Tục Tái Sanh Duyên

Chương 13 - Chương 5.2

/59


Hùng Khởi Phượng ơi! Xin quốc cữu bớt giận làm lành mà nghe tôi nói một lời. Cao Ly tôi là một nước nhỏ, khi nào dám trái mệnh thiên triều. Ngày nay nhân được quốc cữu tới đây, nữ chủ tôi muốn lưu lại trong cung, để cùng nhau đàm luận triều chính, quốc cữu không xét rõ, lại ngờ là có nhị tâm, thì thật rất oan cho nữ chủ tôi vậy. Năm nay thế tử nước tôi đã lên sáu tuổi, cần học vỡ lòng, vậy nữ chủ tôi sai tôi tới đây để bẩm bạch với quốc cữu muốn mời quốc cữu vỡ lòng cho thế tử, rồi qua đầu xuân sau, các đảo lại triều, sẽ cùng tiễn quốc cữu về nước.

Thuận Thiên vương vừa nói vừa tủm tỉm cười. Hùng Khởi Phượng lại hầm hầm nổi giận, đứng dậy mà hỏi rằng:

- Nữ chủ muốn lưu tôi lại để dạy thế tử phải không?

Thuận Thiên vương nói:

- Bẩm vâng!

Hùng Khởi Phượng nói:

- Đại vương ơi! Xin đại vương về tâu với nữ chủ, nói tôi đây dạ sắt gan vàng, dẫu nữ chủ dùng trăm phương nghìn kế gì, cũng không thể lay chuyển được. Từ khi tôi mới bước chân sang đất Cao Ly này thì lòng tôi đã bỏ cái chết ra ngoài vậy. Bây giờ không phải nói chi nữa, chỉ xin nữ chủ tha cho tôi ra khỏi chốn Xuân viên này, để hàng ngày được cùng Doãn thái sư cùng sum họp thì dẫu bắt tôi ở lại đây mấy năm, tôi cũng cam lòng.

Hùng Khởi Phượng nói xong thì Thuận Thiên vương lại tủm tỉm cười mà bảo rằng:

- Hùng quốc cữu ơi! Người ta có thức thời vụ mới gọi là tuấn kiệt. Nữ chủ tôi dẫu là đàn bà, nhưng rất có thao lược, quyết không bao giờ chịu theo ý quốc cữu nào. Đã đành rằng quốc cữu liều không sợ chết, nhưng phụng mệnh thiên triều tới đây, chưa được việc gì, mà đã khiến cho hai nước bất hòa thì sao tránh khỏi được tội “phụng sứ vô trạng”. Huống chi quốc cữu chết ở trong cung cấm, dẫu có một lòng trong sạch, nào ai là kẻ xét tình. Làm thân nam tử, vì việc ám muội mà chết thì tôi cũng tiếc cho quốc cữu vậy. Vả quan Doãn tướng công năm nay tuổi già, nếu quốc cữu bất hạnh làm sao thì tướng công khó lòng được an nhiên mà nước. Bấy giờ thiên triều tất cử binh sang đánh, tình hiếu hòa của hai nước trong mấy mươi năm trời, một sớm thành không, thế thì quốc cữu liều mình mà chết chẳng nên chút giá trị nào cả. Tôi là người Cao Ly, nói năng bộc trực, nửa vì quốc cữu, nửa vì nước tôi. Chi bằng quốc cữu vâng lời nữ chủ, tạm nhận chức tây tân ( tức ông thầy dạy học) này, rồi sau sẽ tùy cơ ứng biến, chắc cũng có ngày vén mây trông thấy mặt trời. Nếu quốc cữu thuận nghe lời tôi thì hôm nào thư thả, tôi xin cùng quốc cữu giải bày tâm sự. Có lẽ chỉ trong một năm, quốc cữu sẽ về nước được, mà cũng là hạnh phúc cho thần dân nước Cao Ly chúng tôi. Vừa rồi, tôi có vào yết kiến quan Doãn tướng công thì người nghe tôi nói cũng không hề nổi giận. Hiện đã nhận chức tu bổ quốc sử, và sai người mang biểu về dâng thiên triều. Tôi chắc thiên triều xem bản tâu ấy, cũng không khi nào có sự trở ngại.

