Thê Tử Của Chàng Câm

Chương 68: Mỹ nhân trướng hạ do ca vũ

/221


- Cô nương có việc gì thì vào nói đi.

Tang Vi Sương cười nói.

Tiếng rèm ngọc va vào nhau, một thiếu nữ tay cầm khăn lụa, thắt lưng yểu điệu nhẹ xoay người, xuất hiện trước mặt Tang Vi Sương, khuôn mặt nàng ấy nhỏ nhắn cỡ bàn tay, mặt mũi xinh đẹp, sóng mắt linh động tựa nước mùa thu.

- Tang đương gia, nhị gia thiết yến ở Hoài Giang Dã Cư, mời đương gia đi trước.

Nàng ấy thản nhiên mở miệng, giọng nói khiến người ta nghe mà hưởng thụ.

- Hoài Giang Dã Cư?

Tang Vi Sương đọc cái tên này, nàng không biết nhiều về Hoài Châu, hiển nhiên không biết Hoài Giang Dã Cư ở chỗ nào, càng không biết Thần nhị gia muốn chơi trò kỳ quái gì? Nhưng trước mặt giai nhân, nàng không muốn để nàng ấy khó xử, giọng điệu cũng mềm mỏng hơn người khác.

Không ngờ tâm thái nàng như vậy lại đúng ý Thần nhị gia.

Thục Điệp thấy tuy sắc mặt Tang Vi Sương hơi lạnh nhưng lời nói lại mềm mỏng thì không khỏi thầm nhủ nhị gia thật có bản lĩnh, sai nàng chứ không phải Vấn Ngọc, càng không phải Niệp Hiệp đi mời Tang đương gia.

- Ngoài phủ đã có phu xe đợi sẵn, đương gia cứ đi theo nô tỳ là được.

Tang Vi Sương nghĩ tới nghĩ lui, biết rõ dù thế nào cũng phải đi, nhăn nhó chỉ khiến người ta cho rằng nàng “làm giá”, thò đầu là một đao, co đầu cũng là một đao, vẫn nên không nói hai lời, đi chịu trận thì hơn.

Nàng vừa định đi thì Thục Điệp lại cười nói:

- Nhị gia dặn đương gia mặc nam trang.

Lúc nàng ấy nói thì có một người hầu từ ngoài phòng tiến vào, trong tay bưng một khay y phục.

- Đây là y phục nhị gia sai người thay Tang đương gia chuẩn bị, người hầu này cũng là tùy tùng thân cận của nhị gia.

Thục Điệp vừa nói xong, Tang Vi Sương nhìn nàng ấy:

- Ta không thể mang người của ta đi sao?

Vi Sương nói thế, Dương Yên cũng nhìn về phía nha hoàn nọ.

Tiểu nha hoàn cười, gió xuân cũng đem lòng ái mộ, thẹn thùng:

- Nhị gia nói để một mình Tang đương gia đi, hi vọng đương gia đừng làm khó Thục Điệp.

Mỗi cái nhăn mày mỗi nụ cười đều nắm bắt rất hoàn hảo, tăng một chút thì dư, giảm một chút thì thiếu. Nữ tử này, ôi, Tang Vi Sương thở dài trong lòng, bỏ đi, không so đo với tiểu cô nương, có gì thì đi nói với Thần nhị gia kia kìa. Haiz, đỡ cho người khác nói nàng “làm giá”..

Tang Vi Sương đi thay y phục, Lâu Kiêm Gia không chịu, trề môi đòi đi theo, Tang Vi Sương nói hết nước hết cái, nói Quá Tuyết bị bệnh cần hắn phụng bồi mới thuyết phục được hắn. Nàng còn hứa là trước khi hắn đi ngủ, nàng nhất định sẽ trở lại.

***

Hoài Giang Dã Cư, lúc Tang Vi Sương tới, mặt trời lặn nơi cửa sông, bầu trời nhuộm sắc hoàng hôn, tiếng vó ngựa vội vã trên con đê dài, trước bờ sông là mười dặm hoa đào, gió xuân thổi màn đêm đến.

- Tang công tử mời đi bên này.

