Tam Quốc Diễn Nghĩa

Chương 23: Nễ Danh Sĩ Lõa Thân Mắng Quốc Tặc Cát Thái Y Đầu Độc Chịu Thảm Hình

/119


Nhắc lại Tào Tháo nổi giận thét chém Lưu Ðại, Vương Trung, thì Khổng Dung can:

- Hai tướng ấy đâu phải là đối thủ của Lưu Bị, nếu chém đi e mất lòng tướng sĩ.

Tào Tháo nghe lời, tha hai người ấy, nhưng cách hết chức tước, rồi muốn tự khởi binh đi đánh Huyền Ðức.

Khổng Dung lại can:

- Hiện nay tiết đông thiên, khí trời đang lạnh, hãy đợi sang xuân cũng chẳng muộn. Nay phải sai người chiêu an bọn Trương Tú và Lưu Biểu, rồi sẽ liệu việc sang đánh Từ châu.

Tào Tháo y lời, liền sai Lưu Hoa tới thuyết Trương Tú. Lưu Hoa đến Tương thành ra mắt Giả Hủ trước, kể rõ thịnh đức của Tào Tháo.

Hủ bèn lưu Hoa ở trong nhà.

Hôm sau vào ra mắt Trương Tú, Giả Hủ kể lại việc Tào Tháo sai Lưu Hoa đến chiêu hàng.

Hai người còn đang bàn bạc bỗng lại có tin báo:

- Có sứ của Viên Thiệu đến.

Trương Tú cho mời vào.

Sứ giả trình thư lên.

Tú xem qua, thấy cũng có ý chiêu dụ.

Giả Hủ lại hỏi sứ giả:

- Viên công xuất binh đánh Tào Tháo, thắng bại ra sao?

Sứ giả đáp:

- Gặp tiết đông lạnh lẽo phải tạm bãi binh. Nay chúa tôi thấy Tướng quân cùng Kinh châu Lưu Cảnh Thăng đều là quốc sĩ, nên mới sai tôi đến đây ra mắt.

Giả Hủ bỗng cười rộ, bảo sứ giả:

- Ngươi nên trở về gặp Viên Bản Sơ và nói giùm rằng: "Ðến anh em máu mủ còn chẳng dung được nhau, nói chi chuyện bao dung quốc sĩ thiên hạ?"

Rồi xé nát lá thư ngay trước mặt, và thét đuổi sứ giả.

Trương Tú áy náy hỏi:

- Hiện Viên Thiệu đang mạnh, Tào Tháo đang yếu. Nay xé thư đuổi sứ, nếu Thiệu đem quân đến thì làm thế nào?

Giả Hủ nói:

- Viên Thiệu đanh mạnh song binh sĩ bất hòa, ắt bại trận, chi bằng ta theo Tào Tháo là hơn!

Trương Tú hỏi:

- Tào Tháo có mối thù với ta, dung nhau sao được?

Giả Hủ đáp:

- Theo Tào Tháo thì được ba điều lợi: Tháo vâng chiếu Thiên Tử chinh phạt bốn phương, danh chính ngôn thuận, đó là một điều lợi. Thiệu đang mạnh, ta đem sức yếu tới theo, ắt không coi trọng ta. Tháo đang yếu thế, được ta theo ắt mừng, đó là hai điều lợi. Tào công có chí lớn như Ngũ Bá, ắt quên thù riêng để nêu cao đức độ với bốn bể, đó là ba điều lợi. Mong Tướng quân đừng nghi ngại gì nữa.

Trương Tú nghe lời, sai mời Lưu Hoa đến thết đãi ân cần.

Lưu Hoa hết lời ca tụng đức hiền của Tào Tháo, lại nói:

- Nếu Thừa Tướng còn nghĩ đến thù xưa, thì đâu có sai tôi đến đây thỉnh Tướng quân?

Trương Tú mừng rỡ, liền hiệp với bọn Giả Hủ theo Lưu Hoa về Hứa Ðô ra mắt Tào Tháo.

Tào Tháo hay được tin, lập tức truyền quân sĩ mời vào.

Trương Tú lạy dưới thềm. Tháo vội đỡ dậy, cầm tay an ủi:

- Thôi, ta có chút lỗi nhỏ, đừng để bụng nhé!

Rồi phong Tú làm Dương Vũ tướng quân, phong Giả Hủ làm Chấp Kim Ngô Sứ.

Tháo lại bảo Trương Tú viết thư dụ hàng Lưu Biểu.

Giả Hủ tiến ra nói rằng:

- Lưu Kiển Thăng tánh hay kết nạp những người danh tiếng, vậy phải chọn một người danh sĩ nổi tiếng đến thuyết phục, mới có thể chiêu hàng được.

Tào Tháo hỏi Tuân Du:

- Cử ai đi cho được?

Tuân Du nói:

- Khổng Văn Cử có thể đảm đang được việc này.

Tào Tháo cho là phải.

Tuân Du ra về, đi tìm gặp Khổng Dung và nói:

- Thừa tướng hiện cần một danh sĩ có văn tài để đi thuyết hàng. Ông có thể đảm đang được chứ?

Khổng Dung nói:

- Hiện ở đây có một danh sĩ anh tuấn là Nễ Hành, tự là Chính Bình, tài giỏi gấp mười tôi. Người này đáng mặt cận thần, không những chỉ làm sứ giả mà thôi, thật xứng đáng kề bên ngai rồng. Ðể tôi tiến cử lên Thiên tử mới được.

