Ngược Về Thời Minh

Chương 232: Minh tranh

/679


Đã có tin tức chuẩn xác của Thành Khởi Vận rồi, Dương Lăng lập tức hành động ngay.

Thực ra những điều lợi hại được mất của việc giải trừ lệnh cấm biển y sớm đã cùng với đại học sỹ Lý Đông Dương thảo luận tường tận rồi. Từ sau khi hiểu ý đồ thật sự của bá quan khi phản đối giải trừ lệnh cấm, y cũng biết các quan viên phản đối chẳng phải là vì tầm mắt của bọn họ hạn hẹp. Có lẽ bọn họ không nhìn thấy ý nghĩa sâu xa của việc giải trừ lệnh cấm đối với sự phát triển của quốc gia trong tương lai, nhưng ít nhất bọn họ cũng biết rằng ngay trước mắt giải trừ lệnh cấm sẽ rất lợi cho triều đình.

Thế nhưng vì lợi ích cá nhân, rất nhiều quan viên bằng lòng với tình trạng hiện nay. Do đó, lý lẽ thì cố nhiên vẫn phải nói ra, nhưng chỉ dựa vào lý lẽ mà muốn bá quan hưởng ứng thì dứt khoát là không thể được. Nhất định phải áp đảo hoàn toàn bọn họ về mặt chính trị khiến bọn họ không thể tìm được bất kỳ cái cớ nào nữa.

Điều Dương Lăng muốn làm là đàng hoàng áp đảo tất cả các quan viên trên triều đường, chỉ có như vậy thì chính sách này mới có thể thực thi tốt đẹp.

***

Lúc này Đường Nhất Tiên vừa mới từ trong căn phòng tắm được dẫn nước từ suối nước nóng thiên nhiên trong ngôi lầu nhỏ đi ra. Do vừa tắm xong, khuôn mặt kiều diễm của nàng được nước nóng xông đỏ bừng. Nàng mặc một chiếc áo ngắn màu trắng bên trong, bên ngoài khoác chiếc áo lụa màu hồng, bên dưới là một chiếc váy dài có tua, mái tóc còn ươn ướt, xinh đẹp tự nhiên.

Chính Đức thấy vậy đôi mắt không khỏi sáng bừng, buột miệng khen:

- Đẹp quá…

Đường Nhất Tiên trừng mắt nhìn hắn, giận trách:

- Không được nói vậy!

Chính Đức hỏi:

- Khen một tiếng cũng không được sao?

Tròng mắt Đường Nhất Tiên xoay chuyển, nàng đáp:

- Không phải ngươi từng khoác lác rằng mình văn võ song toàn hay sao? Vậy hãy làm một bài thơ ca ngợi suối nước nóng ở Kế Châu này đi xem nào, bản cô nương rửa tai lắng nghe. Nhớ đấy, không được đọc mấy câu nhàm chán kiểu như “ôn tuyền thủy hoạt tẩy ngưng chi” (Câu thơ trong bài Trường Hận Ca của Bạch Cư Dị, tả về suối nước nóng - ND)!

Chính Đức nghe vậy thì như vâng thánh chỉ, chau mày nghiêm túc suy nghĩ hồi lâu, sau đó đọc:

- Thương hải long đông dã dị thường, băng trì hà tự noãn như thang? Dong dong nhất mạch lưu kim cổ, bất vi nhân gian tẩy lãnh tràng.

(Bài thơ miêu tả về suối nước nóng Tiểu Thang Sơn ở Kế Châu của Chu Hậu Chiếu, sử sách có lưu lại. Đại ý: Mùa đông ở vùng biển cũng thật lạ, một ao nước nhỏ sao mà lại ấm áp như thế? Một dòng dìu dịu chảy từ cổ đến kim, nhưng lại chẳng tẩy rửa cho cái lòng dạ lạnh băng của người đời - ND)

Đường Nhất Tiên mở to mắt ngạc nhiên nhìn hắn, một hồi lâu chợt “khúc khích” bật cười, khen ngợi:

- Không ngờ, thật sự là rất bất ngờ đấy! Ngươi tuổi còn nhỏ, lại chỉ là một thị vệ nhỏ nhoi, làm thơ không ngờ cũng… cũng tràn đầy khí thế như vậy.

