Anh Sẽ Ở Bên Em, Mãi Mãi Nhé?

Chương 17: Ngày đầu tiên của Hội trại

/37


Bà nội tôi bị ốm, thế nên Tết năm đó, tôi được ăn Tết ở quê. Nói là ăn Tết cho nó đúng ngôn ngữ chuẩn, chứ thực ra đối với tôi, dùng từ ngủ Tết thì mới chính xác. Miền Bắc vào dịp Tết rất lạnh, lại còn mưa phùn gió bấc, tôi cứ dính khí lạnh vào người là khó chịu, cáu gắt suốt ngày nên cả nửa tháng ở quê, chỉ bước chân ra ngoài khi thật cần thiết, còn suốt thời gian còn lại, tôi nằm trên giường, trùm kín chăn, ăn vặt luôn mồm, đọc sách chán thì ngủ. Sau một học kỳ đầy phong ba bão táp như thế thì tôi cũng xứng đáng để có một kỳ nghỉ ra trò chứ.

Hết Tết, tôi tăng được ba ký, người tròn vo.

Không chỉ một mình tôi tăng cân, buổi học đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ, lớp tôi y như triển lãm lật đật. Ngay cả mỹ nhân, vốn thường cực mảnh mai, giờ cũng có cảm giác đầy đặn hơn một tý.

Và quan trọng hơn tất thảy, Dương Hưng nhân dịp đi chơi Tết, đã nhăm nhe được một đối tượng xấu số mới, đã một lòng một dạ đưa tôi vào dĩ vãng. Chẳng còn gì hấp dẫn, dần dần, câu chuyện cũng đi về nơi quên lãng. Vả lại, sau Hội trại chào mừng Ngày thành lập Đoàn 26/3 thì còn khối chuyện hay ho hơn để mà bàn tán. Nào là ai đó hẹn hò với ai đó, rồi thì ai đó tỏ tình với ai đó, lại còn lớp Anh văn xảy ra chiến tranh làm sao đó… túm lại là một sọt chuyện, buôn tới tận nghỉ hè chưa hết.

Với một ngôi trường mà câu cửa miệng của các thầy cô luôn là việc của các em là học, còn các việc khác, là của chúng tôi thì Hội trại 26/3 quả là một ngày lễ hội đúng nghĩa.

Ngay sau ngày mùng 8 tháng 3, lũ học sinh đã bắt đầu háo hức chuẩn bị từ việc lên ý tưởng cho tới việc chọn mua nguyên vật liệu để dựng trại; từ việc sẽ tham gia những trò chơi nào, cho tới việc ai đại diện lớp tham gia; rồi lại còn tập văn nghệ, trình diễn thời trang cho đêm lửa trại… quá trời việc và ai cũng rối rít hết cả lên.

Cả ba khối lớp cấp III, có lẽ chỉ có tôi và ông anh khờ là vẫn thung dung thong thả.

- Anh quan tâm quái gì mấy cái chuyện vặt đó. – Ông anh ngồi trên sân thượng, vừa nhai xúc xích vừa nói. – Có bao giờ anh được chọn tham gia vào cái gì đâu.

- Em cũng chẳng quan tâm. – Tôi cũng cắn một miếng bánh mỳ, thản nhiên đung đưa chân, về phe với ông anh. – Cái gì em cũng xử lý được tất.

Lớp tôi chỉ có hai chàng con trai, yếu ớt tới nỗi tôi tưởng chỉ cần tôi ho một tiếng là hai chàng tự động văng tít vào góc nhà. Chẳng biết phải nhờ vả ai trong những việc hơi nặng một tí, mà vốn dĩ theo truyền thống là dành cho con trai, không lẽ chốc chốc lại phải qua lớp Lý mượn một chàng to con? (Theo ý kiến của tôi, chỉ cần mỹ nhân lên tiếng, chẳng cứ gì một chàng, một nửa lớp cũng có). Tuy nhiên, với tinh thần tự lực tự cường, ai đó đã sáng trí mà nghĩ ra tôi.

- Cả đống cọc tre vầy dựng đống lên sao?

- Hỏi Hạ Nhi đi.

- Còn bạt?

- Gọi Hạ Nhi đi.

- Không xong rồi, chỗ này phải làm thế nào?

- Hạ Nhi đâu?

Cuối cùng, để phù hợp với trách nhiệm nặng nề mà mình đang phải gánh, tôi tự thăng chức cho mình thành Đại nguyên soái.

Chức to thì trách nhiệm cũng to. Rút cục thì một tay tôi lo tròn vo từ đầu chí cuối. Từ chuyện mua nguyên liệu, tham gia trò chơi, cho tới viết kịch bản, đạo diễn mấy tiết mục văn nghệ trong đêm lửa trại… May mắn là tôi có biệt tài cầm quân và luôn có những chỉ đạo tài tình sáng suốt – tôi đã chẳng bảo, giá tôi được sinh ra cùng thời với Napoleon, có lẽ thế giới đã có thêm một vị đại tướng lẫy lừng còn gì – thế nên, tuy cả lớp chỉ toàn con gái liễu yếu đào tơ, lớp tôi cũng chẳng tỏ ra thua kém bất cứ lớp nào, kể là lớp Tin với bốn phần năm lớp là con trai đi chăng nữa.

Hội trại diễn ra hai ngày.

Ngày đầu tiên, sáng dựng trại, chiều chơi trò chơi.

Với chủ trương, càng đơn sơ càng tốt, lấy ý tưởng từ căn nhà chòi rách nát, càng nát càng tốt, chỉ mất hơn một tiếng đồng hồ, lớp tôi đã dựng xong trại. Thật là thần tốc! Xoa tay nhìn tác phẩm của mình, càng nhìn tôi càng thấy hài lòng, giao cho Tố Nữ nhiệm vụ thuyết trình, tôi yên tâm nhởn nhơ đi chơi.

Khối mười được ưu tiên dựng trại ngay tại khoảng sân gần cổng. Khối mười một lui vào một chút và khối mười hai đối diện khối mười một. Khoảng sân trống còn lại giữa sân là nơi tổ chức trò chơi, và đốt lửa trại.

Tôi đếm được mười chín cái trại. Các thầy cô, vì muốn được hồi xuân cũng hào hứng tham gia một cái. Tuy nhiên, theo con mắt thẩm mỹ có hơi khác người của tôi, thì chẳng có cái trại nào đủ độ độc đáo như trại lớp tôi cả. Còn nếu theo tiêu chuẩn đẹp, thì có lẽ trại lớp Tin dựng ngay kế bên lớp tôi mém mém được.

Thực ra không phải là tôi đi chơi không không, tôi đâu có rảnh tới thế. Phương Thảo – với đầu óc cực kỳ nhạy bén cộng thêm với việc vừa được ông ba tặng cho một cái máy ảnh kỹ thuật số cực xịn – đã bàn với tôi một kế hoạch làm ăn hơi bị sáng tạo: chụp ảnh theo yêu cầu.

Đây là nguyên văn tờ rơi mà tôi đã phải dùng tới nắm đấm để năn nỉ ông anh khờ đi rải suốt cả mấy ngày trước đó.

CHÚ Ý… CHÚ Ý

Bạn đang thầm thương trộm nhớ một người?Và muốn được nhìn thấy người ấy mỗi đêm?

Bạn đang giận một người và muốn giữ những khoảnh khắc tức cười nhất của người đó?

Hay chỉ đơn giản, bạn muốn có một tấm hình thật nhí nhố của bạn bè?



Cho dù mục đích của bạn là gì, chúng tôi đều tôn trọng và phục vụ bạn hết lòng. Chỉ cần cho chúng tôi biết tên và lớp học. Hình ảnh của người ấy sẽ được trao tới tận tay bạn sau khi kết thúc Hội trại.

Giá phụ thuộc vào độ hài lòng của bạn!

Nhanh chân kẻo lỡ!

Hãy gọi hoặc nhắn tin cho chúng tôi để có được những bức ảnh kỷ niệm đặc biệt nhất, ấn tượng nhất của tuổi học trò mơ mộng.

Chú ý: Danh tính khách hàng sẽ được giữ bí mật.

Khi nghe Phương Thảo đưa ra một đống lý do để thuyết phục, tôi vẫn cười thầm trong bụng là trò ngớ ngẩn, chẳng ngờ điện thoại đặt hàng gọi về tới tấp. Liếc nhìn qua danh sách những người được yêu cầu chụp hình, tôi ngạc nhiên nói với Phương Thảo:

- Phát tài coi bộ dễ quá hả?

Mười yêu cầu, thì có tới bảy yêu cầu chụp hình mỹ nhân. Thậm chí còn có yêu cầu, càng nhiều hình càng tốt, tiền bạc không thành vấn đề.

Phương Thảo đã lãnh phần nhận đơn đặt hàng, thì nhiệm vụ còn lại, đương nhiên là của tôi, được miêu tả chính xác trong mấy tiếng: săn ảnh.

