Sông Đông Êm Đềm

Chương 198

/232


Cuộc sống trong gia đình nhà Melekhov đã thay đổi một cách kỳ dị. Mới đây ông Panteley Prokofievich còn cảm thấy mình là ông chủ nắm quyền sinh sát đối với cả nhà, tất cả mọi người trong gia đình đều phải tuân theo lời ông, không ai dám ho he nửa lời, mọi việc đều làm theo răm rắp, cả nhà cùng nhau chia ngọt sẻ bùi và toàn bộ sinh hoạt đều cho thấy một nếp sống nhịp nhàng đã hình thành qua rất nhiều năm. Gia đình nầy trước kia vốn đoàn kết rất chặt chẽ, nhưng từ mùa xuân qua, tất cả đều đảo lộn hết. Người đầu tiên tách rời ra là Dunhiaska. Tuy không công nhiên cưỡng lại lời bố, nhưng mọi việc đến phần mình làm, cô gái đều làm một cách rõ ràng là miễn cưỡng và cứ như làm thuê chứ không còn là làm cho mình nữa. Nhìn bên ngoài thì Dunhiaska trở nên âm thầm kín đáo, xa xa lánh lánh và rất ít khi còn có thể nghe thấy tiếng cười vô tư lự của cô gái.

Sau khi Grigori ra mặt trận, cả Natalia cũng dần dần lẩn tránh hai ông bà già. Hầu như có được bao nhiêu thời giờ nàng đều dành cả cho hai con. Nàng sẵn sàng chuyện trò với chúng nó và lúi húi chăm nom cho chúng nó. Có cảm tưởng như đang có một chuyện gì đó làm Natalia hết sức âm thầm đau khổ, nhưng nàng không nói lời nào với người thân thích về nỗi đau khổ của mình, nàng không than vãn với một ai và tìm mọi cách che giấu điều đè nặng trong lòng mình.

Về phần Daria thì chẳng có gì cần phải nói: sau chuyến đánh xe đi dân công vận tải, ả hoàn toàn không còn như trước nữa. Ả càng ngày càng hay xích mích với bố chồng, ngay đến bà Ilinhitna ả cũng không còn nể nang gì cả. Ả thường vô duyên vô cớ nổi nóng với tất cả mọi người, ả lấy cớ trong người khó ở trốn tránh công việc cắt cỏ, thái độ cứ như chỉ còn sống thêm trong nhà Melekhov những ngày cuối cùng.

Ông Panteley Prokofievich nhìn thấy gia đình ông đang tan rã trước mắt ông. Chỉ còn lại một mình ông và bà lão gần gụi với nhau.

Các mối liên hệ huyết thống bị phá vỡ một cách đột ngột và nhanh chóng, trong quan hệ giữa mọi người không còn cái không khí ấm cúng đằm thắm nữa và trong những lời mọi người nói với nhau ngày càng thấy lộ ra cái giọng bực bội và xa cách nhau… Ngay những khi cùng ngồi với nhau ở bàn ăn cũng không còn thấy đây là một gia đình thống nhất và hoà hợp trước kia nữa, mà cứ như những con người ngẫu nhiên gặp nhau.

Căn nguyên của tất cả các chuyện đó chỉ là chiến tranh.

Ông Panteley Prokofievich hiểu rõ như thế lắm. Dunhiaska oán giận bố mẹ đã làm cô mất hy vọng có ngày được về làm vợ Miska Kosevoi, người yêu duy nhất của cô, người mà cô yêu với tất cả nhiệt tình say đắm và chung thuỷ của một cô gái mới lớn lên. Còn Natalia thì với cái bản chất kín đáo của nàng, nàng cắn răng đau khổ sâu sắc trước việc Grigori lại mới tằng tịu với Acxinhia. Ông Panteley Prokofievich cũng có nhìn thấy tất cả những điều đó, nhưng ông không thể làm được chút gì để lập lại cái trật tự trước kia trong gia đình. Thật ra thì sau tất cả những chuyện đã xảy ra, ông không thể nào đồng ý cho con gái mình đi lấy chồng là một kẻ một lòng một dạ đi theo bọn Bolsevich, vả lại lời đồng ý của ông có giá trị gì đâu vì cái thằng chồng chưa cưới quỷ quái ấy lại đang ruổi rong không biết nơi nào trên mặt trận, hơn nữa nó lại đang ở trong một đơn vị Hồng quân. Tình hình cũng như thế đối với Grigori: nếu chàng không có cái hàm sĩ quan thì có lẽ ông Panteley Prokofievich đã trị cho chàng một trận nên thân. Nhất định ông sẽ cho Grigori một mẻ để sau đó chàng không còn dám liếc mắc sang nhà Astakhov nữa. Song chiến tranh làm mọi việc đều rối như tơ vò, làm cho ông già mất khả năng sinh sống và điều khiển gia đình như ý ông muốn. Chiến tranh làm ông phá sản, làm ông mất cái hăng say làm lụng trước kia, nó đã cướp mất của ông thằng con cả, đem lại tan vỡ và rối loạn cho gia đình ông. Chiến tranh đã đổ ập vào cuộc đời của ông như một trận bão trên cánh đồng lúa mạch. Nhưng ngay sau trận bão, lúa mạch lại vươn thẳng dậy, lại phô màu khoe sắc dưới ánh mặt trời, còn ông già thì không còn có thể gượng dậy được nữa. Ông đã thầm khoát tay không còn thiết gì nữa; mặc cho cuộc đời ra sao thì ra!