Nàng được một mỹ nhân đốt đèn lồng dẫn đường. Mỹ nhân đó mặc trường bào tay áo rộng thả cách mặt đất ba thước (đơn vị đo cổ, 3 thước = 1m ngày nay), tóc hơi búi lại, không phải nữ tử mà là nam sinh nữ tướng, có phong thái nam nhi thời Ngụy Tấn.

Kỳ thực trời vẫn chưa tối hẳn, đốt đèn lồng chỉ tăng thêm ý cảnh mà thôi, phù hợp với thú tao nhã của các công tử tìm vui.

Đường nhỏ quanh co, xa xa có tiếng hát xuyên qua rừng trúc vọng đến, Hoài Giang Dã Cư cao một trăm thước được dựng trên đất bằng, có thiếu niên thanh tú nâng chén hát vang, có nữ tử tay áo bềnh bồng cầm quạt che mặt thẹn thùng, lên lầu gác cao, trong tầm mắt là Hoài Giang rộng lớn, một chiếc thuyền lộng lẫy cạnh bờ đối diện với lầu gác, tiếng trống nhạc trên thuyền vang lên, bảy tám vũ nữ nghê thường vũ y (nghê thường vũ y: nghĩa đen là y phục thường dùng khi múa: áo hình cánh chim, quần lụa lấp lánh ngũ sắc; nghĩa bóng là chỉ những cô gái xinh đẹp mặc y phục múa múa những điệu múa duyên dáng, uyển chuyển) múa như cửu thiên tiên tử nhỡ lạc bước hồng trần……….

Kiếp trước, nàng là nữ nhi của đế vương, cực kỳ quyền thế trong thiên hạ, từng thấy hết cảnh xa xỉ của người đời; kiếp trước, nàng phù hoa nửa đời nhưng chưa từng thể nghiệm thú vui gần sông nước, qua sông nghe ca hát cực hạn phong trần.

Quả là thế giới rộng lớn, chỉ có thứ nàng chưa nghĩ tới chứ không có thứ không thể làm.

Nam nhân xinh đẹp nọ môi son vẫn mỉm cười, nhỏ giọng dặn dò Vi Sương một câu kéo thần trí của nàng về.

Vi Sương cảm thấy mình thất thố, bèn chỉnh lại áo mũ theo người nọ vào Hoài Giang Dã Cư.

Vừa vào trong tức thì có công tử nhà giàu không biết nàng vung vẩy quạt chào hỏi. Thấy khuôn mặt mới, dù thế nào cũng phải tiến lên bắt chuyện mấy câu, huống hồ hôm nay Thần nhị gia thiết yến, người có thể vào Hoài Giang Dã Cư đều là khách dự tiệc của Thần nhị gia. Những người lui tới nơi đây nào có ai không nhạy bén, họ hiểu rằng người được Thần nhị gia mời tới dù không được giới thiệu cũng là người thuộc hàng không phú cũng quý.

Tang Vi Sương cũng có cùng suy nghĩ với họ, những người này quen biết Thần nhị gia, không phú cũng quý, nàng không nên đắc tội. Nàng không nói gì nhưng trong mắt người khác vẫn lễ nghĩa chu toàn.

Xuyên qua phòng đi lên lầu, đến chính đường lầu hai, trời còn chưa tối hẳn, đèn lưu ly chiếu làm người ta hoa mắt, ánh đèn sáng hơn cả ban ngày, người ở lầu này không tùy ý như lầu một, có lẽ vì Thần nhị gia ở đây nên họ hơi thu liễm lại.

Tang Vi Sương thấy Thần nhị gia ngồi ở vị trí chủ nhân, xuôi theo tầm mắt hắn là chiếc thuyền lộng lẫy cạnh bờ Hoài Giang bên ngoài cửa sổ đối diện với chính đường, hơn nữa ở vị trí của hắn vừa vặn có thể đem dáng múa uyển chuyển của bảy tám nữ nhân kia thu hết vào tầm mắt. Địa điểm tốt, thú vui hay, đúng là người cực kỳ biết hưởng thụ. Đây chẳng phải là lương thần mỹ cảnh (thời điểm tốt, cảnh đẹp) mà các văn nhân hay xem trọng sao?