Tôi đi tung tăng ngó nơi này một chút, nơi kia một chút, gặp chỗ nào đông vui là sà vào góp chuyện, mục đích chỉ là hỏi thăm bạn đó, học lớp đó là người nào, hòng định vị đối tượng, chờ cơ hội thuận tiện, chẳng hạn như lúc người ta nhắm mắt cười hở lợi là rút máy ảnh ra chụp liền.

Hết buổi sáng, trại đã dựng xong, trên sân trường lúc này trông giống hệt một lễ hội đầy màu sắc, tôi cũng đã thu hoạch kha khá, cực kỳ phấn khích liền hớn hở trở về đại bản doanh. Vừa thấy mặt tôi, cô chủ nhiệm gần nhảy xổ lên – từ buổi học cuối cùng của học kỳ I, khi mà tôi đùng đùng bỏ ra khỏi lớp, cô có vẻ không ưa tôi lắm, mọi chuyện tôi làm dù cho tốt tới đâu đi chăng nữa, cũng dường như không thể khiến cô hài lòng. (Đây đúng là chuyện rắc rối to mà ông anh khờ đã cố gắng nhắc nhở tôi bao nhiêu lần mà tôi luôn luôn nhắm mắt làm ngơ).

- Cô đã tin tưởng giao hết công việc cho em, và đây là những gì em đã làm để đáp lại niềm tin tưởng đó?

Vừa nói, cô vừa chỉ vào cái cổng trại rất độc đáo của lớp tôi.

- Vâng. – Tôi vẫn cười toe toét trả lời. – Cô thấy đẹp chứ ạ?

Cô giáo ôm ngực thở dốc, mà nếu để tôi miêu tả cho nên thơ, thì tiếng thở của cô nghe như tiếng dế kêu trong một đêm thanh vắng. Ý tôi là, tiếng dế kêu trong một đêm thanh vắng thì rất nên thơ.

- Nó được gọi là cái trại?

Tôi nhìn lại một lần nữa tác phẩm sản sinh ra từ trí tưởng tượng của mình, vẫn không thấy có nét nào có thể chê được.

- Không ạ. – Tôi thật thà. – Nó là căn nhà nhỏ của một nhà Nho yêu nước, nơi mà cụ đã lui về ở ẩn khi thấy quá đau lòng bởi đất nước loạn lạc, triều chính rối ren.

Chẳng hiểu lúc đó tôi bị cụ nhà Nho yêu nước nào nhập phải mà bắt đầu nói tràng giang đại hải, toàn những lời lẽ lâm ly thống thiết. Nào là “sức mạnh, sự giàu có hay vẻ bề ngoài hào nhoáng đều không phải là những điều quan trọng, biết tìm sự kỳ diệu trong những điều bình thường mới chính là sự hoàn mỹ”, rồi thì “tâm hồn một con người sống trong thanh bạch là một tâm hồn trong sạch như ngọc bích, chỉ thể hiện khát vọng của mình qua những dòng thơ chân thật, mộc mạc”, sau đó “hãy sống hòa mình vào với thiên nhiên, còn gì có thể khiến cho con người đủ đầy hơn khi có thể lắng tai nghe tiếng gió thổi qua rặng tre, trong gian nhà nhỏ, bên ánh đèn hiu hắt, đọc câu thơ ngẩng đầu nhìn trăng sáng của Lý Bạch và bỗng thấy ánh trăng soi ngoài cửa sổ” và kết luận hùng hồn “cảnh đẹp đâu nằm ở những nơi xa xôi, nó nằm ngay giữa một khung cứa sổ nhỏ và ngôi nhà tre, khi chúng ta thức giấc giữa đêm khuya thanh vắng và nghe thấy tiếng chuông chùa”.

Lúc này, đám đông hiếu kỳ đã vây xung quanh tôi dày tới hai vòng, trong đó, có cả cô hiệu phó, trưởng ban chấm thi Hội trại. Tôi nói xong, với sự khởi xướng của mỹ nhân, tiếng vỗ tay vang lên rào rào.

Tôi hểnh mũi, cười rất tươi, còn hôn gió khán giả.

- Đây không phải là cái trại, thưa cô, đây chính là nơi để chúng ta tìm về với bản ngã trong sạch của mình. Nơi chúng ta có thể nhìn sâu vào vô thức và trả lời cho câu hỏi, chúng ta thực sự muốn gì? Một vẻ bề ngoài sang trọng hay một tâm hồn tinh khiết? Một lâu đài hay một vách nhà tranh? Tâm hồn của chúng ta thuộc về nơi nào? Nơi nào để chúng ta có thể bình yên?

Tôi nói hay tới nỗi, chính tôi cũng phải tự vỗ tay tán thưởng cho chính mình, và nếu tôi là người khác, có lẽ tôi đã phải cảm thấy vô cùng ngưỡng mộ trước một tài năng chói sáng tới thế. Trước khi chính thức bỏ cuộc, cô giáo đành hạ cố khen tôi một câu:

- Thực là vụng chèo khéo chống.

Khi đám đông đã giải tán hết, Tố Nữ lại gần tôi, gương mặt vẫn còn ngơ ngác.

- Vậy có phải chỉnh lại bài thuyết trình một chút không?

- Sao lại phải chỉnh? – Tôi hỏi lại.

Tố Nữ có vẻ rất bực mình.

- Đứa khỉ ho nào khi lên ý tưởng đã tuyên bố đây chính là cái chòi vịt của người nông dân Nam Bộ? Làm tôi thức mấy đêm tìm tài liệu…

- À há… – Tôi cười chữa ngượng. – Không cần chỉnh gì hết. Mỗi tác phẩm vĩ đại đều có nhiều cách hiểu khác nhau.

Mỹ nhân lúc này đang đứng cạnh cổng trại, phồng má lên thổi một quả bóng bay. Tôi chẳng thèm chú ý gì tới bà cô Tố Nữ đang lèm bèm bên cạnh, lôi máy ảnh ra, chụp liền mấy kiểu. Đây chính là khoảnh khắc hiếm hoi, phải nói Phương Thảo hét giá thật cao. Làm giàu đúng là không khó!

Trong lúc cả lớp ngồi ngỏng cổ vừa nhìn Tố Nữ và Xuân má mi – hai đại cao thủ đầu bếp – chạy lăng xăng nêm chỗ này nếm chỗ kia (để trò thi nấu ăn được công bằng và trung thực, Ban tổ chức Hội trại không cho gọi cơm từ bên ngoài nên lớp nào cũng phải tự nấu ăn), vừa nghe Thu Vân phổ biến lại kế hoạch Hội trại, tôi và Phương Thảo ngồi tách ra một góc, ngó lại công sức lao động từ sáng tới giờ của tôi.

- Quá chuẩn Nhi à. – Phương Thảo cười thích chí, hai mắt híp lại không thấy Tổ quốc đâu. – Bọn mình sắp giàu to rồi.

Tôi đương nhiên là rất sung sướng, trong bụng như mở cờ. Phương Thảo nói tiếp.

- Máy sắp hết pin rồi, bọn mình tranh thủ qua bên kia chụp mấy kiểu đi, để xíu nữa Thảo về thay pin mới.

Tôi đang nhìn thấy tiền rơi trước mặt, nghe thế thì đồng ý liền. Hai đứa len lén chạy đi, núp sau trại người ta, y như ăn trộm, nhưng thành quả cũng đáng. Mấy bức ảnh chụp người khác đang nấu cơm, nhọ nồi dính đầy mặt, thực là rất đáng giá. Có nhiều bức, tôi vừa chụp, vừa nín cười tới nỗi run cả tay. Đáng kể nhất, phải nói tới bức ảnh tôi nhanh tay chộp được một cô nàng rất xinh đang chúi đầu ăn vụng đằng sau trại, mà sau đó, vì tống tiền không thành công, tôi đã gửi bức hình đó cho báo Mực tím. Số báo Mực tím 805 lập tức đưa cô nàng lên hàng ngôi sao. Và mang lại cho tôi thêm một kẻ thù đáng giá (sau này nghĩ lại, tôi cũng có đôi chút nghi ngờ, da mặt tôi dày lên có lẽ nào là nhờ ánh mắt sắc như dao của cô bạn ấy mỗi ngày liếc tôi?).

Lúc hai đứa mồ hôi nhễ nhại chạy về thì cả lớp đang ngồi quây quần ăn cơm.

- Còn chỗ trống nào không? – Tôi hỏi.

Mặc dù đã rất cố gắng co cụm lại, nhưng cái trại theo ý tưởng là chòi nuôi vịt nên rõ ràng là quá nhỏ bé cho hơn hai chục người, nên tôi đành phải ngồi lui về một góc phía sau, không làm sao tự gắp thức ăn được, còn muốn lấy thêm cơm, thì phải lò dò mò lại tận góc bên kia trại. Đã vậy, bát cơm của tôi vô tình làm sao lại còn nửa sống nửa khê. Tôi nhắm mắt ăn được hết nửa bát, rồi hếch mặt lên nhìn trời.

