Thuyết Đường

Chương 8: Hai búa mạnh, Giảo Kim chiếm Châu Sa

/27


Phút chốc, Giảo Kim đã tới cổng trang. Tuấn Đạt thấy Giảo Kim đi mặc áo chẽn về đã nhung phục uy nghi như mãnh tướng ra quân. Giảo Kim thuật rõ việc theo thỏ vào hang đá, thấy mũ giáp thế nào thuật lại, Tuấn Đạt càng kinh hãi, coi Giảo Kim như thiên thần hạ giới. Đạt xin cùng Kim kết nghĩa. Kim vui lòng cùng nhau thề nguyện trước bàn thờ. Tuấn Đạt hơn tuổi làm anh. Đoạn đặt tiệc lớn, cùng nhau uống rượu tới đêm mới đi nghỉ.

Sớm sau, Giảo Kim giục Tuấn Đạt khởi hành. Đạt nói :

- Còn sớm, để đến chiều sẽ khởi hành.

Kim ngạc nhiên hỏi tại sao. Đạt nói :

- Hiện nay trộm cướp rất nhiều. Ta đi buôn châu báu, đi ban ngày tất chúng nhòm ngó, nguy hiểm lắm. Vậy chờ tối sẽ đi.

Chờ tối xuống, không trăng không sao, Tuấn Đạt sai gia đinh đem sáu chiếc xe ra, che đậy trên dưới kín như bưng, vội gọi Giảo Kim bảo rằng :

- Hiền đệ phải ăn bận gọn ghẽ cầm khí giới phòng khi có sự bất trắc xảy ra trong đêm tối.

Hai anh em nai nịt xong lên ngựa, tháo nhạc, ngậm tăm mà áp tải xe hàng.

Vào quãng canh hai đến một khu rừng tên gọi là rừng Tràng Điệp, thấy đèn lồng thấp thoáng như sao rơi ở đằng xa, sau dần dần hiện ra hơn trăm người. Giảo Kim thét vang lên :

- Quân cường đạo dám cản đường để lão gia bổ chết hết cho chúng bay về âm phủ.

Nhưng bọn trăm người kia nhất loạt quỳ cả xuống rập đầu nói :

- Chúng tôi đốt đèn chờ Đại vương đã lâu.

Giảo Kim không hiểu chúng gọi ai là Đại vương. Toan hỏi thì Tuấn Đạt đã cười mà rằng :

- Chẳng dám giấu gì hiền đệ, bọn này là thủ hạ của ta đấy. Trước kia ngu huynh đã ở trên sơn trại kia cùng chúng làm nghề lạc thảo. Đã lâu ta bỏ nghề, nay nhân gặp được hiền đệ, vậy anh em ta nhập bọn với chúng để đi làm một mẻ lớn cùng nhau ăn tiêu cho Thoả chí bình sinh.

Nghe nói, Giảo Kim lè lưỡi nói :

- Thế ra Ngô huynh vốn là quân cường đạo, nay đánh lừa tôi, rủ đi ăn cướp đó à?

Tuấn Đạt nói :

- Ở cái thời bạo chúa dâm ô, gian thần ác nghiệt này, tội gì ta không đi ăn cướp. Bao nhiêu hào kiệt trong thiên hạ lúc này đều vào rừng lên núi, triệu họp hảo hán đi ăn cướp hết. Chờ một mai Chân chúa ra đời, ta sẽ giúp vua lập nước, hưởng vinh hoa. Hiền đệ nên nghĩ kỹ.

Giảo Kim cho là phải, gật đầu :

- Ngô huynh nói thế thì Kim này cũng hay rằng thế. Miễn là có cơm áo phụng dưỡng mẹ già là được.

Tuấn Đạt mừng lắm, mời Giảo Kim cùng lâu la dong đèn lồng lên sơn trại, vào đại sảnh đường ngồi, lâu la thắp thêm đèn đuốc, đứng hầu hai bên.

