Thiên Sơn Mộ Tuyết

Chương 19

/29


Ngờ đâu hắn đưa tôi đi biển, vừa đi xuống máy bay, tôi đã thấy bàng hoàng, sợ hãi, lúc dừng lại trước biệt thự ven biển thì cả người tôi run như cầy sấy.

So với lần trước, biệt thự không thay đổi nhiều, chỉ có tôi là không muốn nhớ lại những chuyện đã xảy ra tại nơi đây, tiếng sóng xô bờ khiến tôi choáng váng, mọi hồi ức về nơi này luôn gợi cho tôi sự khó chịu. Tôi gắng gượng nói với Mạc Thiệu Khiêm:

- Em ở tầng một được không?

Không ngờ hắn lại nói:

- Tầng dưới không có phòng ngủ.

Tôi căm thù căn phòng ngủ trên tầng hai, kể cả khi đóng cửa, kéo rèm che kín mít. Vừa đặt chân lên tầng hai, tôi đã muốn quay đầu bỏ chạy.

Biệt thự không có người giúp việc nên mọi thứ phải tự thân vận động, tôi mở va li, lấy quần áo treo vào tủ. Thu xếp xong, tôi lấy hết can đảm, kéo rèm cửa ra. Bãi biển qua ô cửa sổ chìm giữa yên ả, bóng hòn đảo phía xa nhàn nhạt, trải dài, khuất lấp tầm mắt tôi. Bờ biển lác đác vài chú chim hải âu dạo bộ, con sóng tung bọt trắng xóa, mơn mởn bờ cát rồi lại cuốn xa. Tôi ngồi bần thần trên giường, ba năm qua, cứ ngỡ mình không đủ can đảm để ngắm cảnh biển. Có lẽ thời gian chính là liều thuốc hiệu nghiệm, đưa dĩ vãng lùi vào quên lãng. Nơi đây khởi đầu cho tất cả và nay hắn muốn kết thúc cũng tại nơi này ư?

Có người đẩy cửa, hững hờ gõ vài cái, tôi ngoái đầu, thấy Mạc Thiệu Khiêm đứng đó. Lúc nào hắn cũng lịch sự, nho nhã như một người quân tử. Hắn đã mặc trên người một bộ đồ thoải mái hơn, hỏi:

- Tôi ra chợ, em đi cùng không?

Ra chợ? Lần trước sống ở đây một thời gian, hầu như hắn toàn gọi đồ ăn mang tới tận nhà. Tôi chỉ nhớ mang máng, đoạn ký ức thậm tệ ấy đã bị tôi phủ sạch khỏi đầu, những gì không vui tôi đều giải quyết bằng cách ném thẳng nó vào quên lãng. Tôi không muốn ngồi đây một mình, bèn ngoan ngoãn theo hắn ra chợ.

Không ngờ tên đại gia này lại không có sẵn chiếc xe nào ở đây, à không, vẫn có một chiếc xe. Tôi tròn mắt nhìn Mạc Thiệu Khiêm lôi từ kho ra một chiếc xe đạp.

Hắn lừ mắt nhìn tôi, nói::

- Em có muốn đi không đấy?

Trời nắng như đổ lửa, nắng rót xuống đầu, bốc khói… Thôi đành vậy, tôi leo lên yên sau, hắn đèo tôi chạy dọc theo cung đường xanh ngắt, hai bên hàng cây thẳng tắp.

Thong dong đạp xe trên con đường rợp bóng mát khi biển trời là một màu xanh thăm thẳm, nghe thì có vẻ rất tuyệt vời. Chỉ có điều, người đạp xe đèo tôi lại là Mạc Thiệu Khiêm, ngẫm ra vẫn thật kỳ cục. Đạp chưa được bao xa đã gặp một con dốc rất dài, tuy không dựng đứng nhưng cũng đủ dốc. Dưới tiết trời tháng Ba âm lịch, chẳng bao lâu, áo phông của Mạc Thiệu Khiêm đã đầm đìa mồ hôi, dính sát vào người, tôi còn tưởng hắn không biết đổ mồ hôi, đương nhiên cũng có trường hợp đặc biệt nào đó. Vậy mà lúc này, lưng áo hắn thấm ướt cả một mảng to, nhìn giống bức tranh tả ý[1] vẽ bằng bút lông, bình thường chỉn chu, gọn gàng, giờ thấy hắn thế này, quả thực kỳ quặc vô cùng. Tôi táy máy, khẽ nhấc chỗ vải bám dính trên lưng hắn cho gió lùa qua cổ áo, chiếc áo no gió căng phồng như một cánh buồm. Luồng gió biển mát rượi khiến người ta thấy khoan khoái, gió mơn man thổi tà váy phập phồng. Một tay giữ váy, tay kia kéo góc áo Mạc Thiệu Khiêm, tự nhiên tôi thấy tức cười, thoạt đầu còn cố nhịn, nhưng chỉ được một lúc đã tủm tỉm, dù không hề cười ra tiếng, song cứ như thể Mạc Thiệu Khiêm mọc cả mắt ở sau gáy, hắn không hề ngoái đầu lại, vậy mà vẫn biết:

