Thanh Cung Mười Ba Triều

Chương 109: BỌN LÍNH COI KHO

/172


Đạo Quang hoàng đế mất, bọn đại thần rước Tứ hoàng tử tới điện Thái Hoà đánh trống khua chiêng vang dậy, làm lễ triều hạ của bá quan, lên ngôi hoàng đế, hiệu là Hàm Phong.

Hàm Phong sai nội phủ tống đạt văn thư chiếu chỉ đi các tỉnh phát táng cho Đạo Quang hoàng đế, đồng thời chỉnh lý lại triều cương. Chỉ dụ đầu tiên của ngài ban xuống là, cách hết chức tước của quân cơ đại thần Mục Chương A, giáng tổng đốc Kỳ Anh xuống hàng ngũ thẩm viên ngoại long ngũ hậu hổ.

Mục Chương A vốn là một vị nguyên lão đại thần suốt ba triều, oai quyền hống hách khét tiếng. A lúc đó đã già, gia đình lại giàu có, thấy hoàng đế ra ân không tịch biên gia tài bèn lui về hưởng cảnh nhàn lạc.

Trở về nhà, Mục tướng quốc vốn tin tưởng Lạt Ma Giáo, định ra sức tu hành để có thể thành phật thành tiên. A cũng lại thích nhậu nhoẹt, thường mời mọc khách khứa đến nhà, tiệc tùng linh, đình.

Nhiều quan ngự sử thấy A bị cách chức mà không biết tội, vẫn ngang nhiêu hành lạc, giận quá, bèn dâng sớ xin hoàng thượng nghiêm tra xử xét. Một người thân thích của A được tin này liền tới báo cho A biết, A cười bảo:

- Tao chết rồi thì còn sợ cái nỗi gì mà chẳng tìm kiếm thú vui chứ? Mai tao còn mở tiệc to bằng mấy kia!

Qua hôm sau, Mục Chương A quả sai gia nhân mang thiệp đi khắp nơi mời đủ bạn bè thân thích, môn sinh, cố tri tới nhà dự tiệc. Trên tấm thiếp viết rõ ngày nào giờ nào từ giã cõi đời, xin vĩnh biệt Thánh thượng.

Tất cả đám khách ai cũng lấy làm lạ. Đúng giờ mời, mọi người đổ tới nhà A. A tươi cười hớn hở, chào đón trò chuyện hết sức vui vẻ cân cần, chẳng có chút gì sắp chết cả.

Hồi đó chức lang trung giữ kho bạc của bộ Hộ bị khuyết. Bổ sung vào chức này đều là người Mãn. Cứ ba năm một nhiệm kỳ, kẻ nào tham lam thì ít ra cũng phải vớ được vài chục vạn. Chẳng cần nói các vị quan lớn này mà ngay những chú lính coi kho thôi, lúc mãn nhiễm thế nào cũng kiếm chác được vài vạn lạng.

Hôm đó, khách mời tới đông lắm. Trong đại sảnh bày đủ bốn mươi thồi rượu. A cất chén mời khắp cả mọi người. Rượu đến giữa chừng, A nhìn ánh mặt trời rồi nói:

- Giờ đã tới rồi, xin quý vị tạm đợi cho một chút.

Nói đoạn, A qua vào trong tắm rửa sạch sẽ, thay đổi y phục, mặc áo mãng bào triều phục, trước hết từ biệt vợ con hầu thiếp ở nhà trong rồi ra nhà ngoài đứng vòng tay nói mấy tiếng: "Xin cho phép! Xin cho phép!", đoạn thong dong ngồi xuống, xếp bằng tròn trên giường nhắm đôi mắt lại, tự nhiên hết thở, chết lúc nào không rõ.

Sau khi Mục Chương A chết, đám quan ngự sử tham tấu tiếp là thượng thư bộ hộ là Giác Lân ăn cắp của kho. Triều chỉ hạ xuống cách chức của Giác Lân, phát vãng đi Tân Cương làm lính trấn thủ.

Nếu nói đến tội ăn cắp của kho thì mấy ai coi kho, coi tiền của triều đình mà thoát được. Giác Lân sở dĩ bị nạn chỉ vì là người thân thích của Mục Chương A, hơn nữa Lân ăn cắp quá nhiều, đến hai mươi vạn lạng bạc.