Chính Đức được khen, lập tức mừng rỡ ra mặt. Lúc này Vĩnh Thuần công chúa dẫn theo hai cung nữ tâm phúc hào hứng đi vào, vừa vào phòng liền bảo ngay:

- Đường cô nương đã tắm rửa thay quần áo xong chưa? Tốt quá rồi, đến đây nào, bốn người chúng ta chơi bài giấy. Ta còn mang tới rượu nho ướp lạnh, ai thua sẽ bị phạt uống một chén.

Nàng cười nhìn Chính Đức, nói tiếp:

- Bản công chúa và Đường cô nương chơi bài giấy, nếu ngươi thích thì cũng có thể đặt cược theo.

Bài giấy cũng tương tự như mạt chược ngày nay. Đường Nhất Tiên vốn là chuyên gia của mấy trò tửu sắc tiền tài, được Thì Hoa Quán bồi dưỡng từ nhỏ, khi đến Đại vương phủ cũng thường chơi trò này với các cung nữ, rất ít khi thua. Nhưng lần này đối thủ là công chúa, Đường Nhất Tiên vốn thông minh lanh lợi nên tất nhiên là không dám thắng rồi. Nhưng nếu Chính Đức cũng đặt cược theo, mình vì giúp biểu huynh lấy lòng công chúa mà thua thì cũng không sao, nhưng chút bổng lộc ít ỏi kia của hắn há chẳng phải cũng sẽ bị thua mất hết hay sao?

Vì vậy Đường Nhất Tiên vội vàng ngăn:

- Điện hạ, chúng ta chơi bài là được rồi! Một gã hiệu ủy nhỏ bé thì có được bao nhiêu bổng lộc chứ, có lẽ chớ nên để gã đặt cược thì hay hơn chăng?

Vĩnh Thuần bật cười “phì”, đáp:

- Cô cũng tốt bụng thật, sợ khiến hắn thua theo sao? Cứ để hắn đặt cược theo đi, nếu cô thua thì phạt một chén rượu, còn gã tiểu hiệu úy này… cứ phạt hắn mười hạt đậu là được rồi.

Đường Nhất Tiên nào biết hạt đậu mà cô nàng nói là đậu vàng, vì thế bèn nở nụ cười tươi:

- Được, mời công chúa ngồi! Dân nữ xin hầu công chúa đánh bài!

***

Dương Lăng ngẫm nghĩ sự tình kỹ càng một lượt, rồi viết một bức mật thư sai người mau chóng gửi cho đại học sĩ Tiêu Phương. Sau đó y mới nở một nụ cười mỉm, vươn vai thở phào, chậm rãi bước ra ngoài.

Buổi tối đầu xuân vẫn còn hơi lạnh, cây cối vừa nảy lộc còn chưa xanh tốt lắm. Gió núi nhẹ nhàng thổi qua, bên tai vang tới tiếng nước suối chảy róc rách, trên trời lấp lánh những ngôi sao dày đặc tôn lên vầng trăng hệt như chiếc đĩa bạc đang treo giữa bầu trời. Khắp mặt đất trải nhẹ ánh bạc lung linh.

Các thị vệ đang đứng lặng lẽ dưới ánh trăng thấy y thì vội vàng khom người hành lễ. Hiện giờ Dương Lăng đang có cương vị cao, chiếc áo choàng khoác chặt trên người, trong lòng y chợt trào dâng một niềm ngạo nghễ: “Vợ đẹp thiếp xinh, công danh lợi lộc, tất cả những thứ mà nam nhân mong cầu giờ đây ta chỉ cần đưa tay là lấy được. Đã từng có lúc ta chỉ là một nhân vật nhỏ bé xiết bao, nhưng lúc này việc ta làm lại có thể thay đổi cả lịch sử. Ai mà ngờ được, ta trong lúc vui chơi hưởng lạc lại đã ngầm vận trù sách lược cả rồi!”