- Em cười cái gì?

- Em chưa từng thấy anh đạp xe đạp…

[1] Căn cứ theo thủ pháp vẽ, tranh Trung Quốc có thể chia thành tranh vẽ chi tiết và tranh tả ý.

Xe lên tới đỉnh dốc, dường như hắn hơi thả lòng rồi cất giọng phấp phới:

- Chuyện em chưa thấy còn nhiều lắm!

Không cho tôi thời gian kịp hiểu, hắn bất ngờ thả tay ghi đông. Xe lao thẳng xuống dốc theo quán tính, tiếng gió lồng lộng rít bên tai, gợi đến mùi tanh nồng mặn mà của biển cả. Xe cứ lao vun vút xuống chân dốc, cây cối bên đường như chạy vụt về phía sau, tôi giật thót, ghì chặt eo hắn. Mạc Thiệu Khiêm lại đủng đỉnh huýt sáo, khác hẳn với thường ngày. Lần đầu tiên trong đời tôi nghe hắn huýt sáo, trước nay, cũng chưa từng thấy hắn thong dong nhường này. Thảo nào hắn nói chuyện tôi chưa thấy còn nhiều lắm, nghĩ cũng phải.

Đối với tôi, phần lớn các mặt hàng hải sàn bày bán ở chợ đều lạ lẫm. Đành rằng hai năm sống với Mạc Thiệu Khiêm tôi cũng từng thưởng thức nhiều của ngon vật lạ trên đời, nhưng tôi chỉ nhận ra chúng khi đã được nấu chín thôi, mà tôi cũng không hay so sánh lắm. Nhìn Mạc Thiệu Khiêm chọn tôm cá mới lành nghề làm sao, kiểu trả giá của hắn cũng thật dã man, làm tôi có cảm tưởng hắn đã vận dụng toàn bộ kỹ năng đàm phán thương mại vào việc đi chợ. Sau cùng, tài mặc cả của hắn khiến ông chủ cứ luôn miệng gọi hắn là “đại ca”.

Tôi thích chợ vì chợ rẻ hơn siêu thị rất nhiều và hàng hóa chủ yếu do ngư dân sống gần đó mang tới nên cũng tươi ngon hơn hẳn. Ngặt nỗi chúng tôi ở chỗ khuất nẻo, cách chợ phải đến hàng chục cây số.

Lúc về, đương nhiên Mạc Thiệu Khiêm vẫn là người cầm lái, còn tôi xách đến mấy cái túi ni lông màu đen, đựng toàn tôm cua cá các loại và một mớ rau diếp to đùng, xanh mơn mởn. Thêm một túi nặng trĩu các loại muối, dầu, giấm, tương làm tôi có cảm tưởng mình đang chơi trò gia đình. Nhưng người chơi cùng lại là Mạc Thiệu Khiêm, tôi lại một lần nữa thấy kỳ cục. Không hiểu sao, tâm trạng cũng khấp khởi, hay bởi bầu trơi nơi này xanh thăm thẳm, mây trắng muốt sải mình, nắng rót xuống rạng rỡ mà bầu không khí cũng trong lành đến lạ, hay bởi lúc lao xuống dốc, gió lướt nhẹ qua gò má, gợn lòng tôi vui sướng nhẹ nhõm, mong được sải cánh rộng bay.

Khi Mạc Thiệu Khiêm thả xe tuột dốc lần nữa, tôi túm chặt áo hắn, cười rộ thành tiếng. Lâu rồi tôi mới quẳng hết những gánh nặng trong lòng để được cười thanh thản nhường này, giữa đất trời mênh mông, bên biển nước bát ngát, dưới ánh nắng rực rỡ, dường như mọi nỗi băn khoăn đều đã bốc hơi.