Tuấn Đạt nói :

- Hiền đệ muốn thảo chướng hay muốn quan phong?

Giảo Kim chẳng hiểu mấy chữ ấy ra sao, bèn đáp liều :

- Tôi muốn quan phong.

Đạt cười :

- Thế thì hiền đệ mau đem lâu la xuống núi mà ăn cướp.

Kim kêu lên :

- Quan phong mà là đi ăn cướp ư?

Đạt nói :

- Để ta nói rõ cái hiệu riêng của nghề lạc thảo cho hiền đệ rõ: Khi nào bọn cường đạo xa gần nghe tiếng nhau mà muốn cùng nhau tương kiến thì gọi là tiễn phất, thấy bọn thương khách đi qua sào huyệt gọi là phong lai, ăn cướp được ít gọi là tiểu phong, cướp được nhiều gọi là đại phong, khi chịu thua phải cần quân tiếp ứng gọi là phong khổn. Thảo chướng nghĩa là ở nhà giữ sơn trại; nghề riêng ấy hiền đệ nên học cho thuộc kỹ.

Kim nói :

- Nếu vậy thì ta cứ nhất định quan phong. Ta xuống núi không cần nhiều lâu la, chỉ dăm thằng cho ta sai bảo là đủ lắm.

Nói rồi vác búa xăm xăm xuống núi. Đến ngã tư đường chờ mãi chẳng thấy một người hành khách vãng lai. Kim tức lắm, lại sai lâu la bỏ đường nam sang đường bắc, lại bỏ nẻo bắc tới nẻo đông. Đến hồi canh năm, lâu 1a nói :

- Hôm nay hẩm vận rồi, mời Đại vương lên sơn trại nghỉ.

Kim không nghe nói :

- Ta đi mở hàng một chuyến đầu mà không được khai búa thì xúi quẩy mất, thế nào cũng phải gặp khách hàng, các ngươi chớ chán nản.

Dứt lời thì trời tảng sáng. Đằng xa trông rõ tinh cờ phất phới có quân lính rất nhiều đẩy xe phủ kín lá cây, đi đầu có hai tướng mặc giáp cưỡi ngựa, cầm thương. Giữa hàng quân một cỗ xe lớn nhất trên cắm lá cờ xanh thêu chữ trắng: “Lễ vật của Cô Sơn vương trấn thủ Đăng Châu”.

Nguyên do, quan Tỉnh Hải đại nguyên soái Cô Sơn vương trấn thủ Đăng Châu là một vị thân vương với Tùy Dạng Đế, anh em ruột với Văn Đế, tên gọi Dương Lâm, tên chữ Hổ Thần, người ta xếp vào hạng anh hùng thứ tám đời Tùy. Nhân dịp Dạng Đế mới lên ngôi, Dương Lâm sai hai người con mới Nhất Thái Bảo là La Phương, Nhị Thái Bảo là Tiết Lương, đem hai mươi lăm vạn lạng và ba trăm cỗ áo rồng vào kinh sư tiến cống Tùy Dạng Đế.

Hôm đó, chúng qua rừng Tràng Nhiếp, chẳng ngờ gặp phải con quỷ sống! Giảo Kim tròn xoe hai mắt, vỗ tay cười ha hả :

- Hay lắm, có đại phong kia, thật không phí công của lão gia.

Tên lâu la nói :

- Đại vương không trông thấy lá cờ đó ư? Chớ nên động đến của nhà vua.

Kim quát :

- Vua chúa gì thằng ăn mày ấy, ta đây không kiêng nể gì ai cả.

Thấy của thì lấy, thấy người thì giết cho thoả thích mà thôi.

Nói rồi quất roi vào mông ngựa. Tuấn mã phi đến bọn quan quân.

La Phương, Tiết Lương vội thét dàn quân rồi phóng ngựa ra quát :

- Quân cường đạo nào dám cướp của triều đình. Chúng bay không nghe tiếng Cô Sơn vương ở Đăng Châu sao mà dám ra đây quấy nhiễu?