Gió núi chợt đưa tới những tiếng đàn réo rắt, hòa lẫn với làn gió mát lạnh, thực êm tai vô cùng. Dương Lăng bước lần theo âm thanh, tiếng đàn dần trở nên rõ ràng hơn. Âm thanh đó tựa như một dòng suối nhỏ uốn lượn với cánh hoa rơi trôi nhẹ bên trên, róc rách róc rách chảy qua tảng đá làm bắn lên vô số hạt nước trong veo.

Dương Lăng thấy ngôi lầu nhỏ phía trước là nơi ở của Trưởng công chúa, không khỏi hơi ngạc nhiên. Vừa rồi nghe nói công chúa và Nhất Tiên đi chơi bài giấy với nhau rồi cơ mà, chẳng lẽ Trưởng công chúa còn chưa đi? Y dừng bước chân lại hỏi thị vệ bên cửa:

- Người nào gảy đàn vậy?

Thị vệ nhìn thấy Dương Lăng, vội hành lễ rồi thưa:

- Bái kiến Dương đại nhân, là Trưởng công chúa điện hạ đang gảy đàn.

Dương Lăng “ồ” một tiếng, xoay người định đi. Chợt tiếng đàn dừng lại, một cung nữ áo xanh từ bên trong bước ra, nhún người hành lễ:

- Trưởng công chúa mời Dương đại nhân vào điện.

Dương Lăng dừng chân, hơi do dự một chốc, sau đó xoay người bước vào bên trong.

Tiếng đàn lại vang lên, êm ả thanh nhã. “Là bản ‘Phong nhập tùng (Tên một bản nhạc cổ - ND)?’” Dương Lăng không khỏi chậm bước chân. Gió theo người tới, khẽ vén rèm lên, rèm trong như nước. Phía sau bức rèm một ngọn nến đung đưa, công chúa Vĩnh Phúc vận đồ trắng ngồi xếp bằng tựa như một bông sen thủy mặc, trước mặt nàng là một chiếc cổ cầm.

Bức rèm trong suốt chỉ khiến mỹ nhân sau rèm có thêm chút vẻ huyền ảo mông lung. Đôi hàng lông mi cong cao vút của công chúa Vĩnh Phúc hơi rủ xuống, đôi tay lướt trên dây đàn, bàn tay trắng nõn còn có phần mịn màng lung linh hơn chiếc núm bạch ngọc lên dây đàn.

Nàng dường như cũng vừa tắm suối nước nóng xong, trên người mặc một chiếc áo trắng ngần thanh khiết, quần áo mềm mại, tuy có phần hơi rộng, nhưng từ nếp uốn gồ lên trước ngực vẫn có thể loáng thoáng nhìn ra những đường nét động lòng người. Ống tay áo được xắn lên mấy vòng, cổ tay nõn nã như ngọc nhẹ nhàng di chuyển theo những tiếng đàn dìu dặt.

Mái tóc của Vĩnh Phúc được bó lại, để buông qua bầu ngực trái hơi nhú lên, tựa như một dòng sông màu đen đang chảy qua vùng núi non phủ đầy tuyết trắng. Trưởng công chúa xưa nay chỉ vận cung trang hoa lệ, trước mặt người ta luôn toát ra một vẻ cao quý vô ngần, nhưng giờ đây trong bộ quần áo màu trắng không hề có chút trang sức nào lại không ngờ đầy vẻ quyến rũ đáng yêu, không gì so được.

Thế nhưng tuy yêu kiều xinh đẹp là vậy, khí chất của nàng lại vẫn cao quý vô cùng. Một công chúa từ nhỏ đã sinh sống trong gia đình đế vương, từng cử chỉ từng vẻ mặt được hun đúc ra tuyệt đối chẳng phải thứ mà một diễn viên có thể mô phỏng được. Cho đến bây giờ, cũng chỉ có gã Chính Đức kia là hạng quái thai trong gia đình đế vương ấy mà thôi.

