Tắt Đèn Kể Chuyện Ma

Chương 13: La phong sơn đích trầm một [1]

/40


[1] Sự biến mất của núi La Phong.

Nói ra cũng lạ, dù thế nào thì âm phủ vẫn là nơi mà mỗi người chúng ta đều phải đi mà hơn nữa thường chỉ được đi có một lần. Nếu xét về lý đó, nó chẳng cần phải dựa vào quảng cáo để thu hút khách như những khu du lịch. Nhưng các vị hòa thượng hoặc đạo sĩ lại không nghĩ như vậy, họ cho rằng không những phải tạo ra một vài cửa sổ tuyên truyền cho Diêm phủ ở chốn dương gian, mà thậm chí còn phải làm sao cho nha môn của âm ti cũng được chuyển lên mặt đất. Thái Sơn tất yếu trở thành một căn cứ địa lý tưởng, dưới núi có sông Nại, trên núi có hẻm ma, có đỉnh Vọng hương, tên đã được đặt sẵn, xem chừng chỉ đợi Đông Nhạc Đại đế đến đảm nhiệm vị trí Thiên tử Diêm phủ, làm lễ tại điện Thiên Huống. Đáng tiếc thay, chế độ triều đình cai quản khiến thân phận chính đáng của Thái Sơn lập tức được liệt vào hàng ngũ các nơi cúng tế của triều đình. Tuy rằng từ kinh thành cho đến khắp huyện Phủ Châu, tất cả các ngôi miếu Đông Nhạc (còn gọi là hoàng cung Đông Nhạc) đã ngập tràn quỷ khí, nhưng ngọn Thái Sơn Ngọc Tống vẫn là đại bản doanh của Đạo giáo chính thống, ngôi vị tế trời, tế đất không thể bị thay đổi. Từ Đại Miếu dưới núi cho đến Nam Thiên Môn Đình Ngọc hoàng nơi đỉnh núi, tinh khí của bậc thiên tiên vương đế trên khắp những con đường khiến Diêm Phán quan phải kính nể, sợ hãi tới mức không dám ngẩng đầu lên, kết quả nha môn âm ti chỉ có thể xây dưới chân núi Thái Sơn. Không ngờ, chỉ nhãn mác ngàn năm của Thái Sơn Phù Quân (chỉ thần núi Thái Sơn - cái tên do Đạo gia đặt) đã khiến đỉnh Thái Sơn về mặt địa lý cũng mãi không thể trở thành kinh đô của ma quỷ, còn Phong Đô ở Tứ Xuyên lại vô tình trở thành “Quỷ thành” - thành phố của ma quỷ.

(酆) Phong Đô tức (丰) Phong Đô - Tứ Xuyên ngày nay, cái tên (丰) Phong Đô do Thủ tướng Chu n Lai đề nghị đổi từ (酆) Phong Đô sang (丰) Phong Đô năm 1958 nhưng nó thực chất vẫn là cái tên cũ. Trước đời nhà Nguyên, tên chính thức của nơi này vẫn là Phong Đô. Cho đến năm Hồng Vũ đời Minh, có lẽ do cảm thấy sự bội thu của nông gia không có lợi trong việc trị quốc an dân bằng việc tạo thần gây quỷ mới đổi tên thành (酆) Phong Đô. Hơn năm mươi năm trước, cái tên này được đổi lại, âu cũng coi như đã thoát nạn quy chính, nhưng sẽ chẳng có kẻ nào vì một thứ gì đó mà sửa tên của cả một vùng đất.

Núi Bình Đô huyện Phong Đô là một trong bảy mươi hai vùng đất của Đạo Thu, vốn được coi là vùng đất của thần tiên, sau này trở thành Phong Đô thành quỷ, nghe nói có hai lý do. Một là, Đạo giáo có ngọn núi quỷ thần La Phong, còn có tên khác là Phong Đô. Lý do thứ hai xuất phát từ một sự hiểm nhầm, núi Bình Đô của huyện Phong Đô từng xuất hiện hai vị tiên m và Vương, hai cái tên “m Quân” và “m Vương” khiến người ta không khỏi hoài nghi nơi này chính là nơi “hành tại” của thiên tử Diêm La. Trong Ngô thuyền lực, quyển hạ của Phạm Thành Đại, thời Nam Tống có ghi: cách huyện Phong Đô chừng ba dặm có núi Bình Đô. Tương truyền Tiền Hán Vương Phương Bình và Hậu Hán m Trường Sinh đều quy tiên đắc đạo ở đó. Có lò luyện đơn m Quân và đền thờ Lưỡng Quân vẫn còn đến ngày nay. Phía sau ông còn nhắc tới, Đạo giáo gọi địa ngục, âm phủ là cung Phong Đô. Các vị đạo sĩ hỏi: “Cung Phong Đô có phải chính nơi đó?” Vào đời Hán, Vương Phương Bình và m Trường Lạc lần lượt lên núi Bình Đô tu luyện để trở thành thần tiên. Dưới chân núi được bao quanh bởi dòng Mân Giang (khu vực thượng lưu sông Trường Giang), cổ nhân đã từng ghi chép về vẻ đẹp tuyệt vời của núi Động Cung. Nghe nói Đình Bắc m Thần đế là nơi tăm tối chuyên giam hãm các hồn ma. Cả hai lý do đều được ông nhắc tới, nhưng ông thấy bất ngờ trong việc động phủ thần tiên lại biến thành địa ngục Bắc Phong.

1

Vào thời Nam Tống, Phong Đô vẫn chưa trở thành quỷ thành, chỉ có một Đạo quán tên “Phong Đô quán”. Nguồn gốc của Đạo quán này khá phức tạp, ngay cả Huyền Diệu quán ở Tô Châu, Bạch Vân quán ở Bắc Kinh cũng không thể so sánh được với Đạo quán này, bởi nó là nơi “tụ tập, thu nhận tất cả các hồn ma, không phân biệt giới tính, giai cấp, học thức”. Ngay từ thời Bắc Tống, chỉ cần một tiếng hô từ miệng của “quán chủ Phong Đô” là mấy vạn sinh mạng được tiến hành mua bán xong (điều này xin được nói kỹ ở phần sau). Còn trong Di kiên chi chí quý tập, Hồng Mại cũng từng nói: “Nơi mà Đạo giáo gọi là “địa ngục Bắc Cực” chính là nằm ở dưới chân ngọn núi nhỏ mà Phong Đô quán đang tọa lạc.

Nhưng nghiêm túc mà nói, ngoài hình chữ gần giống nhau, cách đọc giống nhau ra thì những ngọn núi nhỏ ven các con sông lớn tại nơi đó thật khó có thể tạo ra mối liên hệ với núi La Phong - nơi “nằm tại vùng đất thứ mười của kinh thành phương Bắc, chu vi ba trăm nghìn dặm, cao ba nghìn sáu trăm dặm (chương Thiền u vi, tập mười lăm, Chân cáo của Đào Hồng Cảnh thời Đường), càng không cần nói tới những mối liên hệ khác. Nếu tìm hiểu sâu hơn một chút nữa về núi Phong Đô sẽ khiến chúng ta hiểu được nhiều điều. Nếu liên hệ giữa hai nơi này với nhau thì chẳng khác nào đi so sánh giữa nước Brazil của châu Nam Mỹ với huyện Đông Ba của tỉnh Hồ Bắc.

Nếu theo cách nói chung chung thì núi La Phong có thể được xem như một loại hệ thống “âm phủ” thời cổ đại. Nó ra đời khoảng thời Đông Tấn, xét về mặt thời gian, nó xuất hiện muộn hơn so với hệ thống Thái Sơn Phủ Quân và Diêm La Vương. Nó là sự sáng tạo của học trò Đạo giáo phái Thượng Thanh thời Tấn. Tuy nó vay mượn không ít từ Phật giáo, nhưng không xét từ chỉnh thể, nó đã cố gắng “Hoa Hạ hóa”. Nhưng nó không phải là một quỷ đô (kinh đô của quỷ) thuần túy, mà là kinh đô chung giữa quỷ và thần, dựa theo quan niệm quỷ thần là một của người Trung Quốc cổ đại. “Dưới núi có Động Thiên, bên trên và bên dưới Động Thiên không hề có cung thất của quỷ và thần. Trên núi có lục cung, trong phạm vi nghìn dặm của lục cung là cung điện của quỷ và thần.”

Trên núi và trong động mỗi nơi đều có sáu cung tương ứng. Người thường khi chết sẽ đến cung đầu tiên là cung Trụ tuyệt âm, những người đột tử sẽ vào cung Tông thiên thú tội, hiền nhân, thánh nhân qua đời sẽ phải qua Minh thần nại phạm võ thánh thiên cung. Cung thứ tư quản lý họa - phúc - cát - hung, xử lý vấn đề chuyển thế cho các hồn ma sống lại, giết người hoặc làm việc xấu. Cung thứ năm, Tông linh thất phi thiên cung tiếp nạp những loại hồn ma nào không được ghi rõ, có lẽ là do danh sách gốc bị thất lạc, đến nay không còn tra tìm được nữa.