Hoàng Yến, ngày thường ở lớp, ghét tôi ra mặt, chẳng hiểu vì lý do gì, chợt quay lại, nhìn thấy tôi đang nghẹn ngào, liền gắp dúi vào bát tôi mấy miếng thức ăn.

- Nhi ăn đi, ăn nhiều cho khỏe.

- Hả? – Tôi hạ đầu xuống, nhìn bát cơm tú hụ đầy thịt mỡ của mình, cảm động suýt khóc. – À, cảm ơn nhé!

Nhưng Hoàng Yến đã giả bộ cắm cúi ăn, không một lần ngoái lại.

Khi tất cả mọi người đã nghỉ trưa được một giấc rồi, tôi mới ăn xong bữa cơm trưa (vừa ăn vừa ân hận trách mình tại sao không về nhà cùng Phương Thảo), sau đó, tôi chuẩn bị mò sang lớp Hóa để rủ Trịnh Giang đi chơi, thì nghe tiếng còi hiệu lệnh báo tập hợp.

Học sinh của ba khối lớp, gần sáu trăm người, nhanh chóng tụ về giữa sân, đứng lóc chóc nghểnh đầu lên nghe thầy ổ tệ nạn hùng hồn tuyên bố.

- Đây là sân chơi của các em, hãy thể hiện tinh thần đoàn kết và cao thượng đã thành truyền thống quý báu… vân vân và vân vân (30 phút).

Lũ học trò ở dưới đã bắt đầu ngứa ngáy tay chân, giở trò phá nhau, thật may là bài diễn văn của thầy ổ tệ nạn đã kết thúc đúng lúc, trước khi có bạo loạn nổ ra.

Môn thi đầu tiên là kéo co.

Lớp tôi toàn con gái, miễn tham gia.

Tôi đang kiếm đường thoát thân giữa hàng trăm học sinh đang mạnh ai người đó đi thì nghe tiếng thầy thể dục cầm loa đi gào vào từng cái tai đang dỏng đi tận đâu đâu

- Mười Tin – Mười Hóa, vào chỗ, chuẩn bị.

Vừa lúc quay lại, đã thấy ngay hắn – tức là tên trời đánh – đang vung tay vung chân.

- Tiến lên, anh em.

Dáng đứng của hắn, vô cùng lẫm liệt.

Tôi bất chợt thất thần đứng ngơ ngẩn nhìn theo hắn. Quên hẳn là mình đang lơ ngơ giữa sân trường với hàng trăm học sinh xung quanh, trong mắt tôi, giờ chỉ có hắn. Và ánh mặt trời rực rỡ trên đầu.

Hắn, trong bộ đồng phục thể dục, rất mạnh khỏe và hùng dũng, dẫn đầu đoàn quân kéo co lớp hắn tiến vào nơi thi đấu.

Cờ hiệu phất lên, tiếng reo hò rộn rã.

Hắn phải cố gắng hết sức, tôi biết. Cơ bắp toàn thân hắn căng cứng. Mồ hôi trên trán hắn túa ra.

Phía bên kia, những tên khổng lồ to lớn cũng đang phải ra sức để chiến đấu lại hắn và đoàn quân của hắn.

Hình ảnh của hắn, thực là rất đẹp! Như đang tỏa sáng dưới ánh mặt trời. Như một vị thiên sứ!

Giá như có một bà tiên ở đây, cho tôi một điều ước, tôi sẽ lập tức ước rằng, hãy biến hắn thành một bức tượng, để tôi có thể đứng ở đây, hoài hoài ngắm hắn.

Vai tôi bị huých một cái, tôi giật nảy người, lập tức trở về hiện thực.

Phương Thảo chìa cái máy ảnh ra, mặt mũi đỏ gay đỏ gắt, đang thở dốc, chưa kịp nói gì, tôi đã nghe tiếng hô hoán rầm rĩ phát ra từ phía một đám cổ động viên có lối trang phục quái dị.

- Mười một Tin, mười một Tin, mười một Tin – anh em ta keo sơn một nhà, đoàn kết, chiến thắng vẻ vang

Lời bài hát đã vô cùng kinh khủng, giọng ca chính, còn kinh khủng gấp đôi. Cái giọng này, có vang lên giữa trời mưa giông bão tố thì tôi vẫn nhận ra mồn một.

Ông anh khờ không được chọn tham gia thi đấu thể thao, nhưng cái miệng độc nhất vô nhị rút cục cũng đã tìm được chỗ dùng.

- Anh là đội trưởng đội cổ vũ.

Ông anh hí hửng khoe tôi thế khi nhờ tôi chụp cho một tấm ảnh nhằm giữ lại hồi ức vinh quang. Chụp xong cho ông anh mà tôi vẫn còn cười gập cả bụng, chẳng hiểu ai lại thiết kế ra cho ông anh cái kiểu buộc hai quả bóng bay hai bên cổ áo, trông như ông anh bỗng dưng mọc ra thêm hai cái đầu.

Sau trò kéo co với chiến thắng oanh liệt thuộc về lớp mười hai Lý (cũng không có gì đáng ngạc nhiên, khi chỉ một tên Trương Phi Huỳnh Công Linh là đủ chấp bốn người thuộc phe đối phương), là trò nhảy bao bố tiếp sức, mỗi lớp một nam một nữ tham gia.

Lớp tôi, tôi đương nhiên lãnh trách nhiệm.

Hai tên con trai đùn đẩy nhau, rút cục tôi tóm đầu tên gầy hơn. Nhảy bao bố, gầy là một lợi thế.

Sáu cặp đôi của khối mười đứng vào vị trí, lượt đầu là nam. Vừa nghe tiếng còi của thầy thể dục, tôi gần như nhấc bổng tên con trai ẻo lả ấn vào bao.

Chưa bao giờ bị đối xử thô bạo như thế, cậu chàng đâm ra luống cuống, nhảy được mấy bước thì ngã lăn đùng ra.

- Đứng dậy, nhảy tiếp cho tôi.

Tôi gào ầm lên, cậu chàng nén đau, bò dậy, nhảy tiếp, và lại ngã, cứ như thế ba lần thì khi ngẩng lên đã thấy người ta – những vận động viên nam của những lớp khác – nhảy xong một lượt đi và đang vòng lại cho lượt về.

- Muốn tự nguyện nhảy hay để tôi dùng biện pháp mạnh?

Tôi hét, dứ nắm đấm về phía cậu ta.

- Không được bỏ cuộc, dù thế nào đi chăng nữa cũng không được bỏ cuộc.

Lời khích lệ nhẹ nhàng của mỹ nhân thực như phép màu, hiệu nghiệm ngay tức khắc, cậu chàng đứng dậy, xốc lại bao, tiếp tục nhảy, ngược chiều với tất cả những tên con trai khác.

Dù đã cố gắng hết sức để đứng dậy sau khi vấp ngã tới không dưới mười lần, khi cậu chàng lết được cái thân xác hoang tàn về vạch xuất phát, đưa bao cho tôi, cũng là lúc nữ vận động viên của lớp Sinh chạm đích. Vì nữ chỉ phải nhảy một lượt, nên thầy thể dục thổi còi, tuyên bố người chiến thắng.

- Thế là xong.

Tôi nghe ai đó đằng sau nói.

Cậu con trai bên cạnh tôi mặt mày tái mét, miệng méo xẹo, thở khò khè, chân tay sây sát, rơm rớm máu, len lén nhìn qua tôi.

- Đã làm rất tốt.

Tôi nói với cậu ta và tròng cái bao đã rách te tua vào chân, dốc hết sức nhảy.

Trên đường đua, vẫn còn hai vị cô nương đang nhàn tản đi bao dạo bộ. Họ những tưởng đã xác định được vị trí nhất nhì ba rồi thì họ có thi nữa hay không cũng không quan trọng, vì thế, rất nhanh chóng, tôi vượt qua, và chạm đích ở vị trí thứ tư.

Thầy thể dục trợn ngược mắt nhìn tôi.

- Em đúng là gàn.

- Cảm ơn thầy.

Tôi hét lên, lao về phía lớp tôi, ngoác miệng ra cười, giơ cao cái bao không còn nguyên hình cái bao như biểu tượng của lá cờ chiến thắng. Cả lớp tôi cũng đang chạy về phía tôi, vừa chạy vừa reo ầm lên, còn to hơn và vui vẻ hơn lớp đã giành giải nhất.

- Mười Văn là Số Một.

- Hạ Nhi là Số Một.

Tôi ùa vào vòng tay của những người hâm mộ, hét lên với cậu con trai gầy gò, vẫn đang còn đứng run lập cập.

- Thấy chưa, cậu đã làm rất tốt!

Vì chỉ về thứ tư nên lớp tôi không có suất tham dự vòng chung kết, cũng chẳng sao, tôi lại hớn hở, nhét máy ảnh vào túi quần, rình mò đi kiếm đối tượng theo danh sách mà cứ mỗi một tiếng, Phương Thảo lại bổ sung thêm gần mười cái tên mới.

