Vạn Dặm Hoa Đào Trong Mưa Hạ

Chương 8: Mưu sĩ Nham thành[1]

/49


Tô Mộc vội vàng hỏi khi thấy ta bước vào sân luyện tập: “Hạ Vũ, nghe nói ngươi muốn ứng cử làm mưu sĩ. Thượng tướng quân trả lời thế nào?”

Nửa canh giờ trước, ta đang tập luyện với Tiết Thống thì có hai binh lính bên cạnh buôn chuyện, hai người họ nói lần này chỉ huy quân Đại Phù tiến đánh thành là Lý tướng quân, còn có cả con trai ông ta đi theo.

Lý tướng quân Lý Nguyên Hạo là nhà chiến lược xuất chúng của Đại Mạc, rõ ràng không phải tướng nào cũng có thể đối đầu được với ông ta. Ngày trước, cha ta là người duy nhất chiến thắng Lý tướng, sau nhiều trận đánh ông rút ra được: “Lý Nguyên Hạo là người cẩn trọng, luôn tuân thủ tiên phát chế nhân[2].”

Ta biết rõ trận này Bàng tướng tuyệt đối không phải là đối thủ của ông ta mà Nham thành này là nơi cha ta đặt hết tâm huyết công sức giữ gìn, ta không thể cứ giả ngây không làm gì cả được.

“Vì sao ngươi muốn làm mưu sĩ, chẳng lẽ sợ chết không dám ra chiến trường?”

“Toàn bộ vùng phía Bắc đã bị Thái tử Đại Phù ép giao ra thỏa hiệp không đem quân tiến vào hoàng cung, nếu bây giờ Nham thành cũng bị chiếm thì Đại Mạc coi như chẳng còn nữa rồi. Nước mất thì nhà tan, thân là con dân Đại Mạc liệu có sống nổi dưới dấu chân của kẻ địch.”

Bàng tướng nhìn ta hồi lâu sau đó bàn tay nắm thành quyền tức giận đập xuống bàn gỗ: “Là ngươi nghĩ ta không đấu lại lão già đó.”

Ta không lên tiếng phản bác. Bàng Dũng là người dũng mãnh, tuy không phải là tướng giỏi nhưng cũng không phải là kẻ bù nhìn không quyền lực, nếu không mấy năm nay Nham thành cũng chẳng giữ nổi rồi. Hắn nổi tiếng thẳng thắn, một khi đã hỏi vậy tất nhiên đã biết được câu trả lời, ta cũng không cần phải nói đỡ làm gì.

Trong phòng yên lặng hồi lâu, hắn đang cân nhắc thiệt hơn, thà để hắn chỉ huy nếu thua thì hắn sẽ chịu trận, nhưng để ta cầm quân một khi thất bại hắn sẽ áy náy khôn nguôi. Thứ hắn cần là một sự đảm bảo từ ta, vậy thì ta chỉ việc đưa cho hắn.

“Môn khách[3] Hữu tướng phủ Diệp Hạ Vũ được Hữu tướng Diệp Chính cử đến đây hỗ trợ Thượng tướng quân bảo vệ Nham thành. Nếu tướng quân còn nghi ngờ ta sẽ cho người xem bằng chứng.”

Ta rút ra một ống tre rỗng ruột buộc với nắp đậy bằng chỉ đỏ, hắn nhận lấy mở ra, bên trong là tờ giấy được cuộn tròn ghi vỏn vẹn ba chữ: Diệp mưu sĩ, còn có dấu triện[4] Diệp Chính.

“Là bút tích của Hữu tướng.” Hắn ngẩn người kinh ngạc rồi thoáng chốc nước mắt rơi khiến ta cũng kinh vì thiên nhân[5] không kém. Đường đường là một tướng quân lẽ nào vì vài chữ là lệ rơi mau chóng đến vậy. Hắn dường như hiểu được ý nghĩ của ta, gấp tờ giấy lại bỏ vào ống tre cẩn thận cất trong tủ.