Dương Lăng đứng lặng yên, đợi công chúa Vĩnh Phúc gảy đàn xong mới vái một vái thật sâu, thưa:

- Tham kiến trưởng công chúa điện hạ!

Công chúa Vĩnh Phúc nhìn y một lát bằng đôi mắt long lanh trong sáng, sau đó xua tay bảo:

- Các ngươi lui xuống đi!

Dương Lăng lúc này mới chú ý trong bóng tối sát bức tường sau lưng nàng có hai cung nữ đang đứng lặng lẽ chẳng hề động đậy. Công chúa Vĩnh Phúc xinh đẹp vô ngần, bọn họ lại đứng trong chỗ tối nên vừa rồi Dương Lăng không hề chú ý đến sự tồn tại của bọn họ.

Đợi hai cung nữ lùi ra hẳn, Vĩnh Phúc mới nói:

- Dương đại nhân! Tiên hoàng và hoàng huynh trước giờ luôn tin tưởng đại nhân, bản công chúa đối với đại nhân cũng rất có hảo cảm, do đó mới mạo muội mời đại nhân vào đây, có một số lời thành khẩn muốn nói. Vốn dĩ… phận nữ lưu không nên tham gia vào việc chính sự, đại nhân cứ coi đây như là những người hảo hữu tri giao bàn luận riêng tư với nhau, vậy có được chăng?

Dương Lăng nhìn nàng với vẻ ngạc nhiên, thấy đôi mắt trong sáng đó cũng đang nhìn mình, y vội vàng đáp:

- Xin công chúa cứ nói, thần không dám giấu giếm điều gì!

Công chúa Vĩnh Phúc hít vào một hơi dài, đột nhiên bảo:

- Hoàng huynh trước nay luôn bừa bãi, may có đại nhân tính tình trầm ổn. Hoàng huynh được đại nhân phò tá, trong lòng bản công chúa cũng rất mực yên tâm. Nhưng lần này sau khi đại nhân về kinh lại trở nên bồng bột nông nổi, vào buổi lễ ‘Thân Tàm’ bản công chúa từng nghe các mệnh phụ bàn luận, hoàng huynh gần đây mười phần càn quấy, còn đại nhân cũng…

Nàng cắn chặt môi, lại nói tiếp:

- Ân huệ mà đại nhân được nhận đã là số một trong triều, bản công chúa lại nhận thấy hoàng huynh đối với biểu muội của đại nhân cũng mười phần yêu quý. Nếu lệnh muội vào cung, địa vị của đại nhân sẽ lại càng cao hơn. Đại nhân quyền cao chức trọng, tay nắm đại quyền, thực nên hết sức cẩn thận, mỗi lời nói hành vi đều phải như bước trên băng mỏng… Đừng thấy bản công chúa chỉ là phận gái, những việc này ta đều hiểu hết. Nếu đại nhân ỷ vào sự tin tưởng của hoàng huynh, làm việc bừa bãi, sớm muộn…

Chẳng lẽ… đại nhân thật sự là thiếu niên đắc chí, do đó đã quên mất cả nhiệm vụ của mình rồi sao?

Dương Lăng do dự hồi lâu, không biết nên trả lời thế nào. Đôi mắt long lanh của công chúa Vĩnh Phúc dần lộ ra vẻ thất vọng. Nàng phất tay áo khiến dây đàn vang lên mấy tiếng nhẹ nhàng, sau đó buồn bã thở dài:

- Thôi! Coi như bản công chúa chưa nói gì, đại nhân… lui xuống đi!

Trong lòng Dương Lăng thầm xúc động. Hơi cân nhắc một lúc, rốt cuộc y cũng đành thú thật nỗi khổ tâm khi phải ẩn giấu bản lĩnh để tự giữ lấy thân của mình. Nghe xong, trong mắt ánh lên những tia sáng rực rỡ, công chúa Vĩnh Phúc vui mừng bảo:

- Thì ra là vậy!