Sân trường thì rộng, học sinh thì đông, mà đâu phải ai cũng chịu ngồi một chỗ, tìm được đúng người chẳng khác nào tìm kim trong một đống kim, tôi đang chạy tới chạy lui, mắt nhìn vô số phía – trừ phía trước – thì va phải một người.

- Ối, xin lỗi.

Tôi nói và lách qua, nhưng người đó cũng nhanh không kém, lạng theo, cản tôi lại.

- Xin lỗi là xong à?

- Chứ còn muốn gì?

Tôi ngạc nhiên hỏi, nhìn thẳng vào mặt người đối diện. À, tôi nhầm, không phải một người, mà chính xác là sáu người, trong đó có hai người tôi cũng hơi nhơ nhớ là đã từng xuất hiện đâu đó trong cuộc đời tôi. Một tên mắt rất to.

- Lâu ngày gặp lại, nói chuyện cũ một chút.

Tên mắt to nói.

- Ừ, nói đi. – Tôi đáp tỉnh bơ.

- Kiếm chỗ nào vắng người thì hay hơn.

Một trong số ba người con gái trong bọn lên tiếng, giọng khàn khàn như kẻ hút thuốc lá lâu ngày nên bị khói bịt mất vòm họng.

- Tao đã kiếm được rồi.

Một tên tiếp lời. Tên này có gương mặt rất buồn cười. Nó vừa nói vừa đưa tay che bụng. Cú đấm thần sầu của tôi, hẳn là đáng ghi nhớ lắm.

- Đi với bọn này một lát.

Người bị tôi va phải tiến sát lại gần tôi, đó là một tên con trai khá cao, gầy có cái mặt choắt, trán dồ, và đôi mắt trắng dã. Người nó tỏa ra mùi của quần áo ngâm lâu chưa giặt, tôi lùi về một bước, nhưng vẫn kịp cảm nhận được mũi nhọn của thứ gì đó sắc lạnh đang giấu trong tay áo.

- Chỉ nói chuyện thôi, bọn này không thích mất nhiều thời gian.

Hắn nói, hơi rít lên qua những kẽ răng màu nâu xỉn. Tôi suy nghĩ rất nhanh, bọn chúng đã chờ khá lâu mới có cơ hội này để tìm đến tôi, không giải quyết dứt điểm lúc này, thì còn chờ khi nào nữa. Cùng lắm thì đánh nhau một trận, rồi sau đó, không ai còn mắc nợ ai, ai cũng được sống thanh thản, thì cũng là điều tốt.

- Được rồi. – Tôi nói. – Đi thì đi.

Tôi theo bọn chúng ra con đường mòn nhỏ phía sau sân ký túc xá, nơi có lẽ, hàng trăm năm qua không có con người nào lai vãng tới. Cỏ dại mọc cao ngang đầu gối, và khắp nơi, vương vãi những mẩu rác bốc mùi hôi mù.

- Tao đi lang thang, và phát hiện ra chỗ này. Chưa thấy ai ngoài tao mò tới đây.

Tên dẫn đầu dừng lại, nói với vẻ khoe khoang như chính nó là kẻ đã tìm ra châu Mỹ chứ không phải là Colombo.

Nhóm bắt cóc tôi – tôi tạm gọi là như thế – có sáu người, ba nam, ba nữ, hai tên tôi quen mặt, là tên mắt to và tên Tuân khùng. Giờ thì tôi đã hiểu vì sao chúng muốn nói lại chuyện cũ. Hận thù – đương nhiên – lúc nào cũng sống dai hơn yêu thương. Tên con trai còn lại đi kè kè sát nách tôi, hai con mắt trắng dã của nó đảo láo liên, và thi thoảng, lại chăm chăm nhìn tôi từ đầu tới chân, làm tôi nhớ lại cảm giác khi tôi năm tuổi, hai ông anh dắt tôi đi bắt chuột, giao cho tôi nhiệm vụ trông con chuột nằm trong hốc tường, hai ông anh chạy biến đi kiếm con mèo và cái túi. Con chuột chù to bằng nắm tay người lớn nằm thu lu trong hốc nhìn tôi, cũng bằng cặp mắt như thế.

Ba người con gái, cao tầm tầm bằng tôi, không thấp hơn, nhưng đậm người hơn. Từ phong cách ăn mặc, cho tới cách đi đứng, nói năng không chỗ nào tôi có thể ưa được. Đó là ba hình ảnh minh họa hoàn hảo cho dòng tít một bài báo mà tôi đã đọc ở đâu đó: nữ sinh học đòi làm đại ca một cách rẻ tiền.

- Chỗ nói chuyện không được lãng mạn lắm nhỉ? – Tôi nói, nén sự hồi hộp của mình vào hai bàn tay xiết chặt. – Tưởng phải được đi uống cà phê cơ đấy.

- Bọn này có luật của bọn này. – Tên Tuân khùng nhìn thẳng vào tôi với vẻ thách thức và đe dọa. – Có nợ với bọn này thì bọn này sẽ đòi cho bằng được.

- Ừ. – Tôi tỉnh bơ. – Rồi sao?

Thấy tôi đến giờ phút này rồi mà vẫn còn tỏ vẻ ngu, tên Tuân khùng chán tới nỗi chỉ buông thõng một câu.

- Đánh nó đi.

Ba người con gái xông tới. Tôi – đương nhiên – nhanh hơn rất nhiều, lùi lại, giơ cái máy ảnh lên.

- Biết cái thứ đồ này giá bao nhiêu không? Hơn hai ngàn đô la Mỹ đấy. Làm hỏng nó, có bán mạng mấy người đi, cũng không đủ đền đâu.

Nói xong, tôi từ từ hạ người, đặt máy ảnh lên một đống sỏi ven đường. Vẫn còn kịp thấy mắt của tên chuột lóe lên và nó liếm mép thèm thuồng.

Một chọi một, trong đám này, không ai có thể là đối thủ của tôi, nhưng một chọi ba, tôi có thể cầm cự được năm mười phút, hoặc có thể hơn nhưng không sớm thì muộn, tôi cũng bị dính đòn. Mồ hôi bất giác túa ra nhớp nháp hai bàn tay. Trong sự nghiệp đánh trận lẫy lừng của mình, chưa bao giờ tôi rơi vào thế đơn thương độc mã như thế này.

Tôi chưa kịp đứng lên, một người đã lao tới, tôi né kịp và lập tức phải né liền hai cú đạp nữa. Một người thò tay nắm tóc tôi, nhưng bị tôi bẻ tay, đá cho ngã dúi xuống đất. Một người nữa dùng đầu húc thẳng vào người tôi, y như muốn chơi đấu bò, tôi xoay người, bồi cho một cú, theo đà, chạy tuốt luốt tới hơn mười bước mới dừng lại được. Đá qua đá lại, tôi cũng có một trận đánh hay ho không tới nỗi nào. Khi ba đối thủ bị tôi đánh cho ngã lăn hết xuống đất, vừa mới rảnh một chút, chưa kịp thở dốc lấy lại sức, tôi đã nghe tên chuột nói.

- Đã đánh hội đồng rồi mà còn bày đặt chơi quân tử.

Nói xong, rút từ trong tay áo khoác ra một thanh thép dài chừng hơn nửa mét, vuốt nhọn hoắt một đầu ném cho người con gái vừa lồm cồm gượng đứng dậy được trước mặt tôi. Hai người còn lại cũng lục tục quay trở về vị trí chiến đấu.

Tôi đưa mắt nhìn quanh, giơ tay thủ thế. Bắt đầu có chuyển biến xấu rồi. Điều đầu tiên là phải cướp được thanh thép, bởi đó chính là thứ có thể gây sát thương. Hai người hai bên ép tôi lại, tôi chỉ kịp tung ra một cú đấm bằng tay phải thì đã thấy thanh thép vung tới, tôi rùn mình, cúi xuống, đồng thời túm luôn lấy một người làm bia chắn, nhảy lùi hai bước về phía sau. Thanh thép theo đà, không dừng lại được, bộp một tiếng, rồi tôi nghe có tiếng người kêu lên đau đớn. Nhưng rất nhanh, một người đá thúc vào bụng tôi, tôi đảo người, né được, nhưng cũng bị một phen hết hồn, toát mồ hôi lạnh. Không để cho đối thủ có thời gian tấn công, tôi vung tay đấm cho kẻ đang đứng trong tầm với một cú ra trò, thanh thép lại một lần nữa giơ lên loang loáng…

- Đâm thẳng vào bụng nó. – Tiếng ai đó hét lên, run rẩy nhưng phấn khích.

- Đứng im cho nó đâm đi Hạ Nhi.

Một tiếng nói cất lên âm âm như vọng về từ địa ngục làm tất cả đều đứng sững lại. Tôi nhân cơ hội nhảy lùi về phía sau một bước.

- Xem nó có dám không?

Tôi không cần phải ngoái đầu lại ra phía sau cũng có thể đoán được ai vừa lên tiếng. Ai có thể là chủ sở hữu của cái bóng khổng lồ này ngoài tên Trương Phi Huỳnh Công Linh?