Liền viết biểu dâng lên Hiến Ðế.

Tờ biểu như sau:

Thần trộm nghe: Ơn cửu ngũ như nước hồng thủy tràn lan bốn phương, khiến thiên hạ yên bình, cầu khắp bốn phương để chiêu mộ hiền tài. Xưa đức Thế Tông (1) kế thống, mở mang cơ nghiệp, nhìn rộng thấy xa, khắp nơi kẻ sĩ nức lòng tìm đến.

Nay, Bệ hạ là đấng Duệ thánh, lên nối cư tự, gặp vận long đong, nhân tài đã ít, những nhân tài mỗi lúc già nua. May thay! Khí thiêng sông núi đúc kết, non Nhạc giáng thần, dị nhân xuất hiện.

Thần trộm thấy đất Bình nguyên có người xử sĩ họ Nễ tên Hành, tự là Chính Bình, hai mươi bốn tuổi, tư chất nhân hòa, tâm linh rạng rỡ, anh tài trác lạc, học rộng tài cao. Thăng đường xem việc, hiểu được sâu xa, liếc mắt nhìn qua, miệng đã lầu thuộc, tai nghe vừa lọt, đã nhớ nhập tâm. Tính tình hợp đạo, thiên tư có thần. Kỳ tài Hoằng Dương (2), thần trí An Thế (3), nếu so với Hành, chẳng có gì lạ. Lòng trung quả cảm, ham điều thuận như soi gương, ghét điều ác như thù địch. Nết cao thượng Nhâm Tòa (4), tiết tháo sắc son Sử Ngư cũng không bì kịp.

Thần trộm nghĩ: "Ðàn diều quạ trăm con, không bằng một con chim ngạc (5)" Nếu có Hành đứng trong triều, thì việc sáng như gương. Tài hùng biện thao thao, chính khí vun vút. Giải điều nghi, gỡ mối rối, dư tài chế biến phò nguy.

Xưa, Giả Nghị đi tuần thuộc quốc, quở trách Thiền Vu, Chung Quân (6) trẻ măng mà khiên chế nước Việt mạnh, tuổi nhỏ mà khẳng khái, đời trước ngợi khen.

Gần đây, Lô Túy, Nghiêm Tượng cũng nhờ kỳ tài được tiến cử tới tòa Thượng thư. Nễ Hành đáng sánh với kỳ tài ấy. Nếu rồng được vươn tới cửa trời, giương cánh trên sông Ngân, lên tiếng ở tòa Tử vi, tỏa ánh sáng rực rỡ cầu vòng... thì đủ hấp dẫn khắp kẻ sĩ ở gần đại thự, làm rạng uy nghiêm bốn cửa, khiến khắp trời hòa vui, ắt được vẻ đẹp huy hoàng. Nơi Ðế thất, Hoàng cư sẽ súc tích được của báu phi thường vậy. Những người như Nễ Hành không thể có nhiều.

Thần trộm nghĩ: "Nghe bản đàn hay như khúc Dương A, thấy lời ca đẹp như thiên Khích Sở, thì người mộ tài phải ham. Thấy ngựa thần Phi thố, Yểu niểu (7) tung gió phi nhanh thì Lương, Nhạc (8) phải thích".

Lũ thần chăm chú lo việc, đâu dám quên rằng bệ hạ để tâm lo tìm kẻ sĩ, ắt phải thử tài. Vậy xin lượng thánh cho Nễ Hành áo vải vào chầu. Nếu mà chẳng ra gì, lũ thần cam chịu tội khi quân trước bệ.

Vua xem tờ biểu xong, giao cho Tào Tháo.

Tháo sai người triệu Nễ Hành tới. Nễ Hành vào lễ xong, Tào Tháo lờ đi không mời ngồi, Nễ Hành ngước mặt lên than:

- Than ôi! Trời đất rộng thế này sao không có lấy một người?

Tào Tháo nói:

- Thủ hạ ta có cả mấy mươi người đều là anh hùng đời nay, sao ngươi nói không có người?

Nễ Hành hỏi:

- Những người ấy là ai? Xin nói cho nghe?

Tào Tháo nói:

- Này là Tuân Húc, Tuân Du, Quách Gia, Trình Dục... cơ thâm trí viễn, dẫu Tiêu Hà, Trần Bình cũng chưa kịp. Trương Liêu, Hứa Chữ, L ý Ðiển, Nhạc Tiến... sức khoẻ vô địch, dẫu Sầm Bành, Mã Vũ cũng không bằng. Chức Tùng sự như Lữ Kiền, Mãng Sủng; tướng Tiên phong như Vu Cấm, Từ Hoảng đều lỗi lạc hơn người. Hạ Hầu Ðôn lừng danh là phúc tướng thế gian, Tào Nhân nổi tiếng là kỳ tài trong thiên hạ. Sao dám nói là không người?