Vừa về đến nhà, cả người không những nhễ nhại mồ hôi mà còn rám nắng đen nhẻm, tôi quên không xoa kem chống nắng mà đã theo Mạc Thiệu Khiêm đi chợ. Tắm rửa xong đi ra đã thấy Mạc Thiệu Khiêm đang tất bật trong nhà bếp. Thấy cảnh đó, tôi cũng không ngạc nhiên, Mạc Thiệu Khiêm quả là con người toàn năng, biết đạp xe, biết huýt sáo, biết mặc cả thì đường nhiên nấu cơm cũng biết.

Cứ ngồi không ăn sẵn cũng ngại, tôi bèn khệ nệ khiêng một chiếc bàn mây ra vườn rồi vác thêm hai chiếc ghế, dùng bữa tối ngoài trời cảm giác thoáng đãng hơn so với ngồi trong phòng điều hòa. Quả nhiên, chỉ một lát sau, Mạc Thiệu Khiếm ngó nghiêng qua cửa sổ, thấy tôi đang hì hục bên ngoài, dẫu bận trăm công nghìn việc trong nhà bếp mà hắn vẫn hạ chỉ thị:

- Lấy hương muỗi ra đốt đã.

Xưa nay tôi chỉ nghe bữa tối dưới ánh nến chứ chưa nghe bữa tối bên hương muỗi bao giờ. Nhưng thực tế đã chứng minh Mạc Thiệu Khiêm thật sáng suốt, bởi lẽ ngoài vườn đúng là cứ địa của muỗi, dù đã đốt hương muỗi nhưng tôi vẫn bị chúng đốt.

Tay nghề nấu nướng của Mạc Thiệu Khiêm cũng khá, đương nhiên so với đầu bếp chuyên nghiệp còn thua xa nhưng so với tôi thì cao tay hơn hẳn. Bữa cơm này khiến tôi có cảm giác vừa mừng vừa lo, thế mà hắn vẫn ăn ngon lành, chúng tôi ăn hết hẳn một con cua to, một cân tôm, một đĩa cá Napoleon[1] hấp, thậm chí đĩa rau diếp xào cũng hết sạch. Ăn xong, Mạc Thiệu Khiêm lại ra lệnh:

- Em lo phần rửa bát!

Tôi lon ton đi rửa bát, việc này thì có gì khó, trong bếp có sẵn máy rửa bát, chỉ việc nhét vào là xong. Nhưng bếp lại bị hắn bày bừa, nước lênh láng, rau cỏ vương vãi, buộc tôi phải cầm giẻ, cắm đầu vào dọn dẹp. Đang dở tay thì Mạc Thiệu Khiêm bước vào, ôm chầm lấy tôi từ phía đằng sau. Cơ thể hắn vừa tắm xong, còn thoảng mùi hương nhè nhẹ, vòng tay gần gũi dịu dàng ấy khiên tôi giật nảy mình. Tôi phân vân, không biết nên quay lại chủ động hôn hắn hay cứ để mặc hắn muốn ôm thì ôm.

[1] Cá Napoleon: còn gọi cá hàng chài đầu to, được phát hiện ở các vùng nước Indonesia và Phillipines, rất được ưa chuộng ở Trung Quốc.

Cửa sổ phòng bếp nhìn thẳng ra biển, vầng thái dương khuất dạng ngoài khơi xa, để lại ráng chiều tim tím cho đêm tối cận kề. Phong cảnh nơi này thật tuyệt, thậm chí đứng trong bếp mà cũng được ngắm cảnh biển lãng mạn nhường này. Tôi trầm mình đứng đó cho đến khi được hắn xoay mặt tôi lại và bờ môi đáp xuống một nụ hôn dịu dàng.

Ba năm qua, số lần chúng tôi hôn nhau nhiều vô kể, nhưng chưa bao giờ hắn dịu dàng đến thế, cánh tay choàng qua eo, kéo tôi nép vào lòng, bờ môi mải miết, quấn quýt như làn nước, thừa sức nhấn chìm một con người. Tôi sực nhận ra nguyên nhân khiến cả ngày hôm nay tôi thấy phấn chấn là vì Tiêu Sơn. Tôi và Tiêu Sơn từng có những ngày tháng tương tự, nhưng ở tận thành phố T xa xôi. Niềm hạnh phúc của chúng tôi ngày đó, tình cảnh của chúng tôi ngày đó, dường như đang hiện về trong tâm tưởng.

