chẳng có mấy giá trị cho công việc điều tra.

- Dấu vết của tội phạm?

- Hung thủ để lại hai vỏ đạn súng Colt Revolver cỡ 9,5. Ba vết giày đáng nghi ngờ. Chấm hết.

- Hướng điều tra của cảnh sát?

- Chúng tôi chỉ công bố những việc đã làm. Không một dự định nào của cơ quan điều tra được phép tiết lộ cho báo chí.

- Xin cảm ơn ông cảnh sát trưởng. Có thể chúng tôi còn phải làm phiền ông.

Ông ta bắt tay chúng tôi như để mau chóng kết thúc cuộc phỏng vấn nhạt nhẽo. Họ chưa nắm được con bài nào trong tay.

Chúng tôi đến nghĩa địa Saint - Thomas. Như mọi người viếng mộ khác, chúng tôi cũng mua mấy bông hoa ở quầy hàng gần cổng. Chủ quầy là một bà lai da màu cao lớn, béo mập, mau mồm mau miệng:

- Chiều qua bà có mặt ở đây không?

- Có chứ! Đúng giờ này. Chắc các ông lại muốn hỏi chuyện vụ án mạng xảy ra trong nghĩa địa chứ gì? Tôi biết mà. Từ sáng đến giờ ai cũng hỏi tôi chuyện đó. Đáng tiếc, đó chỉ là câu chuyện bi thảm, khủng khiếp. Chính tôi bán hoa cho hai mẹ con nạn nhân. Bà ta hỏi mua một bó hoa cẩm chướng tươi rói. Bà ta có một cô con gái thật tuyệt vời, dễ gây ấn tượng, dù chỉ gặp một lần cũng đã in đậm được chân dung cô ta vào trí nhớ. Lạy chúa, thế mà chỉ vài phút sau đấy là tan nát hết. Ôi khủng khiếp quá!

Chờ cho bà nói hết Antonio mới hỏi:

- Trước và sau khi bán hoa cho hai mẹ con người đàn bà, bà có nhớ những người khách hàng nào nữa không?

- Dĩ nhiên là còn nhiều người, sao mà nhớ nổi. Nhưng không phải chỉ có hai mẹ con mà cùng với họ có người đàn ông da trắng đi theo. Cái này thì tôi nhớ.

- Đúng thưa bà, đó là luật sư Cray mà báo chí đã đăng cả hình của ông ta.

- Trước đó có một cặp vợ chồng trẻ. Còn sau... à tôi nhớ ra rồi, có một ông đỗ chiếc Lincoln ở ngay đây, rảo bước đi vào cổng, chừng như quên mua hoa, ông quay lại đây mua. Người đàn ông thứ hai từ bãi đỗ xe đi lại. Họ cùng đi vào nghĩa trang với nhau. Một phút sau người đàn ông mua hoa đi ra một mình, lái chiếc Lincoln phóng đi. Xe rú ga khói xanh lè che lấp cả biển số lẫn đèn tín hiệu đằng đuôi rồi biến mất ở chỗ rẽ ra đại lộ.

- Bà có thấy người đàn ông thứ hai đi ra không?

- Tôi không chú ý. Ngay tiếng súng đầu tiên tôi cũng không nghe rõ. Mãi tới khi có người chạy ra trạm điện thoại tôi mới biết có vụ giết người xảy ra trong nghĩa trang.

- Bà có nhớ mặt hai người đàn ông đó không? - Antonio hỏi.

- Tôi không chú ý...

Bà bán hoa nhìn chúng tôi dè dặt rồi vẻ mặt bỗng sửng sốt.

- Bà cố nhớ lại xem, may ra cũng được một người chứ?

- Không, không, thưa các ông tôi không thể nhớ. Vâng đã chắc gì họ liên quan đến chuyện này. Với lại tôi không có chí nhớ tốt lắm đâu... tôi rất bận bán hàng nên không thể... Xin lỗi các ông, ngay bây giờ tôi cũng đang mắc bận chút việc.

Nói đến đây bà bỏ mặc chúng tôi, lỉnh luôn vào trong nhà. Bà hàng hoa hoảng sợ là phải. Kinh nghiệm ở nước này dạy bà rằng số phận những người làm chứng cho những vụ án mạng là rất nguy hiểm. Họ có thể bị thủ tiêu để xoá dấu vết. Có khi hàng chục năm sau tội phạm hết hạn tù trở về chúng vẫn lùng tìm nhân chứng để trả thù, khi vui miệng bà hàng hoa nói ra một vài điều đã biết và rồi bà biết mình quá lời liền đánh bài lảng.

Chúng tôi đi vào nghĩa trang. Theo sơ đồ cảnh sát vẽ chúng tôi xác định lại khoảng cách nổ súng tới nạn nhân là ba mươi tư mét. Ở cự ly này súng rất vừng mới đạt độ chính xác cao như vậy. Cả hai viên đạn đều trúng ngực. Có thể hung thủ phải tì súng lên hàng song sắt bao quanh khuôn viên lăng tẩm của dòng họ Price. Không biết cảnh sát có tìm dấu vết trên hàng rào không?