Nễ Hành cười lớn nói:

- Ông nói sai rồi. Mấy nhân vật này, tôi biết rõ lắm: như Tuân Húc thì có thể sai đi điếu tang thăm bệnh, Tuân Du có thể dùng giử mả canh mồ, Trình Dục có thể coi nhà giữ cửa, Quách Gia có thể sai đọc văn ngâm thơ, Trương Liêu thì đánh chuông đánh trống, Hứa Chử có thể giữ ngựa chăn trâu, Nhạc Tiến thì nên sai đọc chiếu đọc trớng, Lý Ðiển có thể sai đi truyền hịch tống thư, Lã Kiền biết mài dao đúc kiếm, Mãn Sủng có tài uống rượu ăn tấm, Vu Cấm có thể sai vác gạch xây tường, Từ Hoảng nên sai mổ lợn giết chó! Hạ Hầu Ðôn có thể gọi là "Tướng quân hoàn thể" và đến như Tào Nhân đật đáng mặt "Thái thú vòi tiền". Ngoài ra đều là hạng giá áo túi cơm, lọ rượu bị thịt hết mà thôi!

Tào Tháo vặn hỏi:

- Còn ngươi có tài gì?

Hành nói ngay:

- Thiên văn, địa lý, không gì không biết. Tam giáo, cửu lưu, không gì không tường. Trên có thể giúp vua được như Nghiêu, Thuấn, dưới có thể sánh với đức Khổng, thầy Nhan, há thèm nghị luận với bầy tục tử sao?

Trương Liêu nghe nói, nổi giận toan rút gươm chém Hành.

Tháo đưa mắt ngăn lại, rồi nói:

- Ta đang thiếu một chức Cổ Lại để sớm tối đánh trống hầu những buổi Triều hạ, yến hưởng. Vậy ngươi hãy giữ chức này.

Hành không từ chối, nhận lời ngay rồi bước ra ngoài.

Trương Liêu hỏi Tháo:

- Tên ấy ăn nói ngạo mạn, sao Thừa Tướng không giết đi?

Tháo nói:

- Vì nó vốn có cái hư danh xa gần đồn đại. Nếu giết nó, thiên hạ sẽ bảo ta hẹp lượng không dung được người. Nó đã cậy mình tài giỏi, thì ta sai làm tên đánh trống cho mà nhục!

Hôm sau, Tào Tháo mở yến tiệc để thết tân khách, rồi sai Nễ Hành ra đánh trống.

Nễ Hành bước ra, tên đánh trống cũ bảo Hành rằng:

- Ðánh trống thì phải mặc áo mới vào!

Hành không thèm nghe, cứ mặc áo cũ mà vào, xắn tay đánh ba hồi trống nhịp Ngư dương, âm tiết tuyệt diệu, nghe văng vẳng như có tiếng đá, tiếng vàng ngân theo ai oán. Khách trên tiệc nghe qua, không khỏi bùi ngùi rơi lệ.

Bỗng tả hữu quát nạt Hành:

- Sao không thay áo?

Hành bèn cởi áo, tụt quần trước bàn tiệc, đứng lõa thể trơ trơ như con nhộng, chẳng che đậy gì hết. Trên tiệc, kẻ lấy tay che mặt, người vội vã quay đi. Bấy giờ Hành mới từ từ cúi xuống kéo quần lên, sắc mặt thản nhiên, không hề thay đổi.

Tháo quát mắng:

- Trên chỗ miếu đường, sao mi quá vô lễ?

Hành mắng lại:

- Dối trên lừa dưới mới là vô lễ! Chớ ta để lộ cả thân hình thanh bạch của cha mẹ sinh ra, sao gọi là vô lễ được?

Tháo vặn hỏi:

- Ngươi xưng là thanh bạch, thế ai là nhơ bẩn?

Hành đáp:

- Mày nhơ bẩn chứ ai! Mày không thấy rõ kẻ hiền người ngu là mắt bẩn; không đọc Thi, Thư là miệng bẩn; không nghe lời phải là tai bẩn, không thông chuyện cổ kim là thân bẩn; không dung chư hầu là bụng bẩn; thường nghĩ mưu soán nghịch là tim bẩn! Như ta là danh sĩ thiên hạ mà mày lại dùng làm tên đánh trống, thì cũng giống như Dương Hóa khinh đức Trọng Ni (9), Tang Thương dèm thầy Mạnh Tử. Mày muốn gây nghiệp vương bá mà lại khinh người thế này à?

Bây giờ Khổng Dung ngồi trên tiệc, sợ Tháo giết mất Nễ Hành bèn khoan thai nói:

- Nễ Hành tội đáng làm thằng tù không đủ để Minh công trông đến.

Tháo trỏ mặt Hành mà bảo:

- Nay ta sai ngươi đi sứ qua Kinh châu, nếu thuyết được Lưu Biểu về hàng, sẽ được chức Công khanh.

Hành không chịu đi.

Tháo bắt đóng yên ba con ngựa, sai hai người áp hai bên, bế xốc Hành lên lôi đi.

Lại bảo bọn văn võ tay sai đem rượu ra cửa Ðông môn tống tiễn.

Khi ra chờ ngoài thành, Tuân Húc dặn đồng bọn rằng:

- Khi Nễ Hành t ới, cứ ngồi im, đừng ai đứng dậy nhé!

Hành đến nơi, xuống ngựa bước vào.

Bọn Tuân Húc ngồi lặng thinh, Hành bèn ngả người khóc rống lên.

Tuân Húc hỏi:

- Vì sao mà khóc?

Hành nói:

- Ôi chao! Vào chỗ cái quan tài người chết, không khóc sao được?