Tôi thấy nghẹt thở. Đôi mắt Mạc Thiệu Khiên đen lay láy, thậm chí khi nhìn thấy hình ảnh của chính mình phản chiếu qua đôi mắt đen láy ấy, lòng tôi lại trỗi dậy một nỗi hoang mang, lạ lẫm khó định nghĩa thành lời, khác hẳn nỗi sợ hãi thường ngày, như thể có tai ương nào đó sắp cận kề quanh đây. Tôi không biết nó giống với thứ gì, chỉ cảm thấy nó cũng đáng sợ như thể đó là một hố đen có thể nuốt gọn mọi thứ, cảm giác ấy khiến tôi chớm hoảng hốt rồi rụt người lại. Tôi nhắm chặt mắt, cố kiềm chế cơn run rẩy, nhưng xưa nay hắn vốn là con người vô cùng mẫn cảm, hắn dừng lại ngay lập tức, hỏi:

- Sao thế?

Tôi gắng nặn ra một nụ cười:

- Đâu có gì.

Vẻ mặt hắn sa sầm, chắc bởi nụ cười của tôi rất gượng gạo. Một lúc lâu sau, hắn mới cười khẩy:

- Không cố được nữa à?

Tôi không muốn giải thích. Tia sáng cuối cùng trong ngày cũng lụi tắt ngoài khơi xa, bóng tối sụp xuống gian bếp chưa kịp lên đèn, nhấn chìm cơ thể hắn trong một vùng sáng tối đan xen, song giọng điệu cất lên lại rành rọt đến lạnh lùng:

- Dù chỉ là đãi bôi thì em cũng nên để tâm vào. À mà quên mất, con người em vốn vô tâm, em làm gì có trái tim. Chẳng phải sở trường của em là nhẫn nhịn sao? Mới mấy ngày đã không chịu nổi rồi à? Còn những mười hai ngày nữa, có khó chịu mấy thì em vẫn phải chịu đựng tiếp mười hai ngày nữa. Tôi biết em ghét nơi này nhưng tôi vẫn cố tình đưa em tới đây. Chẳng phải bấy lâu nay, em đã quen nhẫn nhịn, quen ra vẻ đó sao? Sao, không chịu được nữa à? Hay mất kiên nhẫn thật rồi? Tôi chưa đặt bút ký mà em đã sốt ruột thế này rồi sao? Nếu không chịu được nữa thì em biến ngay cho tôi, em muốn đi đâu mặc xác em.

Hắn quay lưng bỏ đi, vứt lại tôi đứng ngây ngốc, gnhe tiếng sập cửa vẳng lại từ đằng xa.

Hắn bỏ đi đâu chẳng rõ, để lại mình tôi giữa căn nhà rộng thênh thang này. Tôi cũng chẳng hiểu vì đâu ra nông nỗi, thực chất tôi chỉ muốn lấy lòng hắn nhưng để hắn vui quả thực quá khó. Hôm nay, tôi thật sự thấy vui chứ đâu cố giả vờ, chỉ có điều, đáng lẽ sau đó, tôi không nên nghĩ tới Tiêu Sơn. Tiêu Sơn đã trở thành chuyện xa xỉ của đời tôi nên tốt nhất đừng nghĩ đến nữa. Chỉ tại những tình tiết có nét tương đồng khiến tôi mất kiềm chế, giá như Mạc Thiệu Khiêm đối xử với tôi chẳng ra gì thì có lẽ tôi sẽ tỉnh táo hơn. Vậy mà hôm nay hắn lại vô cùng dịu dàng khiến tôi cảm giác hoang mang, sợ sệt.

Tôi đứng một mình trong bóng tối, tự nhiên thấy sợ mà cũng không dám lên gác, đành lần mò đi bật đèn. Tôi mò toàn bộ đèn trong phòng khách, thậm chí bật cả ti vi. Đùi bị muỗi đốt sưng vù mấy chỗ, vừa ngứa vừa đau, nãy giờ làm tôi đứng ngồi không yên. Điều khiến tôi bất an hơn cả, đó là tôi lại chọc giận Mạc Thiệu Khiêm mất rồi. Đáng lẽ tâm trạng của hắn hôm nay cũng khá vui vẻ, vậy mà tôi lại đi chọc giận hắn.