Hùng Khởi Phượng nghe lời, nín lặng không nói câu gì. Thuận Thiên vương lại hỏi:

- Thế nào? Ngài có bằng lòng như thế không?

Hùng Khởi Phượng nói:

- Đại vương đã dạy, tôi xin vâng lời. Nhưng đại vương nên tâu với nữ chủ rằng: - đã cử tôi làm chức tay tân mà lại giam hãm tôi như thế này thì còn ra nghĩa lý chi nữa. Vậy nên để cho tôi được tự do đi ngao du trong nước. Ra vào hầu hạ, đã có nội giám, cấm không cho cung nữ đến quấy nhiễu tôi. Tính tôi ưa tĩnh, khi thế tử đến học, cũng không cho cung nữ đưa đến. Nếu trái lời tôi nói thì tôi xin từ chức tây tân.

Thuận Thiên vương cả cười mà đáp rằng:

- Nếu vậy hay! Quốc cữu thật là một ông mô phạm tiên sinh! Việc này tôi xin tuân mệnh, nhưng tôi có mấy lời tâm phúc ngõ cùng quốc cữu: Trong khi quốc cữu dạy bảo thế tử nên phải lưu ý một chút.

Nói xong, cáo từ lui ra. Lại vào tâu với Nam Kim nữ chủ rằng:

- Muôn tâu nữ chủ! Kẻ hạ thần phụng mệnh đến nói với Hùng quốc cữu. Lúc đầu quốc cữu cố chấp không chịu nhận lời về sau kẻ hạ thần hết sức khuyên nhủ, bấy giờ quốc cữu mới chịu nhận. Vậy nữ chủ nên truyền chọn ngày lành tháng tốt để cho thế tử đi học vỡ lòng.

Nam Kim nữ chủ nghe nói mừng lòng, nghĩ thầm: “Ngày nay ta hãy dùng cách giữ chàng ở lại, rồi dần dà sẽ liệu kế sau”. Bây giờ Nam Kim nữ chủ trọng thưởng cho Thuận Thiên vương và truyền chỉ cho Khâm Thiên giám tức khắc chọn ngày lành tháng tốt làm lễ vỡ lòng cho thế tử.

Lại nói chuyện trong triều nhà Nguyên, từ khi hai quan sứ thần đi sang Cao Ly rồi, chính sự khác trước hết cả. Đồ Man Hưng Phục thăng chức binh bộ thượng thư, hai con trai đều làm tổng trấn ngự lâm quân. Chúng ỷ thế nội giám Mã Thuận mà làm càn, Mã Thuận thì ngày đêm hết sức ô mị Phi Giao hoàng hậu, để mưu hại Lương thừa tướng. Một hôm, vua Anh Tôn tiếp được tờ biểu cáo tang của vợ chồng Hoàng Phủ Thiếu Hoa gửi đến, động lòng thương xót. Thượng hoàng ở nam nội cũng thương khóc một vị hiền thần. Thái hậu lại càng đau xót không biết dường nào, suốt ngày cứ vật mình lăn khóc, Phi Giao hoàng hậu nghe được tin ấy mừng thầm mà nói một mình rằng:

- Nếu vậy hay! Cha mẹ ta có tang, không tới đây được thì chính sự trong triều sẽ về một tay ta quyết đoán.

Phi Giao hoàng hậu mặt ngoài cũng giả cách bi ai khóc lóc, mấy hôm không vào nam nội vấn an. Vua Anh Tôn giao cho Lễ bộ quan bàn việc tuất điển. Lễ bộ quan tâu rằng:

- Muôn tâu bệ hạ! Kính vương nguyên là thân phụ thái hậu, lại là tổ phụ hữu hoàng hậu (Phi Giao) thì tuất điển phải đặc cách gia tăng.