Tên Trương Phi tiếp tục bước lên phía trước hai bước dài, đối diện với tên chuột, lúc này, thực sự là giống một con chuột.

- Mày… – Tên Trương Phi hất hàm. – Mới nứt mắt ra đã học đòi làm đại ca à?

- Không ạ. – Tên chuột bị cái bóng to lớn của tên Trương Phi đè cho khiếp vía, ấp úng. – Em không có dám ạ

- Còn hai thằng này?

Tên Trương Phi đưa mắt về phía tên mắt to và tên Tuân khùng – hai đứa một lòng tỏ ra vô tội.

- Dạ anh, bọn em chỉ…

Kiên nhẫn không phải là đức tính mà tên Trương Phi có, nên hắn chẳng chờ nghe hết câu trả lời, quay sang phía ba nữ anh hùng rơm, giọng nói sặc mùi sát khí.

- Mấy con nhóc này, hôm qua tao còn thấy tụi mày mặc áo dài đi học, sao hôm nay đã ra đây đánh nhau? Tụi mày tưởng tụi mày lập phe lập phái đi đánh nhau thuê là hay lắm đó hả? Muốn làm chị hai hả? Bọn mày có óc không? Có biết suy nghĩ không? Muốn chết ngay bây giờ à?

Ba cô gái tụm lại một chỗ, không dám ngẩng mặt lên.

- Đồ ngu! – Tên Trương Phi kết luận chung. – Tụi mày tuổi gì mà tới địa bàn của tao kiếm người gây chuyện?

- Đại ca, bọn em không…

Tên chuột muốn thanh minh, nhưng tên Trương Phi đã gầm lên.

- Mày về mà lo cho bà già mày đang bị ung thư sắp chết đi. Mày tưởng đi theo đám giang hồ vặt là mày ngon hả? Mày làm mẹ mày sống không dám ngẩng lên nhìn ai, tao có đứa con như mày, tao bóp cổ cho chết từ lâu rồi. Đừng để tao phải nói ông già tao sai người cắt gân chân mày. Đồ bị thịt. Đồ chết băm. Đồ chó…

Tên chuột bị chửi vuốt mặt không kịp, im re không dám hở ra một lời cãi lại.

Tên Trương Phi càng chửi càng hăng máu, quay sang chỉ thẳng ngón tay trỏ vào mặt tên mắt to và tên Tuân khùng.

- Còn hai thằng này, tao ngứa mắt tụi mày thì hồi tụi mày nhí nhố lập băng này băng kia, không phải Hương Loan nói đỡ thì tao đập tụi mày lâu rồi. Tụi mày có giỏi, tới gặp ông già tao mà xin lấy một chân đòi nợ thuê. Còn đã không làm được, thì đừng có há mồm ra nhận mình là trùm, là đại ca. Tụi mày chỉ là một lũ con nít học đòi, mang tiếng làm trò cười cho thiên hạ.

Tên Trương Phi còn định nói tiếp cho đã miệng, thì lúp xúp từ phía xa, tôi thấy, Phan Anh và Hương Loan đang chạy lại.

Hương Loan chưa cần biết đầu đuôi, nhìn tôi hỏi liền.

- Một chọi một hay xông lên tất?

- Đánh đấm gì? – Tên Trương Phi phẩy tay. – Cái đám con nít loe ngoe, ếch con mà cứ tưởng to như bò.

- Tiếc thật! – Hương Loan thở dài. – Nghe Phan Anh gọi, gấp gáp cứ như cháy nhà, phải bỏ luôn mấy trò của lớp, chạy theo tới đây, lại không đánh đấm gì…

Phan Anh không chú ý tới lời trách cứ, bám lấy hai vai tôi, thở dốc, mắt mở to, gương mặt đỏ bừng, lưỡi ríu lại.

- Nhi có sao không? Có sao không? Có bị đánh ở đâu không?

Tôi rất khí khái, ngẩng cao đầu.

- Anh Công Linh tới đúng lúc hay ho nhất, Nhi vẫn chưa kịp đánh cho đã tay.

Phan Anh tỏ vẻ không tin, nhìn tôi khắp người hai ba lượt, sau đó mới thở hắt ra.

- Nhi… thật là… thật lo chết được.

Tôi vỗ vai Phan Anh.

- Nhi có phúc tinh chiếu mạng mà, lo gì?

- Còn đợi tao gọi người tới rước tụi mày đi à? – Đại ca Huỳnh Công Linh gầm lên. – Muốn thử lòng nhân hậu của tao nữa hả?

Sáu tên bắt cóc tôi – thôi thì cứ gọi chung là như thế cho tiện – bị giũa cho một trận te tua, dạ dạ vâng vâng, lủi thủi ôm đầu biến đi trước.

- Có bị sao không? – Lúc này, tên Trương Phi mới quay sang tôi.

Tôi nhún vai.

- Không sao.

- Không bị tụi nó đánh trúng chứ hả?

- Đại ca đã từng đánh trúng em chưa?

Tôi hỏi lại và vị đại ca đang hùng hùng hổ hổ bỗng đỏ bừng mặt, buông thõng một câu.

- Lũ học đòi mất dạy.

Tôi, Phan Anh, Huỳnh Công Linh và Hương Loan thong thả trở vào Hội trại. Hương Loan vẫn chép miệng tiếc rẻ không được đánh đấm gì, tên Trương Phi phải an ủi mãi, thậm chí còn hứa mai mốt đi đánh nhau sẽ kêu đi thì mới chịu nguôi nguôi. Coi như không có chuyện gì xảy ra, chúng tôi vui vẻ chia tay nhau.

- À này đại ca… – Đi được một đoạn, tôi sức nhớ ra, bèn quay lại. – Em đã đoán đúng về đại ca đấy nhé, đại ca đúng là giang hồ!

Tên Trương Phi vốn có cái đầu bị ăn đấm từ nhỏ, nhận ngay đó là một lời khen, cười ha hả, còn cảm ơn tôi rối rít.

Tôi cùng Phan Anh, còn chưa về tới khu trại khối mười, đã thấy mỹ nhân và tên trời đánh cùng sánh vai đi tới.

Tôi chợn người, dừng lại. Bốn đôi mắt nhìn nhau giây lát.

- Nghe nói, bạn đang tìm mình?

Tên trời đánh hỏi và Phan Anh nhún vai.

- Lúc nãy đúng là mình có tìm bạn, nhưng giờ thì không cần nữa rồi.

- À, ờ… - Tên trời đánh tuy không hiểu nhưng cũng không có nhiều thời gian để hỏi lại, đành cười. – Vậy khi nào cần thì lại tìm nữa nhé.

Nói rồi, không thèm liếc tôi một cái, bỏ đi luôn.

Mỹ nhân nhìn tôi và Phan Anh.

- Hai người …

- Không có gì đâu. – Tôi trả lời. – Nhi chỉ đang đi chụp ảnh…

Sét đánh một cái ầm trúng đầu tôi.

Tôi quần nát đám cỏ xung quanh con đường mòn, lật tung từng mẩu rác nhỏ, cái máy ảnh kỹ thuật số trị giá hai ngàn đô la Mỹ của Phương Thảo như bị tàng hình, không một dấu vết chứng tỏ nó còn tồn tại. Thậm chí, sau khi tìm được một lúc, tôi bắt đầu hoang mang không biết liệu Phương Thảo đã đưa máy ảnh cho tôi rồi hay nó vẫn đang yên vị ở nhà chờ thay pin.

Dù là lý do gì đi chăng nữa, cái máy ảnh kỹ thuật số đã không còn nằm trong tay tôi. Cái máy ảnh trị giá hai ngàn đô!

Sau khi tìm kiếm trong vô vọng lần thứ một trăm, tôi ngồi bệt luôn xuống đất, thầm tính nhẩm trong đầu.

- Hai ngàn nhân với mười sáu ngàn sáu trăm…

Cũng không nhiều lắm, đại loại là chừng ba mấy gần bốn chục triệu… nước mắt tôi suýt nữa thì chảy tràn, dám chừng vì số tiền ấy mà mẹ tôi làm thịt tôi lắm. Có cân móc hàm tôi lên bán ký thì cũng chắc gì đã kiếm đủ số tiền đó.

Tôi quyết định tìm thêm một lần nữa, mở rộng phạm vi ra xa hơn, lòng thầm hy vọng, có thể khi đánh nhau, ai đó lỡ chân đá nó lăn sâu hơn vào đám cỏ rậm.

Phan Anh vẫn kiên nhẫn ngồi chờ tôi trên một tảng đá nhỏ.

Chiều dần buông, ánh mặt trời chuyển thành màu da cam, trải dài trên những lá cỏ, một cơn gió lạnh thổi tới.

Tôi ngẩng đầu lên, rùng mình. Tôi sẽ nói thế nào với Phương Thảo? Và quan trọng nhất, nói thế nào với mẹ để mẹ rút tiền ra?