Chẳng biết Mạc Thiệu Khiêm bỏ đi đâu. Tiếng sóng xô bờ liên tiếp dội về, ngoài kia gió giật mỗi lúc một mạnh, hai âm thanh ấy hòa vào nhau, tạo thành tiếng rít gào của một lòai sinh vật không tên. Đầu tôi không thể nghĩ được chuyện gì khác khi thứ âm thanh kinh khủng ấy cứ xâm chiếm toàn bộ trái tim. Tôi nép mình vào một góc ghế, thậm chí, tôi không dám nhìn vào ti vi, như thể sợ một con quái vật nào đó sẽ bò ra từ màn hình. Cả người run lên bần bật vì khiếp đảm. Tôi có cảm giác căn nhà này ẩn nấp đầy rẫy quái vật, chúng khiến tôi không thể nào chịu đựng thêm nữa.

Tôi ôm chặt chiếc điện thoại, bắt đầu bấm số của Mạc Thiệu Khiêm nhưng di động trên bàn lại reo, thì ra hắn quên không mang theo máy. Đến di động mà hắn còn để ở nhà thì có thể đi đâu được chứ?

Vùng này hoang vu, bốn bè là bãi cát, trống vắng, lưa thưa vài căn biệt thự, thậm chí nhà hàng xóm cũng chẳng lên đèn. Tôi run rẩy, siết thật chặt chiếc di động của hắn trong tay rồi chẳng may chạm vào phím mở máy. Danh mục các cuộc gọi gần đây hiện ra, tôi nhìn chiếc điện thoại, toàn bộ danh bạ chỉ ghi tên liên lạc của hai người, một đề là “mẹ”, còn lại cái tên lẻ loi, trơ trọi kia là của tôi.

Tôi lật tới lật lui mấy trang, cũng chỉ có mỗi mục ấy, tên tôi được lưu kèm ba số điện thoại, một là số di động, hai là số máy bàn phòng ký túc xá, sau cùng là số máy bàn khu chung cư. Tôi biết hắn còn một chiếc di động khác để liên lạc công việc, còn chiếc này là số máy cá nhân. Nhưng tôi không thể nào tin nổi bên cạnh số điện thoại của mẹ hắn lại là tên tôi.

Tôi biết mình không nên táy máy, đụng chạm vào điện thoại của hắn, trước nay, tôi chưa từng đụng chạm đến đồ đạc của hắn. Bây giờ, tôi cũng nên đặt nó ra xa một chút. Dù sao thì hắn cũng chẳng dính dáng gì đến tôi, việc tôi quay lại cũng chỉ là một cuộc giao dịch mà thôi. Nhưng tôi không kiềm chế nổi, lại tò mò sờ vào lần nữa, ba mươi cuộc gọi được liệt kê trong danh sách gần đây nhất: Đồng Tuyết 1, Đồng Tuyết 2, Đồng Tuyết 3…

Tôi lật đến tận trang cuối cùng mà vẫn chỉ thấy tên mình.

Có khi hắn thuộc lòng số máy của vợ mình rồi nên không nhất thiết phải lưu vào đây. Tôi hốt hoảng nhủ thầm như vậy nhưng trong điện thoại lại xuất hiện thêm hai bức ảnh, chỉ duy nhất hai bức ảnh ấy: một tấm là ảnh tôi, tấm kia cũng là ảnh tôi.

Bức ảnh đầu tiên, mắt tôi nhắm nghiền trong cơn say ngủ mà khoảng cách chụp thì gần kề đến nỗi có thể thấy từng sợi lông mi. Tấm thứ hai là hình tôi cười tươi rói, khoe lúm đồng tiền hai bên má. Tôi cũng chẳng nhớ mình đã toe toét thế này trước mặt hắn lúc nào và hắn có cơ hội ghi lại hình ảnh của mình bao giờ. Hai bức ảnh làm tôi thảng thốt, tất cả mọi thứ làm tôi sửng sốt, những dấu vết để lại trong chiếc điện thoại này chẳng khác nào một sự bịa đặt vô căn cứ. Không, chắc chắn mình đang bị ảo giác, mình không nên xem những thứ này, mà đáng lẽ, hắn cũng không nên lưu chúng lại trong máy.