Sau khi nhận được tặng thưởng từ tay tên tướng Sidorin, Daria vui vẻ hẳn lên. Hôm ấy, lúc ả ở ngoài bãi họp về nhà, nom ả rất sôi nổi và sung sướng. Hai con mắt long lanh, ả chỉ cho Natalia xem chiếc mề- đay.

- Vì chuyện gì mà họ cho chị cái nầy thế? - Natalia ngạc nhiên hỏi.

- Cái nầy là vì thằng bạn đỡ đầu Kotliarov đây, cầu cho nó hưởng phúc nơi thiên đường, cái thằng chó đẻ? Con cái nầy là vì Petro… - Ả vừa khoe vừa loạt soạt dở một tập giấy bạc sông Đông.

Daria vẫn không chịu ra đồng. Ông Panteley Prokofievich muốn sai ả đem bữa ăn ra cho Dunhiaska nhưng Daria dứt khoát từ chối:

- Thôi miễn cho con cha ạ, con đi đường xa về còn mệt lử đây nầy!

Ông già sầm mặt, Daria muốn xoa dịu lời từ chối có phần sỗ sàng, bèn nói nửa đùa nửa thật:

- Ngày hôm nay mà cha còn bắt con ra đồng là có tội đấy. Hôm nay là ngày vui của con cơ mà!

- Tao sẽ tự tay đem ra cho nó vậy. - Ông già đồng ý. - Nhưng còn món tiền thì thế nào?

- Cái gì, tiền ấy à? - Daria ngạc nhiên giương cao hai hàng lông mày.

- Món tiền ấy, tao hỏi mày sẽ làm gì bây giờ?

- Đó là việc rìêng của con. Con muốn dùng vào việc gì thì dùng vào việc nấy.

- Nhưng sao lại như thế được? Tiền nầy là họ cho mày vì thằng Petro cơ mà?

- Tiền nầy là họ cho con và không phải để cha dùng đâu.

- Nhưng mày có phải là một đứa trong gia đình không, hay là ai?

- Thế cha muốn gì ở cái đứa trong gia đình ấy hả cha? Muốn cuỗm hết tiền của nó à?

- Không phải là lấy hết tất cả, nhưng mày thử bảo thằng Petro là con của chứng tao hay là ai? Tao và bà lão cũng phải có phần chứ?

Rõ ràng là điều đòi hỏi của ông bố chồng không có cơ sở chắc chắn, vì thế Daria kiên quyết giữ ý kiến của mình. Ả bèn nói bằng một giọng bình thản đầy vẻ chế nhạo.

- Con sẽ không cho cho gì cả, dù là một rúp cũng không! Cha không có phần trong nầy đâu, nếu không họ đã trao tận tay cho cha rồi. Nhưng tại sao cha lại nghĩ rằng có cả phần của cha ở đây? Hoàn toàn không có chuyện như thế đâu, và cha đừng có tưởng màng gì đến món tiền của con, cha sẽ chẳng được gì đâu!

Ông Panteley Prokofievich thấy thế bèn dùng đến chước cuối cùng:

- Mầy sống trong gia đình, mày ăn bánh mì của chúng tao, như thế có nghĩa là mọi cái gì của chúng ta đều phải là của chung. Nếu người nào cũng đều làm ăn riêng lẻ thì sẽ ra cái thể thống gì nữa? Tao sẽ không cho phép như thế đâu. - Ông nói.