Quan lớn ba năm một nhiệm kỳ, binh lính tại nơi đây cũng ba năm một nhiệm kỳ. Tất cả đều là người Mãn, tuyệt đối không có người Hán. Thảng hoặc có người Hán nào được làm tại nơi đây thì nhất thiết phải có một viên quan Mãn tiếng tăm nào đó tiến cử. Mỗi một lính coi kho được phái tới làm việc bắt buộc phải hiếu kính quan thượng thư cùng quan lang trung ngân khố người Mãn chừng sáu, bảy ngàn lạng. Đến khí chú lính coi kho rời khỏi nha môn đi công vụ hoặc nghỉ phép về nhà thì thể nào cũng phải mướn tiêu sư bảo hộ suốt dọc đường. Trong kinh thành thiếu gì bọn trộm cướp, tống tiền, thường tụ tập, nhè khi có một chú lính coi kho thuyên chuyển ra đi, liền đón đường cướp giật bắt cóc rồi giam giấu một nơi, đưa tin cho gia đình nạn nhân phải đem tiền chuộc, ít ra cũng một, hai ngàn lạng mới thoát được về nhà với vợ con.

Nếu không có tiền chuộc, bọn chúng giữ chú lính mãi tới lúc quá hạn nghỉ mới thả ra. Chú lính được thả ra nhưng giấy phép quá hạn, liền bị đuổi khỏi nha môn, bị thay thế bằng một tên khác. Bởi vậy, chú ta chẳng dại gì để mất cơ hội nghìn năm một thuở, do đó thường gia đình nạn nhân phải đem tiền bạc tới mà chuộc về.

Cứ ba năm lại có một kỳ kén chọn bốn mươi tên lính coi kho. Mỗi tháng thường mở kho chín lần. Lại có năm, sáu lần mở kho thêm. Vào buổi mở kho, có khi phải đưa bạc ra ngoài, cũng có khi mang bạc vào trong. Bọn lính coi kho chuyên dùng vào việc chuyển bạc, mỗi lần chuyển phải tới trên ngàn vạn lạng, không thể chuyển vận xuể, thường mỗi tháng phải bốn năm kỳ.

Mỗi khi xuất kho thì nhiều là bảy, tám, ít cũng phải ba, bốn lần, mỗi lần ăn cắp ít ra cũng được năm mươi lạng. Kho bạc cần đề phòng nhất là bọn lính ăn cắp bạc, cho nên theo luật lệ tại đây, cứ mỗi lần mở kho, bất luận mùa đông tháng giá, bọn lính coi kho đều phải cởi trần trùng trục, chạy qua trước mặt viên đường quan điểm danh rồi mới vào kho mặc lại quần áo của nhà kho may sẵn.

Nhưng chuyện bị cởi trần như nhộng ấy thực cũng chưa phải đã ngăn chặn nạn đánh cắp được. Bọn lính coi kho nhét những thỏi bạc vào lỗ đít mỗi lần xin phép ra ngoài. Thỉnh thoảng có những tay bản lĩnh cao cường, có thể nhét được đến mười thỏi bạc Giang Tây, cứ mỗi thỏi cân đúng mười lạng bạc.

Trong kho chẳng có giường chõng gì cả nên mỗi khi muốn nghỉ ngơi ăn uống lại trở ra phía ngoài. Lúc ra khỏi kho, chú lính kho lại phải trần như nhộng, đi qua trước mặt viên quan kho, giạng háng rồi nhảy lên một cái, giơ hai tay lên trời há mồm rộng hô to lên một tiếng, xong mới được đi ra.

Cách cửa kho độ một tầm tên có một căn nhà nhỏ, cửa đóng kín mít, cửa sổ có chấn song gỗ che lại. Đây là nơi bọn lính cởi bỏ quần áo giấu của ăn cắp. Vùng Bắc Kinh, đất toàn cát. Mỗi lần mở cửa kho đều có bọn phu gánh nước quảy thùng vào trong kho lấy nước. Bọn lính kho liền ăn thông với bọn này. Cái thùng có hai đáy. Bọn lính kho đem giấu bạc vào quãng giữa hai đáy ấy để chuyển ra ngoài. Đợi khi chuyển hết bạc, đóng cửa kho, đường quan bỏ đi rồi, bọn họ mới lén gánh các thùng nước ra khỏi kho.