Giảo Kim không nghe thấy gì hết, cứ múa búa xông lại đánh. La Phương giơ thương đỡ. Thương chạm vào sức búa mạnh tựa thái sơn, kêu choang một tiếng, gãy làm đôi. La Phương chỉ còn đủ can đảm kêu to một tiếng rồi lao ngựa chạy.

Tiết Lương thấy La Phương chưa đánh hiệp nào đã chạy, thì tức giận xốc ngựa lên, Giảo Kim thuận tay cho một búa vào đầu, Tiết Lương cúi xuống hai tay cầm ngang cây đại đao giơ lên đỡ. Búa xuống mạnh quá khiến cây đao nảy lửa, hai cánh tay Lương chĩu xuống gãy khuỷu xương và hai bàn tay rách toạc ra, máu chảy ròng ròng.

Tiết Lương không còn hồn vía, phi ngựa chạy lấy sống. Quân sĩ mất chủ tướng cũng bỏ xe châu báu tìm đường lẩn hết.

Giảo Kim đang hăng tiết thúc ngựa đuổi theo. Thấy thế nguy Tiết Lương kêu ầm ĩ :

- Chúng ta đã chịu thua để của lại rồi, còn đuổi theo làm gì nữa.

Kim quát :

- Này ta nói đại danh cho mà nhớ: lão gia đây là Trình Giảo Kim còn người nữa là Vưu Tuấn Đạt, chúng ta cho mày sống về mà mách nhau, lão gia sẽ chờ ở đây giết hết.

La Phương và Tiết Lương đang lúc hoảng sợ, lại nhớ lầm là Trình Đạt, Vưu Kim cứ việc nằm rạp trên yên mà chạy về Đăng Châu ngay hôm đó.

Giảo Kim đại thắng quay lại thấy trên xe đầy hòm xiểng, giơ búa bổ một hòm, trúng ngay hòm đựng hai mươi lăm vạn lạng bạc vàng lóng lánh.

Tuấn Đạt nghe được tin vội sai đẩy sáu cỗ xe đến chất các hòm châu báu lên rồi lại phủ kín cấp tốc đẩy về trang viện. Đạt đào một hầm sâu ở vườn hoa, chôn cả hai mươi lăm vạn lạng bạc vàng xuống đấy.

Một mặt sai lâu la phóng hỏa đốt sơn trại, một mặt đặt tiệc lớn ở trang viện khao đại công của Trình Giảo Kim, hai búa đoạt được cả một kho vàng của Cô Sơn vương, dễ dàng nhu bỡn.

Để che mắt thiên hạ, Tuấn Đạt sai mời hai mươi tư vị hòa thượng đem kinh kệ, chuông trống đến lập đàn tràng làm lễ cho tổ tiên, cha mẹ, anh em gì đó. Suốt mấy ngày đêm lễ bái kinh kệ vang cả một vùng, hàng xóm láng giềng rủ nhau đem hương hoa đến lễ, Tuấn Đạt sai làm cỗ chay rất sang trọng khoản đại hết mọi người. Trong khi ấy, Đạt mở cửa một cái hầm sâu có đường ăn lên núi phía sau trang giấu Trình Giảo Kim vào đó.

Nói về La Phương và Tiết Lương hoảng hốt về đến Đăng Châu xin vào yết kiến Cô Sơn vương tức Dương Lâm. Nghe tin hai tướng áp tải xe châu báu vừa đi đã trở về, Dương Lâm giật mình đoán có sự chẳng may, cho vời vào tức khắc.

Phương và Lương quỳ rạp xuống, không dám ngóc đầu lên.

Cô Sơn vương quát hỏi :

- Các ngươi đánh mất lễ vật phải không?

Hai người run sợ đáp :

- Quả có thế. Quân cường đạo dữ dội quá đã lấy sạch cả rồi.