Nghe xong lời của những mệnh phụ kia, điều nàng lo lắng nhất là Dương Lăng một mình nắm giữ đại quyền, làm điều xằng bậy, nếu cứ tiếp tục như vậy thì chẳng bao lâu nữa sẽ trở thành người bị triều đình kiêng kị, cuối cùng rơi vào cảnh thân bại danh liệt. Lúc này biết y không tham quyền thế, còn có ý buông bớt quyền lực, những hành vi tùy tiện bừa bãi, tửu sắc vô độ kia chỉ là cho người ta cái cớ mà thôi, như thế vừa báo được cái ơn tin tưởng của hoàng huynh, lại khiến các quan trong triều bớt điều cố kị. Y có nỗi khổ tâm như thế, quả nhiên không phải là hạng người nông nổi bồng bột, tùy tiện phóng túng.

Sảng khoái trong lòng, Vĩnh Phúc đưa những ngón tay trắng ngần lướt nhẹ dây đàn, tư thái thực là dịu dàng tao nhã. Rồi một lát sau nàng lại chợt cau mày, ngẩng đầu lên nhìn Dương Lăng, giận dỗi trách:

- Bản công chúa còn đang hơi ngạc nhiên: con người ngài xưa nay trầm ổn, sao lần này lại đồng ý dẫn bọn ta đến hành cung vui chơi mà không cần thỉnh ý mẫu hậu, cũng không có phủ Nội vụ đi theo, thực là sảng khoái quá mức, thì ra… Hừ! Ngài muốn tự bêu xấu mình thì tùy ý, nhưng sao lại lôi cả bản công chúa vào như vậy?

Nàng công chúa khí chất cao quý, phong thái ung dung này nếu tạm bỏ danh phận cao quí qua một bên mà hờn giận trách cứ, phong tình ấy thực là càng thêm động lòng người. May mà Dương Lăng đang cúi đầu nhìn xuống đất, không dám một mực nhìn nàng. Nhưng chỉ nghe âm thanh ngọt ngào ấy thôi, trong lòng y cũng thầm xao động.

Dương Lăng vội vàng xin lỗi một hồi, lãng phí không biết bao nhiêu nước bọt. Công chúa Vĩnh Phúc nghe xong những lời xin lỗi ấy bèn bảo:

- Được rồi được rồi! Bản công chúa biết ngài ấm ức đầy bụng, dụng tâm vất vả, chỉ là…

Khuôn mặt nàng thoáng hiện vẻ bẽn lẽn:

- Chỉ là… ngài đường đường là một hầu gia, dù có tự bêu xấu mình thì cũng không nên thường xuyên lưu lại nơi… nơi đó! Vượt lễ mời công chúa xuất cung coi như là tuổi trẻ bồng bột bừa bãi, nhưng ra vào chốn trăng hoa thì sẽ lưu lại tiếng xấu, sau này ngài muốn rửa sạch cũng khó lắm thay!

Dương Lăng cười khan đáp:

- Vốn dĩ trong mắt mấy vị đại nho chính trực kia thần đã chẳng phải người tốt rồi, thêm một cái danh lãng tử nữa cũng chẳng tính là gì cả!

Khuôn mặt công chúa Vĩnh Phúc hiện lên nét như cười mà chẳng phải cười, nàng tinh nghịch:

- Ngài không để ý đến thanh danh thì thôi vậy! Lần này về kinh mẫu hậu nhất định sẽ gọi ngài tới trách phạt một phen. Dương đại nhân, ngài đã lừa cả bản công chúa như vậy, chớ trách lần này ta không nói giúp cho ngài đấy nhé!

***

Chuyến đi Kế Châu này, mấy người Chính Đức đều du ngoạn rất vui vẻ, tình hình “mỗi ngày một tấu” của bá quan trong kinh cũng tạm thời dừng lại. Hai vị công chúa Vĩnh Phúc, Vĩnh Thuần hiếm khi được gặp một cô gái vừa xinh đẹp vừa có tài như Đường Nhất Tiên, tính cách hai bên lại rất hợp nhau, thêm vào đó hai cô sớm đã nhận định đây nhất định sẽ là sủng phi tương lai của hoàng huynh rồi, do đó vô cùng thân thiết. Chỉ sau mấy ngày, bọn họ đã trở thành tri kỉ của nhau.