Cả bọn cùng nói:

- Bọn ta là thây ma, thì mày là thằng cuồng quỷ không đầu!

Hành ngạo nghễ:

- Tao là bề tôi nhà Hán, không thuộc đảng thằng Tào Man, sao lại không có đầu.

Bọn chúng muốn giết đi, Tuân Húc vội ngăn lại:

- Ðồ chim sẻ chuột đồng ấy, giết làm gì cho bẩn đao?

Hành mắng lại:

- Tao là chim chuột, còn có tính chất người. Chứ tụi chúng bay chỉ là giun dế, sâu bọ hết!

Bọn chúng tức giận, liền đứng lên giải tán.

Nễ Hành đến Kinh châu ra mắt Lưu Biểu, miệng tuy ca tụng tài đức mà lời vẫn ngụ ý chê bai, châm biếm.

Lưu Biểu mất lòng nhưng không nói ra, chỉ sai Hành đến Giang hạ để ra mắt Hoàng Tổ.

Có người hỏi Biểu:

- Nễ Hành xấc láo với cả Chúa công, sao không giết đi?

Lưu Biểu nói:

- Nễ Hành lăng nhục Tào Tháo biết bao nhiêu, Tháo không giết là sợ mất lòng người. Nay sai đến đây, ý muốn mượn tay ta giết giùm, để ta mang tiếng hại người hiền ấy. Vậy ta sai Hành sang gặp Hoàng Tổ, để Tháo biết rằng ta không phải là kẻ khờ!

Mọi người đều phục là cao kiến.

Lúc ấy lại có sứ của Viên Thiệu sai đến chiêu an Lưu Biểu.

Lưu Biểu liền hỏi Hàn Tung:

- Hai bên đang đối địch, lại đều sai sứ đến đây chiêu an. Vậy ta nên theo bên nào?

Hàn Tung thưa:

- Nay hai bên đang xích mích với nhau. Nếu Tướng quân muốn nên việc lớn thì phải cử quân đi đánh mới mong thành công được. Nay Tào Tháo giỏi dùng binh, người hiền tuấn về theo rất nhiều. Thế tất phải diệt Viên Thiệu trước, rồi kéo quân xuống Giang Ðông. Lúc bấy giờ e Tướng quân không ngăn nổi. Chi bằng đem Kinh châu này về đầu Tháo. Tháo ắt trọng đãi Tướng quân.

Lưu Biểu nói:

- Ngươi hãy đến Hứa Ðô xem động tĩnh thế nào rồi về đây sẽ bàn lại.

Tung nói:

- Chúa, tôi, ai có phận nấy. Nay Tung thờ Tướng quân, dù bắt vào chỗ nước sôi, lửa bỏng cũng xin vâng mệnh. Nhưng Tướng quân hãy xét mình, nếu có thể trên thờ Thiên tử, dưới thuận Tào công thì hãy sai tôi đi. Nếu còn trì nghi chưa quyết, một khi đến kinh sư, Vua phong cho một chức quan thì Tung sẽ thành bề tôi Thiên tử, không còn được tận tụy sống chết vì Tướng quân nữa!

Nhưng Biểu vẫn nói:

- Ngươi hãy cứ đi một chuyến xem thế nào? Ta đã có chủ ỳ.

Tung bèn từ biệt Biểu, đến Hứa đô, vào ra mắt Tháo.

Tháo phong ngay Tung làm Thị Trung kiêm lĩnh Linh Lăng Thái Thú.

Tuân Húc hỏi nhỏ Tháo:

- Hàn Tung tới đây chỉ có ý dò động tĩnh, chưa chút công lao, sao Thừa tướng lại phong cho chức trọng? Nễ Hành ra đi cũng chưa có tin gì về. Sao Thừa Tướng không hỏi xem đã?

Tháo nói:

- Nễ Hành làm nhục ta thái quá, nên ta mượn tay Lưu Biểu giết đi. Còn hỏi đến nó làm gì?

Bèn sai Hàn Tung trở về thuyết Lưu Biểu.

Tung về đến Kinh châu, ra mắt Biểu, xưng tụng thịnh đức triều đình và khuyên Biểu vào chầu.

Biểu nổi giận mắng:

- Ạ! Mày dám hai lòng như thế sao?

Rồi toan chém.

Tung kêu lớn lên rằng:

- Tự Tướng quân phụ tôi, chứ tôi đâu dám phụ Tướng quân!

Khoái Lương khuyên giải:

- Lúc chưa ra đi, Tung đã nói trước như thế rồi.

Biểu mới tha cho Tung.

Bỗng có người vào báo:

- Hoàng Tổ đã chém Nễ Hành rồi.

Lưu Biểu hỏi:

- Vì cớ gì?

Người ấy đáp:

- Hôm ấy Hoàng Tổ uống rượu với Nễ Hành, cả hai cùng say.

Tổ hỏi Hành: "Ông ở Hứa Ðô, có thấy nhân vật nào đáng kể không?".

Hành đáp: "Có thằng Cu lớn Khổng Văn Cử với thằng Cu nhỏ Dương Ðức Tổ là tạm được. Ngoài hai tên ấy, chẳng có nhân vật nào nữa!"

Tổ lại hỏi: "Như ta đây thế nào?"

Hành đáp: "Ông như vị thần trong miếu, tuy hưởng đồ cúng tế, mà chẳng linh thiêng chút nào!"