Phi Giao hoàng hậu thấy tờ tâu cố ý can ngăn mà nói với vua Anh Tôn rằng:

- Bệ hạ nên truyền phán cho Lễ bộ quan cứ chiếu lệ thân phụ thái hậu mà định tuất điển, còn tôi đây là người thế nào mà dám viện lệ dự bàn đến việc ấy. Vả theo lệ thường thì trong cung chỉ có một hoàng hậu, nay tôi được phong làm hữu hoàng hậu, là quá lạm rồi. Dẫu sao cũng phận thứ phi quyết không nên việt lễ. Nếu như lời lễ bộ quan nói thì chẳng những trái với lòng khiêm tốn của tôi mà e rằng tổ phụ và tổ mẫu tôi ở dưới suối vàng, cũng không muốn vì tôi mà chia cái vinh quốc thích vậy.

Phi Giao hoàng hậu nói xong, nét mặt rầu rĩ, rồi thở dài một tiếng, hai hàng nước mắt lã chã tuôn rơi. Vua Anh Tôn thấy vậy vội vàng đỡ dậy mà khuyên giải rằng:

- Ái khanh ơi! Ái khanh chớ lấy làm phiền muộn. Hiện nay Hùng hậu đang bị bệnh, chưa biết sống chết thế nào. Nếu Hùng hậu tạ thế thì ngôi chánh cung hoàng hậu kia không phải là ái khanh thì là ai...

Lại nói chuyện phò mã Triệu Câu nghe tin tổ phụ và tổ mẫu tạ thế, tức khắc dâng biểu về chịu tang. Thượng hoàng bất đắc dĩ cũng phải chuẩn tấu. Phi Loan quận chúa ngẫm nghĩ đứt từng khúc ruột. Bình Giang vương Hùng Hiệu thấy vậy, càng động lòng xót thương. Vệ Dũng Nga vương phi khóc lóc mà than rằng:

- Nghĩa phụ và nghĩa mẫu ta bấy lâu vẫn coi ta như con đẻ, ai ngờ đến lúc tạ thế mà ta không được đứng bên trong khi khâm liệm thì lòng này bao quản xót xa! Lương Cẩm Hà phu nhân thấy Phi Loan quận chúa thương khóc cũng tìm lời khuyên giải, còn Hùng Khởi Thần thì ra vào nâng đỡ hai thân. Hùng Hiệu nói với Vệ Dũng Nga vương phi rằng:

- Ngày nay phò mã Triệu Câu cáo về chịu tang, chi bằng ta cho Hùng Khởi Thần cùng đi luôn thể. Trước là viếng tang sau là về thăm quê nhà vậy.

Vệ Dũng Nga vương phi nghe nói gạt nước mắt mà vâng lời. Hùng Khởi Thần vội vàng bẩm rằng:

- Dám bẩm hai thân! Việc viếng tang, sai một tên người nhà đem lễ vật đi cũng được, hà tất phải bắt con đi. Vả anh Hùng Khởi Phượng con đi vắng thì con đi sao tiện, lấy ai làm người hầu hạ hai thân. Huống chi con đang đi học, cũng không khỏi sao nhãng.

Hùng Khởi Thần nói chưa dứt lời thì Hùng Hiệu liền nổi giận mắng rằng:

- Ta sai đi viếng tang mà con dam trái lời hay sao! Con nên biết rằng Hoàng Phủ Tương Vương là bạn chí thân với ta, tức là nhạc phục của con đó. Bấy lâu ta xa cửa lìa nhà liều chết cố sống đem thân ra nơi chiến trường để giúp bạn, mà bạn ta cũng coi ta như tay chân, một lòng sống chết có nhau. Ngày nay bạn ta có tang, vợ chồng ta không thể đi được, mới phải sai con, cớ sao con lại từ chối.

Hùng Khởi Thần run sợ quỳ xuống mà thưa rằng:

- Con xin vâng mệnh! Con xin vâng mệnh!

Hùng Khởi Thần nói chưa dứt lời thì bỗng thấy gia tướng vào bẩm rằng:

- Bẩm lão gia! Có phò mã Triệu Câu xin vào yết kiến.

