Ngược Về Thời Minh

Chương 233: Binh quý thần tốc

/679


Chính Đức và Dương Lăng sớm đã bàn luận tỉ mỉ với nhau, kế hoạch rất mực chu toàn nên lúc này hắn tựa như một diễn viên từng trải.

Ngay đến việc một khi có người đưa ra vấn đề hủy bỏ lệnh cấm biển thì sẽ thành ra hạ thấp thể diện mà thông thương với man di, trái với tổ chế “triều cống”, làm nhục đến uy nghiêm của Đại Minh thì nên nói những gì, hắn cũng đã cùng mấy người Dương Lăng, Tiêu Phương, Nghiêm Tung bàn bạc từ trước, chuẩn bị sẵn lời đối đáp.

Thực ra Dương Lăng cũng không có tài thần cơ diệu toán như Gia Cát Lượng để có thể liệu trước được đối phương nhất định sẽ dùng lý do này để cản trở việc giải trừ lệnh cấm. Nhưng y đã thấy nhiều thủ đoạn của các chính khách thời hiện đại, nên y dùng một chút tâm cơ gợi mở cho đối thủ cũng không phải là chuyện khó.

Trong số các quan viên theo sau Lưu Đại Hạ lớn tiếng phản đối việc giải trừ lệnh cấm, biểu hiện cực kỳ hăng hái, thành khẩn, có bốn người vì gia tộc có liên quan đến việc buôn lậu đường biển nên đã phải hoàn toàn đứng về phía Dương Lăng. Trong khi những người khác dùng đủ loại lý do để phản đối, bọn họ lại không ngừng đề cập tới vấn đề “triều cống”, “thể diện”…. Mà mấy người Tiêu Phương, Lưu Vũ cũng mười phần phối hợp, đối với các lý do khác thì họ cực lực phản bác, duy có lý do này là né tránh không trả lời, dáng vẻ như thể cứ chạm đến “tổ chế” là họ chẳng còn chút tự tin nào.

Một ám hiệu xảo diệu như thế, các chính khách vốn sở trường nắm thóp đối thủ sao có thể không chú ý đến chứ? Đặc biệt là trong tình huống vừa bị đối phương tập kích khiến cho trở tay không kịp, các nhân vật có uy vọng phe mình thì phần lớn ở ngoài kinh thành nên hoàn toàn không thể tổ chức những cuộc phản kích hữu hiệu, đột nhiên phát hiện được một thành lũy có thể công phá dễ dàng như thế, bọn họ làm gì mà chẳng mừng rỡ lấy đó làm chỗ dựa cuối cho mình?

Một tiếng “chính phải” của Lưu Đại Hạ của vang lên, Chính Đức không khỏi cả mừng, nghĩ bụng: “Cái lão này lần đầu mới nói được một câu dễ nghe như thế, rốt cuộc đã đến lượt trẫm ra tay rồi!”

Mặt mày phấn chấn, Chính Đức đứng dậy cất giọng sang sảng:

- Các vị ái khanh vừa bàn luận, tuy mỗi người đều có ý kiến riêng, nhưng đều do suy nghĩ cho giang sơn xã tắc Đại Minh ta cả, trẫm rất mừng! Thực ra biển cả và đất liền thì có gì khác biệt chứ? Đất liền sản xuất bò dê hoa màu, thông tới cả dị vực phiên bang. Biển cả sản xuất cá tôm cua ốc, cũng thông tới cả Đông Dương, Tây Di. Chỗ khác biệt chẳng qua là trên biển thì phải đi thuyền, đất liền thì phải đi xe mà thôi. Các vị ái khanh thấy có đúng không?

Mấy người Lý Đông Dương dè dặt đáp:

- Hoàng thượng nói rất phải!

Đám Lưu Đại Hạ nghe lời của Chính Đức rõ ràng là có khuynh hướng đồng ý giải trừ lệnh cấm biển, nên chỉ lặng lẽ đứng im, chờ Chính Đức tỏ rõ ý kiến thì sẽ lập tức lấy món pháp bảo tổ chế, quốc uy ra mà phản bác.