Tổ đùng đùng nổi giận: "Ạ! Mày dám bảo tao là hạng người gỗ, tượng đất à!"

Rồi sai chém đầu. Hành đến chết vẫn chửi Hoàng Tổ không ngớt miệng.

Lưu Biểu nghe nói than tiếc vô cùng, sai người đem chôn Nễ Hành nơi sông Anh vũ (10).

Người sau có thơ rằng:

Hoàng Tổ vô tài, mắt thiếu ngươi,

Nễ Hành vong mạng, hận muôn đời.

Ðến nay qua bãi sông Anh Vũ,

Chỉ thấy vô tình ngọn nước trôi.

Nói về Tào Tháo ở Hứa Ðô, nghe tin Nễ Hành bị hại, thì cười rằng:

- Ðồ hủ nho múa gươm lưỡi! Nay lưỡi mình lại giết mình nhé!

Nhân Tháo chờ mãi không thấy Lưu Biểu về hàng, nên muốn hưng binh vấn tội.

Tuân Húc can rằng:

- Viên Thiệu còn chưa trừ được, Lưu Bị chưa dẹp được mà muốn phát binh ra đánh Giang Hán thì cũng như bỏ cái lớn, lo cái nhỏ. Nay phải trừ cho được Viên Thiệu, sau dẹp Lưu Bị đã, miệt Giang Hán lo chi không trừ được.

Tào Tháo gật đầu khen phải, gác việc đánh Lưu Biểu lại.

Còn Ðổng Thừa từ ngày Huyền Ðức đi rồi, ngày đêm cùng Vương Tử Phục lo liệu và nghị kế. Nhưng lo mãi mà chẳng được kế gì cả.

Năm Kiến an thứ năm, gặp tiết Nguyên đán (11), các quan vào chầu mừng vua, Ðổng Thừa thấy Tháo càng kiêu hãnh, hoành hành hơn trước, thì tức giận đến cảm thành bệnh.

Vua hay tin quốc cựu lâm bệnh, liền sai ngay quan Thái y là Cát Bình đến phủ Ðổng Thừa chữa thuốc.

Quan Thái y này vốn là người Lạc Dương, họ Cát tên Thái, tự là Xứng Bình, người đời vẫn gọi ông là Cát Bình, chính là một thầy thuốc nổi tiếng thời ấy.

Cát Bình đến phủ Ðổng Thừa đem thuốc điều trị, sớm tối không rời bên giường bệnh, thường thấy Thừa thở ngắn than dài mà không dám hỏi.

Một hôm, nhằm tiết Nguyên tiêu (12), Bình cáo từ xin về, nhưng Thừa giữ lại cùng uống rượu.

Hai bên đối ẩm tới canh khuya, Thừa mệt mỏi quá, mặc cả áo dài mà ngủ.

Bỗng có tin báo Tử Phục bốn người đến.

Thừa vội ra đón vào, Phục hớn hở nói:

- Việc lớn phải xong.

Thừa hỏi:

- Xin nói cho tôi nghe thử.

Tử Phục nói:

- Lưu Biểu đã kết liên với Viên Thiệu, hai nhà hưng binh hơn năm mươi vạn, chia thành mười đường đánh tới.

Mã Ðằng thì hợp cùng Hàn Toại, kéo bảy mươi hai vạn quân Tây Lương từ phía Bắc đánh xuống.

Tào Tháo đã khởi hết binh mã Hứa Xương, chia đi hai đầu nghênh địch.

Hiện trong thành bỏ trống.

Nếu chúng ta nhóm hết tôi tớ, gia đinh trong nhà cũng hơn ngàn người, nội đêm nay thừa lúc trong phủ Tháo có đại yến mừng Nguyên tiêu, ta hãy bổ vây bốn mặt, rồi xông vào giết nó đi là xong! Không nên bỏ lỡ cơ hội này!

Ðổng Thừa nghe nói mừng rỡ, liền hội hết người nhà sửa soạn binh khí, rồi mặc giáp, cầm thương, lên ngựa, hẹn hội quân ở Nội môn, để cùng tiến vào Tướng phủ.

Ðêm ấy, vào canh một, quân năm nhà cùng kéo vào, Ðổng Thừa tay cầm bảo kiếm, đi bộ thẳng vào, thấy Tháo đang ăn yến ở hậu đường, liền thét lớn:

- Tào tặc! Mi đến ngày phải đền tội!

Nói rồi liền xông tới chém Tào Tháo đứt làm hai đoạn.

Thừa sướng quá, bỗng... mở choàng mắt dậy. Thì ra đó chỉ là giấc mộng. Miệng còn lào thào mắng: "Tào tặc! Tào tặc!" chưa dứt.

Bấy giờ Cát Bình mới lay dậy, hỏi rằng:

- Quốc cựu muốn giết Tào công phải không?

Thừa sợ hãi, không biết nói sao?

Cát Bình lại nói:

- Quốc cựu đừng sợ. Tôi tuy chỉ là một thầy lang, nhưng vẫn không hề quên nhà Hán. Ðã mấy lần thấy Quốc cựu thở dài não ruột, tôi chưa dám hỏi. Vừa đây nghe lời nói trong giấc mơ, mới biết rõ chân tình. Vậy xin chớ dấu nhau. Nếu Quốc cựu dùng được tôi vào việc gì, thì dẫu chết cả chín họ, tôi cũng không oán hận.