“Hữu tướng ngày đó là người cưu mang cả gia đình ta trong chiến tranh hoạn nạn, nếu không có người ta đã chẳng thể đứng đây mà chỉ huy ba quân. Nghe tin người hoăng[5] mà chẳng kịp gặp lần cuối, ta đã bao đêm không ngủ vì tiếc nuối không nguôi, nay nhìn chữ mà ngỡ người vẫn ở đây, chỉ là xúc động không cầm được nước mắt. Xin Diệp mưu sĩ đừng chê cười.”

Hắn đã thay đổi cách xưng hô chứng tỏ đã thừa nhận thân phận của ta.

“Thời thế xoay vần, ai đoán trước được điều gì sẽ xảy tới.” Nhưng thời thế cũng là kết quả của con người.

Bàng tướng lau nước mắt, lấy lại tinh thần, trải tấm bản đồ da thuộc lên mặt bàn, nghiêm nghị nói:

“Theo tin mật báo, lần này tướng chỉ huy chính là Lý Nguyên Hạo với tám mươi vạn quân trong tay. Tuy nhiên ông ta để con trai là Lý Khởi Nghiêm ra trận đầu chỉ huy hơn ba mươi vạn quân.”

“Tổng cộng chính quân[6] mà chúng ta có là khoảng sáu vạn, rõ ràng là quân Phù chiếm ưu thế hơn về mặt số lượng.”

“Ta có thể điều động thêm dân trai tráng trong làng trên mười lăm tuổi, có thể được khoảng hai vạn.”

Tổng cộng là tám vạn quân, trong khi quân địch gấp mười lần, trận này không thể đánh trực diện được. Ta đã từng nghe đồn Lý Khởi Nghiêm đọc thuộc làu sách binh của cha hắn, nhưng lại chưa thực chiến lần nào, người này có thể chỉ là kẻ khuôn khổ không biết ứng biến. Lý Nguyên Hạo lại giao gần một nửa binh lực vào tay hắn chứng tỏ ông ta đã chắc chắn người ứng chiến là Bàng Dũng.

“Trận này muốn thắng chỉ có thể che mắt quân địch lợi dụng thời cơ đánh nhanh thắng nhanh…”

Mà muốn che mắt quân địch đầu tiên phải đánh lừa quân mình trước, ta cười nhạt trả lời Tô Mộc nãy giờ đang nhìn ta chằm chằm chờ đợi: “Tiếc quá, âm mưu chẳng thành.”

Kết quả là Tiết Thống cười thẳng vào mặt ta chế giễu.

Mười ngày sau, đúng như dự đoán, Lý Nguyên Hạo dẫn tám mươi vạn quân Phù đóng quân dựng đại trại ở bờ bên kia sông Lạp chỉnh đốn quân ngũ một ngày.

Ngày mười tám tháng tám năm Định Xuyên thứ nhất, Lý Khởi Nghiêm dẫn đầu hai mươi vạn quân khiêu chiến, tướng tiên phong của Nham thành là Tô Mộc đem khoảng hai vạn quân nghênh chiến, theo lệnh của Bàng tướng chỉ có thể thua không được thắng. Đánh rồi rút vào, rồi lại ra đánh rồi lại rút vào, liên tục ba ngày, đến ngày thứ tư Lý Khởi Nghiêm mặc kệ lời của Lý Nguyên Hạo thừa thắng xông lên, ra lệnh toàn bộ ba mươi lặm vạn quân trong tay vượt sông Lạp tiến đánh Nham thành. Ngay lúc Lý Khởi Nghiêm và ba mươi vạn quân đầu tiên mới vượt sông, cánh quân tinh nhuệ tập hậu từ hai bên tả hữu xông ra chặn ngang cắt đôi quân Phù, một bên vây phần quân Phù theo Lý Khởi Nghiêm cô lập bọn chúng, phần còn lại nhân lúc năm vạn quân đang lóng ngóng dưới sông thì dùng tên bắn hạ gần hết.

