Vấp Ngã Tuổi Hai Mươi

Chương 17: Nam và cuộc sống của gia đình cậu ấy

/30


- Cậu nên in là:” Cần người ở ghép”, chứ đừng có in rõ rành rành là:”Cần nữ ở ghép” như thế này, hiểu không Di Đan?

Nam xé luôn tờ giấy A4 thông báo của tôi dán trên cột điện trước nhà, làu bàu vài ba tiếng rồi lẳng lặng đi thẳng vào phòng. Tôi rót nước lọc cho Nam và biết cậu ấy đã dùng rượu, cho nên nói gì hay mắng nhiếc vào lúc này đều là điều không hay cả. Sau một hồi nghe “ông cụ non Nam” trình bày, tôi cũng hiểu qua loa là cậu ấy vừa mới cãi nhau với anh Hải, mà chính bản thân cậu cũng không hiểu nguyên nhân là vì sao. Nam muốn ra ngoài ở, nhưng hiện vẫn chưa tìm được phòng trọ và muốn ở phòng của tôi một vài hôm. Tôi không đồng ý ngay lập tức, khuyên Nam hãy sang sống tạm vài hôm ở bên đám bạn học chung lớp. Nam lắc đầu, khó chịu:

- Lúc trước có tiền, giao du với dân Sài Gòn hoặc đám bạn lúc nào cũng rủng rỉnh tiền trong túi không à, có để ý gì đến dân tỉnh lẻ đâu. Giờ túi thủng, tiền rơi mất quá nửa, chẳng ai muốn tiếp đón mình nữa cả. Đan thừa hiểu điều này hơn Nam mà…

- Sáng mắt ra chưa? – Tôi nguýt dài khiến sắc mặt Nam tối sầm hẳn lại.

- Nam sẽ kiếm nhà trọ, không làm phiền Đan lâu đâu. Cùng lắm là chân cầu bên kia kìa, nam nhi chỗ nào chẳng là nhà. Đan nhỉ? – Nam vừa nói vừa chỉ tay ra ngoài cửa, giọng điệu vẻ dỗi hờn.

Tôi mắc cái chứng thở dài, thấy Nam vừa đáng trách lại vừa đáng thương. Tôi nói Nam hãy cứ nghỉ ngơi đi, còn tôi sẽ nấu bữa cơm chiều. Nét mặt Nam mừng lên trông thấy:” Đan tốt bằng trời luôn”, khiến tôi cũng muốn cười nghiêng ngả.

- Ở với Đan sẽ rất khổ, không có bếp ga lớn, nồi inox đẹp hay cơm nấu từ gạo thơm ngon đắt tiền, và thậm chí là có thể sẽ phải ăn mì gói vào cuối tháng nếu tháng đó phát sinh thêm tiền sinh nhật, tiền học thêm, …. Ở phòng của Đan không rộng rãi, không thoáng mát bởi điều hòa mà chỉ có gió trời và tán cây lớn trước nhà thôi. Chịu nổi thì Nam ở đỡ vài hôm trong thời gian tìm phòng trọ, nếu không thì vài ba hôm nữa cho nguôi ngoai con giận rồi về xin lỗi anh Hải. Dẫu sao, anh cũng lớn hơn mình nhiều tuổi mà. Việc giận dỗi rồi bỏ ra khỏi nhà như thế này, họ sẽ nghĩ mình còn trẻ con đó. Đúng là Nam ngốc!

Nam chẳng nói năng gì nữa, cái nhìn chằm chằm đổ dồn về khu vực nấu nướng khi tôi vừa nhặt rau vừa giảng giải cho Nam hiểu rõ vấn đề. Mà tôi cũng không biết lời mình nói vừa rồi Nam có nghe hay không. Tôi tỏ vẻ bực mình rồi gắt gỏng:

- Có nghe Đan nói gì không vậy? Hả?

- Nghe.

- Thấm thía không? Hay là Đan nói sai?

- Nước đổ đầu vịt rồi, nghe mà không nhớ tẹo nào cả.

- Đan xin. Đan đi xỉu đây.

Đó là bữa cơm chung thứ hai của chúng tôi tại căn phòng trọ nhỏ, rộng khoảng mười sáu mét vuông này. Khác với lần trước, tinh thần của tôi cực kì thoải mái, nét mặt Nam cũng dần tươi tỉnh lên.

Nam kể cho tôi nghe nhiều hơn về cuộc sống của cậu ấy. Nam là con trai duy nhất trong một gia đình ngoài Hà Nội nên được nuông chiều từ ngày còn nhỏ. Gia đình cậu sở hữu một công ty lớn chuyên về hàng xuất nhập khẩu, nhưng gần đây tài chính lại có phần đi xuống một cách trầm trọng. Bố của Nam thì luôn có những cô trợ lý chân dài, da trắng nõn, với cái cổ đẹp như cổ thiên nga, cùng những mái tóc đủ màu sắc hợp thời, cập kè kề bên suốt cả buổi. Mẹ của Nam thì gần như gánh vác toàn bộ công việc ở công ty, sức khỏe yếu dần và nhan sắc cũng hóa thành người dưng theo ngày tháng. Bà sống trong kho tiền kiếm được, nhưng thuộc vào tốp:” Người giàu cũng khóc”. Nam chán cảnh gia đình nên mới quyết định thi vào một trường Đại học trong Sài Gòn. Mẹ Nam khóc ròng, khuyên nhủ đủ điều, như nhà có mình cậu ấy là con trai thì phải ở lại Hà Nội để gần gũi với gia đình. Bố Nam hay tin, cũng liền nổi trận lôi đình:” Mày mà không học ngoài Hà Nội, thì vào đó tự kiếm tiền mà trang trải học phí và sinh hoạt, rõ chưa!”.