Thừa che mặt, khóc rằng:

- Chỉ sợ ông không thực lòng thôi!

Cát Bình đưa tay lên miệng, cắn đứt một ngón tay mà thề.

Bấy giờ, Thừa mới đem tờ "Y đái chiếu" ra cho Bình xem rồi nói:

- Nay mưu việc chưa xong, là vì Lưu Huyền Ðức cùng Mã Thọ Thành đều đi khỏi. Tôi vô kế khả thi, lo nghĩ mà thành bệnh vậy.

Cát Bình nói:

- Các ông khỏi cần lao tâm mệt sức. Tánh mạng của Tào tặc ở trong tay tôi rồị

Thừa hỏi mưu kế thế nào, Bình cho biết:

- Tào tặc vốn có chứng nhức đầu, đau vào tại cốt tủy. Mỗi lần đau là mỗi lần triệu tôi vào bốc thuốc uống. Vậy nếu nay mai nó triệu nữa, tôi chỉ việc cho một liều độc dược là nó chết ngay. Hà tất phải dùng đến binh đao?

Ðổng Thừa cả mừng:

- Nếu được như vậy thì xã tắc của nhà Hán thật là nhờ tay ông vậy.

Cát Bình cáo từ ra về.

Ðêm ấy Thừa lòng mừng rỡ khôn cùng, liền ra vườn thưởng nguyệt.

Bỗng gặp đứa gia nô là Tần Khánh Ðồng đang tư tình với con thị nữ Vân Anh, cười rúc rích trong bóng tối, Thừa nổi giận, thét tả hữu bắt hai đứa đem chém.

Nhưng Ðổng phu nhân động lòng thương hại xin tha cho chúng.

Thừa nể lời vợ mới sai đánh mỗi đứa bốn chục roi rồi đem Tần Khánh Ðồng giam vào lãnh phòng.

Ðêm ấy, Tần Khánh Ðồng căm tức, nửa đêm bẻ gẫy khóa sắt, trèo tường trốn ra, rồi chạy thẳng tới phủ Tào Tháo, xin báo việc cơ mật.

Tháo sai gọi vào nhà kín hỏi. Khánh Ðồng thưa:

- Bẩm Thừa tướng, bọn Vương Tử Phục, Ngô Tử Lan, Sùng Tập, Ngô Thạc và Mã Ðằng, năm người thường vào phủ của chủ con bàn kín với nhau, chắc là mưu hại Thừa tướng.

Con thấy chủ con đem ra một bức lụa trắng, không biết có những chữ gì?

Ngày hôm qua, Cát Bình lại cắn ngón tay ăn thề. Chính mắt con thấy rõ như thế.

Tào Tháo nghe qua, liền giấu Khánh Ðồng vào trong phủ.

Còn Ðổng Thừa thấy Khánh Ðồng bỏ trốn tưởng đã đi mất rồi, cũng không truy tầm nữa.

Hôm sau, Tào Tháo lại giả đau đầu, triệu Cát Bình vào để bốc thuốc.

Cát Bình nghĩ thầm:

- Thằng phản tặc này tận số rồi.

Bèn ngầm giắt thuốc độc bên mình, vào phủ thăm bệnh Tháo.

Bấy giờ Tháo nằm trên giường, bảo Bình kê đơn.

Bình xem qua mạc, rồi nói:

- Bệnh này uống chừng một thang thì khỏi.

Rồi bảo đem siêu thuốc ra, sắc ngay trước mặt Tháo.

Khi thuốc đã cạn, còn một nửa, Bình mới lén bỏ thuốc độc vào siêu.

Ðoạn rót ra bát, tự tay nâhng lên dâng Tháo.

Tháo đoánbiết trong thuốc có độc, cố ý chậm chớp không uống vội.

Bình giục:

- Xin Thừa Tướng uống nóng, cho mồ hôi rỉ ra thì khỏi ngay.

Bỗng Tháo ngồi dậy, nói:

- Ngươi đã đọc Nho thư, ắt hiểu lễ nghĩa: phàm Vua có bệnh uống thuốc, thì bề tôi phải uống trước. Cha có bệnh uống thuốc, thì con phải nếm trước. Ngươi đã là tâm phúc của ta, sao không uống thử rồi hãy đưa?

Cát Bình biết việc đã bại lộ, liền cười nói:

- Ai có bệnh thì uống thuốc, hà tất phải nếm trước làm gì.

Nói rồi liền bưng chén thuốc sấn đến, nắm lấy tai Tháo dằn ngửa ra mà đổ vào.

Tào Tháo vung tay gạt chén thuốc rơi xuống.

Thuốc đổ đến đâu, gạch sủi bọt nứt nẻ tới đó.

Tháo chưa kịp ra lệnh, tả hữu đã sấn vào bắt giữ lấy Bình.

Tháo nói:

- Ta có bệnh gì đâu! Thử mày đấy thôi! Mày quả có bụng hại ta rồi!

Bèn gọi hai mươi tên ngục tốt khỏe mạnh, lôi Bình ra vườn sau tra khảo.

Tháo ngồi trên đình, sai trói Bình nằm dưới đất.

Sắc mặt Bình vẫn thản nhiên, không hề sợ hãi.

Tháo cười nói:

- Cái ngữ một tên làm thuốc như mày, đâu dám hạ độc ta! Ắc có đứa xúi giục. Vậy hãy khai đứa ấy ra, ta sẽ tha cho mày.