Vợ chồng Hùng Hiệu đứng dậy nghênh tiếp. Phò mã Triệu Câu nét mặt buồn rầu thưa rằng:

- Dám thưa cô phụ và cô mẫu! Sáng mai thì điệt nhi về chịu tang, xin cô phụ phải lưu ý việc quốc chính. Thái hậu quá bi thương, ai là người khuyên giải. Còn Phi Giao độ này đã có ý lộng quyền, Đồ Man Hưng Phục giao thông với Mã Thuận mà ngày đêm làm mê hoặc thánh thượng, hai con trai hắn lại ra sức luyện tập quân mã, điệt nhi chắc sau này chúng tất làm càn. Điệt nhi đã mật bẩm với Lương thừa tướng, nhưng ngài chỉ một lòng tận trung mà không biết tùy cơ ứng biến, khó tránh khỏi tai vạ về sau. Hôm nay điệt nhi về quê nhà, chảng hay em Phi Loan có muốn nhắn câu gì chăng?

Vệ Dũng Nga vương phi mời phò mã Triệu Câu ngồi, rồi sai gọi Phi Loan quận chúa. Bây giờ Phi Loan quận chúa đã mặc đồ tang phục, trông thấy anh liền khóc òa lên, Triệu Câu cũng khóc. Hùng Hiệu khuyên giải mà rằng:

- hiền điệt ơi! Con chớ lo phiền, cứ để em con ở đây, không ngại chi cả. Con về chịu tang nên mau mau mà lại tới đây.

Vệ Dũng Nga vương phi nói:

- Điệt nhi về chuyến này, chớ tới đây vội, nên hãy ở nhà mà chờ tin tức xem sao. Nhà ta đây khó lòng tránh khỏi tai vạ, bấy giờ điệt nhi sẽ đem thân báo quốc về sau. Hùng Khởi Thần theo viếng tang, ta xin gởi lại đấy để giữ lấy dòng dõi họ Hùng, chớ khiến trở về kinh địa; còn như Hùng Khởi Phượng đi sứ, cũng vị tất đã được về nào.

Vệ Dũng Nga vương phi vừa nói vừa ứa hai hàng nước mắt xuống. Hùng Khởi Thần liền ôm lấy mà khóc rằng:

- Thân mẫu ơi! Thân mẫu nỡ lòng nào dứt tình bắt con phải đi nơi khác. Con há phải là phường tham sống, khi nào hịu rời bỏ hai thân. Thôi thì sống chết cố mệnh, con xin ở luôn dưới gối cha mẹ vậy.

Nói xong, hai tay cứ ôm chặt lấy mà nức nở khóc lóc. Tình cảnh ấy, khiến người trông thấy, dẫu gan sắt đá cũng phải xót thương. Vệ Dũng Nga vương phi đứng ngẫn người ra, không nỡ buông lời sỉ mắng.

Hùng Hiệu liền nổi giận mà rằng:

- Hùng Hiệu này, không ngờ lại sinh phải đứa con bất hiếu. Chẳng thà liều một mũi gươm, cho khỏi bị tay đứa quyền gian kia vậy.

Nói xong, tức khắc rút thanh bảo kiếm. Phò mã Triệu Câu quì xuống mà can rằng:

- Cô phụ ơi! Biểu đệ con hãy còn trẻ dại, xin cô phụ hãy dung thứ cho một phen.

Vệ Dũng Nga vương phi cũng nói:

- Thôi, lần này là lần đầu, hãy tha thứ cho nó. Ta đã sửa soạn đồ tư trang, con nên mau mau khởi hành.

Hùng Hiệu buông thanh kiếm xuống, vẫn còn hầm hầm tức giận mà quay trở ra. Phò mã Triệu Câu cũng xin cáo từ.

Phi Loan quận chúa nói ra không tiện, chỉ gạt nước mắt khóc thầm. Vệ Dũng Nga vương phi đem tập tranh “bách mỹ” trao cho Hùng Khởi Thần mà bảo rằng:

- Đây là tập tranh của cô mẫu đưa cho, con nên giữ gìn luôn ở cạnh mình, chớ để thất lạc. Còn một hạt minh châu này, khi trước thân phụ con ra trận lấy được, đem dâng thiên tử, thiên tử lại ban cho thân phụ con. Về sau thân phụ con dùng làm đồ sính lễ để cưới ta đó, ngày nay ta bỏ vào trong cái túi nhỏ, để con đeo ở cạnh mình.

Hùng Khởi Thần vừa khóc vừa vâng lời dặn bảo.