Những lúc không kiềm chế được cảm xúc, giọng Nam khản đặc lại nơi cổ họng, nghẹn ngào cùng nước mắt:” Nam trách ông ta vì là đàn ông mà vô trách nhiệm với gia đình, bù khú, nhậu nhẹt. Còn mẹ Nam à? Đáng trách luôn. Kiếm tiền nhiều thì làm cái gì cơ chứ? Bổn phận của đàn bà trong gia đình không phải là như thế. Phải biết nấu ăn, dọn dẹp, chứ không phải mang ô-sin về nhà, chìa tiền ra trả là xong, hay cuối tuần thì kéo nhau ra nhà hàng ăn cả tiền triệu mà chẳng tìm đâu ra cái định nghĩa nào gọi là “không khí bữa ăn gia đình”. Nam không rõ nữa, có lẽ ngần ấy thời gian trôi qua, bữa cơm nào cũng nguội ngắc, thiếu người ăn. Ai cũng có lí do, ai cũng bận việc cá nhân, họ bận đến mức không thể ngồi với nhau quá mười phút. Kiếm tiền nhiều để rồi chịu cảnh chồng chung, nay nghe ông ấy đi với em này, mai đi với chị kia, rồi gồng mình lên vì ghen tuông, đố kị. Không biết bao nhiêu lần cả chị gái và Nam khuyên bảo mà bà ấy không hiểu, hoặc là cố tình không hiểu. Nên chăm lo sức khỏe, nên dành thời gian chăm sóc sắc đẹp hay đi tập thể dục thể thao. Thử hỏi, vợ đẹp con ngoan thì chồng nào dám chán cơm thèm phở, chồng nào mà dám mở miệng chê cơm ngắn, thèm phở dài và coi khách sạn mới là nhà ở của mình cơ chứ…”

Và cũng bắt đầu từ ngày đó, Nam biết uống bia rượu hay tụ tập bạn bè ở những quán bar, những cuộc vui chơi quên về nhà, quên cả giờ giấc chẳng kể ngày hay đêm. Nam nhận ra, rượu không phải lúc nào cũng là một thứ chất lỏng đáng ghét, chúng chỉ mang lại toàn những phiền phức hay rủi ro. Đôi khi người ta uống rượu, cũng là lúc họ uống cái tịch mịch vô biên vào trong để lòng bớt những ngổn ngang, hay xoa dịu những nỗi đau rối bời.

Tôi gần như im lặng hoàn toàn suốt cả buổi tối. Đằng sau bộ mặt của một công tử, một cậu ấm là đây: có phần yếu đuối và mong manh như con gái. Tôi khuyên Nam hãy cứ nói hết những gì mà mình nghĩ bấy lâu nay nếu cảm thấy tin tưởng ở tôi. Tôi không giúp được tình cảm trong gia đình cậu ấy có thể hàn gắn như những tháng ngày xưa, nhưng chắc chắn tâm trạng hẳn sẽ bớt nặng nề và mọi cảm xúc xưa nay bị giấu kín có thể vơi bớt đi đôi ba phần.

Nam khóc trước mặt tôi như một đứa trẻ đang ở tuổi mới lớn và chất chứa nhiều điều cần được chia sẻ. Không phải tôi đang tự cho mình cái quyền được làm người lớn với Nam, nhưng quả thật trước mặt tôi đây không còn phải là Trần Huy Nam của thường ngày.

Đêm buông, chúng tôi nằm quay lưng lại với nhau theo như thỏa thuận lúc tối. Thỉnh thoảng trở mình vì người quá ê ẩm, tôi bắt gặp đôi mắt sáng long lanh như hai viên bi ve của Nam, đẹp lạ và có sức hút vô cùng mạnh mẽ. Nam nói, cậu ấy khó ngủ. Tôi trả lời, có lẽ là do lạ giường, một hai hôm rồi sẽ quen. Tôi quay người trở lại vào phía tường. Bóng đen của cánh tay Nam cứ đưa lên rồi lại đặt xuống, rất ngập ngừng. Tôi gằn giọng:” Quay người và nhắm mắt lại”. Sau đó là tiếng sột soạt rất khẽ trên chiếc chiếu tre phát ra. Lúc đó, tôi mới thở vội rồi từ từ nhắm mắt lại. Nhưng hễ cứ chợp mắt được một chút, tôi lại giật mình tỉnh dậy bởi giấc mơ trai gái của hôm nào. Chuyện đó vẫn ám ảnh tôi mọi lúc mọi nơi, ở trường, chỗ làm, hay cả trong lúc ngủ, vẫn miên man những tiếng rên xiết khe khẽ dịu dàng, vẫn đượm vị của những nụ hôn ngọt ngào nồng cháy. Tôi cảm nhận rõ khoảnh khắc dữ dội trong những cử chỉ yêu thương, âu yếm của ngày ấy. Và hình như, Nam đã thức suốt cả đêm hôm đó.


/30

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

adsdoctruyen@gmail.com

DMCA.com Protection Status