Đối với kế hoạch giải trừ lệnh cấm biển của Dương Lăng, hoàng đế Chính Đức sớm đã hết sức tán thành. Nếu không phải Dương Lăng lo rằng chuẩn bị không đủ sẽ gặp phải sự phản đối của toàn bộ quan viên, hắn sớm đã hạ chiếu khai mở cửa biển rồi. Giờ đây nghe báo Dương Lăng đã chuẩn bị ổn thỏa, trong lòng hắn cũng vui mừng khôn xiết.

Ngày đầu tiên Chính Đức về kinh, bốn vị quan viên bao gồm Thiêm đô ngự sử Lưu Quản của viện Đốc sát, Viên ngoại lang Nghê Nguyên Lục của bộ Hình, Thái bộc tự khanh Mã Ngô Đỉnh, Tề Hách của ti Thông chính sứ, đồng loạt dâng sớ tán thành chính sách khai mở cảng khẩu của Chủ sự bộ Hộ Nghiêm Tung, thỉnh cầu Hoàng thượng đưa việc này ra triều đình để bá quan thương nghị.

Những người này đều là đại thần có quan hệ mật thiết với một số đại gia tộc hào phú vùng duyên hải, Cẩm Y Vệ đã tra được việc gia tộc của bọn họ đều buôn lậu đường biển để mưu lợi lớn, rồi lấy đó mà uy hiếp. Lại có Nội xưởng đứng ra đảm bảo chỉ cần bọn họ đồng ý việc giải trừ lệnh cấm biển thì sẽ để gia tộc của bọn họ chuyển từ tối sang sáng, đường đường chính chính tham gia buôn bán đường biển, nhận lấy một phần lợi lộc. Bọn họ đã bị người ta nắm thóp rồi, đâu còn con đường nào khác để đi, chỉ đành phải đứng về phía Dương Lăng làm những viên lính tiên phong.

Chính Đức không để tâm tới, phê cho chuyển vào nội các. Chuyện này còn chưa thu hút được sự chú ý của phần lớn quan viên, việc mà bọn họ đang hứng thú vẫn là can gián. Chỉ có điều trong nội dung lại có thêm một tội trạng, đó là Dương Lăng vượt lễ, chưa được hậu cung cho phép mà đã tự tiện đưa công chúa rời cung, còn tùy ý mang dân nữ vào ở trong hành cung. Nhưng Dương Lăng lại cảm thấy hơi kỳ lạ: hậu cung chẳng hề có chút động tĩnh nào; chẳng ngờ Thái hậu và Hoàng hậu nương nương lại không đến gây phiền phức cho y.

Ngày thứ hai, tổng cộng mười một người bao gồm Giám sát ngự sử của Giang Nam, Quảng Tây, Thị giảng học sỹ của Hàn Lâm Viện, Tả xuân phường của Chiêm Sự Phủ, đồng loạt tán thành việc giải trừ lệnh cấm biển, xin Hoàng thượng đưa lên triều đường để xem xét. Đến lúc này thì sự việc đã thu hút được sự chú ý của các quan viên, nhưng đã không còn kịp nữa rồi. Chính Đức hoàn toàn không cho bọn họ có cơ hội liên lạc với nhau cùng bàn đối sách, sáng sớm hôm sau đã mở một buổi triều hội lớn, tập hợp hết bá quan văn võ toàn triều thương nghị việc này.

Hôm ấy, tám nhân vật nắm thực quyền như Thượng thư bộ Lễ Vương Hoa, Hữu đô ngự sử Lưu Vũ, Thị lang bộ Binh Tào Nguyên, Thị lang bộ Lại Trương Thải lần lượt dâng sớ trên Kim Điện tỏ ý ủng hộ việc giải trừ lệnh cấm biển. Thực là sét đánh không kịp bưng tai, động tác mau lẹ ấy thoáng chốc đã khiến cho quần thần ngây người. Đặc biệt là khi Hoàng đế trưng cầu ý kiến của ba vị Đại học sỹ Nội Các thì Lý Đông Dương và Tiêu Phương đều tỏ ý tán thành, Dương Đình Hòa cũng không phản đối. Việc này lập tức lôi kéo được một bộ phận quan viên vốn giữ thái độ trung lập trong triều, bọn họ cũng đều nhao nhao lên tiếng ủng hộ việc giải trừ lệnh cấm.