Nhưng cả lần nầy Daria cũng bẻ gãy cái lý lẽ mới đưa ra hòng chiếm món tiền thuộc về ả, của riêng ả. Ả mỉm cười một cách trâng tráo và tuyên bố:

- Cha ạ, con có phải là đã làm lễ cưới với cha đâu. Hôm nay còn sống ở nhà cha, nhưng mai sẽ đi lấy chồng rồi, và cha sẽ không còn trông thấy mặt con nữa đâu! Còn tiền ăn thì lại sao con lại có trách nhiệm phải trả cho cha? Con đã phải làm lụng quần quật mười năm trời cho gia đình cha mà không được dướn thẳng lưng lên rồi còn gì?

- Mầy làm cho mầy chứ cho ai, con chó cái hoang nầy? - Ông Panteley Prokofievich tức điên lên, ông quát to và còn định gầm lên những gì không biết, song Daria không muốn nghe ông nói nữa.

Ả lăng tròn gấu váy, quay ngoắt đi ngay trước mũi ông, bỏ đi vào chỗ của ả ở nhà trong. "Đừng hòng doạ nổi gái nầy!" - Ả mỉm một nụ cười nhạo báng, khẽ nói.

Câu chuyện chỉ đến đấy là chấm dứt. Thật ra Daria đâu phải là một ả sợ cơn thịnh nộ của ông già đến nỗi chịu nhả của mình ra.

Ông Panteley Prokofievich sửa soạn ra đồng và trước khi đi ông có nói qua vài câu với bà Ilinhitna:

- Bà phải để ý tới con Daria một chút… - Ông dặn bà.

- Sao lại phải để ý tới nó? - Bà Ilinhitna ngạc nhiên hỏi.

- Vì nó sẽ cuốn xéo đi, sẽ cút khỏi nhà nầy và sẽ mang theo cả những thứ của nhà ta cho mà xem. Tôi thấy nó xù lông cánh lên như thế không phải là vô duyên vô cớ… Xem ra nó đã kiếm được thằng nào rồi và chỉ ngày một ngày hai là bỏ đi lấy chồng thôi.

- Có lẽ như thế thật đấy, - bà Ilinhitna thở dài đồng ý. - Nó sống cứ như một thằng khô- khon đi làm bù nợ ấy, chẳng có gì được nó yêu nó quý, mọi thứ đều không vừa ý nó… Bây giờ thì nó cũng như một miếng bánh đã cắt rời, mà miếng bánh đã cắt rời thì cố công đến mấy cũng không dính liền lại được nữa đâu.

- Cái ngữ ấy thì chúng ta chẳng cần dính nối lại làm gì! Hãy liệu đấy mụ già ngu ngốc nầy, nếu nó mở miệng nói ra như thế thì chớ có nghĩ tới chuyện khuyên can giữ nó lại. Mặc cho nó cút khỏi nhà nầy đi. Tôi đã chán không muốn bực mình vì nó nữa rồi. - Ông leo lên xe, rồi vừa đánh hai con bò vừa nói thêm - Nó lẩn trốn công việc cứ như con chó tránh ruồi, chỉ cố kiếm miếng ngon bỏ vào miệng và tìm chốn rong chơi. Thằng Petro đã về chầu Chúa rồi, cầu cho nó được hưởng phúc nơi thiên đường, chúng ta chẳng cần giữ của nầy trong gia đình làm gì nữa. Nó đâu phải là một con đàn bà, đúng là một của ôn dịch.

Những điều dự đoán của hai ông bà đã không đúng sự thật. Daria đâu có ý định đi lấy chồng. Ả không nghĩ đến chuyện lấy chồng vì trong lòng ả đang có một điều lo lắng khác…

Suốt ngày hôm ấy Daria hồ hởi với tất cả mọi người và tỏ ra rất vui vẻ. Ngay những lời qua tiếng lại chung quanh chuyện tiền nong cũng không ảnh hưởng đến tinh thần của ả. Ả lượn đi lượn lại rất lâu trước cái gương, ngắm nghía chiếc mề- đay từ đủ mọi phía, thay áo sống năm lần bảy lượt, thử xem cái dải lằn vằn của tấm mề- đay thánh Gioóc hợp với cái áo mặc ngoài nào nhất, rồi nói đùa: "Bây giờ tôi còn kiếm thêm được những tấm huân chương cho mà xem?"