Chính Đức lại nói:

- Năm xưa cấm biển quả cũng có cái nguyên nhân của nó, triều ta chính là vì muốn dùng kế vườn không nhà trống khiến giặc Oa không thể sinh tồn nên mới làm như vậy. Nhưng đã trăm năm qua đi, giặc Oa vẫn hoành hành trên biển, có thể thấy cách này thực giống như Đại Cổn trị thủy, dụng ý tuy tốt nhưng lại chẳng hữu hiệu. Cấm biển khiến dân nghèo, thuế ít; cũng khiến những tiểu dân phiên bang ngưỡng mộ thiên triều thượng quốc ta chỉ có thể nhìn biển thở dài. Thêm nữa, biển cũng là giang sơn của Đại Minh ta, năm xưa cấm biển chỉ là kế nhất thời để tiêu diệt giặc Oa, chẳng phải là bỏ mặc luôn một cõi giang sơn tốt đẹp như vậy. Thử hỏi nếu Thát Đát quấy nhiễu Đại Đồng, chẳng lẽ chúng ta lại bỏ mặc Đại Đồng không quan tâm đến nữa hay sao?

Hoàng đế Chính Đức nhướng đôi mày kiếm, đằng đằng sát khí nghiêm giọng quát:

- Giặc Oa cỏn con, có bản lĩnh gì mà lại có thể ép cho đường đường Đại Minh ta sợ như sợ cọp, đem một vùng biển vô biên cho đám giặc cướp làm nhà, đem vạn dặm duyên hải làm Trường Thành ven biển, từ đó tự nhốt mình ở trên bờ chứ?

Tiếng hỏi ấy đột nhiên vang lên giữa Kim Điện, tựa như những gợn sóng tràn về phía quần thần. Cả một Kim Điện to lớn nhất thời trở nên vô cùng tĩnh lặng.

Chính Đức thở ra một hơi dài, nói tiếp:

- Do đó, giặc Thát ở Mạc Bắc sớm muộn cũng sẽ bị thiết kỵ của Đại Minh ta đánh đuổi, giặc Oa ở Đông Hải cũng chẳng phải cường địch có thể cản bước thiên triều ta. Biển, nhất định cần phải mở! Lệnh cấm, nhất định phải giải trừ!

- Có điều… - Hắn nhìn thấy Lưu Đại Hạ và Mã Văn Thăng bước ra khỏi đám đông, giọng điệu lập tức thay đổi - Lời của Lưu ái khanh cũng rất có lý. Chúng ta không thể vì giặc Oa hoành hành mà sợ hãi việc khai mở cửa biển để làm giảm uy danh của Đại Minh, cũng không thể vì tham chút lợi nhỏ mà khai mở cửa biển để làm nhục đến thanh danh của Đại Minh. Nếu Oa quốc không chịu dùng lễ thần tử mà bái kiến thiên uy, lệnh cấm biển quyết không thể giải trừ!

Lưu Đại Hạ đã bước ra khỏi hàng đi về phía trước, nhưng vừa bước được hai bước thì đã nghe Hoàng đế nói ra những lời này. Thoạt tiên ông ta ngẩn người, sau đó liền cả mừng, nhưng đã bước ra rồi không tiện lui lại, hơi do dự một chút liền thuận thế khom người thật sâu, cao giọng hô lớn:

- Hoàng thượng anh minh, lão thần thán phục!

Quần thần lui khỏi điện, Lưu Đại Hạ nháy mắt ra hiệu với Mã Văn Thăng, lại bước nhanh hai bước tới nói nhỏ với Dương Thủ Tùy vài câu. Bên ngoài cổng Ngọ Môn, văn quan vào kiệu, võ quan lên ngựa lần lượt rời đi. Lưu Đại Hạ dẫn theo thân binh cố ý đi chậm lại, kiệu của mấy người Mã Văn Thăng, Dương Thủ Tùy cũng đều bám theo sau.