Bình mắng rằng:

- Mày là thằng giặc dối Vua lừa trên! Cả thiên hạ đều muốn giết, riêng gì một mình tao?

Tháo gặng hỏi ba, bốn lần nữa.

Bình càng giận:

- Chính ta tự ý giết mày, còn ai xúi ta nữa! Nay việc chẳng thành, chỉ còn một chết mà thôi.

Tháo căm giận, sai lính ngục đánh thật đau. Nhưng đánh đập suốt hai giờ đến nát da, xé thịt, máu chảy đầu đất mà Bình vẫn không khai.

Tháo sợ đánh quá tay chết Bình thì không còn người đối chứng, bèn sai ngục tốt khiên vào chỗ vắng, tạm để cho nghỉ.

Hôm sau, Tào Tháo lại truyền bày yến tiệc, rồi thỉnh hết các đại thần đến uống rượu. Các quan đều đến, duy có Ðổng Thừa cáo bệnh không đi.

Bọn Vương Tử Phục thì vẫn sợ Tháo sinh nghi, nên đều phải tới dự.

Ăn yến ở hậu đường, rượu được vài tuần, Tháo lên tiếng nói:

- Trong tiệc không có gì vui. Vậy ta có một người có thể giúp vui cho các quan, để ta bày cuộc này cho các quan thưởng thức.

Rồi gọi bọn ngục tốt:

- Ðiệu ra đây cho ta!

Chốt lát đã thấy Cát Bình cổ đeo cái gông thật lớn, bị lính điệu tới dưới thềm.

Tháo nói:

- Các quan chưa biết: tên này kết liên ác đảng, toan phản triều đình, mưu hại Tào mỗ. Nay thiết yến mời các quan đến, cùng nghe lời khai vậy.

Dứt lời liền sai quân đánh một trận, Bình đau quá ngất lăn ra đất.

Quân lính lấy nước phun vào mặt.

Bình dần dần tỉnh lại, trợn mắt nghiến răng mắng rằng:

- Tào tặc! Không giết ta đi, còn đợi tới bao giờ?

Tháo hỏi:

- Trước đã có sáu đứa đồng mưu. Ðến mày nữa là bảy, phải không?

Bình chỉ một mực mắng lớn.

Bọn Vương Tử Phục ngồi chết điếng, như ngồi trên bàn chông vậy. Tháo lại sai đánh, rồi lại phun nước, Bình ngất đi tỉnh lại mấy lần, mà không hề có ý xin khoan.

Tháo thấy Bình không chịu xưng, sai dẫn đi giam lại.

Mãn tiệc, các quan đều xin lui về hết.

Tào Tháo lại mời riêng bọn Tử Phục bốn người ở lại, nói rằng để dự... dạ yến.

Bọn Vương Tử Phục, hồn bay phách lạc, đành phải ở lại.

Tháo bảo bốn người:

- Vốn cũng không muốn giữ lại làm gì, ngặt vì có chuyện muốn hỏi: Chẳng hay bốn ông đã cùng Ðổng Thừa bàn tính việc gì?

Vương Tử Phục chối:

- Tịnh không bàn tính việc gì cả.

Tháo lại hỏi:

- Thế thì những chữ trong bức lụa trắng nói về việc gì?

Bọn Tử Phục đều giữ kín, cố chối.

Tháo bèn sai gọi Tần Khánh Ðồng ra đối chứng.

Tử Phục hỏi Ðồng:

- Mày ở đâu mà nhìn thấy?

Khánh Ðồng nói:

- Các ông giữ kín, không cho ai vào. Rồi sáu người ngồi trong nhà xúm lại viết ngầm với nhau. Còn chối sao được?

Tử Phục bảo Tháo:

- Thằng giặc này thông gian với thị nữ của Ðổng Quốc cựu, bị phạt tột nên thù mà vu cho chủ như thế, thật không nên nghe nó.

Tháo nói:

- Cát Bình hạ độc ta, không phải Ðổng Thừa sai nó thì ai xúi?

Bọn Tử Phục đều chối không biết, Tháo nói:

- Nội trong đêm nay hãy thú đi, còn có thể tha thứ. Nếu để sự thực phát ra, thì không thể dung được nữa!

Bọn Vương Tử Phục đều vẫn một hai chối rằng không có âm mưu ấy.

Tháo thét tả hữu đem bốn người giam lại.

Hôm sau, Tháo thân đem mọi người đến thẳng nhà Ðổng Thừa thăm bệnh.

Thừa phải ra nghinh tiếp.

Tháo hỏi:

- Chiều hôm qua sao Quốc cựu không đến dự yến?

Thừa nói:

- Tôi vì còn bệnh, không dám khinh xuất. Xin Thừa tướng lượng thứ cho.

Tháo cười mai mỉa:

- Ta biết đó là bệnh quốc gia phải không?

Thừa tỏ vẻ ngạc nhiên không hiểu.

Tháo hỏi:

- Quốc cựu đã biết việc Cát Bình chưa?

Ðổng Thừa đáp rằng không, Tháo cười nói:

- Lẽ nào Quốc cựu lại không biết!

Nói rồi, thét tả hữu:

- Ðiệu nó vào đây để Quốc cựu xem cho đỡ bệnh!