Rồi ả gọi bà Ilinhitna vào phòng trong, nhét vào trong tay áo bà hai tờ giấy bạc hai mươi rúp, đưa hai bàn tay nóng rực nắm lấy bàn tay sần sùi của bà, áp lên ngực mình và khẽ nói: "Đây là làm lễ cầu hồn cho anh Petro con… Mẹ ạ, mẹ hãy đặt cho một buổi cầu hồn lớn, mẹ cũng nấu ít cháo lúa mạch 1 … - Nói rồi ả oà lên khóc… Nhưng chỉ một phút sau, vài giọt lệ vẫn còn long lanh trong khóe mắt, ả đã ra đùa với thằng Misatka. Ả lấy chiếc khăn san bằng lụa mà ả thường quấn trong những ngày lễ trùm lên đầu nó và cười như chưa từng khóc, chưa từng biết cái vị mằn mặn của nước mắt bao giờ.

Sau khi Dunhiaska ở ngoài đồng về thì cơn vui nhộn của ả lến đến mức cao nhất. Ả kể cho Dunhiaska nghe cái cảnh mình nhận mề- đay như thế nào rồi diễn lại một cách hài hước dáng điệu tên tướng nói năng long trọng như thế nào, cái vẻ tên người Anh đứng cứng đơ đơ nhìn mình, y hệt thằng bù nhìn giữ dưa như thế nào. Rồi ả ranh mãnh nháy mắt với Natalia như để ước định với nhau một âm mưu gì và làm bộ mặt trang nghiêm nói quả quyết với Dunhiaska rằng không bao lâu nữa, mình đây, Daria nầy, đã là vợ goá của một sĩ quan, lại được hưởng mề- đay thánh Gioóc, thì cũng sẽ được phong cấp sĩ quan và được chỉ định chỉ huy đại đội bô lão Cô- dắc.

Natalia cố ghìm nụ cười, tuy có nghe Daria nói nhưng vẫn cắm cúi vá những chiếc sơ- mi nhỏ xíu của con. Còn Dunhiaska thì hoàn toàn chẳng hiểu đầu đuôi ra sao, cứ chắp hai tay van Daria.

- Chị Daria yêu quý! Chị yêu của em? Chị hãy vì Chúa mà thôi đừng bịa nữa đi! Nếu không em chẳng còn làm thế nào mà hiểu rằng chị nói dối hay nói thật nữa. Chị hãy kể lại đứng đắn đi nào?

- Cô không tin à? Thế thì cô đúng là một con bé ngu xuẩn? Chuyện tôi nói với cô là hoàn toàn đúng sự thật. Có bao nhiêu sĩ quan đều ra trận cả rồi, vậy thì lấy ai huấn luyện các động tác đi đứng cùng tất cả các điều cần thiết khác về quân sự cho các cụ bô lão bây giờ? Vì thế các ông bố già ấy sẽ bị đặt dưới quyền chỉ huy của tôi và tôi sẽ trị được họ, cái bọn quỷ già ấy cho mà xem! Tôi sẽ chỉ huy họ như thế nầy nầy? - Daria khép cái cửa thông xuống bếp để mẹ chồng khỏi trông thấy rồi loáng một cái đã nhét cái vạt váy vào giữa hai chân, và đưa một tay ra phía sau nắm lấy đầu vạt váy, để lộ hai bắp chân để trần bóng nhoáng. Ả đi đều bước trong phòng, đến đứng bên cạnh Dunhiaska và trầm giọng xuống ra lệnh: "Các bô lão, nghiêm! Vênh râu cao nữa lên? Vòng bên trái đi đều… bước!"

Dunhiaska không nhịn được nữa, phải đưa hai bàn tay lên che mặt mà cười phì phì. Natalia vừa cười vừa nói:

- Chao ôi, thôi đi chị! Chị đùa rồ dại cứ như khi sắp có chuyện không may xảy ra ấy?

- Sao lại sắp có chuyện không may xảy ra? Thế thím và cô đã được thấy một chuyện may mắn bao giờ chưa? Nếu không cù cho thím và cô cười một chút thì ở đây hai người cũng sẽ rầu rĩ đến lên mốc lên meo thôi!

Nhưng cơn vui của Daria đã tắt ngấm một cách hết sức bất ngờ cũng như nó đã nổ ra. Chỉ nửa giờ sau ả đã bỏ về chỗ mình ở trong phòng bên, bực tức rứt chiếc mề- đay rủi ro trên ngực, ném nó vào trong cái rương, rồi tì hai tay lên má, ngồi rất lâu bên cạnh khung cửa sổ nhỏ. Nhưng đến đêm thì ả biến đi đâu không biết, mãi khi gà đã gáy đợt đầu mới trở về. Rồi sau đó ả ra đồng làm việc rất chăm chỉ chừng bốn ngày liền.