Nha môn của Lục bộ Tam ti thực ra cách nhau không xa, về cơ bản đều ở trên một con đường để tiện cho việc truyền chỉ ý của Hoàng đế. Lục bộ có trình tự trước sau là Lại, Hộ, Lễ, Binh, Hình, Công; tòa nhà nha môn các bộ cũng sắp xếp theo trình tự này. Mấy vị lão thần đi qua nha môn của mình mà không vào, cứ một mực theo Lưu Đại Hạ đi đến cửa nha môn bộ Binh.

Bộ Binh quản lý những việc như tuyển cử, xử phạt quan võ, xét hộ tịch và phát khí giới cho tướng sỹ, trông coi quan ải, điều hành dịch trạm. Từ sau thời Tùy, xét một cách tương đối thì bộ Binh có thể coi là thực quyền lớn nhất, nhưng ngựa xe đi lại trước nha môn bộ Binh so với các nha môn khác lại ít ỏi hơn nhiều.

Lưu Đại Hạ tới trước cửa nha môn, xuống ngựa chờ đợi một lát. Sau khi mấy vị lão thần như Mã Văn Thăng, Dương Thủ Tùy, Dương Phương, Vương Ngao tới nơi, ông ta bèn chắp tay mời bọn họ vào trong nha môn, dẫn tất cả đi qua trung đường, tới tận khu nhà nhỏ nơi mình thường ngày phê duyệt công văn và nghỉ ngơi luyện võ ở hậu viện.

Khu nhà không lớn, toàn bộ đều là ngói xanh tường trắng, bên dưới lát đá xanh mài nước, trên bức tường bình phong có khắc ba chữ “Phúc Lộc Thọ” cực kỳ tinh tế. Khu nhà này tuy nhỏ nhưng kết cấu đầy đủ, phòng chính, nhà phụ đông tây cùng với sảnh bắc mỗi nơi đều có ba gian, nóc phòng khá thấp, đơn giản cổ kính, trên các giá binh khí bên dưới mái hiên có đầy đao thương kiếm kích sáng choang.

Mấy vị này đều là lão hữu nhiều năm, có người còn là tiến sỹ cùng khoa nên Lưu Đại Hạ cũng không hề khách sáo với bọn họ, chỉ dặn binh đinh dâng trà rồi vén rèm lên đi vào bên trong. Mấy người Mã Văn Thăng đều quen tính ông ta, không khỏi nhìn nhau cười khẽ rồi tự tìm chỗ mà ngồi xuống.

Mã Văn Thăng khẽ thở dài một hơi nói:

- Hôm nay thực là nguy hiểm, mấy người Tiêu Phương rõ ràng là có chuẩn bị sẵn rồi. Ôi! Mấy ngày trước lão phu xem công báo (*)thì chỉ cười phì cho qua, thực không ngờ chuyện lớn thế này mà bọn họ lại sai một gã Chủ sự hộ Bộ nhỏ nhoi đi đầu, mà hơn nữa trong triều còn có nhiều quan viên tham dự đến như vậy.

(*) Hình thức sơ khai của báo chí, trên viết các thông tin về chính trị, phát cho các quan lớn trong triều)

Thị lang hộ Bộ là Trang Doãn tiếp lới:

- Khi Dương Lăng tuần du Giang Nam trở về đã từng nói qua với Hoàng thượng về việc giải trừ lệnh cấm thông thương, có điều lúc đó y chỉ tiện miệng nhắc đến, sau không hề có động tĩnh gì thêm, chẳng ngờ chúng ta lại không có ai chú ý tới. Càng không ngờ y tuổi còn trẻ mà đã bụng dạ sâu sắc đến thế, một mực nhẫn nhịn, cho đến hôm nay khi căn cơ đã đủ sâu dày mới bày kế rút củi đáy nồi, điều mấy người Hàn đại nhân rời khỏi kinh thành, sau đó đột ngột phát động thế công. Nếu không phải Dương lão đại nhân cái khó ló cái khôn, dùng tổ chế ‘triều cống” để bức ép qua đó đánh động được Hoàng thượng, e rằng gian kế của y đã thành công rồi.