Chủ nhân và những người làm việc ở núi La Phong đều do các vị thần “người lai quỷ” đảm nhiệm. Người có địa vị cao nhất tại La Phong được gọi là vua quỷ, hay có tên gọi khác là Bắc Thái Đế Quân. Sau này, tất cả các vua quỷ có chữ “Phong”, “Bắc” đa phần đều là con cháu của Bắc Thái Đế Quân. Tác giả Cát Hồng thời Đông Tấn, trong quyển Sách gối đầu có viết, quỷ đế phương Bắc cai quản núi La Phong, quỷ đế mang tên Trương Hoành, Dương Vân (tức Trương Tử Bình và Dương Từ Vân đời Hán). Đến thời Lương, Đào Hồng Cảnh lại cho rằng danh vị Trương Hoành và Dương Vân quá thấp, nên trong Chân cáo, ông tiến hành sắp xếp như sau: “Viêm Khánh Giáp, tức Cổ Viên Đế là Bắc Thái Đế Quân, cai quản quỷ thần trong thiên hạ, quản lý núi La Phong.” Viêm Đế chính là thần Nông thị, “do anh minh nên được làm vua”, theo lý mà nói thần Nông thị phải ở miền Nam, nhưng không hiểu sao lại thành vua quỷ phương Bắc.

Tuy mạo nhận tên Phong Đô để trở thành quỷ thành, nhưng Phong Đô nhất định không chịu phủ nhận sự thật có liên hệ tới La Phong, đó là bởi mô thức của núi La Phong thực sự quá xa vời so với nhận thức của bách tính. Cơ cấu mười điện Diêm La vô cùng đơn giản, ngoài Diêm Vương ra, nhiều nhất cũng chỉ có lục tào phán quan, đầu trâu mặt ngựa, Hắc Bạch vô thường không khác biệt so với những tên sai nha và huyện quan mà lão bách tính thường gặp là mấy. Nhưng cung La Phong này lại có quy mô như một “triều đình”.

Bắc Đế sống tại cung thứ nhất trong sáu thiên cung. Có hai người đi theo phò tá là Thượng tướng Tần Thủy Hoàng và Thái phó Tào Mạnh Đức.

Dưới Bắc Đế còn có bốn minh công, đều là những nhân vật là thầy dạy và bạn bè như Tây Minh Công kiêm lãnh đạo đội quân Bắc Đế sư là Chu Công Đán, Đông Minh Công kiêm lãnh đạo đội quan Đẩu Quân Sư là Hạ Khởi, Nam Minh Công là Chiêu Công Thích, Bắc Minh Công là Ngô Quý Lễ. Thuộc hạ của bốn vị minh công này gồm có một hoặc hai vị “thân hữu”, như Hán Cao Tổ Lưu Bang, tiểu bá Vương Tôn Sách đều nằm trong số thân hữa của họ. Chức trách của bốn vị minh công này là “quản lý ma quỷ bốn phương” nhưng họ cũng chia nhau quản lý bốn trong số sáu thiên cung của Phong Đô.

Cung thứ ba trong sáu thiên cung do “Quỷ quan Bắc Đẩu quân” Chu Vũ Vương làm chủ. Ở thời cổ đại, Bắc Đẩu chuyên quản lý sự sống chết của con người. “Bắc Đẩu bắt chết” là cách nói đã có từ rất lâu, ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống con người. Các Đạo sĩ thời Nam Triều muốn né tránh cũng không được, họ luôn phải đối đãi với Bắc Đẩu thật tử tế. Nhưng cũng một đại thần tiên quản lý sự sống vừa mới được sinh ra không lâu là Thái Sơn Phủ Quân lại không nhận được sự nể trọng như vậy. Trong quyển Chân cáo có “Thái Sơn quân” Tuân Di thực chất chính là Thái Sơn Phủ Quân, khi đó là một trong “tứ trấn”, cùng với Lô Long Công, Đông Việt đại tướng quân, Nam Ba Hầu, mỗi người lãnh đạo cả vạn quân ma quỷ, tuy bề ngoài có vẻ rất hiển hách, nhưng rõ ràng, họ chỉ được sử dụng như những nhân viên cấp thấp, không còn tư cách thống trị nữa.

Còn có “Đại cấm thần” tương đương chức Thượng thư lệnh, “Trung lang trực sự” tương đương chức Thượng thư, “Trung cấm” tương đương chức Trung thư lệnh giám, những chức vụ này đều do thế hệ như Hán Vũ Đế, Tôn Kiên đảm nhiệm. Phía Bắc Đế còn có tám thị thần, địa vị tương tự Thị trung, Tử Nguyên Trực (người cưỡi ngựa đi tiến cử Gia Cát Lượng với Lưu Bị) và Bàng Đức (người bị Quan Vũ bắt sống) cũng nằm trong số đó.

Phong Đô có tổng cộng hai thiên môn, Nam Thiên Môn là cửa chính của Phong Đô, đó là cửa của Bắc Đại Đế Quân, còn Bắc Thiên Môn là cửa của Bắc Đẩu Quân. Mỗi cửa có hai gác canh, mỗi gác canh có bốn vị Tu Môn Lang, chức “quan canh cửa” này là chức vị thấp nhất tại La Phong sơn.

Tóm lại, các đạo sĩ thời Tấn, Lương đã thu xếp cho La Phong sơn hơn một trăm vị vua chúa, quan tướng, trang bị cơ quan đầu não của âm phủ một cách tương đối toàn diện, dựa theo quy mô của triều đình lúc bấy giờ, nhưng họ lại bỏ qua bậc quan lại địa phương ở âm giới. Trong hệ thống Thái Sơn Phủ Quân, địa vị của Thái Sơn Phủ Quân chỉ tương đương những tên sai dịch đi bắt bới lũ quỷ phạm tội, để bộ máy quốc gia âm phủ này có được đối tượng thống trị. Còn La Phong sơn lại chỉ là một triều đình bé nhỏ, là bộ máy có hình thức đẹp mắt nhưng không vận hành được.

Kỳ thực, gia đình thần tiên xuất thân từ tầng lớp quan tướng này không quá quan tâm đến việc bộ máy quốc gia của âm giới có phù hợp hay không, cái mà họ cần xây dựng đó là toàn bộ hệ thống âm phủ, nhân vật chủ chốt của hệ thống này phải là những bậc tiên nhân đắc đạo, còn âm phủ chẳng qua chỉ là nhánh cuối cùng của hệ thống đó. Trong tác phẩm Chân linh vị nghiệp đồ, Đào Hồng Cảnh viết, thế giới của các linh hồn được phân làm bảy “cấp”, cũng chính là chỉ bảy giai cấp, mỗi giai cấp lại được chia thành trung, tả, hữu. Ví dụ, ở giai cấp đầu tiên, cấp trung là chỉ vị thần tối cao của Đạo giáo nguyên thủy là Thủy Thiên Tôn, hai cấp tiếp theo là cấp tả và hữu chỉ tầng lớp Cao thượng đạo quân và Nguyên hoàng đạo quân.

Sáu giai cấp còn lại được sắp xếp từa tựa nhau. Các vị quan quỷ tại La Phong sơn (bao gồm cả Bắc Đế, Viêm Đế) đều bị ép xuống giai cấp thứ bảy, cũng là giai cấp cuối cùng. Nếu đặt câu hỏi với Đào Hồng Cảnh: “Vai vế của họ được quy định như thế nào?” Họ quả không khách sáo chút nào, tất cả các bậc tiên sư như Vương Phương Bình, Ngụy Phu Nhân, Dương Nghĩa cho đến các bậc phụ lão nhà họ Hứa đều được đưa lên giai cấp thứ hai, và nơi đó đương nhiên có dành một chỗ cho Đào Hồng Cảnh.

Người bạn cũ của Đào Hồng Cảnh, thực ra là Tiêu lão - Hán Vũ Đế - cấp trên của Đào Hồng Cảnh, sau ki Hán Vũ Đế qua đời, nhờ vào quan hệ cũ, Đào Hồng Cảnh được hưởng đãi ngộ của “đức thánh thượng”, “am hiểm tam quan thư, là kẻ cai quản địa phủ”, vẫn phải qua một nghìn năm sau mới lên được chức “Ngũ Đế Tam Quan”, qua một nghìn bốn trăm năm sau “mới được du ngoạn vũ trụ, trở thành “trung tiên” của Cửu Cung. Mà trong Cửu Cung, “trung tiên” chỉ tương xứng với tư cách thấp nhất có thể lên triều gặp Thủy Nguyên Thiên Tôn, đến lúc đó, tiên lão có bắc thang cũng không chạm tới gót chân của Đào Hồng Cảnh. Đương nhiên, chức quan này vẫn hơn chức coi nhà vệ sinh tại Thiên Cung của Vương Lưu An (người Hoắc Nam) sau khi đắc đạo thành tiên.