Tám giờ tối chúng tôi mới về đến bán đảo Nelson. Không khí gia đình thật trầm lặng. ăn uống xong chúng tôi đi nghỉ luôn vì tôi nghĩ những dữ kiện trong tay chưa thể có một suy đoán đáng tín cậy. Điều mong đợi là phải gặp được Jimi.

Sáng hôm sau tôi cùng Antonio bơi thuyền trên hồ Green.

- Chúng ta nhàn hạ quá! - Antonio buồn bực - Cảnh sát làm việc lờ vờ thế này thì hung thủ cao chạy xa bay mất rồi!

- Những vụ án "chó chết" họ làm rất nhanh. Nhưng vấn đề gì liên quan đến chính trị họ còn phải đợi những quyết định bên trong hậu trường.

Anh coi đây là vụ án chính trị sao?

- Có thể. Gia đình chúng tôi có quan hệ bè bạn lâu dài với Hứa Quế Lan nên hiểu rõ đời tư của chị - Tôi kể tỉ mỉ cho Antonio nghe chuyện Quế Lan ngoại tình với Price, về những quan hệ bí mật của nền ngoại giao Bắc Kinh với Washington thông qua sự móc nối của Quế Lan với Price về chủ trương một nước Trung Hoa thì ở Đài Loan hoặc ngay cả Hồng Kông cũng có nhưng lực lượng thù địch với Quế Lan. Có thể từ đó dẫn đến cái chết của chị.

- Nhưng còn Jimi? Cô bé có tội gì mà chúng giết?

Câu hỏi làm tôi khó trả lời. Nhưng tôi vẫn lập được cơ sở lô gic cho dự đoán.

- Có thể chúng muốn cho gọn chuyện chúng lo Jimi biết được nhiều tình tiết trong chuyện làm ăn của mẹ. Cũng có thể là cô bé đã nhìn thấy hung thủ nên chúng thủ tiêu luôn cả nhân chứng.

- Jimi đến đây để nhận phần gia tài thừa kế tài sản của Price. Liệu có thể xảy ra chuyện tranh chấp gì trong gia đình Price dẫn đến quyết định thủ tiêu Jimi không?

- Không loại trừ nguyên nhân đó, nhưng giả thuyết này không mạnh lắm. Thực chất không có vấn đề tranh chấp vì Jimi đã từ chối món tiền thừa kế theo chúc thư của Price. Vậy có lý do gì để giết cô gái?

- Jimi đã từ chối?

- Cô đã báo cho luật sư Cray quyết định này cách đây bốn hôm Cray khuyên cô nên suy nghĩ kỹ và ông cho biết đến chiều thứ bảy, khi đi thăm mộ cô thay đổi ý kiến vẫn chưa muộn.

- Hôm hai mẹ con gặp Cray, Jimi một lần nữa khẳng định không nhận khoản thừa kế. Có thể Cray đã dành cho cô gái một thời gian suy nghĩ nên ông chưa thông báo quyết định đầu tiên cho gia đình Price. Và vụ mưu sát đã được sắp đặt từ trước đó. Nó lăn đi theo quán tính!

Suy đoán của Antonio cũng có lý.

...

Ngày thứ ba Antonio, tôi và Bạch Kim đến bệnh viện thăm Jimi. Cô gái đã tỉnh. Người đầu tiên cô phải tiếp chuyện là dự thẩm viên hình sự George Brow. Các nhà báo đến khá đông nhưng bác sĩ không cho phép gặp bệnh nhân. Chúng tôi nhân danh người trong nhà đến thăm nên được phép vào mười lăm phút.

Jimi còn xanh tái nằm trên giường bệnh. Cô gái biểu lộ sự vui mừng qua anh mắt khi nhận ra Bạch Kim.

- Chú Antonio nguyên thiếu tá Lục quân Hoa Kỳ, bạn cũ của gia đình từ hồi chú sang Việt Nam. Đây là chú Hoài Việt ba của Quang Trung - Bạch Kim giới thiệu bằng tiếng Việt với Jimi.

- Cảm ơn thiếu tá, cảm ơn cô, chú đã đến thăm cháu.

- Cháu thấy trong người ra sao? - Cháu tỉnh táo rồi nhưng yếu lắm. Khi ho hoặc trở mình, vết thương rất đau.

- Cũng là may lắm rồi đây. Hôm chủ nhật cô tưởng cháu không qua nổi. Cả nhà thương cháu, thường má cháu lắm!

Jimi trào hai hàng nước mắt:

- Ôi, nếu má cháu chịu nghe cháu từ đầu không dính líu gì đến gia đình nhà Price nữa thì đâu đến nỗi này. Cháu không phai là người vô tình với cha mình, nhưng mấy chục năm qua ông đâu có quan tâm đến cháu. Khi biết không thể mang theo tài sản khổng lồ này xuống âm phủ, ông mới san sẻ cho cháu một tý chút để thanh thản lương tâm trở về bên Chúa. Nhưng dính líu đến những đồng tiền đó đâu phải dễ dàng.