Cô Sơn vương thét to :

- Quân bay đem hai tên này ra chém. Cô gia tin chúng mới giao bấy nhiêu của cải, nay sợ giặc bỏ của cầu lấy sống, lại dám vác đầu về đây còn để cho quân hèn nhát ấy sống làm gì nữa. Áp tải có một cỗ xe cũng không xong, nói gì đến việc phá thành, giết giặc! Bay đâu, chém!

Hai người lập cập cố kêu :

- Bẩm vương phụ, lũ chúng đã xưng tên, chúng tôi còn nhớ. Xin cho đi bắt báo thù.

Vương quát :

- Chúng xưng là gì?

Hai người nói :

- Bẩm, một đưa là Trình Đạt, một đứa là Vưu Kim. Chúng ở rừng Tràng Điệp, tại huyện Lịch thành, phủ Tế Nam, tỉnh Sơn Đông.

Cô Sơn vương tha chết, truyền cởi trói, bảo rằng :

- Đã biết tung tích giặc thì bắt được. Quân bay phạt đánh bốn mươi trượng thật đau!

Đoạn, sai phát quân tướng thẳng tới rừng Tràng Điệp đất Sơn Đông bắt kỳ được hai cường đạo Trình Đạt, Vưu Kim, hẹn đúng trăm ngày phải nộp. Quá hạn thì các quan phủ huyện phải tội đầy sung quân sang Lĩnh Nam, và các quan tiết chế võ hành đều bị cắt chức hết.

Lệnh ấy ban ra, các quan văn võ phủ Tế Nam đều rụng rời sợ hãi.

Công văn chạy đến huyên Lịch Thành.

Huyện quan là Từ Hữu Dực ra công đường gọi chức Mã khoái là Phàn Hổ, chức Bộ khoái là Liên Minh vào, kể rõ việc Cô Son vương bị giặc Trình Đạt, Vưu Kim lấy hai mươi lăm vạn lạng bạc vàng và báu vật khác, rồi nghiêm mặt nói :

- Quân lệnh không nghiêm sao được việc. Vậy nay ta cũng hẹn cho hai người một tháng phải bắt hai tên giặc ấy, cứ ngày ba, ngày sáu, ngày chín phải về phúc bẩm.

Hai người vâng lệnh đem một trăm tên công nhân đi tầm nã, nhưng không biết giặc ở đâu mà tìm, cả hai người bị đánh ba mươi roi.

Bị đòn, hai người hổ thẹn, ra ngoài họp công sai, nói :

- Lũ giặc này chắc nói tên tuổi giả đó thôi. Ta biết đâu mà tình kiếm. Làm việc quan đến thế này thì cơ cực lắm.

Nói rồi cùng nhìn nhau mà ứa nước mắt ra. Một lúc, Phần Hổ nói :

- Đến kỳ phúc bẩm sau, khi bị đòn xong, chúng ta cứ lắm bẹp trước công đường mà không dậy nữa. Quan huyện hỏi tại sao thì chúng ta xin đành chịu chết. Trừ phi Tần Thúc Bảo đại ca đi nã bắt mới xong.

Liên Minh nói :

- Tần huynh đang làm chức Kỳ bà bên dinh quan Tiết độ khi nào chịu xuống huyện đi bắt giặc thay ta.

Phàn Hổ nói :

- Ta thử làm như thế, xem sao đã.

Ba hôm sau, bọn Phàn Hổ vào phúc bẩm, khai rằng chẳng thấy vết tích cường đạo ở đâu. Quan huyện cả giận phạt phạt bốn mươi roi.

Đánh xong, bọn Phàn Hổ không ngóc dậy, kêu rằng :

- Xin đại nhân cho đánh nốt cả mười kỳ sau rồi rủ lòng thương cho vợ con chúng tôi nhận xác đem về mai táng, chúng tôi đội ơn đại nhân lắm lắm.

Quan huyện mủi lòng thương, nói :

- Vây ra bọn cường đạo ấy chịu không bắt được sao?