Đào Hồng Cảnh nghĩ ra dụng ý của Chân linh vị nghiệp đồ là để đề cao địa vị của tiên nhân ở mức cao nhất có thể. Cho dù có là thánh nhân hiền thần cũng không thể bằng một tiên nhân bình thường. “Sỹ tộc thần tiên” thời Nam Triều muốn giả vờ không tiếp nhận hương khói chốn nhân gian và khinh miệt quyền vị, nhưng trong thâm tâm không giấu nổi những khao khát về quyền thế, tiền của, vì thế một mặt họ giẫm đạp lên các vị thánh quân hiền thần dưới gót chân, một mặt lại làm “Tể tướng sơn trung” của Hoàng Đế chốn nhân gian. Đào Hồng Cảnh thuộc thành phần đại trí thức với danh hiệu “Hoa Dương ẩn cư”, được người đời tôn xưng là người am hiểu Nho - Phật - Đạo, có lẽ họ muốn chỉ việc ông ta lấy thân phận Đạo giáo để ăn cắp đồ của Phật giáo phục vụ Đế vương gia.

2

La Phong sơn có sáu Thiên cung, hay còn gọi là “Phong Đô cung”. Vì vậy, nó không phải là “địa phủ”. Nó kế thừa truyền thống hồn quay về trời của Trung Quốc. Sau khi chết, con người sẽ thành ma, phải qua La Phong báo cáo, ở đó họ có thể tìm thấy địa vị của mình. Đây là một thế giới thần quỷ tương đối lớn và phức tạp chứ không phải âm phủ theo nghĩa thông thường.

Tuy nhiên, sự việc lại xuất hiện sự thay đổi đầy kịch tính. La Phong sơn với chủ thể là sáu Thiên Cung không hiểu sao lại trở thành một địa ngục khổng lồ. Từ đó, “La Phong cung” còn có tên hiệu “ngục La Phong”.

Trong quyển Chân Cáo của Đào Hồng Cảnh, núi La Phong tuy thu nhận các hồn ma, nhưng lại không có địa ngục, bởi núi La Phong hồi đó không có chức năng của một âm phủ, hoàn toàn không có chức năng giam giữ, thẩm vấn, giám sát, trừng phạt như Diêm phủ quản lý ma quỷ, nó cần địa ngục để làm gì chứ? Rất nhiều ma quỷ ở La Phong sơn thống soái hàng trăm triệu hồn ma, giết ma, chém ma cũng lên con số hàng vạn. Nhưng những tên ma quỷ bị giết không phải là hồn ma do con người chết đi hóa thành, mà là lũ quỷ ôn dịch, quỷ ác, quỷ tà ma, cũng chính là hơn một trăm loài ma dược liệt kê trong Kinh thần chú thời Tây Tấn như: ma Xích Sách, ma Xích Vĩ, ma Xích Dịch, ma Đô Lô… Những loài ma đó nhận sự thống lĩnh của Ma vương, “chúng đông tới cả triệu con, tấn công giết hại dân thường”. Chúng phát tán dịch bệnh cho những người vô tội, vô số người đã chết vì bệnh, chịu cảnh gia đình phân ly. Chúng truy đuổi thần bếp, khiến tất cả các vị thần trong nhà cho đến con người đều lo lắng không yên. Ma quỷ không ngừng phát tán hàng nghìn loại bệnh, người dân đau đớn vì bệnh tật, ma quỷ thừa cơ làm tới, tùy tiện tác oai tác quái. Trong Chân cáo thỉnh thoảng cũng có nhắc tới địa ngục, như: “Gieo tội ở trên trời chịu tội dưới địa ngục…” Đây chẳng qua chỉ là sự góp nhặt, vay mượn từ Phật giáo, hơn nữa, “địa ngục” ở đây không phải nằm trong núi La Phong.

Nhưng bỗng chốc, trong tác phẩm của phái Linh Bảo ra đời muộn hơn một chút so với tác phẩm của Đào Hồng Cảnh, nói núi La Phong có địa ngục trong đó. Tứ cực minh khoa kinh có nhắc tới núi La Phong, nói rằng trên núi, khu vực trung tâm và dưới núi mỗi nơi đều có tám ngục, mỗi ngục có tên gọi riêng, như tám ngục trên núi gọi là thứ nhất Lam Thiên ngục, thứ hai Bình Thiên ngục, thứ ba Hư Vô ngục, thứ tư Tự Nhiên ngục, thứ năm Cửu Bình ngục, thứ sáu Thanh Chiếu ngục, thứ bảy Huyền Thiên ngục, thứ tám Nguyên Chính ngục. Chủ quản tám ngục trên núi là Thượng tiên tam quan, chủ quản tám ngục ở trung tâm núi La Phong là Trung tiên tâm quan, chủ quản tám ngục ở dưới núi là Hạ tam quan, tổng cộng có hai mươi tư ngục, nằm ở phí bắc núi Phong Đô.

Vốn là mười hai thiên cung ở trên và dưới núi Nam Phong bỗng chốc biến thành hai mươi tư địa ngục ở trên, giữa và dưới núi. Hai mươi tư ngục mỗi nơi đều có mười hai viên lại (người hỗ trợ quan phủ), lũ đầu vàng, mặt sắt, cực thiên, lực sĩ, mỗi nhóm hai trăm bốn mươi tên, trong tay cầm búa vàng, gậy sắt. Tất cả lũ quỷ phạm tội đều được đưa tới khu địa ngục dành cho chúng, ở đó chúng bị những tên lực sĩ còng lại bằng gậy sắt.

Rõ ràng, đây là sự mô phỏng địa ngục như trong Phật giáo, được tiến hành cải tạo ở núi La Phong. Sự cải tạo này thực sự táo bạo, hóa ra Bắc thái đế quân, thượng tướng, thái phó, Tứ minh công cho đến những kẻ chức vị thấp nhất như gác tướng hai khu thiên cung, Tu môn lang, tất cả đều đã biến mất, thay thế vào chốn cung đình đồ sộ này chỉ là Tam quan và viên lại, lực sĩ của chúng. Sáu thiên cung trước kia, cứ hai thiên cung thì lập một quan, sáu thiên cung lập ba quan, giờ đây trở thành mỗi khu tám ngục có Tam Quan, hai mươi tư ngục có tổng cộng ba Tam Quan. Chức trách của Tam Quan vẫn là xử hình theo tội, nắm giữ quyền tra khảo, cũng có nghĩa là, trong bỗng chốc, núi La Phong đã từ một tiểu triều đình biến thành một đại địa ngục.

Nhưng đây chỉ là phương án cải tạo La Phong một cách cực đoan, còn có phương án vẫn lưu giữ được khá nhiều điểm của La Phong cũ, đó là chỉ cần thiết kế thêm một địa ngục vào trong ngọn núi thần quỷ trước đây, nhưng quy mô của địa ngục này lại lớn gấp nhiều lần so với “bốn địa ngục kia”. Những tài liệu ghi chép về phương án này có chương Ngọc cách, quyển Dậu dương tạp trở của Đọan Thành Thức thời Đường.

Chủ quản địa ngục vẫn là người chủ cũ của Cung La Phong: “Viêm Đế chính là Bắc thái đế quân cai quản quỷ thần trong thiên hạ.”

Địa ngục có luật pháp, được gọi là “tam nguyên phẩm thức, minh chân khoa, cửu u chương”. Sổ sinh tử của địa ngục được phân ra làm sổ “đen, xanh, trắng, đỏ”.

Hình phạt có “đường mông sơn thạch, phó thái sơn, đường dạ sơn thạch, hàn hà nguyên, tây tân thúy trí, đông hai phong đao, điện phong (còn gọi là lôi phong), tích dạ hà”[2].

[2] Những đoạn văn được trích dẫn tại đây sử dụng bản có dấu câu của những năm gần đây, có phần hơi khó hiểu. Tôi thấy rằng, nếu ngắt câu như sau sẽ dễ hiểu hơn phần nào: “Đỡ đá núi Mông, Phó Thái sơn, đỡ đá Dạ Sơn, nước Tây Tân chảy ra Đông Hải, Phong Đao, Hiện Phong, tích dạ hà”. Ở đây có thể nhầm một số chữ, nhưng vẫn có thể hiểu được, tức là bắt quỷ phạm tội phải khuân đá ở núi Mông chuyển lên đỉnh Thái Phong, gánh đá ở núi Dạ Sơn để lấp chặt nguồn nước sông, gánh nước ở hồ Tây Tân đổ ra biển Đông, cũng có nghĩa là bắt quỷ phạm tội phải làm những công việc khổ sai vô ích mà lại dày vò thể xác, để từ đó cải tạo tư tưởng của chúng. Còn về Phong đao, có lẽ là chỉ hai vị quan bên trái và bên phải Phong Đao, điện phong có thể là dùng sét trừng phạt, tích dạ hà chúng ta đã bắt gặp ở Tứ cực minh khoa kinh, tức là gánh đất ở Mông Sơn để lấp đầy sông Tích Dạ.

Nơi quản lý địa ngục gồm: “Liên Uyển, Khúc Tuyền, Thái Sát, Cửu U, Vân Dạ, Cửu Đô, Tam Linh, Vạn Lực, Tứ Cực, Cửu Khoa”. Lại nói rằng, “ba mươi sáu địa ngục”, rồi lại có hai mươi tư ngục, với các tên hiệu: Cửu Bình, Nguyên Chính, Nữ Thanh, Hà Bắc,… Con người phạm năm nghìn điều ác sẽ trở thành quỷ ngũ ngục, phạm sáu nghìn điều ác là tù nhân ngục hai mươi tám ngục, phạm hàng vạn điều ác dày xuống ngục Bệ Lệ. Như vậy, người ta nói có ba mươi sáu ngục, hai mươi tư ngục, năm ngục, hai mươi tám ngục, ngục Ty Lệ và các ngục nhỏ trong đó đều không giống nhau.