- Cháu có nghi ngờ gì những người cùng huyết thống với cháu có dã tâm hại cháu không?

- Cháu không có bằng chứng gì nhưng cháu chỉ tin là họ khinh rẻ mẹ con cháu. Với những người anh em cùng cha khác mẹ thì luật sư Cray đã cho biết là họ hoàn toàn không có ý định và không thích thú gì một cuộc tiếp kiến như vậy. Đó là thái độ kênh kiệu có thật của họ đối với giọt máu rơi không mong đợi của gia đình quý tộc này.

- Cháu có kẻ thù nào khác ở Mỹ không?

- Dạ không, lần đầu tiên hai mẹ con cháu đến đây.

- Hôm đi thăm nghĩa địa, cháu có thấy cặp mắt nào chú ý đến hai mẹ con không?

- Có một bộ mặt làm cháu rất chú ý đến họ. Trái lại họ không hề chú ý đến má con cháu. Đó là một người Châu Á tầm vóc thấp đậm, mặt bự, râu quai nón, mang kính đen. ông ta lái chiếc xe Lincoln màu đen đến sau má con cháu chừng một phút. Người đàn ông này đi một mình quay vào hàng hoa thì vừa lúc má con cháu cùng luật sư Cray từ quầy hoa đì vào cổng nghĩa trang. Bộ mặt này quen lắm. Có thể ông ta đã bay với cháu suốt hai mươi giờ từ Hồng Kông tới Los Angeles. Một sự trùng hợp kỳ lạ mới có thể xảy ra chuyện gặp lại ở nghĩa địa Saint Thomas.

- Vấn đề có thể ở đây. Cháu đã thông báo chuyện này với cảnh sát chưa?

- Dạ, cháu cũng chưa kể cho ông dự thẩm George Brow - Jimi thở gấp, giọng nói mệt lử chứng tỏ cô gái phải cố gắng lắm.

- Thôi cháu đi nghỉ đi, không phải nói nữa - Bạch Kim vuốt ve vầng trán Jimi một cách âu yếm - Chiều bác Ngọc và Quang Trung sẽ vào thăm cháu. Mai cô lại đến, yên tâm điều trị và đừng buồn cháu nhé.

- Dạ... cháu muốn nhờ cô nói với luật sư Paul Cray là nguyện vọng của cháu là muốn thiêu xác má cháu lấy tro đóng vào bình để cháu mang về quê hương chứ cháu không bằng lòng an táng ở nghĩa địa Saint - Thomas như ông đề nghị với cảnh sát đâu.

- Cô sẽ nói với bác Ân lo ngay chuyện này cho cháu. Nguyện vọng của cháu chắc chắn được thực hiện. Thôi hết giờ thăm rồi, cô chú về nhé!

Jimi cảm động, bắt tay từng người.

Chúng tôi không về nhà ngay mà phóng luôn đến Sở cảnh sát Stratford. Lần này không phải cảnh sát trưởng mà là dự thẩm viên điều tra hình sự George Brow đặc trách "vụ Saint - Thomas" tiếp chúng tôi.

Tôi đã đề cập với viên dự thẩm hai vấn đề. Thứ nhất tôi yêu cầu của Jimi đưa tro thiêu xác Hứa Quế Lan về quê chứ không chôn ở bất cứ nghĩa địa nào trên đất Mỹ. Thứ hai, tôi thông báo cho ông câu chuyện của bà hàng hoa ở cổng nghĩa trang. Cảnh sát có thể bí mật mời bà làm nhân chứng nếu quả là bà còn nhớ được mặt kẻ khả nghi. Báo chí không thể tung ra tin này vì chẳng những có hại cho công cuộc điều tra mà còn gây nguy hiểm cho nhân chứng.

Viên dự thẩm ghi nhận nguyện vọng của Jimi và cảm ơn về nguồn tin chúng tôi cung cấp thêm cho họ.

Ba chúng tôi trở về bán đảo Nelson. Antonio rất lạc quan.. Anh cho rằng những chứng liệu trên thừa sức giúp cảnh sát moi ra tên Châu Á khả nghi và từ đấy mọi nút của vụ án sẽ được tháo tung. Hung thủ sẽ bị vạch ra trước vành móng ngựa.

Trước khi lên máy bay, Antonio nhắc tôi một khía cạnh cần lưu ý: Liệu chuyến đi viếng mộ Price, Hứa Quế Lan có phải truyền đạt một tư liệu nào của tình báo Bắc Kinh sang Mỹ không? Nếu nắm được thêm bí mật đó thì chúng ta có thể nhìn thấu suốt chiều sâu vụ án hơn nữa.

Chúng tôi bắt tay nhau và hứa có tin tức gì mới sẽ điện thoại thông báo cho nhau.

/72

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

adsdoctruyen@gmail.com

DMCA.com Protection Status