Trong tình huống như vậy, Thượng thư bộ Công, Thượng thư bộ Hình vừa mới nhậm chức, căn cơ còn nông, căn bản không dám tỏ rõ thái độ. Lưu Đại Hạ tức giận vô cùng. Ngay sau khi Dương Lăng nắm quyền đốc sát các quan và quyền tài vụ rồi lại nắm thêm cả binh quyền, ông đã cảm thấy cực kỳ không ổn. Dương Lăng vốn qua lại cực kỳ mật thiết với Nội Đình, lại có thêm quyền lực lớn như thế, đã xuất hiện tình trạng đuôi to khó vẫy, một khi y có ý phản thì chỉ e khó mà thu thập được. Nếu nay mà giải trừ lệnh cấm biển, phỏng theo chế độ của Trịnh Hòa năm xưa để Nội Đình chưởng quản thủy quân và việc vận chuyển thương mại, thiên hạ há chẳng phải đều rơi cả vào tay lũ hoạn quan gian xảo hay sao?

Do đó mấy người Lưu Đại Hạ và Mã Văn Thăng liền lập hợp các vị lão thần cực lực phản đối. Hai bên tranh biện với nhau từ việc tiêu diệt giặc Oa cho tới buôn bán thu lợi, từ việc xây dựng thủy quân cho tới gánh nặng quốc khố, ảnh hưởng nông nghiệp, thực là kịch liệt vô cùng, còn không ngừng bêu xấu lẫn nhau. Đâu ngờ bên thỉnh cầu giải trừ lệnh cấm biển dường như sớm có chuẩn bị, mỗi khi nhắc tới một vấn đề nào, bọn họ đều lập tức đưa ra số liệu và kế hoạch tường tận để phản bác.

Hoàng đế Chính Đức ngồi trên ngai vàng nhìn quần thần như đám gà trống chọi nhau, trong lòng thực là sảng khoái vô cùng. Trước giờ Chính Đức hắn ta luôn là đối tượng bị bá quan trách cứ, hiếm hoi lắm mới có một lần được làm trọng tài như hôm nay. Hắn thực chỉ mong có thêm được mấy cuộc tranh biện trên triều đường như thế này nữa mới thú.

Lão thần Dương Thủ Tùy thấy đối phương thế công mãnh liệt, mà các vị lão thần rất có uy vọng như Hàn Văn hiện giờ đều không ở trong kinh, mới hay Hoàng đế Chính Đức đã sớm thu xếp sẵn: trong lúc vui thú hoang đàng hắn cũng đã ngầm điều các lực lượng chủ yếu phản đối việc giải trừ lệnh cấm biển rời khỏi kinh thành.

Giờ đây chỉ còn lại mấy người Lưu Đại Hạ, Mã Văn Thăng, chẳng qua là làm bộ cho có, chỉ e nếu cứ tiếp tục thế này, bọn họ sẽ trở thành vật hy sinh cho buổi tranh biện hôm nay. Nếu hai người này mà bị miễn chức, đợi đến khi mấy người Hàn Văn trở về triều thì vẫn là thế đơn lực bạc, khó còn sức để trở mình.