Dậu dương tạp trở - quyển sách viết về truyện cực kỳ ma quái, kể về những sự việc nhảm nhí, vô căn cứ, còn những quyển sách quý khác cũng thường mắc những sai lầm (Tóm tắt Tứ khố toàn thư). Quyển sách tuy ra đời vào cuối đời Đường, nhưng trong chương Ngọc cách lại ghi lại những điều trong sách Đạo giáo của triều đại trước và những người cùng thời chưa từng biết tới, vì vậy, nó được liệt vào danh sách những “sách quý” còn lưu lại. Có thể suy đoán một cách bảo thủ rằng, những ghi chép của Đoạn Thành Thức về Phong Đô không thể ra đời sau thời Đường. Núi La Phong lúc này tuy vẫn giữ lại sáu thiên cung, Bắc đế thái quân, Tứ minh công, nhưng đã có sự khác biệt về tính chất, trên thực tế chúng tương đương với mười sáu địa ngục (tám địa ngục lửa, tám địa ngục băng) trong kinh Phật, chỉ là chúng đã được đổi tên và đổi cả chủ cai quản. Rõ ràng, núi La Phong đã không còn là núi Nam Phong của các đạo sĩ thời Nam Triều nữa, mà là phiên bản Đạo giáo của “địa ngục Thái Sơn” trong kinh Phật.

Chỉ có điều, “phiên bản Đạo giáo” này không những ăn bớt, mà còn làm mất đi sự thật. Đem so sánh giữa nó và địa ngục trong Phật giáo có ghi thì có thể nhận ra, các đạo sĩ chẳng qua cũng chỉ là gác thêm chiếc chòi bên dưới chiếc giường của người ta mà thôi, tuy đã cố gắng khoác lác về số lượng quỷ quan, cũng như địa ngục nhưng tinh thần không thể so sánh, cạnh tranh được với kinh Phật. Hơn nữa, nói thẳng ra, Phật giáo đã miêu tả cảnh tượng thảm khốc dưới địa ngục đến cực điểm, thực sự không giáo phái nào có thể bổ sung thêm được gì nữa.

Vận mệnh của hai thái cực tại núi La Phong không vững, cũng giống như bậc tiền bối của nó, nó không thể tồn tại lâu dài trên thế gian, quỷ thành Phong Đô không có được mô thức của La Phong, La Phong chỉ được lưu lại trong các quyển “sách quý lưu lại” mà thôi.

Nhưng núi La Phong không hoàn toàn biến mất, đến thời Bắc Tống nó lại xuất hiện lần thứ ba.

Hoàng đế Bắc Tống tôn sùng đạo giáo, từ Tống Chân Tông do “Lai Hòa Thiên Tôn” chuyển thế, đến hoàng đế đạo quân Tống Huy Tông do “Trường Sinh Đại Đế Quân” chuyển thế, tạo thành một giai đoạn đại hoàng kim của các thuật sĩ thần tinh, không thể khiến các tín đồ Đạo giáo nhòm ngó tới Diêm phủ do mười điện Diêm La chiếm cứ. Thế là vào thời Bắc Tống, Phong Đô lại trở thành sân khấu của Diêm phủ. Quyển năm, cuốn Bảo hồ thanh thoại của Văn Bảo thời Bắc Tống có câu chuyện như sau:

Năm Hàm Bình thứ ba, đời vua Tống Chân Tông, Vương Hiển trấn thủ Định Châu. Bỗng một ngày, một đạo sĩ đến tìm gặp, mũ áo rách rưới, tự xưng là “quán chủ Phong Đô”, người đó nở nụ cười đến tận mang tai, tóc tai rối bù như bờm ngựa, đạo sĩ nói với Vương Hiển rằng: “Hôm qua Thượng đế đưa đến chỗ ta hai vạn linh hồn con người, bởi hai vạn người này chết dưới tay đại nhân, vì thế ta chưa dám đưa vào sổ âm phủ, nay đến đây xin hỏi ý kiến đại nhân thế nào. Nếu quả thật ngài muốn giết họ, thì tên tuổi của ngài sẽ nổi danh thiên hạ, nhưng ta sẽ phải lấy đi năm năm tuổi của ngài, xin ngài quyết định.” Vương Hiển cho rằng vị đạo sĩ này là kẻ điên khùng, liền đuổi ông ta đi. Ngày hôm sau, quân Khiết Đan dẫn hàng vạn binh mã tấn công vùng biên giới, Vương Hiển dẫn binh xông chiến, nhưng cuối cùng bị thua thảm hại, hai vạn binh lính tử trận. Tin báo nhanh chóng truyền tới triều đình, triều đình lấy danh nghĩa sứ thần Khu Mật để triệu Vương Hiển về kinh thành nhưng Vương Hiển vừa lên đường không lâu thì chết.

Đây là một âm phủ kì quái, địa điểm là Đạo quán, chủ nhân là đạo sĩ. Thiên đế muốn thu thập linh hồn người dưới hạ giới với số lượng lớn như vậy, sao không tìm Diêm Vương mà lại tới tìm Vương Hiển, sau khi được ông ta chính thức ghi vào sổ Diêm Vương mới là xác nhận cuối cùng cho sự sống chết của hai vạn người. Tuy “sự thực” chứng minh rằng vị đạo sĩ kia không phải kẻ thần kinh, nhưng loại Diêm phủ không xác định hình dạng thế này vẫn khiến người ta phải nghi ngờ. Còn đối với những vị đạo sĩ kia, dù mọi người có tin hay không thì họ vẫn cứ tạo ra những thông tin về Phong Đô. Năm Tuyên Hòa thứ sáu, đời vua Tống Huy Tông, có viên quan tên Lâm Nghị, người Phúc Kiến, sống tại Tô Châu, một hôm bỗng nằm mơ thấy một viên quan mặc áo vàng, tay cầm một quyển văn thư, bên trong liệt kê họ tên của mười người, trong đó có Lâm Nghị, người đó nói: “Chiêu Công đang đợi ngài đến nhận chức sứ giả Phong Đô, xin nhận chiếu.” Việc này được ghi trong Bạc Trạch Biên của Phương Chước thời Nam Tống. Còn trong quyển chín, cuốn Di kiêm binh chí của Hồng Mại lại nói, người đó tên là Lâm Nghệ, được chiêu gọi đảm nhiêm chức “Cung sứ Phong Đô”. Còn nói thêm, Lâm Nghệ là người mộ đạo, ông hiểu rõ việc này như thế nào, bèn nói: “Đó là chức quản lý âm ti, sẽ không đến nếu không phải chức hay ho gì.” Câu chuyện này chẳng khác nào hùa theo những câu chuyện kể về những kẻ bị triệu xuống âm phủ làm Diêm Vương khác, đại để có thể xác định rằng, nếu cung Phong Đô là một Diêm phủ thì người quản lý nó chính là Cung sử Phong Đô. Nhưng cõi âm ti mới này rốt cuộc có cơ cấu như thế nào không ai được biết, hình như nó không có quan hệ gì đến núi La Phong cùng với sáu thiên cung kia. Những câu chuyện này không ảnh hưởng tới đời sống con người, về sau này cũng không thấy chúng xuất hiện nữa.

Dường như các đạo sĩ đã từ bỏ việc thử sức xây dựng núi La Phong trở thành Diêm phủ, mà trọng điểm là dồn vào các tác phẩm văn chương viết về “địa ngục Phong Đô”. Lý Xương Linh thời Nam Tống đã truyền bá cho “Thái thượng cảm ứng thiên”, bàn dến núi La Phong Bắc Đô, đại khái nó dựa trên cơ sở của các đạo sĩ Nam Triều rồi pha trộn thêm các thành phần của thế hệ Diêm La Vương. Như nói rằng, có một hang động ở ven con sông chảy qua núi La Phong tên là m Ảnh Thiên Cung, chu vi ba nghìn sáu trăm dặm với ba trăm sáu mươi ngục. Chủ hang động này là Thái m Thiên Quân, trợ giúp cho Thái m Thiên Quân bao gồm bốn người, đó là tứ đẩu quân cai quản bốn hướng đông, tây, nam, bắc. Trên những ngọn núi ngoài hang động lại có sáu hang động khác, mỗi hang động lại do một đại ma canh giữ, tức âm phủ Lạc Tào, nhiệm vụ chính là trừng phạt những kẻ có tội. Với cách phân loại như vậy, có thể thấy linh cảm của các đạo sĩ ngày một khô kiệt, cùng lắm cũng chỉ là tu sửa, chắp vá, không thể nghĩ ra được những điều mới mẻ khác nữa. Kết cấu vua quỷ của thế hệ La Phong thiếu mất đi sự ủng hộ và khẳng định của tâm lý văn hóa âm phủ đại chúng, nó chỉ là dạng hoạt động âm thầm, cho dù trong các quyển kinh của các đạo sĩ có viết ra hàng trăm lần, thì cũng chỉ như kẻ ngốc nói mơ mà thôi.