Công việc cắt cỏ làm chẳng có gì là vui vẻ. Không có đủ người làm việc. Mỗi ngày chỉ cắt được hai đê- xi- a- chin là cùng. Cỏ đã chất đống rồi lại bị nước mưa thấm vào, thế là có ngay việc để làm thêm: phải cào những đống cỏ ra phơi nắng. Nhưng còn chưa kịp đánh đống thì mưa thêm như trút từ chiều hôm trước đến sáng sớm. Hôm sau, mưa liên miên không lúc nào ngớt cứ như đang là mùa thu. Sau đó trời lại nắng ráo, gió đông bắt đầu thổi, tiếng máy cắt cỏ lại lạch xạch trên đồng cỏ, từ những đống cỏ đã đen lại xông lên mùi mốc meo lợ lợ hắc hắc, đồng cỏ bị phủ một màn hơi nước và qua làn khói xanh lơ thấy ẩn hiện đường nét lờ mờ của những nấm cuộc- gan xưa kia dùng làm vị trí cảnh giới, những đường lòng khe xanh xanh, những vòm liễu xanh rờn trên những cái dầm đằng xa.

Làm việc sang đến ngày thứ tư thì Daria sửa soạn đi thẳng từ ngoài đồng lên trấn. Ả nói cho mọi người biết ý định trong khi cả nhà đang ngồi ăn bữa trưa ở chỗ để xe.

Ông Panteley Prokofievich hỏi giọng vừa bực bội vừa châm biếm:

- Mày có chuyện gì mà cuống cuồng lên thế? Không thể chờ đến chủ nhật được hay sao?

- Tất nhiên là có việc và không thể nào chờ thêm được nữa.

- Như thế là một ngày cũng không nán thêm được à?

Daria trả lời qua kẽ răng:

- Không!

- Thôi được, nếu mày đã vội đến không thể nán chịu thêm được chút nào nữa thì cứ đi đi. Nhưng dù sao mày cũng thử bảo những việc đó làm mày cuống cuồng lên là việc gì thế? Có thể biết được không?

- Nếu cái gì cũng biết thì sẽ chết sớm đấy.

Cũng như mọi khi, Daria không cần sục tay vào túi mới tìm được câu trả lời. Ông Panteley tức mình nhổ toẹt một bãi nước bọt, thôi không truy hỏi thêm nữa.

Hôm sau, trên đường từ thị trấn về, Daria tạt vào trong thôn, ở nhà chỉ có bà Ilinhitna với hai đứa bé. Thằng Misatka chạy tới với bác nó, nhưng ả lạnh lùng đưa tay gạt nó ra và hỏi mẹ chồng:

- Thế thím Natalia ở đâu hở mẹ?

- Nó ở ngoài vườn rau, đang tưới nước cho khoai tây. Nhưng mày cần tìm nó làm gì hử? Hay là ông già bảo mày về gọi nó? Ông ấy hoá điên hoá ngộ rồi hay sao thế? Mày cứ bảo ông ấy như thế!

- Chẳng ai bảo con về tìm thím ấy đâu, tự con có chuyện muốn nói với thím ấy thôi.

- Mày đi bộ về à?

- Vâng, đi bộ.

- Nhà ta cắt đã sắp xong chưa?

- Có lẽ mai sẽ xong - Nhưng hượm đã nào, mày chạy đi đâu thế hử? Cỏ có bị mưa hỏng nhiều lắm không? - Daria đã bước từ trên thềm xuống, nhưng bà già vẫn lẽo đẽo bước theo, cố hỏi cho kỳ được.

- Không, không nhiều lắm đâu. Thôi, con phải đi đây, con không có thì giờ.

- Mày ra vườn rau rồi tạt về nhà mang ra cho ông già cái áo sơ- mi nhé. Có nghe thấy không hử?

Daria vờ như không nghe thấy gì, cứ hấp tấp đi ra sân gia súc. Ra tới bến đò thì ả đứng một lát, nheo mắt nhìn mặt sông Đông xanh mướt đang thở ra một là hơi ẩm nhạt thếch, rồi lững thững đi về phía những mảnh vườn rau.

Gió giỡn trên mặt sông Đông, những con bạch âu vỗ cánh nhấp nhoáng. Những đợt sóng lười nhác trườn lên đoạn bờ sông thoai thoải. Mấy quả núi đá phấn hiện lên sáng bệch dưới nắng, sau một tấm màn sương trong suốt màu tím nhạt. Cánh rừng ven bờ bên kia sông được nước mưa xối rửa sạch sẽ xanh mướt ra, nom trẻ và tươi tắn cứ như đang lúc đầu xuân.