Dương Thủ Tùy bỗng nảy ra một ý tưởng. Lão bước lên trước một bước tâu với Hoàng đế Chính Đức:

- Hoàng thượng! Đại Minh ta là thiên triều thượng quốc, chính là trung tâm của tứ hải, các tiểu quốc phiên di thông thương với Đại Minh cũng như là Đại Minh ta ban ơn cho thiên hạ, vốn không có gì là không được. Còn về việc giặc Oa hoành hành, vừa rồi mấy người Lưu đại nhân Lưu Vũ đã đưa ra các chính sách như xây dựng thủy quân, đồng thời tiễu trừ và vỗ về, lấy cái lợi mà dẫn dắt, thần thấy cũng hoàn toàn có thể thực thi. Thế nhưng nếu Đại Minh thông thương bình đẳng với các nước phiên di đó, thực là trái với tổ chế “triều cống” của Đại Minh, như thế há chẳng phải là đặt đám man di phiên bang ấy vào địa vị ngang bằng với Đại Minh sao?

Quốc vương Nhật Bản kiêu căng ngạo mạn, đã nhiều năm không chịu nhận mình là phiên thuộc của Đại Minh, Đại Minh há lại có thể tự hạ mình? Phải biết rằng một khi giải trừ lệnh cấm, Nhật Bản ở gần nhất, sự thông thương giữa hai bên khó mà khống chế được, hơn nữa người Oa giảo hoạt, cũng có thể mạo xưng là thương nhân nước khác. Do đó thần cho rằng, nếu nước Nhật Bản không xưng thần triều cống, Đại Minh ta quyết không thể giải trừ lệnh cấm biển!

Biện pháp của Dương Thủ Tùy quả thực rất hay, có tổ chế này thì dù Chính Đức có bừa bãi hơn nữa cũng không tiện công khai làm trái. Chẳng lẽ hắn thân là thiên tử mà lại dám tự hạ danh phận, đi đặt mình vào địa vị bình đẳng với đám người lùn kia sao? Đưa ra lá cờ lớn này, quần thần lại càng không dám có điều dị nghị về di chế của tiên đế.

Người Oa vốn cuồng vọng, từ Túc Lợi (Người đứng đầu Nhật Bản khi ấy - ND) trở xuống đã rất lâu rồi không chịu xưng thần với Đại Minh, vấn đề này mà không được giải quyết, buổi tranh biện hôm nay coi như có thể dừng ở đây. Cho dù có thêm biến số gì nữa, lúc đó các vị Hàn Văn sớm đã hay tin mà trở về kinh sư rồi, chẳng lẽ còn không thể nghĩ ra đối sách để ngăn cản trò hề này sao?

Mấy người Mã Văn Thăng nghe vậy liền cảm thấy trong đầu bừng sáng. Vừa rồi chỉ để ý so đo từng chút với Lưu Vũ, Trương Thải, giờ đây có chiêu bài lợi hại này rồi, bọn họ còn có thể tìm ra cái cớ gì hay hơn nữa chứ? Lưu Đại Hạ lập tức cất tiếng vang như tiếng sấm tâu với Chính Đức:

- Hoàng thượng! Lời của Dương đại nhân rất có lý, giải trừ lệnh cấm thông thương tuy rằng có lợi, nhưng cái hại cũng khó mà trừ. Chuyện này có liên quan đến sự tôn nghiêm của Đại Minh, thực vô cùng quan trọng, Thiên tử há có thể vì chút lợi nhỏ mà đặt mình vào chỗ bất nghĩa ư?

Mấy người Mã Văn Thăng, Dương Phương vội vàng cất tiếng phụ họa, những quan viên ủng hộ việc giải trừ lệnh cấm thanh thế giảm hẳn, ý chí suy sụp. Chính Đức đang chống cằm nhìn thích thú, nghe xong mấy lời này liền uể oải ngồi thẳng người dậy, cười hì hì hỏi:

- Ồ? Vậy theo lời các vị ái khanh, trở ngại lớn nhất của việc giải trừ lệnh cấm thông thương chính là sự tôn nghiêm của Đại Minh ta sao? Nếu Oa quốc không chịu xưng thần thì sẽ không thể khai mở cảng khẩu thông thương, còn ngược lại thì sẽ có thể thương lượng tiếp rồi, đúng vậy chăng?

Lưu Đại Hạ trịnh trọng gật đầu, hai mắt mở tròn xoe đáp:

- Muôn tâu, chính phải!


/679

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

adsdoctruyen@gmail.com

DMCA.com Protection Status