Nhưng sự nỗ lực của các tín đồ Đạo giáo không phải hoàn toàn là vô ích. Thực ra, nét đột phá của họ về thế giới âm phủ chính là mượn việc thần Thái Sơn được Tống Chân Tông phong vị Thiên Tề nhân thánh đế, bắt tay với tín ngưỡng dân gian, khiến Thái Sơn Phủ Quân được “cải trang xuất hiện” (nếu nói là mượn xác hoàn hồn thì quả là không hay). Kết quả của cuộc chiến thật huy hoàng, đưa được mười điện Diêm Quân vào chiếc bọc Đông Nhạc, nhưng nói ra thì dài, chỉ có thể nói tới trong phần sau.

3

Núi La Phong dù thay đổi hình dạng nhiều lần nhưng cũng không thể cứu vãn được tình thế đang sụp đổ của mình. Lâu đài Thất Bảo tuy đã sụp đổ nhưng vẫn để lại những vết tích và câu chuyện đáng để chúng ta xem. Một trong những vết tích đó là một cái tên vô thực: “Phong Đô đại đế.”

Ngọc lịch bản sao rõ ràng viết đại đế Phong Đô quản lý mười điện Diêm La của địa ngục, làm sao có thể nói là một cái tên “vô thực” được? Ngôi miếu thần được xây dựng trên núi Sao Ly chẳng phải để thờ cúng Phong Đô đại đế sao?

Câu hỏi khá hay, đương nhiên có thể nói Phong Đô đại đế chính là Bắc Thái Đế Quân của La Phong Sơn, nhưng Phong Đô đại đế ở núi Sao Ly, dưới chân núi Thái Sơn lại là một người bơ vơ, không ai giúp đỡ, xung quanh ông không có thượng tướng, không có thái phó, cũng chẳng có Tứ minh công, quân lính trong cung La Phong không có một ai, như vậy có được tính là Bắc Thái Đế Quân không? Kỳ lạ là, cái ông ta sở hữu lại là mười điện Diêm La và bảy mươi hai ty vụ, chính là toàn bộ các cơ quan thường gặp của hành cung Đông Nhạc. Bên cạnh miếu Phong Đô lại có một ngôi đền khác, thờ Linh Phái tướng quân chủ quản sông Nại và Triệu Tương Công chủ quản Sao Ly, cả hai đều là những vị thần cõi âm trong truyền thuyết dân gian trước thời Nguyên - Minh (Xem Liêu tướng sưu thần quản lý của Nguyên Hình Bản), như vậy càng không liên quan gì tới cung La Phong. Vậy thì, vị Phong Đô đại đế này đã tách rời với thế hệ La Phong, mà hoàn toàn nhập vào thế hệ “Đông Nhạc - Diêm Vương”, nói khách sáo một chút thì đây là sự di dân cô độc, sáp nhập hộ khẩu vào Thái Sơn. Nếu nghiên cứu thực chất vấn đề, vị Phong Đô đại đế này chính là bộ mặt phụ của Đông Nhạc đại đế. Cái huyền diệu trong đó nằm ở những mẹo hiểm của người đời. Triều đình thờ Đông Nhạc đại đế trong miếu Thái Sơn, ở đó tuyệt đối không thể có chút quỷ khí nào. Nhưng việc “Thái Sơn trị quỷ” được lưu truyền từ lâu, lẽ nào nay lại cắt đứt truyền thống đó? Bách tính và những đạo sĩ lang thang không được đặt chân vào miếu Thái Sơn, họ bèn lập ra một vị thần Thái Sơn cai quản ma quỷ khác tại núi Sao Ly. Nếu vị thần đó được gọi là “Đông Nhạc đại đế” thì có lẽ họ muốn tìm cho mình sự mất tự do. Cũng may, “Bắc Thái Đế Quân” đang nhàn rỗi, nên muốn đưa ngài qua bên Sao Ly, đổi tên thành “Phong Đô đại đế”. Thế là vạn sự đại cát, mãi đến vài trăm năm sau (khoảng thế kỷ XX), trước khi miếu Phong Đô bị chủ nghĩa quân phiệt xóa bỏ dưới hình thức ngăn cấm mê tín rồi đốt rụi, nó vẫn là một nơi yên bình, không ngừng có khách ghé thăm.

Lại nói về Ngọc lịch bản sao, bộ sách pha tạp nhiều loại tôn giáo này lại định coi Phật giáo là quyển “sách thiện” - anh cả. Nó xuất hiện vào khoảng giữa năm Càn Long đời Thanh, trong đó, cơ quan chỉ đạo cao nhất của mười điện Diêm La cũng chính là Phong Đô đại đế, mà Phong Đô đại đế lại đại diện cho Ngọc Hoàng thống lĩnh Diêm phủ. (Ngọc Hoàng đại đế là Thiên đế trong tín ngưỡng của người trần, cho dù có bị khỉ trèo lên cổ phóng uế bừa bãi, triều đình cũng không can thiệp. Còn ông tổ vạn tuế gia “Ngô Thiên Thượng Đế” lại không gặp được.) Trong quyển sách đó cũng không tìm thấy bóng dáng của Đông Nhạc đại đế. Phải biết rằng “Đông Nhạc - Thành Hoàng” cộng thêm mười điện Diêm La, từ đời Thanh đã được tất cả các quan phủ công nhận là một thế hệ âm phủ, miếu núi Thái Sơn tuy không thể xuất hiện ma quỷ, nhưng bao gồm tất cả các miếu Đông Nhạc (hay còn gọi là Đông Nhạc hành cung) trong cả nước cũng không phải tụ điểm xuất hiện ma quỷ. Nhưng tại sao Ngọc lịch bản sao lại đem Đông Nhạc đại đế đổi thành Phong Đô đại đế, bởi nó muốn Đông Nhạc đại đế dẫn mười điện Diêm La xuống gặp Diêm Vương (nghe nói là hóa thân của Quan Thế m Bồ Tát) để quỳ lạy làm đại lễ! Điều này cũng tương tự chứng tỏ Đông Nhạc đại đế tự tìm tới cuộc sống mất tự do, vì thế cũng chỉ có dùng thủ đoạn bịp bợm ngấm ngầm để khiến Đông Nhạc đại đế xuất đầu lộ diện dưới danh nghĩa của Phong Đô đại đế.

Ngoài cơ hội trên, Phong Đô đại đế đã không còn nhiều cơ hội xuất hiện khác. Hãy nhìn xem! Cả nước có nhiều miếu Đông Nhạc đến vậy, tuy đã có toàn bộ các cơ quan chủ đạo của âm ti, nhưng đã có nơi nào từng xuất hiện bóng dáng của Phong Đô đại đế? Chủ nhân thực sự đã xuất hiện, thì kẻ thế thân sẽ không tiện ló mặt nữa.

Vết tích thứ hai là để lại nơi âm phủ một cái tên đã được Trung Quốc hóa, “Phong Đô ngục”.

Xuất hiện bởi nguyên soái Phong Đô lưu truyền trong dân gian triều Nguyên. Gọi là nguyên soái, nhưng địa vị và danh hiệu thực chất của ông không hề ăn khớp với nó, bởi trên thực tế, ông chỉ là một “ngục thần”. Câu chuyện này xuất hiện trong chương Mạnh nguyên soái, quyển năm, cuốn Tuyển tập các vị thần lưu truyền trong tam giáo, nội dung câu chuyện đại khái như sau:

“Ông họ Mạnh, tên Sơn, là một viên quan ngục. Cuối đông, ông thấy nhớ gia đình, người thân của mình. Đồng cảm với hàng trăm tù nhân ở ngục, ông nói với họ rằng: “Ngày hai mươi lăm này ta cho các ngươi về nhà, ngày mồng năm đầu tháng các ngươi phải quay lại ngục.” Đám tù nhân khóc lóc cúi chào tạm biệt. Chủ phủ Tất Công biết tin dùng gậy đánh phạt ông, rồi lệnh cho quân lập tức bắt tất cả tù nhân lại. Mạnh Sơn suy nghĩ rồi nói: “Chết có gì khó, nhưng lệnh đó khó mà rút lại được.” Thấy cây thương trên nền đất, ông lao tới, dùng cây thương để tự sát. Trước kia có con thỏ trắng đã rất nhiều lần bị đâm bởi cây thương này mà vẫn không chết. Bỗng Ngọc Đế hạ chiếu phong Mạnh Sơn làm “nguyên soái Phong Đô”.

“Thả tù” đã xuất hiện nhiều trong lịch sử, bắt đầu từ sau vị Chung Ly Ý thời Đông Hán, mà đại diện nhất là Đường Thái Tông, chỉ dựa vào việc này mà đã được Ngọc Đế phong vị thì thực sự phúc đó sẽ chẳng tới lượt Mạnh tiên sinh. Đây chẳng qua là do người đời muốn viết truyện cho nguyên soái Phong Đô đã xuất hiện từ đây, để sau đó trở thành “người một nhà” mà thôi. Trên dương gian, Mạnh Sơn là quan cai ngục, sau khi lên trời ông cũng được giao chức quản ngục, bởi ông cai ngục Phong Đô, vì thế ông được gọi là nguyên soái Phong Đô.