Tôi mò mẫm tất cả chức năng của điện thoại. Khi lần mò tới hộp tin nhắn, hòm thư gửi đến và gửi đi hoàn toàn trống rỗng, trong thùng thư rác còn sót lại một tin đã xóa, tôi liền mở ra xem.

Thời điểm gửi tin là khoảng vài tháng trước, từng chữ nối tiếp nhau dàn hàng trên màn hình: “Mạc Thiệu Khiêm à, anh không nhận điện htoại của tôi thì sẽ phải hối hận. Đồng Tuyết có thai rồi nhưng anh đừng mừng vội. Thứ nhất, tôi biết cô ta và bạn trai bé nhỏ kia tình cũ không rủ cũng đến, chắc đến tám mươi phần trăm đứa trẻ không phải con anh. Thứ hai, giả sử có là của anh đi chăng nữa thì anh cũng chẳng có cơ hội cha con đoàn tụ đâu, bởi vì cô ta đã kịp tới bệnh viện xử lý rồi.”

Người gửi không đề tên tuổi mà chỉ hiện một số máy hoàn toàn xa lạ, chính tôi cũng chưa thấy bao giờ. Tôi chẳng còn sức để đoán người đó là ai, liền vứt chiếc điện thoại sang một bên như thể mình đang cầm trong tay một củ khoai nóng giãy. Từ trước tới nay, Mạc Thiệu Khiêm chưa bao giờ đối xử tử tế với tôi, tôi là con gái của kẻ thù giết cha hắn nên hắn hận tôi, hận đến nỗi phải bóp nát cuộc đời tôi mới hả. Mộ Vịnh Phi từng kể hắn yêu chị ta nhiều lắm nên mới bày ra đủ trò. Đối với hắn, tôi cũng chỉ là một quân cờ dễ ăn như Tô San San mà thôi.

Bấy lâu nay, hắn hận tôi, tôi cũng hận hắn. Tôi cứ nghĩ mãi mà không lý giải được tại sao tự nhiên hắn lại mò đến khách sạn tôi ở, bây giờ mới biết thì ra có người mách hắn. Tôi chỉ muốn rời xa nơi này. Mọi thứ ở đây là nỗi khiếp đảm đối với tôi, biết đâu hắn cố ý để tôi động vào điện thoại của hắn. Có lẽ hắn cảm thấy bấy nhiêu giày vò vẫn chưa đủ, bao lần hắn lừa tôi vẫn còn nhẹ nhàng quá. Cuộc đời tôi bị hắn giẫm đạp vẫn chưa đủ thỏa mãn, hắn muốn nhiều hơn thế. Tôi hiểu hắn hận mình biết chừng nào, bấy lâu nay, tôi luôn hiểu.

Giây phút cuối cùng trong cơn hoảng loạn, dường như tôi dã vắt chân lên cổ để vùng chạy khỏi căn nhà đó. Tôi cứ lao về phía trước, cho đến khi đôi chân rệu rã mới dừng lại, thở hổn hển. Xa lắm mới thấy một ngọn đèn đường lẩn khuất trong lớp sương lãng đãng được gió biển thổi dạt vào, còn những nơi xa kia đều phủ một màu đen mịt mùng và tiếng sóng rì rào vỗ bên tai. Nỗi sợ hãi trong lòng càng dâng cao. Mọi vật chìm trong tĩnh mịch, phải đi bộ rất lâu mới thấy một căn biệt thự nhưng phần lớn đều bỏ không trong tăm tối, cả đường tuyệt nhiên không một bóng người hay bóng xe.

Tôi thấy sợ hãi ngay với cả tiếng bước chân của chính mình, tôi nhớ mẹ, nhớ Duyệt Oánh, chỉ mong có người bên cạnh nhưng chẳng thấy bóng dáng một ai. Tôi loạng choạng tiến về phía trước, như thể đang dấn bước vào cơn ác mộng, thời khắc này giống như một cơn ác mộng, tôi đã mất phương hướng, chẳng biết đi đâu, về đâu. Mạc Thiệu Khiêm bỏ tôi bơ vơ nơi này, còn hắn chẳng biết đã đi đâu. Giá như có hắn ở đây giờ này thì tốt biết mấy, đành rằng hắn cũng thuộc loại đáng sợ nhưng còn đỡ hơn chỉ có mình tôi lang thang ở đây.