Daria tháo đôi ủng ngắn khỏi cặp chân mệt mỏi, rửa chân rồi ngồi lại giờ lâu ven bờ, trên những hòn đá củ đậu nóng bỏng. Ả đưa tay lên che mắt cho khỏi chói nắng, lắng nghe tiếng những con bạch âu kêu rền rĩ và tiếng sóng ràn rạt đều đặn, Daria bỗng cảm thấy buồn đến khóc lên được vì bầu không khí lặng lẽ nầy, vì tiếng bạch âu đâm nhoi nhói vào tim mình và điều bất hạnh bất thần đổ ập lên đầu ả càng hiện ra nặng nề hơn, cay đắng hơn…

Natalia vừa rướn lưng một cách rất vất vả để dựa cái cán cuốc vào hàng rào thì nhìn thấy Daria bước ra đón.

- Chị ra tìm tôi đấy à, chị Daria?

- Tìm thím với nỗi đau lòng ghê ghớm của tôi đây…

Hai người ngồi xuống bên cạnh nhau. Natalia cởi chiếc khăn bịt đầu sửa lại món tóc và nhìn Daria có vẻ chờ đợi. Nàng rất đỗi kinh ngạc vì mới có vài ngày mà mặt mày Daria nom khác hẳn đi: hai bên má hõm xuống, đen sạm, một vết nhăn rất sâu hằn chéo trên trán, một ánh đầy lo âu bừng bừng trong hai con mắt.

- Có chuyện gì xảy ra với chị thế? Mặt chị như đen lai ấy. - Natalia hỏi có vẻ thương hại.

- Đã thế nầy thì mặt không đen sao được? - Daria mỉm cười gượng gạo rồi lại lặng đi một lát. - Thím còn phải xới cỏ nhiều không?

- Đến gần tối thì xong. Nhưng có chuyện gì xảy ra với chị thế?

Daria nuốt nước bọt đánh ực rồi nói nhanh, giọng âm thầm:

- Chuyện thế nầy nầy: tôi bị bệnh… Tôi đã mắc cái bệnh bẩn thỉu ấy Đi vận tải lần vừa rồi thì mang nó vào thân… Một thằng sĩ quan đáng nguyền rủa đã đổ nó cho tôi?

- Chơi bời liều lĩnh đến cùng cực rồi? - Natalia hoảng lên vỗ hai tay vào nhau đầy vẻ đau khổ.

- Phải, chơi bời liều lĩnh đến cùng cực rồi. Song cũng chẳng có gì đáng nói thêm, cũng chẳng có ai mà oán thán… Cái thằng khốn kiếp ấy, nớ cứ bám lấy tôi, tán tỉnh mơn trớn mãi. Hai hàm răng thì trắng nhởn, nhưng ruột gan đã thành giòi thành bọ… Đời tôi như thế nầy là hết rồi.

- Khổ thân cho chị? Chao ôi, sao lại như thế nầy? Rồi chị sẽ như thế nào bây giờ? - Natalia giương to mắt nhìn Daria. Daria cố tự chủ, nhìn chằm chằm xuống chân và nói tiếp bằng một giọng bình tĩnh hơn.

- Thím có biết không, ngay trên đường về tôi đã bắt đầu nhận thấy trong mình như có chuyện gì… Đầu tiên tôi còn nghĩ bụng: có lẽ chẳng sao đâu… Chính thím cũng biết đấy, cái bọn đàn bà chúng mình thiếu gì chuyện nọ chuyện kia. Mùa xuân vừa qua tôi chỉ nhấc dưới đất lên một túi lúa mì, thế là rong huyết ba tuần liền. Nhưng lần nầy tôi lại thấy có cái gì không giống như thế… Đã có những triệu chứng cho thấy… Hôm qua tôi đã lên trấn tới chỗ thằng y sĩ. Ngượng chết đi được… Bây giờ tất cả như thế là hết rồi. Đối với một ả đàn bà như tôi, cuộc đời đã đem nướng sạch trong canh bạc!

- Phải chữa đi mới được, nhưng ngượng lắm đấy? Nhưng bệnh như thế, nghe nói có thể chữa được thì phải.

- Không, cô em ơi, cái bệnh của tôi thì không thể nào chữa được đâu - Daria mỉm một nụ cười đau khổ và lần đâu tiên từ lúc bắt đầu nói chuyện, ả ngước cặp mắt sáng bừng nhìn lên. - Bệnh của tôi là bệnh giang mai. Cái bệnh nầy không thể chữa được đâu. Mắc vào thì sẽ rụng cả mũi… Đấy, thím đã thấy mụ Andronhikha chưa?