“Ngục Phong Đô” chính là địa ngục do núi La Phong biến thành, như trên đã nói.

Thời Đường, khu địa ngục của Đạo giáo này đã bị Phật giáo lạm dụng. Trong Những chuyện tương truyền thời Đại Đường có câu chuyện cười như sau: Một người có học rất thích ăn món đầu trâu luộc nước muối. Một ngày nọ, anh ta nằm mơ thấy mình bị bắt xuống địa phủ. “Ngục Phong Đô có đầu trâu bên cạnh”, người này không hề cảm thấy sợ hãi, đưa tay lên vò vò đầu, nói: “Cái đầu trâu này có thể luộc lên ăn!” Đầu trâu là quân tốt dưới địa ngục, là một trong những nhân vật trong địa ngục của Phật giáo, nhưng giờ đây địa ngục này đã được gọi với cái tên “ngục Phong Đô” rồi. Đương nhiên đó là mánh khóe quen thuộc của tín ngưỡng dân gian, nhưng La Phong đã được địa ngục hóa, có lẽ là một cách hiểu của con người lúc bấy giờ. Đến thời Bắc Tống, trong quyển Đàm uyển của Khổng Bình Trọng có cách nói “Phong Đô tạo ngục”, cho đến thời hậu Nam Tống, cách nói “ngục Phong Đô” ngày càng được nhiều người tiếp nhận. Một vị đạo sĩ tên Lâm Linh Chân đã biên soạn một cuốn sách với tên gọi rất hoành tráng Linh bảo lĩnh giáo tế độ kim thư, đưa ngục La Phong liệt vào vị trí đầu của chín đại địa ngục, những địa ngục còn lại là Cửu U, ngục Thành Hoàng, ngục Ngũ Nhạc, ngục Tứ Độc, ngục phủ Tuyền Khúc, ngục Ly Vực.

Trong Di kiêm chi đinh của Hồng Mại, chương Anh em Lý Mộng Đán, quyển mười có kể, cả nhà người học trò của Nhiêu Châu tên là Lý Mộng Đán mắc bệnh ôn dịch, lũ quỷ ôn dịch cứ đeo bám gia đình ông không chịu buông tha. Một ngày, Mộng Đán mơ thấy một vị thần đến nói: “Gia đình ngươi bị quỷ ôn dịch làm hại, ta đã giúp ngươi áp giải chúng đến Phong Đô rồi.” Trong chương Thầy cúng miếu Kim Sơn, quyển ba, cuốn Di kiên chi mậu kể, thầy cúng tức giận nói với con quỷ rằng: “Bây giờ ngươi hối hận thì đã muộn rồi, thần linh đã vô cùng phẫn nộ, ra lệnh thu lại hồn phách của ngươi rồi tống ngươi xuống Bắc Phong. Cái chết của ngươi đã cận kề, ta không có cách nào cứu được ngươi đâu.” Chương Ngôi nhà của Lý Hạng, quyển ba, cuốn Di kiên chi mậu viết, một pháp sư chỉ trích yêu quỷ rằng: “Nếu ngươi ngoan cố không chịu xuống âm phủ thì thầy cúng sẽ tìm mọi cách để giải ngươi đến Đông Nhạc Phong Đô, lúc đó thì đừng có hối hận.” Chương Nữ tỳ của Trương tri huyện bị ma ám, quyển bốn, cuốn Di kiên chi quý, pháp sư tức giận quát: “Ngươi là yêu mà phương nào? Mau nói cho ta biết. Nếu ngươi không nói thật, ta sẽ bắt ngươi giải xuống vô gian ngục Bắc Phong.”

Phong Đô, Bắc Phong, Đông Nhạc Phong Đô, vô gian ngục Bắc Phong, tất cả đều chỉ cùng một nơi, tức ngục Phong Đô, là nơi chuyên bắt giam nghiêm khắc, tàn khốc và khó khăn nhất dành cho lũ tà quỷ, ác quỷ và quỷ ôn dịch. Đương nhiên, nó cũng là nơi xử lý những người ác độc và vô nhân tính. Trong tác phẩm Tiền đường di sự - những việc còn lại về ao tiên của Lưu Nhất Thanh đời Nguyên có kể, bè lũ Tần Hội bị áp giải tới “Phong Đô”, toàn thân bị trói, vô cùng đau đớn. Ngục Phong Đô này dù gần với Phật giáo (vô gian ngục Bắc phong) hay gần với Đạo giáo (Đông Nhạc Phong Đô) thì chúng đều chuyên chỉ địa ngục chứ không phải Diêm phủ, điều này quá rõ ràng. Sau triều Minh - Thanh phổ biến cách nói coi Phong Đô là địa ngục đen. Trong tác phẩm Quảng dương tạo ký, Lưu Hiến Đình ghi chép rằng, thầy cúng khi tiến hành “ma thành pháp”, có thề rằng: “Chỉ mong đời này đạt được vinh hoa, phú quý, dù tổ tiên bảy đời có phải vào Phong Đô cũng cam lòng.” Chương Quỷ răng, quyển mười, Tống sinh, quyển mười lăm, Hoa sen hay quyển hai mươi hai trong Tử bất ngữ của Viên Mai cũng đều coi Phong Đô là địa ngục.

m phủ và địa ngục của Trung Quốc có sự khác nhau, địa ngục là chỉ một cơ quan trực thuộc của âm phủ. Chức quan của Mạnh Sơn nguyên soái chính là chức giám ngục trường dưới âm phủ. Trong tác phẩm Xem xét toàn bộ giới thần tiên các thời đại, Lưu Nhất Thanh, người triều Nguyên có liệt kê ra một hệ thống các Diêm phủ được Phật giáo hóa, ở đó Bồ Tát là giáo chủ thế giới bóng đêm, bên dưới gồm mười điện Diêm Vương, vị trí sau Diêm Vương còn có một “quỷ vương Phong Đô”, vị quỷ vương này không phải là Phong Đô đại đế, mà chỉ có thể là một Phong Đô nguyên soái cai quản địa ngục mà thôi.

4

Điều quan trọng nhất còn lưu lại của Phong Đô là “quỷ thành Phong Đô”. Lần đầu tiên tôi được biết ở Tam Hiệp có một ngôi “quỷ thành”, tôi được nghe thông tin đó trong bản tin của đài phát thanh khi tôi đang học cấp hai, từ đó về sau, tôi luôn mong muốn được đến nơi dó. Nhưng đến đầu những năm 80 của thế kỷ trước, lần đầu tiên tôi được đi qua Phong Đô, tôi đã nhầm tưởng rằng, “quỷ thành” chính là huyện thành của Phong Đô. Khi tàu cập bến, trời đã nhá nhem tối, Phong Đô chìm trong màn đêm đen kịt, những ánh điện mờ mờ heo hắt, gió sông hắt hơi ẩm vào người đi đường, tạo cảm giác lạnh thấu tim bỗng nhiên ập tới. Tôi đứng trên boong tàu nhìn về phía thành phố tối đen đến mức không nhìn nổi thứ gì, tưởng tượng ra một thành trì với những ngọn gió từ cõi âm thổi đến cùng với những bóng ma lởn vởn như trong các câu chuyện. Bây giờ nghĩ lại thấy mình thật buồn cười.

Sau này, tôi đã đọc những ghi chép có liên quan, mới biết được rằng “quỷ thành” thực chất không nằm trong thành phố Phong Đô mà nằm trên một ngọn núi nổi tiếng bên ngoài thành, cách thành Phong Đô chừng hai ba dặm (tức núi Bình Đô, hay còn gọi là núi Bàn Long). Người dân Phong Đô có cuộc sống bình thường như những người khác, nhưng thi thoảng cũng có những tin đồn ma quái, ví như câu chuyện Tẩu vô thường trong tác phẩm Nói chuyện ma của Chúc Doãn Minh, người triều Minh:

Thường có người đang đi trên đường, trên vai đang gánh một gánh nặng, bỗng nhiên quẳng gánh xuống, nhảy lên vài cái rồi lăn đùng ra đất bất tỉnh nhân sự. Người đi đường và người nhà tuy thấy vậy nhưng cũng không đưa đi cứu chữa, mà chỉ ngồi bên cạnh chờ đợi. Có khi là nửa ngày, có khi là một ngày, cũng có khi phải qua cả một đêm người đó mới tỉnh lại. Do nhiệm vụ dành cho ma quỷ ở dưới cõi âm quá bận rộn, đội ngũ quỷ nhỏ không đủ dùng, nên chúng tới dương gian tìm mượn nguồn nhân lực, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, chúng sẽ thả người đó trở lại dương gian. Đối với những nhiệm vụ phải đi sai dịch nặng nhọc cũng vậy. Tất cả những hiện tượng này được gọi là “Tẩu vô thường” và ở Phong Đô thường xuyên xảy ra những sự việc như vậy.