Về sau có một viên thượng thư bộ Hộ tên là Kỳ Thế Trường người rất thanh liêm. Một lần mở kho, Trường đích thân đi kiểm soát đôn đốc, thấy một tên phu gánh nước qua mặt, cái đáy thùng bỗng tự nhiên sút đinh rớt bịch xuống đất, bạc rơi tung tóe ra. Kỳ Thế Trường cả giận, lập tức hạ lệnh bắt tên phu gánh nước, định qua ngày hôm sau tâu lên tra hỏi. Nhưng sau một vị sư già của Trường khuyên nên thả hắn ra và bịt hẳn chuyện đi để tránh gây ra một vụ án khiến hoàng thượng biết được mà đem tra vấn thì không khỏi một số thượng thư người Mãn sẽ bị chặt đầu và chính ông cũng sẽ bị kẻ thù giết hại. Kỳ Thế Trường nghe theo liền đem yểm giấu hẳn vụ án này. Đó là việc sau.

Lại nói bọn lính kho đều là bọn cha truyền con nối từ đời nọ tới đời kia. Bọn này cần phải luyện tập sao cho lỗ đít thật rộng, để có thể nhét được tới mười lạng bạc. Ngay từ lúc nhỏ tuổi, họ phải tìm một gã thuộc loại khoái người cùng giới nhỏ tuổi trước đã, sau đó phải dùng tới trứng gà bôi dầu vừng ngoài vỏ rồi nhét vào cho quen đi. Dần về sau, bỏ trứng gà dùng trứng vịt, rồi trứng ngỗng và cuối cùng thay bằng những viên đạn sắt. Họ phải tập luyện cách nào và lúc nào mà lô đít rộng ra để chứa đến mười viên đạn sắt nặng chừng mười lạng thì mới coi là thành công. Bản lĩnh trung bình chỉ có thể nhét được năm, sáu viên là cùng. Do đó, bọn lính này về già thường hay bị bệnh lòi rom hoặc trĩ, hết sức đau đớn, khổ sở. Duy chi có quan thượng thư bộ hộ được bọn này hiếu kính đầy đủ là được an hưởng phú quý sung sướng mà thôi.

Lại nói sau khi Giác Lân bị cáo trộm của kho, quan Ngự sử dâng tiếp sớ đàn hặc một viên đại học sĩ người Mãn khác tên gọi Dự Đức, vốn là thân thích của Mục Chương A.

Giậu đổ thì bìm leo, cho nên bọn thân thích quen thuộc của Mục Chương A, dù không có tội cũng thành có tội, huống hồ Đức lại là một tên tham quan chuyên ăn tiền hối lộ. Thế là bọn ngự sử dâng sớ tố cáo Đức tội trộm của kho trong dịp kiểm soát Lục Khố. Lục Khố là gì? Lục Khố có nghĩa là sáu kho. Sáu kho này xây cất ở phía trái cửa Đại Hoà môn, vốn để lại từ đời Minh. Sáu kho gồm có: kho vàng, kho bạc, kho đồ cổ, kho da thuộc, kho quần áo, kho thuốc… Trong kho cũng có tàng trữ những đồ trân bảo. Chỉ cần nói trong kho quần áo có một bức tượng của bà hoàng hậu đời Minh, rộng đến tám thước, toàn là trân châu buộc lại mà thành, riêng đường viền cũng toàn dùng bảo thạch màu hồng lục kết lại. Những hạt minh châu này nhỏ bằng hột đậu xanh, to bằng hột quế, chỉ vì ngày tháng đã qua lâu nên dây chạc đều mục nát đứt gần hết. Mỗi lần kiểm tra lại có nhiều hạt minh châu rớt ra.

Bọn quan coi kho giả đò lượm lên, lấy giấy gói lại, gắn xi rồi đóng dấu lên trên. Thực ra thì trong gói đó chi là những hột giả, còn những hột thật thì đã rơi vào hầu bao của bọn quan coi kho đó rồi.