- Vậy thì chị làm thế nàơ bây giờ? - Natalia hỏi giọng mếu máo, hai con mắt đẫm lệ.

Daria nín lặng giờ lâu. Ả ngắt một bông hoa trên dây thỏ ti bám vào thân một cây ngô, rồi đưa vào sát tận mắt. Những cái cánh viền màu hồng hết sức mịn màng của bông hoa nhỏ xíu, nhẹ lâng, trong suốt gần như không có trọng lượng, toả ra một mùi hương nặng nề rất là dâm dục của chất đất bị mặt trời hun nóng. Daria nhìn nó một cách khao khát và ngạc nhiên, cứ như lần đầu tiên được thấy loài hoa nhỏ nhoi, tầm thường và xấu xí nầy. Ả phập phồng hai cánh mũi nở to hít hít mùi hương của nó, và đặt nó rất nhẹ nhàng lên mặt đất xốp tơi đã bị gió thổi khô, rồi ả nói:

- Thím hỏi tôi sẽ như thế nào bây giờ ấy à? Lúc ở trên trấn về tôi đã suy nghĩ, đã tính toán cẩn thận… Tôi sẽ tự tử, đó là việc tôi sẽ làm! Kể cũng tiếc, nhưng chẳng còn có thể chọn con đường nào khác nữa. Đằng nào cũng vậy thôi. Nếu tôi chạy chữa, mọi người trong thôn đều sẽ biết, người ta sẽ chỉ chỉ trỏ trỏ, sẽ lẩn tránh tôi, sẽ chê cười tôi… Một con đàn bà như tôi thì còn ai với đến nữa? Sắc đẹp sẽ tàn đi, tôi sẽ khô héo, sẽ thối rữa ngay khi còn sống.: Không, tôi không muốn như thế! - Ả nói như đang bàn bạc cân nhắc với bản thân mình và chẳng để ý gì đến những cử chỉ tỏ vẻ phản đối của Natalia. - Trước khi lên trấn tôi còn nghĩ rằng nếu mắc cái bệnh bẩn thỉu ấy tôi sẽ chạy chữa. Vì thế tôi đã không đưa món tiền cho cha, vì tôi nghĩ rằng còn phải trả tiền bọn y sĩ… Nhưng bây giờ tôi đã quyết định khác rồi. Tôi đã chán ngấy tất cả. Tôi không muốn chữa chạy gì nữa!

Daria văng tục một câu ghê gớm như đàn ông, nhổ toẹt một bãi nước bọt rồi đưa mu bàn tay lên chùi những giọt nước mắt bám trên hàng mi dài.

- Chị vừa nói những lời như thế nào vậy… Chị cũng phải biết sợ Chúa chứ? 2 - Natalia khẽ nói.

- Đối với tôi bây giờ thì Chúa cũng chẳng được tích sự gì cả. Chúa đã gây vướng mắc cho tôi suốt một đời. - Daria mỉm cười, và trong nét cười nghịch ngợm và ranh ma ấy, Natalia lại nhìn thấy trong giây lát ả Daria của những ngày trước kia - Việc nầy không được làm, việc kia không được làm lúc nào cũng đem chuyện phạm tội và Ngày phán xét cuối cùng ra doạ người ta… Người ta không thể nào nghĩ ra được một điều gì khủng khiếp hơn lời phán xét của chính tôi đối với tôi đâu. Tôi chán ngấy rồi, Natalia ạ, tất cả đối với tôi thế là hết! Mọi người đều đã bắt đầu ghét bỏ tôi… Tôi sẽ có thể dễ dàng tính sổ với bản thân mình. Trước mặt tôi, sau lưng tôi đều chẳng còn có ai nữa. Cũng chẳng có ai phải dứt khỏi trái tim mình… Tình hình là như thế đấy.