Đây là lời của một đồng nghiệp người Phong Đô tận miệng nói cho tác giả nghe. Cho dù người cộng sự đó không dựng chuyện thì những việc động kinh co giật ngoài đường gần như cũng chỉ là diễn trò mà thôi. Lẽ nào ngay từ triều Minh, huyện Phong Đô đã để ý đến giá trị thương mại của cái mác “quỷ thành” rồi sao?

Cái mác “quỷ thành Phong Đô” đương nhiên không thể chỉ dựa vào “diễn trò” để quảng cáo, nhưng nếu khăng khăng gọi một phố núi xinh đẹp như vậy là Diêm phủ thì không những khiến người khác khó chấp nhận, mà hậu quả của nó cũng sẽ chẳng tốt đẹp gì. Vì thế, Diêm phủ ở núi Bình Đô phải ở dưới lòng đất, cách biệt với xã hội loài người, nhưng cả hai lại tương thông với nhau. Đó chính là sơn động “sâu hoắm” được nhắc tới trong phần Ngự sử Phong Đô của quyển Liêu trai chí dị. Tương truyền rằng, trong động là nha phủ Diêm La nhưng chưa từng nhìn thấy những kẻ như đầu trâu mặt ngựa chui vào trong đó công tác bao giờ. Như vậy, chứng cứ chỉ có thể được lấy từ phía dương gian, tức tất cả những dụng cụ của cõi âm ti bên trong động đều do huyện Phong Đô trên cõi dương gian cung cấp, “gông xiềng và sự phủ bại chuyên quyền trong động phủ”. Hang động này rất nổi tiếng, theo Dụ Khúc Nguyên nói, đây chính là động Ngũ Vân của Bình Đô, vốn là một địa danh gắn với tích tiên. Trong tác phẩm Chỉ văn lục của cư sĩ Dung Nột (năm Đạo Quang, đời Thanh) cũng ghi chép rất rõ về các dụng cụ hành hình của âm ti, ông nói rằng “Vào năm Khang Hy, Hà cử nhân nhận chức tri huyện huyện Phong Đô. Khi đến nhận chức, ông thấy trong quyển Những điều cần biết có ghi chép về các loại dụng cụ như kẹp tay, còng tay, cùm chân, gông gỗ,… Trước đông chí phải mang tất cả vào hang động, diêm phủ sẽ cử người chuyển chúng đi.

Nhưng trong Tử bất ngữ, Viên Mai lại nói đó là một chiếc giếng, “Huyện Phong Đô tỉnh Tứ Xuyên, tục truyền là nơi trao đổi giữa người và quỷ. Trong huyện có một chiếc giếng, hằng năm, tất cả tiền giấy hóa xong đều được mang đổ vào đó, tổng khoảng ba nghìn quan tiền, vì thế còn được gọi là giếng “nộp tiền lương thực cho âm ti”. Nếu người nào tiếc của không đốt tiền thì năm đó ắt mắc ôn dịch. Hành động này có thể làm tăng độ nổi tiếng của địa phương! Ba nghìn lượng bạc phân bổ cho dân gánh vác, mua lượng tiền giấy đủ chất thành một ngọn núi, đã là núi thì có to một chút hay nhỏ một chút cũng chẳng thể nhìn ra được, vì thế, trong quá trình giao dịch tất nhiên sẽ có kẻ giở mánh, và phần hời đó tất nhiên sẽ thuộc về đám quan lại. Nhưng Chỉ văn lục lại nói đến một chiếc giếng cạn khác, chiếc giếng này nằm phía trước điện Diêm La của núi Bình Đô, “giếng sâu đến hàng chục trượng, khi người đi đường đến đó, vị sư trong miếu đốt một sợi dây làm từ tre trúc ném xuống để chiếu sáng nó, giếng sâu hun hút, tương truyền làm như vậy có thể thông tới âm phủ”. Chiếc giếng này có lẽ là “tài sản tư hữu” được các hòa thượng đào cho miếu thờ. Việc xuống giếng du lãm là điều không thể thực hiện được, nó chỉ có thể thu hút khách du lịch đến ngó qua một lát, rồi vào trong Phật đường thắp nhang hành thiện tích đức, như vậy thôi cũng có thể lưu lại được chút tiền hương hỏa.

Động và giếng đều có những câu chuyện tương ứng phụ kèm theo, nhưng phần lớn chúng đều na ná nhau, đại khái chúng đều nói rằng, có một viên quan hoặc một thân sĩ chưa từng tin vào tà ma đi vào trong động, ở đó ông ta gặp được Diêm La Vương, khi ra đến ngoài động ông lập tức tin vào tà ma. Những câu chuyện như thế này được tuyên truyền rộng khắp thông qua ngòi bút của Bồ Lưu Tiên và Nguyên Tử, và chúng được xã hội rất hưởng ứng. Giả như tôi có dịp xuống đến Phong Đô du ngoạn, nhất định phải hỏi thăm chiếc động và chiếc giếng mà hai vị Bồ Lưu Tiên và Nguyên Tử đã viết. Ngày nay chúng ta cũng thường bắt gặp các địa phương muốn trở nên nổi tiếng, họ mời một vị văn nhân nổi tiếng nào đó giá lâm, người đó có những cảm nhận sâu sắc về thời cổ xưa, rồi bỗng nhiên nguồn cảm hứng trong họ dâng lên một cách khó tả, những tác phẩm đắt giá cứ thế ra đời, mong muốn làm cho cung Trường môn trở thành một cung điện vàng, có lẽ cùng xuất phát từ gợi ý này mà ra.

Chỉ có những vị quan văn thân sĩ của triều đình mới có tư cách tham quan âm phủ dưới mặt đất, người thường như chúng ta đi vào thì kết cục chỉ có thể dùng một câu “Không cần phải hỏi”, ngay cả hy vọng “đi ra trong tư thế nằm” (xác chết) cũng rất mong manh. Vì thế, chúng ta chỉ có thể nhìn ngắm “quỷ thành” trên mặt đất mà thôi. Điều mà tôi luôn thấy hứng thú đó là, ở đó, ngoài tất cả lính tốt trong điện Diêm La, ngục La Phong mà ở những miếu Đông Nhạc khác chúng ta có thể nhìn thấy ra, còn có những cảnh quan độc đáo khác trên mặt đất như Quỷ môn quan, cầu sông Nại, đầm Huyết Hà, đài Vọng hương… Nhưng đợi đến những năm 90 của thế kỷ trước, khi một lần nữa tôi có cơ hội đến thăm quỷ thành, nhưng trên đường đi tôi lại không mua được vé xuống thuyền. Lý do có hơi gượng gạo, bởi tôi đã từng tham quan một “Vinh Quốc Phủ” mô phỏng, thoáng chốc nó đã chuyển cái khí chất quý tộc của Hồng Lâu Mộng sang trình độ của kẻ nhà quê giàu có mà tầm nhận thức hạn hẹp, khiến phải mất một thời gian dài tôi mới có thể mời Giả Thái Quân ra khỏi ngôi nhà sang trọng mà chiều cao, chiều sâu không đủ lấy một trượng[3]. Vì thế, cứ khi nghĩ tới việc “cầu sông Nại” của quỷ thành là cây cầu Tam Thạch nhiều vòm được Thục Hiến Đế Chu Xuân triều Minh cho xây dựng và tu sửa ở phía trước điện Liêu Dương, và khi đầm nước phía dưới được nhân tiện gọi với cái tên “đầm Huyết Hà”, thì tôi quyết định từ bỏ việc tham quan, vì sợ rằng nó sẽ phá hỏng vẻ “hùng tráng” âm u khốc liệt và bi thảm của giới âm phủ trong tưởng tượng của tôi.

[3] Một trượng: xấp xỉ 3,3 mét.

Nhưng lần này vẫn là tôi nhầm. Thuyền đến Phong Đô đúng vào lúc xế chiều. Phong Đô là một phố núi sạch sẽ, cổ kính, mộc mạc, đầy tình hiếu khách, nhưng ở đó lại không có nơi nào gọi là đặc biệt, có điều khi nhìn về phía đông bắc, một con đường núi ngoằn ngoèo tựa sống lưng rồng vươn tận lên đỉnh núi. Đó là một khu kiến trúc cổ ẩn nấp trong những tán cây xanh, không biết là chùa hay điện tiên, dưới sự chiếu rọi của ánh nắng xế chiều, chúng bỗng trở nên rực rỡ, sáng chói, nếu nơi lưng núi vắt ngang một dải mây thì quả thực, quang cảnh lúc đó sẽ tuyệt đẹp tựa chốn bồng lai. Không ngờ, “quỷ thành” lại đẹp như vậy!