Từ ngày hai mươi mốt đến ngày ba mươi tháng tám, quân của Lý Khởi Nghiêm bị quân Nham thành cô lập không dám xuất chiến, buộc phải đóng quân giữa rừng núi, dựng tạm hào lũy tự vệ chờ viện binh. Quân động viên[7] được lệnh chặn đánh đường cứu trợ của từ Lý Nguyên Hạo khiến ba mươi vạn của Lý Khởi Nghiêm thiếu thốn lương thực, binh sĩ giết hại lẫn nhau, khí thế sụt giảm. Nhiều lần ra đánh đều bị quân Mạc dũng mãnh đánh phá.

Ngày ba mươi mốt, khi chỉ còn Lý Khởi Nghiêm và một cánh quân tinh nhuệ liều chết phá vây, hy vọng mở đường máu thoát ra nhưng khi xông ra bị quân Mạc dùng cung nỏ bắn trúng, bắt sống Lý Khởi Nghiêm. Bàng tướng ra lệnh không giết mà trả lại cho quân Phù nhằm ra oai chế nhạo quân địch.

Trận chiến lấy tám vạn địch tám mươi vạn ở Nham thành vừa vây vừa chia cắt[8] tạo nên tiếng tăm lẫy lừng trước nay chưa từng có, chủ tướng ở các thành gửi thư chúc mừng không ngớt, chỉ có mỗi lũ quan lại trong kinh sợ hãi trách móc, cho rằng làm thế sẽ khiến Hoàng đế Đại Phù nổi giận. Ta chỉ cảm thấy nực cười, bọn chúng không muốn mất thành lại không cho chống trả, hèn gì lục thành thì có đến ba nổi dậy thành vùng tự trị.

Gọi là đánh nhanh thắng nhanh nhưng hậu quả sau cuộc chiến không phải là không có, một ngàn quân tử trận. Lần đầu tiên ta thấy nhiều người chết như vậy, trong lòng vô cùng khó chịu, rốt cuộc vẫn không thể đưa ra kế sách vẹn cả đôi đường.

“Khoác giáp cầm thương xông pha sa trường, chuyện sinh tử đã sớm bỏ lại sau đầu rồi, chỉ cần sự hy sinh của chúng ta không phải là điều vô nghĩa thì đã là niềm an ủi lớn nhất rồi. Ngươi mới lần đầu ra chiến trận, cảm thấy một ngàn là một con số quá lớn, còn ta thì đã chứng kiến những trận mà thây chết chất thành núi, từng huynh đệ gục ngã trên đất thân đầy máu, lúc đó mới hiểu thì ra đây chính là chiến tranh. Rất tàn khốc.”

Ta nằm dài trên bãi cỏ, bên cạnh là Tiết Thống mọi ngày vẫn luôn vui vẻ cạnh khóe ta bây giờ bỗng trở nên trầm lặng xa xôi.

“Có phải một ngày nào đó, ta cũng sẽ trở nên trơ lì với cảm xúc như vậy, nhìn thấy bao nhiêu người chết đi vẫn bình tĩnh như ngươi.”

Bình tĩnh như bầu trời đêm kia, dù khắp nơi khói lửa chém giết, dù đâu đâu cũng nghe thấy tiếng kêu gào thảm thiết, vẫn sao mọc sao lặn, vẫn trăng tròn trăng khuyết. Là trời đất vô tình hay hữu ý?

“Đôi khi ta cảm thấy ghê tởm chính bản thân mình, vì sao ta vẫn có thể lạnh lùng dẫm đạp lên thân thể đồng đội mà vung đao, cảm giác tim đập chân run ngày trước đã không còn nữa. Phải chăng ta đã trở thành một kẻ máu lạnh chỉ biết giết người? Ta đã đem thắc mắc ấy hỏi Tô Mộc, ngươi biết hắn trả lời sao không? Hắn nói hắn cũng không biết, ha ha.”

Rõ ràng là cười nhưng sao lại đầy bi thương.