Chúng đáp :

- Hai tên ấy chắc là ở xứ khác do thám biết xe báu vật qua vùng ta nên chúng đón đợi, cướp lấy rồi đi. Nay tìm kiếm thật là mò kim đáy biển, đại nhân xét cho. Nếu muốn bắt chúng phải nhờ tay Tần Quỳnh, vì Tần Quỳnh biết rõ tung tích những kẻ trộm cướp trong thiên hạ.

Muốn được thành công, xin đại nhân đến dinh quan Tiết độ mà nói, tất quan Tiết độ phải cho Tần Quỳnh đi bắt cướp.

Quan huyện gật đầu, khen phải. Rồi lên ngựa thẳng tới dinh Đường Bích. Nghe tin báo có quan huyện Lịch Thành đến xin yết kiến, Đường Bích sai mời vào Huyện quan Từ Hữu Đức nói :

- Cái tin cường đạo cướp lễ vật của Cô Sơn vương, đại nhân đã rõ.

Chúng tôi sai đi truy nã đạo tặc nhưng không biết chúng ở đâu. Nghe nói viên kỳ bài ở quý phủ tên là Tần Quỳnh trước kia giữ chức đô đầu đi tuần tiễu khắp nơi, đã biết tông tích hết kẻ gian phi, nên ty chức đến đây xin lão gia cho Tần Quỳnh xuống huyện đi bắt cường đạo thì may lắm.

Đường Bích cả giận :

- Ông nói nhầm rồi. Chức kỳ bài của bản phủ lẽ nào cho xuống huyện làm đô đầu cho ông sai phái!

Từ Hữu Đức vội đứng lên vái lạy mà rằng :

- Đại nhân đã thừa biết rằng Cô Sơn vương ra nghiêm lệnh: quá hạn trăm ngày thì các quan văn võ ở miền Sơn Đông ta đây suốt lượt cao thấp đều bị sung đày sang Lĩnh Nam hoặc cắt chức hết. Khi đó nào có riêng gì kẻ hèn mạt nhỏ bé này bị đeo gông đi biệt xứ đâu! Đại nhân nghĩ kỹ cho kẻ mạt quan này được nhờ.

Đường Bích tỉnh ngộ, nói :

- Nếu vậy thì ta cho Tần Quỳnh xuống giúp. Xong việc phải trả lại bản phu ngay.

Hữu Đức vái tạ ơn nói :

- Quân sự phải có nghiêm lệnh, việc mới thành. Tiểu chức sẽ dùng nghiêm lệnh đó đối với chức kỳ bài của đại nhân. Vậy xin cho tiểu chức được tự do dùng quyền mới được việc, đại nhân cũng xét lại cho điều ấy nữa.

Đường Bích nói :

- Ta đã trao người tất nhiên phải thuận theo điều ấy.

Đoạn sai vời chức kỳ bài lên sai đi theo huyện quan xuống huyện để truy nã quân giặc cướp.

Về đến huyện đường, Hữu Đức nghiêm mặt nói :

- Tần Quỳnh làm chức kỳ bài ở dinh quan tiết độ, bản huyện đâu dám trách phạt gì, nay đã tạm về đây phải theo kỷ luật của bản nha.

Tần Quỳnh tạm giữ chức mã khoái, nên hết lòng bắt giặc, hẹn ba ngày một phải vào phúc bẩm, nếu sai kỳ hẹn chớ trách bản quan vô tình.

Thúc Bảo nói :

- Việc truy nã giặc là một việc khó khăn, phải có ngày giờ đi dò la nghe ngóng, nếu theo hẹn ba ngày thì chưa đi khỏi huyện này đã hết hạn rồi, còn làm được gì nữa. Tần Quỳnh tôi cũng lại xin đại nhân xét kỹ cho.

Hữu Đức lại khen Thúc Bảo là minh mẫn, nói :

- Nếu thế thì ta ra hạn là nửa tháng, phải bắt xong cường đạo, ngươi chớ nên chậm trễ.