Natalia bắt đầu khuyên giải Daria bằng một giọng đầy nhiệt tình, nàng van ả suy nghĩ lại và đừng tính tới chuyện tự tử nữa. Đầu tiên Daria còn nghe nàng nói, một cách lơ đãng, nhưng sau ả như tỉnh lại và ngắt lời nàng một cách tức tối:

- Thôi đi Natalia! Tôi đến đây không phải để nghe thím can ngăn, khuyên giải đâu! Tôi đến đây là để nói cho thím biết nỗi khổ của tôi và báo cho thím biết rằng từ hôm nay trở đi không được cho hai đứa con của thím lại gần tôi nữa. Cái bệnh của tôi là một bệnh hay lây, thằng y sĩ đã bảo thế và chính tôi cũng được nghe nói. Vì thế chớ để chúng nó lây bệnh ở tôi đã rõ chưa, đồ ngốc? Và thím cũng nói cho bà lão biết vì tôi ngượng không tự nói được. Còn tôi… Tôi sẽ không chui ngay đầu vào cái vòng thòng lọng đâu, thím đừng nghĩ như thế, việc ấy tôi còn có chán thì giờ để làm… Tôi còn sống thêm ít bữa, còn ngắm cái thế giới nầy cho sướng mắt, còn phải từ biệt cuộc đời. Nhưng thật ra thím có biết chúng ta thường sống như thế nào không? Nếu chưa có cái gì chọc vào tim mình thì cứ đi lại nhởn nhơ và chẳng nhìn thấy chung quanh mình có gì cả… Tôi đã sống cả một cuộc đời như đui như mù, nhưng trong khi từ trên thị trấn về, vừa đi dọc theo sông Đông vừa nghĩ rằng không bao lâu nữa mình sẽ phải chia tay với tất cả những thứ nầy, lúc ấy tôi đã nghĩ rằng mình như được mở mắt ra? Tôi nhìn lên mặt sông Đông, thấy trên đó đầy những vệt sóng lăn tăn, nắng chiếu vào nom cứ như bạc ấy lóng lánh chói cả mắt. Tôi đưa mắt ra chung quanh nhìn thấy, lạy Chúa tôi, sao mà đẹp thế! Thế mà trước kia tôi chẳng nhận thấy gì cả - Daria mỉm một nụ cười, ngượng ngịu, nín lặng một lát, hai bàn tay nắm chặt, rồi sau khi nén được tiếng nức nở bỗng nhiên dồn lên tới họng, ả nói tiếp bằng một giọng cao hơn, căng thẳng hơn: - Trên đường về tôi đã khóc đến mấy lần… Về gần tới sông Đông thì thấy mấy đứa nhỏ đang tắm dưới sông… Cứ nhìn chúng nó mà trong lòng đau thắt lại, tôi đã khóc oà lên như một con ngớ ngẩn. Tôi đã nằm trên cát hai tiếng đồng hồ. Chính tôi cũng chẳng được nhẹ nhàng chút nào khi nghĩ tới chuyện ấy… - Ả đứng dậy, rũ váy, sửa lại chiếc khăn trên đầu bằng một cử chỉ quen thuộc. - Tuy nhiên tôi vẫn còn có được một điều vui vui khi nghĩ tới cái chết: Sang đến thế giới bên kia tôi sẽ lại gặp Petro… Tôi sẽ bảo: "Nào, anh bạn yêu quý của tôi, anh Petro Panteleevich, anh hãy nhận lấy người vợ đĩ thoã của anh đi" - Rồi ả lại nói thêm với cái lối pha trò vô liêm sỉ thường thấy ở ả - Mà ở thế giới bên kia thì Petro không còn có thể đánh tôi được nữa, người ta không cho những kẻ hay đánh nhau lên thiên đường đâu, có phải thế không? Thôi tạm biệt thím Nalalia thân mến? Đừng quên nói cho bà mẹ chồng biết nỗi đau khổ của tôi nhé.

Natalia vẫn đưa hai bàn tay nhỏ nhắn bẩn thỉu lên che mặt ngồi đấy Trong những kẽ ngón tay của nàng long lanh vài giọt nước mắt như những giọt nhựa trên những chỗ vỏ thông nứt. Daria đi tới cái cửa nhỏ đan bằng cành trên dãy hàng rào thì quay lại, nói bằng giọng thiết thực:

- Từ hôm nay tôi sẽ ăn bát đĩa riêng. Thím nói hộ với mẹ như thế. Mà còn chuyện nầy nữa: thím bảo mẹ đừng nói với cha về chuyện đó, kẻo ông già lại điên lên đuổi tôi ra khỏi nhà mất. Đối với tôi thì chỉ còn thiếu chuyện ấy nữa thôi. Tôi sẽ từ đây ra thẳng chỗ cắt cỏ. Tạm biệt nhé!

--------------------------------

1Cháo đặc nấu bằng lúa mạch với mật ong và nho khô, dùng để đãi khách trong những đám tang hay để ăn trong đêm trước lễ Nô- en (ND).2Giáo lý của đạo Thiên chúa cấm con chiên không được tự tử (ND).

/232

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

adsdoctruyen@gmail.com

DMCA.com Protection Status