Tôi nghe tiếng chuông gõ lanh canh trong đầu… đừng hỏi chuông nguyện hồn ai, chuông nguyện hồn anh đấy!

- Sáu giờ kém rồi Nhi à.

Phan Anh nói và đứng lên.

- Nhi vẫn chưa tìm ra. – Tôi đáp, mắt vẫn cố nhìn từng viên đá nhỏ. – Nó ở đâu được nhỉ? Nhi nhớ là Nhi đã để ở đây… ở đây…

- Theo kế hoạch, năm rưỡi học sinh phải về hết để bảy rưỡi tập trung lại đốt lửa trại đó…

- Nhi vẫn chưa tìm ra! – Tôi gào lên. – Nhi làm mất máy ảnh hai ngàn đô của Phương Thảo rồi.

Thiếu chút nữa thì tôi òa khóc.

Mặt trời khuất sau đỉnh núi, gió lạnh mạnh hơn một chút, dồn mây về một góc trời. Cả bầu trời nhuộm đầy những màu sắc tuyệt đẹp mà bát cứ họa sỹ nào cũng phải mơ ước.

Giữa khung cảnh đẹp như vậy, mà tôi lại cảm thấy rất khó thở. Hai ngàn đô đúng là thứ có thể làm nghẹt thở bất cứ cái khí quản nào.

- Nếu nó đã không có ở đây, thì Nhi có đào sâu xuống đất cũng không thể tìm thấy được, đúng không? Bình tĩnh, rồi sẽ có cách giải quyết mà.

Lời Phan Anh nói, đương nhiên tôi rõ hơn ai hết, chỉ là tôi cứ cố hy vọng.

- Có lẽ tên chuột đã lấy nó. – Tôi phỏng đoán. – Nhi sẽ nhờ anh Công Linh.

- Ừ. – Phan Anh hồ hởi đồng ý. – Có thể là tên… chuột gì đấy, cũng có thể là hai anh lớp Lý, mà cũng có thể là mấy cô gái đó, hoặc, chẳng phải bất kỳ ai trong số họ, một người đi đường vô tình đi ngang qua... có lẽ… là rất nhiều người.

Tôi thấy một màn sương mù giăng phơ phất trước mặt.

- Mẹ Nhi sẽ giết Nhi.

Tôi nói, màn sương càng lúc càng dày. Một hai ba, tôi bắt đầu đếm tiếng chuông cầu hồn trong đầu, bốn năm sáu…

- Để mình giúp Nhi.

Phan Anh nói, tiếng chuông trong đầu tôi chuyển thành tiếng ting ting khi một ông tiên xuất hiện, giữa màn sương mù, ánh sáng từ Phan Anh chiếu ra lấp lánh… lấp lánh như ngọn hải đăng giữa biển khơi đầy sóng dữ.

- Có đúng là bạn sẽ cho mình mượn một cái máy ảnh kỹ thuật số khác trả cho Phương Thảo? Đúng vậy không?

Tôi hỏi tới lần thứ một trăm và Phan Anh cũng một trăm lần gật đầu xác nhận khi hai chúng tôi cùng đứng ở cổng trường chờ người nhà của Phan Anh tới đón.

- Bạn thực sự là vị cứu tinh của đời Nhi. – Tôi nói thật lòng, giọng run lên vì xúc động. – Nhi cảm ơn… không… phải nói là biết ơn bạn… như nước Pháp biết ơn tướng De Gaulle.

- Mình không quan tâm tới ông tướng ấy. – Phan Anh trả lời. – Mình chỉ biết Nhi… ờ… vậy thôi.

Một chiếc xe hơi màu trắng lại gần chúng tôi và từ từ đỗ lại. Miệng tôi há hốc.

- Không phải chứ?

Cái xe này giống hệt cái xe mỹ nhân đi hôm nọ.

Phan Anh tỏ ý không vui.

- Chỉ là một cái xe thôi mà.

Nhà tôi cũng có ô tô, cái ô tô đấy còn có một tên gọi khác nữa là xe Dép, viết đúng theo tiếng Anh là Jeep thì phải.

Cái xe đấy thuộc hàng sư tổ của mấy cái mui trần bây giờ, đấy là tôi đang nói về tuổi tác, hoàn toàn không có ý khen ngợi.

Bố tôi, mỗi lần lái xe đi công tác về, đều rất tự hào kể.

- Không có cái xe này, chắc gì công việc trôi chảy được như thế. Chỉ cần lên xe nổ máy, cách cả cây số, người ta đã dẹp đường ra rồi.

Có một lần bố tôi chở anh Xuân Nhi – khi đang còn bé tí – đi dạo bằng cái xe nổi tiếng ấy, chẳng hiểu mải mê ngắm cảnh thế nào, ông anh văng luôn xuống đường, lăn ra tuốt luốt, may mắc vào một gốc cây, chớ không thì có lẽ bố tôi đã phải lội xuống ao vớt ông con lên. Từ đó, rút kinh nghiệm, mỗi lần chở đứa nào đi, bố tôi đều rất cẩn thận lấy dây dù buộc đứa đó vào ghế. Tới nơi, tháo dây ra, bế xuống. Tôi được đi một lần, sợ tới đời con cháu. Ấy thế mà bố tôi lại khoái cái xe Dép ấy lắm, bao lần mẹ tôi đòi bán sắt vụn là bấy nhiêu lần bố ôm chăn ra xe ngủ để quyết tâm phản đối.

Cái xe đẹp như thế này, tôi chưa từng được ngồi qua, cũng muốn thử một lần cho biết.

Phan Anh mở cửa, tôi lao tuột vào xe, nhún nhún.

- Đúng là xe xịn có khác. – Tôi nhận xét. – Thật là thoải mái.

Rồi tôi dựa lưng vào ghế, nhắm mắt lại.

- Biết chừng nào mới mua nổi cái xe xịn như vầy tặng cho bố mẹ đây?

Xe bắt đầu êm êm chạy, một cảm giác rất chi là khoái tỉ, khiến tôi lâng lâng như thể chỉ cần quạt quạt hai cánh tay là có thể bay lên. Đi ngang qua ông anh khờ, giờ này ông anh còn đạp xe lang thang ngoài đường, tôi mở kính xe, thò đầu ra, ngoái lại hét to.

- Em tới nhà bạn Phan Anh thân thương nhé!

Trông cái mặt ông anh ngơ ngác giữa đường, đúng là rất tức cười. Nhưng mặt chú tài xế hiển hiện trong gương chiếu hậu còn tức cười hơn. Chỉ có Phan Anh là im lặng, không nói gì, trên môi lúc nào cũng thấp thoáng một nụ cười mơ hồ.

Nhà Phan Anh nằm trên đường Hùng Vương, cách trường cũng không xa lắm. Đó là một căn biệt thự hai tầng, được xây dựng dựa trên ý tưởng của một ai đó có con mắt thẩm mỹ tuyệt vời, ý tôi là, không nên có những ý tưởng độc đáo giống tôi khi xây một ngôi nhà kiên cố cho mình, đúng không? Một vườn hoa hồng phía trước sân, khoảng sân không rộng, có đặt một bộ bàn ghế bằng gỗ rất xinh xắn và được che dù. Tôi cực kỳ ấn tượng với hàng rào bằng sắt chạy xung quanh ngôi nhà, trên mỗi cọc hàng rào đều có một bóng đèn sứ màu trắng, tỏa sáng lung linh.

- Ăn gì đã nhé? – Phan Anh nói khi mở cửa xe cho tôi.

Tôi chui ra khỏi xe, nhìn xung quanh, ngoài chiếc ô tô màu trắng, trong gara còn hai chiếc xe ô tô khác và một chiếc xe máy.

- Nhà bạn giàu thật nhỉ? – Tôi nhận xét.

Phan Anh không chú ý tới lời nói của tôi, im lặng dẫn tôi lên cầu thang, tới một căn phòng chờ khá rộng, bày trí rất đẹp. Tôi ngồi tót lên chiếc ghế nệm. Êm như nhung.

- Ba mẹ bạn đâu?

Tôi hỏi khi Phan Anh mở một cánh cửa.

- Không biết.

Phan Anh trả lời và cánh cửa đóng lại. Cậu chàng biến mất.

Trả lời gì kỳ cục, nhưng tôi không thèm quan tâm, tôi ngó nghiêng khắp căn phòng, thực là tuyệt đẹp. Có bể cá, có lọ hoa, có tranh thủy mặc treo tường… thứ gì cũng toát lên vẻ trang nhã và quý phái.

Một lúc khá lâu sau, Phan Anh mới quay trở lại, trong thời gian chờ đợi dài tựa ba mươi thế kỷ đó tôi kịp đã xem đi xem lại căn phòng tới bốn lần, thuộc luôn cả mấy câu thơ được đề trên tranh, gì như là “Đầu bạc bây giờ có thuở xanh”.

- Xin lỗi để Nhi phải chờ, mình có thói quen sau khi ra đường về thì phải tắm.

- Ờ, được… không sao, Nhi cũng có thói quen sau khi ngủ dậy thì đánh răng.