Thúc Bảo lĩnh mệnh quay ra. Tới cửa nhà đã thấy Phàn Hổ, Liên Minh đứng đón tiếp. Bảo trách :

- Anh em nhường cho ta một món quà tốt lắm!

Hổ xá dài mà rằng :

- Chúng em biết là bất tài bất lực, nay roi trượng mãi, thịt đã nát đau, lại xấu nhục với sai nha, nên phải trông vào đại huynh cứu giúp.

Đai huynh lượng xét cho.

Thúc Bảo đông lòng thương nghĩa bạn, nói rằng :

- Ta há chẳng biết thế hay sao. Vừa rồi nói đùa mà chơi đó, nay các hiền đệ một mặt chia nhau đi dò hai ngả, còn ta đi sang châu huyện xem xét sao mới được.

Thúc Bảo dặn xong, vội vã về lạy thân mẫu, giấu việc đi bắt cướp, sợ mẹ lo buồn.

Lạy mẹ và từ biệt vợ xong, Thúc Bảo đeo đôi kim giản, cỡi ngựa ra đi. Vừa đi vừa nghĩ :

- “Rừng Tràng Điệp là địa phương Vưu Tuấn Đạt, nhưng đã lâu nay hắn bỏ nghề lạc thảo chắc không phải hắn. Thôi đích là bọn Vương Bá Dương, Tề Quốc Viễn, Ly Như Khuê đây. Ta phải đến hỏi xem sao”.

Bèn thúc ngựa thẳng tới Tiếu Hoa sơn. Đến tối mịt tới chân núi, gặp lâu la đang săn mồi, Thúc Bảo sai chúng lên báo.

Bọn Bá Dương nghe tin vội xuống núi nghênh đón. Khi cả bọn lên Tụ Nghĩa sảnh, Thúc Bảo nói :

- Vì việc một bọn nào chặn đường cướp xe chứa hai mươi lăm vạn lạng bạc vàng và các đồ báu vật của Cô Sơn vương tiến nhà vua, nên quan huyện Lịch Thành nhờ ta đi bắt hai cường đạo đó. Chúng tên là Trình Đạt, Vưu Kim. Vây các hiền đệ có dúng vào việc ấy không?

Bá Dương nói :

- Nếu chúng tôi dúng vào thì cần gì phải sang tận rừng Tràng Điệp, mà cần gì phải xưng tên giả. Thực chúng tôi không được biết.

Thúc Bảo có ý không tin. Lý Như Khuê nói :

- Rừng Tràng Điệp ở địa phương Vưu Tuấn Đạt, chắc là hắn mới họp sức với một người nào nữa vớ được chuyến đại phong đó. Có lẽ lũ tướng tá ăn hại kia nghe hắn xưng tên thì vì hoảng sợ quá mà nghe lầm đó thôi.

Tề Quốc Viễn nói :

- Lý huynh nói có lý lắm. Tần đại ca thử đến tra vấn Vưu Tuấn Đạt thì sẽ biết.

Bá Dương sai mổ dê giết lợn làm tiệc. Thúc Bảo nhất định cáo lui, hẹn họp mặt trong dịp làm lễ thọ cho lão mẫu nay mai, đoạn phi ngựa như gió đến trang viện họ Vưu.

Tới nơi, thấy chuông trống om sòm, hỏi trang khách thì chúng đáp :

- Chủ nhân chúng tôi trở lập đàn làm lễ trời phật phủ độ chúng sinh, cả thảy bốn mươi chín ngày, bắt đầu từ hai mươi mốt tháng sáu tới nay chưa mãn khoá.

Thúc Bảo nghĩ thầm :

- Hắn làm lễ khai kinh ngày hai mươi mốt, việc xảy ra vụ cướp ngày hai mươi hai, như vậy hắn làm gì có thì giờ đi ăn cướp. Vậy thôi ta không cần hỏi nữa.

Nghĩ vậy lặng lẽ thúc ngựa đi, thẳng đến Đăng Châu, vào ngay trong thành.

/27

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

adsdoctruyen@gmail.com

DMCA.com Protection Status