Lại nói chuyện phò mã Triệu Câu về phủ, từ biệt cùng em là Triệu Lân. Triệu Câu nói:

- Hôm nay anh đã được thánh thượng phê chuẩn, sáng mai sẽ khởi hành. Nhưng anh xem thần sắc thái hậu độ này suy kém, không được lanh lợi như xưa, các thái y quan bốc thuốc, đều chẳng thấy công hiệu. Hôm trước anh đã tâu rõ với thượng hoàng là em có am hiểu y lý, vậy em nên vào cung trông nom việc thuốc thang. Lại còn một việc, em vốn tính ôn hòa, hoặc thừa cơ mà tâu bày bệnh tình của chánh cung hoàng hậu thực giả thế nào. Em xem hễ có long thai thì nên dùng cách mà bảo toàn cho được vô sự. Việc ấy chẳng những báo đáp triều đình, mà lại có thể bảo toàn được cho cha mẹ. Gia Tường công chúa vốn là người hiền đức, có thể tin cậy được, gặp việc gì khó khăn cũng nên báo cho công chúa biết.

Triệu Lân nghe nói gạt nước mắt mà nói:

- Thân huynh ơi! Em cũng lo cho nhà Hoàng Phủ ta lắm, không biết có bảo toàn được thủy chung hay không?

Hai anh em đàm luận cùng nhau hồi lâu, phò mã Triệu Câu lại trở vào trong phòng. Gia Tường công chúa đứng dậy đón, rồi cùng nhau ngồi nói chuyện. Tính trước bàn sau, than dài thở ngắn, hai vợ chồng đều nhỏ nước mắt khóc. Gia Tường công chúa truyền các nữ tỳ lui ra, rồi khẽ bảo phò mã Triệu Câu rằng:

- Hôm trước nội giám Quyền Xương thuật chuyện cho tôi nghe rằng: Phi Giao hoàng hậu tâu thánh thượng nói ba vị thân vương ở nam nội được thượng hoàng và thái hậu tin yêu làm nhiều điều trái phép, vậy thánh thượng nên nghĩ cách mà chia phong cho mỗi người đi một chỗ, cho được yên việc trong cung. Bà Ôn phi và Mai phi cũng xin cho đi theo con, để khỏi đem những lời sàm báng mà tâu với thái hậu. Thánh thượng nghe lời tâu, dẫu ngần ngừ chưa phán bảo thế nào, nhưng tiô chắc rằng ba vị thân vương tất không được ở nam nội nữa.

Phò mã Triệu Câu nghe nói mừng mà bảo rằng:

- Nếu vậy thì hay! Tôi đây sẽ có kế, nhưng bây giờ nói ra không tiện. Công chúa ơi! công chúa nên đề phòng cẩn mật chớ lộ hình tích cho ai biết, trước là khiến thượng hoàng và thái hậu được yên lòng, sau là hộ vệ cho Hùng hậu ở trong cung được an toàn vô sự. Còn ngoài ra đất lở trời nghiêng đã có Triệu Câu này. Ngày nay xin dặn một điều thiết yếu là nên tâu cho em tôi là Triệu Lân vào làm y quan, để trông nom việc thuốc thang co thái hậu và Hùng hậu thì họa may long thai của Hùng hậu mới khỏi bị hại vậy. Tôi chỉ nhờ công chúa một việc ấy, còn việc tôi đi chuyến này đường sá xa xôi, công chúa bất tất phải lo ngại.

Gia Tường công chúa nức nở khóc mà đáp:

- Phò mã ơi! Xin phò mã thay tôi dâng lời thăm hỏi hai thân, chỉ vì quốc thể mà tôi không thể cùng đi được. Phò mã nên khuyên hai thân chớ quá nghĩ, Phi Giao hoàng hậu lộng quyền như thế, nếu Mạnh vương phi ta tới đây thì có lẽ cũng bớt được một vài.

Hai vợ chồng đàm luận cùng nhau cho đến sáng. Sáng hôm sau, phò mã Triệu Câu khởi hành về chịu tang tổ phụ và tổ mẫu. Hùng Khởi Thần cũng theo về viếng tang luôn thể. Còn Triệu Lân thì được vào làm thái y quan.


/59

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

adsdoctruyen@gmail.com

DMCA.com Protection Status