Trong kho còn có cả mười mấy rương hài nhỏ thêu của đám phi tần triều Minh. Ở chỗ mũi hài có cẩn những hạt minh châu và có tiếng lắm, nhưng đều đã bị đổi bằng đồ giả. Cả cái kho da cũng vậy, đều thay đổi hết đồ xấu, còn đồ tốt thì bị bọn quan coi kho ăn cắp hết. Song chúng đâu ăn một mình được. Tất cả những vụ trộm cắp này đều có sự thông đồng với bọn đại thần, nhưng nay thấy Dự Đức bị tố cáo, cả bọn bèn nhao nhao đổ hết tội cho Đức. Họ nói rằng chính Đức khi làm quan đại thần kiểm tra đã đánh cắp hết những thứ đó.

Theo quy củ của Thanh triều thì mỗi năm có hai vị đại thần người Mãn được phái tới kiểm soát Lục Khố một lần.

Không may cho Đức làm đại thần kiểm soát vào lần chót cho nên cả bọn bèn đổ hết tội cho Đức, đến nỗi Đức đã mất quan, mất nghiệp, mà còn phải lên mãi Hắc Long Giang sung quân. Đồng đảng Mục Chương A đều bị bọn ngự sử dâng sớ đàn hặc, kẻ bị cách, người bị tống khứ đi hết, chẳng còn ai. Hàm Phong hoàng đế tính tình cẩn thận, cố chỉnh đốn lại triều cương.

Trong cung cấm, bà Hiếu Trinh hoàng hậu cũng hết sức đoan chính cần kiệm, trông coi dạy dỗ các phi tần.

Bà hoàng hậu Hàm Phụng nguyên là con gái của Mục Chương A, ở ngôi Chánh cung chẳng được bao lâu thì mất. Hiếu Trinh hoàng hậu lên thay, vốn là một nàng quý phi họ Nữu Cô Lộc.

Bà vừa đẹp lại vừa đoan chính nên Hàm Phong hoàng đế rất sủng ái. Trong cung đều gọi bà là Đông hậu, rất thuần phác, cần kiệm. Ngày thường trong cung cấm bà chỉ mặc hàng vải. Màn trướng, mùng màn, đều không thêu hoa. Điều đặc biệt là bà ghét đồ Tây, đẹp thì đẹp nhưng không dùng được trò gì. Bà chỉ đi một đôi hài thêu giống hệt hài bọn cung nữ, do chính bọn này thêu cho. Mỗi năm bà đích thân thêu cho hoàng đế một đôi hài. Bên ngoài có kẻ tiến cống quần áo, đồ trang sức, bà đều cho bọn cung nữ đem trả lại hết. Bà thường bảo bọn chúng:

- Bọn thần tử đem dâng hiến một cái gì tức là trăm họ phải tốn kém đi chừng đó. Nếu nhận đồ dâng hiến đó tức là ta ngấm ngầm xúi chúng trở thành tham quan. Do đó, ta không, thể nào nhận được.

Hiếu Trinh hoàng hậu nhất cử nhất động đều biết lễ biết tiết. Vào mùa nóng nực, bà không bao giờ ăn vận lộ tay lộ chân. Khi tắm gội, bà cũng không bắt ai hầu hạ kỳ cọ cho mình. Mỗi khi lên gặp mặt hoàng đế, bà đều mặc lễ phục. Bà rất ghét ăn mặc hở hang, cầu thả.

Hồi đó có một nàng phi tên gọi Vinh phi, thân hình nhỏ nhắn xinh đẹp tô son điểm phấn rất kiều diễm. Nàng lại đi một đôi hài không ruột, chạm trổ đoá hoa mai, rắc đầy phấn thơm. Mỗi bước nàng đi phấn hoa mai rơi xuống in vết trên mặt đất. Hiếu Trinh hoàng hậu thấy thế cả giận, bảo nàng cố ý làm vậy để mê hoặc hoàng đế, lập tức truyền gọi nàng tới, đánh cho một trận nên thân rồi tống vào lãnh cung.

Hàm Phong hoàng đế thực ra cũng khoái chuyện phong lưu bay bướm. Nhưng thấy hoàng hậu nghiêm chính như vậy, ngài rất kính trọng và đặt cho bà biệt hiệu: "Nữ thánh nhân"…

/172

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

adsdoctruyen@gmail.com

DMCA.com Protection Status