- Vậy à?

Phan Anh nói, không tỏ thái độ gì.

Tôi đành cười trừ, kỳ thực thì bụng đang đói sôi hết cả ruột, mặt thì cười mà trong lòng thì lẩm bẩm rủa, cái đồ công tử... Nhưng không thể phủ nhận, cậu chàng trong bộ đồ ở nhà, dễ thương hơn hẳn cái anh chàng quần xanh áo trắng trên trường thường ngày. Dễ thương kinh khủng luôn ý.

- Này, cho Nhi hỏi một câu đi. Máy ảnh đâu?

Chờ mãi chỉ thấy cậu chàng nói loanh quanh về mấy con cá, mà theo ý tôi, có rán giòn chúng lên và đặt trên đĩa thì may chăng tôi mới ghé mắt qua để ý, tôi đành phải lên tiếng hỏi. Vừa lúc đó, có một cô cỡ tuổi bốn mươi gần năm mươi, khá béo, trông có vẻ phúc hậu, từ một cánh cửa khác, bước ra.

- Xong rồi cậu.

Phan Anh gật đầu, nói với tôi.

- Đi ăn tối đã.

- Nhưng…

- Mình đói.

Phan Anh nói đơn giản, tôi cũng bắt đầu thấy bụng mình sôi lên ùng ục.

Bữa ăn tối của thiếu gia nhà giàu thực là dễ làm người ta sa vào tội lỗi. Có tới tận bảy món ăn, toàn là những thứ ngon lành mà ở nhà tôi, mẹ chỉ bỏ công làm mỗi khi nhà có khách, hoặc có tiệc tùng giỗ chạp gì đấy, đã vậy lại còn được đựng trong những cái chén đĩa đẹp mê ly. Căn phòng cũng được trang trí theo phong cách thể hiện “ta đây là người có tiền”, vừa ấn tượng vừa sang trọng. Vừa ăn vừa ngắm những đồ vật trưng bày trong phòng, cũng chẳng khác đi ăn trong viện bảo tàng là mấy.

Phan Anh ăn ít, cả bữa, toàn ngồi nhìn tôi ăn. Tôi vốn mặt dày, đằng nào cũng mang tiếng, còn đói là còn ăn.

- Ba mẹ bạn đâu?

Ăn được nửa bữa, tôi mới nhận thấy điều kỳ quặc đó, chỉ có tôi và Phan Anh ngồi ở bàn ăn, ngay cả chú lái xe và cô giúp việc cũng không thấy.

- Không biết. – Phan Anh trả lời, và sợ tôi không hiểu, liền giải thích thêm. – Ba đi suốt, lúc thì ở Sài Gòn, khi thì ở Hà Nội, cũng có thể là đang ở nước ngoài… công việc của ba là mở rộng thị trường nên càng đi nhiều càng tốt. Mẹ cũng vậy, mẹ đi cùng ba, cho dù mẹ chẳng làm gì.

- Giống như Chủ tịch nước đi đâu cũng phải có phu nhân đi kèm.

Tôi vừa nhai vừa nói, Phan Anh chỉ cười.

- Bạn cũng không có anh chị em gì à? – Tôi hỏi tiếp cho không khí đỡ phần gượng gạo.

- Chính thức thì không. Mình là con một, nhưng ai mà biết…

- Ờ. – Tôi nói leo. – Cũng buồn nhỉ?

Im lặng một lát cho tôi xử lý sạch trơn đĩa cá thu.

- Bạn ở nhà này với ai? – Tôi hỏi tiếp khi chiến đấu tới món thịt gà tẩm mật ong.

- Vợ chồng cô chú Ba. Chú Ba lái xe, cô Ba giúp việc và hai người bảo vệ.

- Không có người lớn ở kèm à? – Tôi thật sự ngạc nhiên. – Ý Nhi là, ít ra thì bạn cũng phải ở cùng cậu mợ hay chú thím gì chứ?

Phan Anh lắc đầu. Tôi chu mỏ lên.

- Thế là lạ thật. Làm sao bạn có thể sống một mình mà không có người lớn ở bên cạnh?

- Có ông nội. – Phan Anh ngập ngừng. – Nhưng ông không ở với mình thường xuyên, ông cũng đi suốt.

- Buồn nhỉ? – Tôi nói và dốc sạch đĩa thịt gà vào bát mình. – Thực sự là rất buồn, cho dù món ăn có ngon thế nào đi chăng nữa.

- Nhi có thể tới đây ở với mình.

Phan Anh nói nhanh, và khi cái đĩa trên tay tôi đặt hơi mạnh xuống bàn, cậu chàng biết đã lỡ miệng nên lúng túng cúi mặt xuống, chỉ để lộ hai vành tai đỏ nhừ.

- Ý mình là… nhà mình rất rộng, còn rất nhiều phòng trống và… cũng không có ai, trong khi Nhi cũng đang ở nhờ nhà anh Sơn Lâm… ý mình là… không có ý…

- Lời đề nghị hay mà. – Tôi tiếc nuối thực sự. – Giá như bạn là con gái, Nhi sẽ dọn tới ở cùng bạn.

Trong đầu tôi thoáng nghĩ tới mỹ nhân. Giá mà mỹ nhân có thể đổi chỗ cho Phan Anh thì tốt biết mấy.

Nhưng rồi, bỗng một hình ảnh kinh dị hiện lên trong đầu tôi. Tôi nhìn thấy tên trời đánh đang ngồi thế vào vị trí của Phan Anh, và đề nghị tôi như vậy. Kinh dị hơn nữa, tôi nghe tiếng trái tim mình trả lời: Đồng ý. Mặc kệ người ta muốn nói gì thì nói, tôi chẳng quan tâm. Thật đấy!

Tôi nghẹt thở. Là tôi điên thật hay trong thức ăn có chất gây ảo giác?

- Mình biết. – Phan Anh nói, vẫn chưa ngẩng đầu lên. – Mình chỉ giỡn một chút… Nhi sao có thể tới đây ở được… cho dù không có chuyện gì… thì cũng không tốt.

- Ừ. – Tôi thở dài, gắp miếng tim bò xào ớt chuông cuối cùng. – Không tốt…

Ăn tối xong, tôi còn phải cùng Phan Anh thưởng thức tiệc trà. Giống như đồ điên, tôi nghĩ, làm sao mà con người ta lại phải lôi thôi đến như thế, khi mà vừa ăn cơm xong, đã phải chui vào một căn phòng, vừa nghe nhạc không lời, vừa uống cái thứ nước đăng đắng, rồi lại còn phải ngồi im một chỗ không nói chuyện, chỉ dán mắt vào một tờ báo dở hơi viết về tài chính, chứng khoán... với những hình biểu đồ xanh xanh đỏ đỏ nhức hết cả mắt. Phan Anh – dường như chẳng chịu để thứ gì phá vỡ nguyên tắc – điềm nhiên tận hưởng hết ba mươi phút, sau đó, mới nhướng mắt qua nhìn tôi.

- Máy ảnh của Phương Thảo hiệu gì nhỉ?

Tôi lấy đà, chỉ chực lao tới vồ lấy con mồi mà xé xác.

- Nhi còn nhớ chính xác hình dáng như thế nào không?

Tôi gật.

Phan Anh đứng dậy, tôi lon ton chạy theo sau.

Phan Anh đi qua hành lang, mở cửa một căn phòng, điện bật sáng.

- Ồ. – Tôi thốt lên khi thò đầu ngó vào căn phòng. – Đẹp quá!

Quả thực là một căn phòng rất đẹp! Trong giấc mơ hoang đường nhất của tôi, tôi cũng chưa bao giờ thấy mình đặt chân vào một nơi đẹp như thế này. Nếu thiên đường là có thật… có lẽ, căn phòng dành cho tôi ở trên đó, chỉ cần đẹp như thế này là đủ.

Phan Anh không đáp lại lời khen của tôi, chỉ mở ngăn kéo, lấy ra năm cái máy ảnh kỹ thuật số đặt lên bàn, rồi quay lại hỏi tôi.

- Cái nào?

Tôi trợn tròn mắt.

- Sao nhiều thế này?

- Quà sinh nhật. – Phan Anh trả lời gọn lỏn.

Rút cục, tôi cũng đã cầm trên tay cái máy ảnh mới tinh, không khác cái cũ của Phương Thảo là mấy, trừ việc… đương nhiên, nó không phải là cái cũ.

- Nhi sẽ làm việc, tiết kiệm tiền, và trả bạn mỗi tháng một ít. Trả chừng nào hết thì thôi.

Tôi vừa mân mê cái máy ảnh, vừa nguyện thề.

- Ừ. – Phan Anh nói, chẳng mảy may xúc động, cứ coi như chuyện đó là chuyện đương nhiên. – Nhi chỉ cần nhớ Nhi nợ mình là được.

Trong tâm trạng vừa mới thoát chết nơi địa ngục để trở về với thiên đàng, tôi tuyệt đối tin, dù là bốn mươi, hay một trăm triệu đi chăng nữa, tôi cũng sẽ có cách kiếm lại để trả cho Phan Anh. Chắc chắn phải là như thế.