Thần Tố Hi khẽ đưa ánh mắt biếng nhác nhìn nàng, nói với nha hoàn bên cạnh:

- Ban ngồi cho Tang công tử.

Nha hoàn kia thật lâu mới nghe chủ tử cất tiếng, mới đầu còn chưa phản ứng kịp, đợi khi phản ứng lại thì vội vã mang ghế cho Tang Vi Sương. Nàng đứng ở đây suốt hai canh giờ rồi mà chưa thấy nhị gia ân cần với ai như vậy! Quả khiến nàng kinh sợ ra mồ hôi lạnh cả người.

- Công……..công tử………mời ngồi.

Tang Vi Sương thấy tay tiểu nha đầu run run thì âm thầm lắc đầu, khi ngồi xuống thì trấn an nói:

- Đa tạ cô nương.

Nha hoàn nọ nghe lời khách sáo của nàng, khuôn mặt nhỏ nhắn liền đỏ lên, khi trở lại vị trí của mình nhất thời có chút không nhìn rõ phương hướng.

Tang Vi Sương ngồi bên tay phải Thần Tố Hi, dường như nàng vừa ngồi xuống thì liên tiếp có mỹ nhân bưng trà lên, người dẫn đầu là một công tử xinh đẹp, tóc xõa ra, nếu không phải hắn hơi lộ ngực thì nàng sẽ không phân biệt được giới tính của hắn.

Ở Hoài Châu, trà được dâng lên trước khi dâng thức ăn, trà này không phải để uống mà để súc miệng.

Khi công tử mặt ngọc đặt chén sứ Thanh Vân thượng hạng trước mặt Vi Sương, nàng ngửi được hương trà thanh nhã lúc đậm lúc nhạt thì toàn thân chấn động, giỏi cho Thần nhị gia, khắp thiên hạ này người dùng Ngọc Họa để súc miệng ngoại trừ Hoàng đế thì chỉ có mình Thần nhị gia hắn!

Tang Vi Sương thấy người của cả bàn không ai có vẻ mặt khác thường nên không tiện phát tác, nàng nếu muốn về sớm thì đừng “tùy hứng” hành động theo cảm tính……..thế là nàng cũng giống các công tử kia, dùng Ngọc Họa cực phẩm để súc miệng.

Chén trà được lấy đi, các mỹ nhân phục vụ nhanh nhẹn dâng thức ăn lên.

Lúc dùng mười hai món khai vị, bên ngoài vẫn ca múa bình thường, lúc sáu món chính được bưng lên, trời đã tối đen, pháo hoa được đốt, các mỹ nhân trên thuyền tựa như được khích lệ, càng ra sức ca múa.

Trong phút chốc, cửu thiên huyền nữ gì đó toàn bộ đều thành vũ nương Tây Vực đồi bại, không biết nàng bị Thần nhị gia rót rượu đến váng đầu hay sao mà Tang Vi Sương cảm thấy mắt mình hoa cả lên, các vũ nương Tây Vực đúng là đều đã thay y phục, nơi lấp lánh kia là rốn của nữ tử? Váy có phải quá ngắn hay không, lộ cả đôi chân như ngọc bên ngoài? Nàng tức khắc ngượng đỏ mặt, suýt chút nữa đã kêu to như các thư sinh cổ hủ: “Đồi phong bại tục!”

Nàng đảo mắt nhìn mấy quý công tử ngồi cùng bàn thì thấy bộ dạng họ đầy vẻ say rượu, ánh mắt sững sờ, hiển nhiên đều đã ba hồn đi lạc, sáu phách rời nhà!

- Nhị gia, ngài nói ở đây sênh ca dạ vũ trong khi Thiệu Nam chiến hỏa liên miên, có phải thật ứng với câu “Chiến sĩ quân tiền bán tử sinh, Mỹ nhân trướng hạ do ca vũ” không? (trích bài “Yên ca hành” của Cao Thích, bản dịch thơ của Nguyễn Bích Ngô: “Chiến sĩ ra trận nửa tử sinh, Mỹ nhân dưới trướng còn ca múa”)

Tay phải Tang Vi Sương chống lên mặt hơi say híp mắt nhìn Thần Tố Hi.

/221

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

adsdoctruyen@gmail.com

DMCA.com Protection Status