Có sự bất ngờ này là do sự không hiểu biết của bản thân mình. Sau khi về nhà, tôi lật sách ra mới biết, từ xa xưa, núi Bình Đô chính là nơi động thiên đất phúc dành cho tiên lưu lại, những vết tích của hai vị tiên m, Vương chính là tiêu điểm của ngọn núi này. Vào thời Đường, ở đây đã xây dựng Tiên Đô quán đầu tiên của Đạo giáo. Theo Đoạn Văn Xương có ghi chép, “vầng sáng của ngọn núi được phát ra từ vai tiên, mây khói bay ra từ ông tay áo của tiên”, quả thực là một tiên cảnh xinh đẹp mà bí ẩn. Từ thời Nam Tống đã có truyền thuyết về Phong Đô, muộn nhất là đến đầu thời Minh, tại núi Bình Đô đã xuất hiện quần thể những ngôi đền thờ cống Diêm La, Địa Cung và thần thổ địa. Từ đó có Đạo quán, Phật vũ, Phật tự tọa lạc nhầm ở đó, đến Chỉ văn lục cũng viết, vào năm Đạo Quang, “trên núi đã có mười bảy ngôi đền”, có thể coi đây là thời kỳ thịnh vượng nhất của núi Bình Đô. Nhưng trong những ngôi đền, chùa này, địa bàn của quỷ rộng bao nhiêu, không ai rõ. Còn hiện nay, điện Bình Đô đã trở thành một nơi tai họa, khủng khiếp đến mức không có chút căn cứ nào để làm minh chứng cho nó trong quá khứ. Cũng may vào năm 1953, ông Vệ Huệ Lâm - Giáo sư Học viện xây dựng kiến thiết nông thôn Trùng Khánh có tới khảo sát Phong Đô, sau đó ông viết Điều tra tôn giáo phong tục Phong Đô, quyển sách của ông có thể coi như đã thể hiện được tình hình thực tế của Phong Đô trong xã hội cũ. Tôi xin trích ra một số địa danh có liên quan đến ma quỷ hoặc có thể cảm nhận được khí phách cổ trong bài luận như sau:

Núi Bình Đô là mảnh đất Thánh về tôn giáo Phong Đô, điện Diêm La Thiên tử được tất cả những người mê tín trên cả nước biết đến chính là nằm trên đỉnh ngọn núi này. Rất nhiều các điện miếu tập trung trên núi. Từ phía đông bắc huyện thành đi qua cầu về hướng bắc chính là con đường dâng hương lên núi. Phía tây có điện Tiếp Dẫn, điện Bắc Nhạc, cung Văn Xương, phía đông có điện Đông Nhạc, miếu Hỏa Thần, miếu Lôi Tổ, trái phải song song với nhau. Giữa điện Đông Nhạc và điện Tiếp Dẫn có mười bậc để đi lên phía trên, tại chỗ rẽ thứ nhất có điện Thổ Địa và điện Thần Môn, tất cả đều là những ban thờ khá lớn. Tiếp tục đi lên trên mười bước sẽ tới giới m Dương, cạnh cửa là điện Giới Quan. Phía đông bắc giới m Dương chính là điện Nhãn Quang và điện Viên Giác. Tiếp tục từ chỗ giới m Dương đi lên mười bước sẽ thấy tượng Phật Quan Âm nghìn mắt nghìn tay, phía trên nữa là điện Báo n, tiếp tục lên trên mười bước là điện Tam Quan, tiếp tục lên trên nữa sẽ đi qua cửa núi - tức điện Đại Hùng, phía trước điện này có cây cầu gọi là cầu Nại Hà. Dưới chân cầu là một cái đầm - gọi là đầm Huyết Hà. Phía đông cầu Nại Hà là điện Địa Tàng, phía tây là điện Tướng quân Huyết Hà, ở đó có một ban thờ. Từ phía bên phải điện Đại Hùng đi tiếp lên phía trên mười bước nữa là tới điện Tinh Chủ. Bên phải điện Tinh Chủ có một bậc thang đá tên Ba mơi ba ngày. Tại nơi tận cùng của bậc thang đá, bên trái là điện Vương Mẫu, bên phải là điện Ngọc Hoàng. Tiếp tục mên theo bậc thang đá lên trên sẽ gặp điện Bách Tử, lại men theo bậc thang đá phía sau điện Bách Tử lên theo hướng bắc sẽ tới điện Thiên Tử. Cửa sau của điện Thiên Tử được gọi là Quỷ môn quan. Từ Quỷ môn quan theo hướng tây nam đi xuống sẽ gặp đài Vọng hương. Từ đây đi xuống sẽ tới con đường nhỏ dẫn đến nơi dâng hương. Phía sau chân núi Phong Đô có hai ngôi miếu, một là chùa Trúc Quốc, một là miếu Lão Quan.

Trong hơn ba mươi điểm phong cảnh trên, có liên quan tới ma quỷ chỉ không đầy mười nơi. Nơi chính điện chỉ có một điểm đó là điện Thiên Tử, Giới Quan, Địa Tàng, điện Tướng quân Huyết Hà lại gần giống với điện thờ hoặc khán thờ bên cạnh cửa nhà của người dân, còn lại có mấy điểm gần đài Vọng hương, có lẽ đều là những cảnh vay mượn theo thời thế, có tác dụng điểm xuyết cho nơi này mà thôi. Hơn nữa, nếu là Bồ Tát Địa Tàng của giáo chủ giới âm phủ lại để cho một tên Tướng quân Huyết Hà vô danh tiểu tốt qua mặt, Quỷ môn quan - nơi đi vào cõi âm lại được mở ở phía sau điện Thiên tử, rồi lại đến thần “Tam Thanh” - vị thần tối cao trong Đạo giáo lại được xuất hiện tại giới m Dương, muốn lễ bái Phật Như Lai trước tiên phải qua cầu Nại Hà, tất cả đều hoàn toàn không chú ý tới quy tắc tối thiểu của linh giới, từ đó cũng có thể nhìn ra việc sắp xếp tại “quỷ phủ” hoàn toàn không theo thứ tự thời gian, nó chẳng qua chỉ là chêm vào các lỗ hổng trong những công trình kiến trúc vốn có, hoặc họ chen chúc nhau bán hàng dưới tấm biển in chữ vàng của người ta.

Nhưng đoạn ghi chép dưới đây của Vệ Huệ Lâm khiến tôi rất thích thú, đặc biệt câu cuối cùng ông nói:

Những ngôi miếu thần của núi Bình Đô với lối bày trí hỗn tạp này, chúng tồn tại trong dân gian thật giống như bước vào một tiệm bách hóa của Trung Quốc, khiến người xem ngơ ngác không hiểu gì cả. Tuy nhiên tôn giáo của người Trung Quốc thực tế cũng hỗn tạp, loằng ngoằng như vậy.

Nói đến sự hỗn tạp trong tôn giáo dân gian của Trung Quốc, bất ngờ tôi nghĩ tới vách đá tiên tại thành phố Thiên Thủy, tỉnh Cam Túc. Ở đó, sự cạnh tranh giữa Phật giáo và Đạo giáo hoàn toàn bị tan biến trong vòng tay rộng lớn của tín ngưỡng dân gian, một dãy những hang đá giống như những cửa hàng tạp hóa, khiến người ta vừa cảm nhận thấy thứ tín ngưỡng đa thần - tin tất cả các loại thần, vừa cảm thấy thứ tín ngưỡng phi thần - mọi thứ đều nằm ở con người. Nhưng mục đích chính của tín ngưỡng đó lại rất rõ ràng, Phật cũng vậy, mà Đạo cũng vậy, tất cả đều phải chiều theo ý muốn của con người, nếu không sẽ không thể đứng vững được ở đây. Những hang động hội tụ các vị thần ở vách đá tiên đã khiến người ta vô cùng kinh ngạc, nhưng so với núi Bình Đô, nó có chút kém cạnh hơn. Bởi núi Bình Đô vốn là động tiên của Đạo giáo, hàng trăm hàng nghìn năm nay, tín ngưỡng dân gian từng ngày, từng tháng thẩm thấu vào trong đó, đến mức khiến chùa Phật và Đạo quán hòa trộn vào nhau như một quần thể đền thần. Thúc đẩy, tạo tâm lý và động cơ trong dân chúng tại “cửa hàng bách hóa” núi Bình Đô thực sự đáng được nghiên cứu sâu hơn. Hơn nữa, cái tên quỷ thành tuy đã nổi tiếng trong thiên hạ, nhưng quỷ khí ở núi Bình Đô vẫn chưa được nồng nàn như vậy, nhân dân nơi đây ngoài việc phải gánh chịu một khoản tạp thuế thì đời sống hằng ngày của họ tuyệt đối không phải là cuộc sống người không ra người, ma không ra ma giống như người ngoài tưởng tượng. Đây cũng là điều hết sức thú vị.

Tóm lại, dưới ngòi bút của giáo sư Vệ Huệ Lâm, núi Bình Đô thực sự là một bản mẫu hiếm gặp trong tín ngưỡng dân gian Trung Quốc, giá trị văn hóa và giá trị thưởng ngoạn của nó vượt xa nhiều “quỷ thành” mà nội dung chỉ chiếm một phần nhỏ trong đó. Chỉ có điều thời gian đã trôi qua hơn bảy chục năm nay, ngay cả “dòng sông lớn” kia cũng đã không còn “như xưa” nữa, những ngôi nhà của các vị thần chưa bị mưa dập gió vùi, nhưng tất yếu đã có chút khác xưa, nó có thể thực sự biến thành một động quỷ. Có điều, cảm giác khi đứng trên boong tàu nhìn ra xa năm xưa đối với tôi vẫn rất đẹp, rất đẹp!

/40

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

adsdoctruyen@gmail.com

DMCA.com Protection Status