Vì một lý do ngớ ngẩn nào đó, Phan Anh không muốn ra khỏi nhà vào buổi tối, tôi đành phải một mình đi tới trường. Với sự giục giã của tôi, chú Ba tài xế tự hào tuyên bố đã phá kỷ lục chạy xe thường ngày của mình.

Tôi vừa mở cửa xe bước ra, đã chạm mặt Phương Thảo. Lập tức, nàng nã cho tôi một tràng đạn liên thanh.

- Nhi biến đi đâu, làm Thảo kiếm muốn chết luôn.

Tôi giơ cái máy ảnh lên, đẩy nòng súng qua chỗ khác.

- Được rồi, Nhi xin lỗi.

Phương Thảo cầm máy ảnh, xem xem một lát rồi la hoảng lên.

- Sao kỳ quặc thế này?

Tim tôi rơi bịch một cái xuống đất.

- Sao toàn hình của Nhi không vậy?

- À… – Tôi nói và nhỏng cổ vào, nhìn thấy hình của mình thì không sao khép miệng lại được nữa. – À…

- Lại còn xóa hết những hình cũ đi nữa chớ. Nếu trưa nay Thảo không lưu vô vi tính thì giờ Nhi tính làm sao với Thảo?

- À…

Tôi chẳng thể giải thích được gì, làm sao tôi biết được tại sao lại có hình của tôi trong máy? Trong những tấm hình, trông tôi rất vô tư, thậm chí có một tấm, tôi còn đang há miệng ra cười rất to. Sao có lúc tôi lại trông xấu xí tới mức ma chê quỷ hờn thế này cơ chứ?

- Nhi thiệt tình … - Phương Thảo làm ầm lên. – Nhi có biết là Thảo nhận được nhiều yêu cầu lắm không, cả chiều Nhi không làm gì, đi nhờ người ta chụp hình mình, Nhi làm vậy mà coi được…

Những người đi qua đi lại bắt đầu tò mò nhìn chúng tôi.

- Được rồi. – Tôi xua tay. – Nhi xin lỗi.

Nhưng Phương Thảo quả thực là đang rất cáu.

- Cả chiều Thảo chạy ngược chạy xuôi đi tìm Nhi, người ta về hết rồi còn chờ Nhi ở cổng, về tới nhà không kịp tắm, không kịp ăn cơm, gọi điện hỏi Nhi cũng không gặp… lại gặp đúng ông anh Sơn Lâm nhà Nhi… Nhi làm Thảo tức chết.

- Được rồi. – Tôi nói to hơn. – Nhi xin lỗi rồi mà.

- Làm việc theo nhóm thì Nhi cần tôn trọng nhóm một chút chứ, đâu thể muốn làm gì thì làm…

- Được rồi. – Tôi gắt. – Nhi sai rồi.

Phương Thảo trước giờ bình thường đã nói rất nhiều. Khi căng thẳng còn nói nhiều gấp đôi. Mặc kệ tôi đã hạ mình nhận sai, nàng vẫn tấn công tôi tới tấp, cho tới khi tôi chịu không nổi nữa, gào lên.

- Thảo có biết điều mà Nhi sai nhất là gì không? Là đã đồng ý hợp tác với Thảo đó. Thảo vừa lòng chưa?

Tiếng của tôi hơi to, làm tất cả những người đi ngang qua đều quay lại.

- Nhìn gì mà nhìn? – Tôi quát. – Chưa từng thấy hai đứa bạn xích mích à?

Quát xong, tôi hằm hằm bỏ đi. Tôi chen ngang một đám người đang đứng hát hò lải nhải, can cái tội dám đứng đúng đường tôi đang đi. Tôi nghe có tiếng nhốn nháo.

- Người gì mà kỳ vậy? Không có mắt à?

Tôi quay ngoắt lại, đang tức không có chỗ xả, lại có kẻ dám cưỡi lên đầu thái tuế, vừa lúc nhìn thấy tên trời đánh – mẹ kiếp – chọn đúng lúc đúng chỗ để nắm tay con gái nhà người ta, mà cái đứa con gái ấy, vẫn đang còn ngoa ngoắt.

- Đi thì phải nhìn đường chớ, không thấy đây là chỗ người ta đang tập văn nghệ sao? Người đâu vô duyên quá tr…

- Câm mồm!

Tôi gằn giọng. Đứa con gái có lẽ đã nhận ra tôi chính là Nguyễn Hạ Nhi kinh khủng nên lập tức nín bặt, nửa câu nói sau nuốt ngay vào bụng.

Liếc nhìn qua tên trời đánh một cái, tôi nhếch mép cười, bỏ đi thẳng. Báu lắm cái của hủi ấy. Đây không thèm.

Ở giữa sân trường, một đống củi lớn được chất lên, tiếng loa thông báo rộn rã.

- Tập trung, tập trung, các học sinh thân yêu hãy tập trung, chú ý cẩn thận, đề phòng hỏa hoạn.

Cảm hứng tham gia đêm lửa trại của tôi sau trận cãi vã với Phương Thảo đã tụt xuống mức âm, mặc kệ gần sáu trăm học sinh nói cười rôm rả, đi đi lại lại vui như trảy hội thanh minh, tôi ngồi thu lu sau góc khuất ánh đèn của một gốc cây phượng, lòng thầm ước tên mắt to hay tên Tuân khùng bỗng nhiên xuất hiện, tôi sẽ túm lấy chúng mà giã như giã tỏi.

Lửa bắt đầu bùng cháy, tiếng loa rổn rảng, tiếng hát rộn ràng, mọi người đều đang rất rất vui. Tôi ngó đầu ra nhìn, trong ánh lửa, những bóng người nhảy múa trông có vẻ gì đó ma quái, như một bầy yêu tinh.

Tôi dựa lưng vào gốc cây phượng, nhìn lên trời. Trời rất trong, những vì sao rất sáng…và tôi rất buồn. Buồn tới mức, khi có một cơn gió lạnh thổi qua, tôi đã muốn chết luôn đi cho rảnh.

Một bóng người tiến đến từ phía sau tôi.

- Nhi à… – Tiếng thì thào khe khẽ. – Phải Nhi không?

Tôi hạ tầm mắt xuống một chút.

- Nguyễn Hạ Nhi?

- Ừ. – Tôi đáp. – Gì?

Bóng người se sẽ ngồi xuống cạnh tôi.

- Đi qua đi lại, tìm Nhi mãi, hóa ra Nhi ở đây.

- Ừ…

- Thảo xin lỗi.

- Chẳng có gì.

- Là Thảo sai rồi… tại… bỗng nhiên không thấy Nhi đâu… lại nghe mấy người kể, thấy Nhi đi cùng một nhóm người trông ghê lắm… Thảo sợ Nhi bị làm sao.

Tôi bật cười.

- Điên quá đi.

- Ừ. – Phương Thảo cũng cười. – Điên thiệt.

- Thôi, bọn mình đừng cãi nhau nữa. Mệt lắm.

- Ừ, không gây chuyện với nhau nữa.

- Mãi mãi nhé. Nhi xin lỗi đã to tiếng với Thảo.

- Thảo cũng…

- Một mình Nhi xin lỗi là đủ rồi.

Tôi choàng một cánh tay qua vai Phương Thảo, ngước mắt lên trời nhìn mấy vì sao lấp lánh. Một ngôi sao băng xẹt qua bầu trời.

- Ước đi, ước đi Nhi. – Phương Thảo rối rít giục.

Chờ cho Phương Thảo mở mắt ra, tôi tò mò hỏi.

- Ước mơ của Thảo là gì?

- Chỉ nói cho một mình Nhi biết thôi nhé. Đến một nơi phủ đầy tuyết trắng, và chơi dương cầm. Có khùng không?

- Ừ, rất khùng. Nhưng dù ước mơ của Thảo là gì, Nhi vẫn sẽ luôn ủng hộ Thảo.

- Thảo cũng vậy, sau này nếu Nhi có đi đốt nhà người ta, thì Thảo sẽ vì Nhi mà đi canh chừng…

- Vậy ai đi rải dầu và ai châm lửa?

- Những việc đó thì để cho ba người kia tự bốc thăm chia nhau.

Cả hai đứa đều phá lên cười.

- Cảm ơn.

Tôi nói khe khẽ với một Đấng vô hình. Gió lạnh vẫn thổi qua, nhưng tôi không cảm thấy lạnh nhiều nữa.

- Có Nhi ở đó nữa.

- Hả?

- Nhi sẽ ngồi ở đó, nghe Thảo chơi dương cầm, bản Fur Elise.

Và Phương Thảo đá lưỡi những nốt dạo đầu ta tá ta tá tà tá ta tà…

Ôi không! Phương Thảo không nhớ rằng tôi là kẻ không thể chịu đựng nổi tiết trời lạnh lẽo hay sao?


/37

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

adsdoctruyen@gmail.com

DMCA.com Protection Status