Ta hít một hơi đầy lồng ngực khí đêm trong lành, từ trên đồi cao nhìn xuống doanh trại sáng rực bên dưới, quân lính vẫn say sưa uống rượu hát hò chúc mừng chiến thắng làm lòng ta càng thêm rối bời. Trận chiến này chỉ mới bắt đầu, tám mươi vạn quân không phải chỉ là một con số, Phù đế[9] lần này đã quyết tâm thâu tóm cho bằng được Đại Mạc, ta biết Nham thành nhỏ nhoi này chẳng thế chịu nổi cơn càn quét này, chỉ có thể đánh trận nào hay trận đấy. Sau đêm nay, kẻ địch sẽ không còn là Lý Khởi Nghiêm non nớt yếu kém mà là Lý Nguyên Hạo thận trọng lão làng, kinh nghiệm đầy mình.

“Tiết Thống, vì sao ngươi lại chiến đấu?”

“Hả, là sao?”

“Không lẽ ngươi không biết, toàn bộ đất phía Bắc đã bị cắt cho Đại Phù, quan lại đút túi vàng bạc làm của riêng quốc khố chỉ còn là tượng trưng, Dao thành bị chiếm cắt đứt đường liên lạc giữa thành chúng ta và Tuyên môn thành[10], hạn hán Tuyền châu, vỡ đê Bình Giang, nạn đói khắp nơi, cả kinh thành cũng không thoát. Bên trong Đại Mạc thật sự đã mục nát hết rồi, có phải là vô nghĩa quá không khi để biết bao người phải hy sinh?”

“Cái con khỉ chết tiệt này.” Tiết Thống đánh một cái thật mạnh làm ta ong cả đầu, “Càng thế lại càng phải chiến đấu, hơn nữa ta ra chiến trường đâu phải vì bọn tham quan đó.”

Ta cười như mếu: “Ta thật sự là có hơi sợ chết.”

“Xem ra ta kết bạn nhầm người rồi.”

Hắn đứng dậy phủi đất bụi trên áo quần vào mặt ta, khinh bỉ bước đi trước, ta không cam tâm bị bỏ lại phía sau, đứng lên đuổi theo chọc ghẹo hắn.

“Ấy, ngươi coi ta là bạn rồi đấy. Bằng hữu là phải tôn trọng ý kiến nhau chứ, ta chưa cho phép ngươi bỏ ta mà. Đi đâu đấy.”

“Đi rèn lại mắt nhìn người.”

“Tiết Thống à, Thống Thống à[11], Tiểu Tiết à[12]. Đợi người ta với.”

“Im miệng!”

Thật ra, ở kinh thành cũng vậy, ở Nham thành cũng vậy, sau này ở Đại Mạc cũng vậy, ta đã không còn cảm thấy cô đơn nữa bởi vì luôn có một người, từng xuất hiện, đang xuất hiện, rồi sẽ xuất hiện, xoa dịu một kiếp nhân sinh khốc liệt này.

Chú thích:

[1] Mưu sĩ: người giỏi tính toán bày mưu, đứng sau các tướng để giúp đỡ lập trận. Mưu sĩ giỏi là một phần dẫn đến chiến thắng mà tổn thất thấp, ví dụ như Quách Tử Nha (mình cuồng ông này cực, hay là viết truyện xuyên không về làm mưu sĩ nhể), Khổng Minh, Ngô Thời Nhậm, Trần Văn Kỷ...

[2] Tiên phát chế nhân: chủ động ra tay trước để chiếm ưu thế trước đối phương.

[3] Môn khách: những người có tài năng được giới quý tộc quan lại coi trọng và nuôi dưỡng trong nhà phòng khi cần dùng đến. In fact: Phạm Ngũ Lão, Trương Hán Siêu là hai trong nhiều môn khách của Trần Hưng Đạo. Thường thì môn khách không được biết đến nhiều vì họ thầm lặng đứng sau sự thành công của chủ, chỉ nổi tiếng khi được tiến cử trong trường hợp trong Trần Hưng Đạo.

[4] Dấu triện: thời xưa khi vẽ tranh đề thơ hoặc ban chiếu chỉ... vua, quan lại, thi nhân, văn nhân thường dùng ấn khắc tên mình hoặc chữ đại diện cho mình đóng dấu lên đó để thể hiện là mình viết, tránh trường hợp bị giả mạo những loại giấy tờ quan trọng. Vì được khắc theo thể

/49

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

adsdoctruyen@gmail.com

DMCA.com Protection Status