Thừa chết điếng người, chẳng còn biết làm sao.

Phút chốc, tên ngục tốt điệu Cát Bình tại dưới thềm.

Cát Bình lại gào thét lên, mắng Tháo là thằng nghịch tặc.

Tháo trỏ Bình bảo Thừa:

- Tên này khai ra bọn Vương Tử Phục bốn người. Ta đã sai bắt giao cho quan Ðình úy rồi. Chỉ còn một người chưa bắt được!

Rồi quay xuống hỏi Cát Bình:

- Ai sai mày bỏ thuốc độc hại ta? Mau khai ra lập tức!

Bình mắng lớn:

- Trời sai ta giết đứa nghịch thần đó!

Tháo nổi giận, lại sai đánh, khắp mình Bình không còn chỗ da thịt nào lành nữa. Thừa ngồi trên trông xuống, lòng đau như cắt.

Tháo lại hỏi Bình:

- Trước kia mày có đủ mười ngón tay, sao giờ chỉ còn chín?

Cát Bình đáp:

- Ta đã cắn đi để thề với trời đất quyết giết thằng quốc tặc là mày đó.

Tháo sai lấy dao, ghè tay Bình xuống thềm, chặt hết luôn chín ngón còn lại, rồi bảo:

- Chặt hết chín ngón tay này để mày có sức mà thề.

Bình chửi:

- Ta còn miệng để nuốt sống được tên phản tặc, còn lưỡi đây để chửi vào mặt tên phản tặc.

Tháo lại truyền xẻo lưỡi! Nhưng Bình kêu lên rằng:

- Chớ vội ra tay! Giờ ta đau quá rồi, không chịu hình được nữa. Ðể ta cung khai. Hãy cởi trói cho ta!

Tháo bèn sai mở trói. Bình đứng dậy, hướng về Cung khuyết, bái lạy mà tâu vọng vua rằng:

- Hạ thần không trừ được giặc cho nước, thật là tại số trời. Mong Thánh Hoàng hiểu thấu cho lòng này.

Tháo còn căm hận, sai phân thây Cát Bình làm lệnh. Bấy giờ là năm Kiến An thứ năm, tháng giêng.

Sử quan có thơ rằng:

Nhà Hán suy vi, khí sắc tàn,

Cát Bình làm thuốc cứu giang san.

Quyết thề một dạ phò vua yếu,

Hạ độc, liều thân giết tướng gian.

Dẫu chịu cực hình, luôn mắng giặc,

Cam đành thảm tử chẳng kêu than.

Hãi hùng mười ngón tay tuôn máu,

Rạng rỡ ngàn thu một lá gan...

Cát Bình đã chết.

Tháo lại gọi tả hữu dẫn Tần Khánh Ðồng đến trước mặt, rồi hỏi Ðổng Thừa:

- Quốc cựu có biết tên này không?

Thừa nổi giận nói:

- Thằng ở phản chủ bỏ trốn? Hãy giết ngay nó đi!

Tháo nói:

- Nó có công cáo giác bọn mưu phản, nay tới đây đối chứng. Ai dám giết nó?

Thừa nói:

- Khánh Ðồng là đứa tớ phản phúc, sao Thừa Tướng lới nghe lời vu cáo của nó?

Tháo hăm dọa:

- Ta đã tra hỏi bọn Tử Phục rồi. Ngươi còn chối cãi gì nữa?

Liền thét tả hữu bắt Ðổng Thừa, rồi sai vào thẳng phòng trong khám xét.

Chốc lát, bắt được tờ huyết chiếu và tờ nghĩa trạng.

Tháo xem xong, cười nói:

- Bọn chuột nhắt này lớn gan thật.

Lập tức sai bắt cả nhà Ðổng Thừa già trẻ trai gái giam lại, không để một người nào chạy thoát.

Tháo hầm hầm về phủ hội các mưu sĩ, đưa tờ huyết chiếu cho xem, tỏ ý muốn truất phế Hiến Ðế, lập vua khác.

Ðó chính là:

Mấy hàng chiếu máu thành hư vọng!

Một bức tiên thề rước khốn nguy... chư tướng, trù tính việc phế vua.

Chú thích:

Tức là Hán Vũ Ðế

Tang Hoằng Dương, người thời Hán Vũ Ðế

Trương An Thế, người thời Tuyên Ðế

Nhâm Tòa ở thời Ngụy Văn Hầu

Xưa gọi là chim "Thư cưu".

Chung Quân, người đời Hán Vũ Ðế, ở đất Tế Nam, làm quan Bác Sĩ rồi Gián Nghị Đại Phu, khiên chế được nước Việt. Khi chết mới hơn hai mươi tuổi. Người đời gọi là Chung Ðồng (kỳ đồng).

Sách "Lã thị Xuân Thu" chép rằng ngựa thần Phi thố mỗi ngày đi vạn dặm. Ngựa Yểu niểu mỗi ngày chạy một vạn tám ngàn dặm.

Tức là Vương Lương và Bá Nhạc

Trọng Ni tức là Khổng Tử

Bãi này được mang tên "Anh vũ" là nguyên do trong một buổi tiệc uống rượu trên bãi này, Nễ Hành làm ra bài phú "Anh vũ"

Ngày một tháng giêng

Ngày rằm tháng giêng

/119

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

adsdoctruyen@gmail.com

DMCA.com Protection Status