Mặt đất lởm chởm sỏi đá khiến mỗi bước chân đặt xuống lại cộm đau. Tôi quýnh quáng, mong tìm thấy ai đó, nhưng cũng sợ yêu ma, quỷ quái từ trong màn sương nhảy bổ ra, tiếng sóng xô bờ càng làm tôi thêm ớn lạnh. Tôi cảm nhận rõ rệt cảm giácl ành lạnh chạy dọc sống lưng, mồ hôi túa ra đầm đìa, thậm chí không dám bước mạnh chân, bởi tôi luôn có linh cảm, từ tất cả những nơi tối mù mịt sẽ xổ ra một loài mai quái nào đó.

Mẹ sẽ không đến cứu tôi, Duyệt Oánh cũng không ở đây giờ này, tôi muốn bật khóc, nơi này chỉ có Mạc Thiệu Khiêm mà thôi. Nhưng không biết hắn đang ở đâu, tôi đi bộ bao lâu mà chưa thấy ánh đèn nào. Tôi khiếp đảm, đèn đường hỏng hết rồi sao? Hay mình bị lạc đường hoặc quanh đây không hề có cột đèn nào?

Tôi hoảng hốt, ngay cả tiếng bước chân của chính mình cũng khiến nỗi sợ hãi nhân lên gấp bội. Bỗng thấy trước mặt có vật gì đen thui nhảy bổ ra từ màn sương mù. Bốn chân nó đạp soàn soạt trên sỏi đá, đôi mắt đỏ ngầu. Tôi kinh hãi thét lên rồi cắm đầu bỏ chạy. Tôi nghe sau lưng mình có tiếng bước chân dồn dập của con quái vật đang đuổi theo. Bao suy diễn về những điều bất trắc ập đến trong đầu càng đẩy tôi rơi vào cơn hoảng loạn, tôi cố chạy nhanh hơn. Khi chạy tới vùng sáng của ngọn đèn đường, con quái vật đó liền sủa tru tréo, lúc đó tôi mới nhận ra, đó là một con chó to. Vừa chạy, tôi vừa ngoái lại nhìn, thấy nó vẫn lao thẳng về phía mình. Ánh đèn đường soi tỏ hàm răng sắc nhọn cùng thân mình lốm đốm của nó, tôi đoán nó là loài chó hoang, không, một con chó dại mới đúng.

Tôi khiếp đảm, chực bật khóc, gào rát cổ họng mà không một ai đến cứu. Tôi chẳng quan tâm con đường đang chạy dẫn về đâu, cũng chẳng rõ mình đã chạy bao xa, tôi cứ lao đầu về phía trước, sau lưng là con chó dại đuổi theo ráo riết. Tôi chạy đến bờ biển, trên bãi cát vắng tanh không một bóng người, chỉ có cát dưới chân là mềm nhũn. Xung quanh là những tảng đá lởm chởm mọc xen kẽ nhau, ngày qua ngày bị nước biển mài giũa thành những hình thù kỳ dị. Tôi vừa chạy vừa khóc, hình như dưới dải đá ngầm đằng xa thấp thoáng có bóng người, trời không ánh trăng, những ngôi sao lẻ loi phản chiếu loang loáng trên mặt nước biển, tôi không nhìn rõ bóng dáng đó là của con người hay chỉ là một mỏm đá, nhưng tôi vẫn ôm hy vọng mong manh, lao về phía ấy. Tôi la hét thất thanh, lạc cả giọng, có lẽ lúc đó tôi đang kêu cứu hoặc đang gọi mẹ. Rồi tôi vấp phải một hòn đá lẫn trong cát, ngã sõng soài xuống đất, đau điếng.

Đầu gối đau rát như bị xát muối ớt, không cho tôi kịp bò dậy, mà tôi cũng không dám ngoái đầu nhìn lại, chỉ luôn miệng gào thật to. Bóng đen kia khẽ động đậy, chứng tỏ đó là một con người thực sự. Người ta hẳn đã nghe thấy tiếng kêu cứu, liền lao ngay về phía tôi, trong khi con chó dại kia đã đuổi tới nơi. Tôi cuồng cuồng, vơ vội nắm cát ném loạn xạ, nó lùi mấy bước rồi lại xông lên. Có người chắn ngay trước mặt tôi, tôi chỉ kịp trông thấy người đó vung chân đá con chó, rồi lại nhặt một hòn đá đập khiến nó tru lên ăng ẳng.

/29

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

adsdoctruyen@gmail.com

DMCA.com Protection Status