Dương Thủ Tùy mặt lộ vẻ đắc ý, vội vuốt râu khách sáo một phen. Chiêm sự Dương Phương tay cầm nắp chén trà, vừa gạt nhẹ lá trà trong chén vừa lạnh lùng nói:

- Ta sớm đã nói người này lòng lang dạ sói, giờ các vị đã thấy rồi chứ? Lão thất phu Tiêu Phương đó vốn cùng phe Dương Lăng, trước mặt y luôn tự nhận là môn hạ, xưa nay luôn nghe lời, việc hôm nay cũng không có gì là kỳ lạ. Nhưng giờ đây thế lực của y đã càng lớn hơn, Lý Đông Dương không ngờ cũng nịnh nọt bợ đỡ, Dương Đình Hòa thì giả bộ câm điếc, còn cái đám chuyên trở cờ theo gió chỉ nghĩ đến tiền đồ cá nhân trong triều thì lại càng a dua phụ họa theo.

- Năm xưa trong triều từng có Tam Các lão bằng giấy, Lục Thượng thư bằng bùn(*), chẳng lẽ hôm nay chuyện cũ lại tái diễn, để cho đám gian nịnh Dương Lăng đó nắm giữ triều chính hay sao?

Giọng nói vang rền ấy vừa mới dứt, Lưu Đại Hạ liền vén rèm bước ra ngoài.

(*: Việc xảy ra vào đời Minh Hiến Tông, triều đình nhà Minh vô cùng thối nát, các quan viên lớn nhỏ đa phần là lũ nịnh thần chỉ biết ăn chơi sa đọa.)

Ông ta đã thay bộ quan bào, mặc một chiếc áo gấm màu xanh, mái tóc bạc trắng được vấn lên cao, bện thành một búi tóc ở sau đầu, chân đi đôi dày vải có lót đế. Lưu Đại Hạ đi tới trước bàn, cầm chén trà lên nhấp một ngụm, đôi mày trắng như cước nhướng lên, ánh mắt sáng rực nói:

- Lão phu đứng bên quan sát, thấy Dương Lăng này hành sự trước giờ luôn khó phân chính tà, khó phân thiện ác, cho đến hôm nay cháy nhà ra mặt chuột, y mới coi như là để lộ sơ hở!

Năm xưa Trịnh Hòa từng bảy lần tới đại dương phía tây, đi theo đội thuyền có tới mấy vạn người. Thanh thế cỡ ấy thực như là một quốc gia trên biển, thế lực của nội hoạn gần như nắm giữ cả triều chính. Kẻ bị thiến thì cả tâm linh và hình thể đều tàn khuyết, tính tình ác độc tham lam, may mà Hoàng đế Vĩnh Lạc anh minh thần võ, trong thời của ngài lũ nội hoạn tuy thế lớn mà không dám làm điều ác. Nay đảng phái Dương Lăng lại cổ xúy việc giải trừ lệnh cấm, hẳn là có dụng ý khác, đến lúc đó chưởng quản ti Thị bạc (*) có thể là ai? Chưởng quản việc vận chuyển đường biển lại là ai? Chưởng quản thủy quân thì là ai nữa?

(*: Cơ quan quản lý việc buôn bán với nước ngoài thời cổ của Trung Quốc)

Thần sắc nặng nề, Lưu Đại Hạ nói tiếp:

- Chư vị đại nhân thử nghĩ mà xem! Đến lúc đó quân đội, tiền bạc, luật pháp đều nằm cả trong tay Dương Lăng và đám nội hoạn kia, nếu y mà có dã tâm… kết quả sẽ là như thế nào nữa?

Nghe xong, bất giác mấy người Mã Văn Thăng lạnh ngắt trong lòng.

Vương Ngao khá có hảo cảm với Dương Lăng. Học sinh của ông ta là Đường Bá Hổ gửi thư từ Tô Châu tới hồi tết cũng từng khen ngợi Dương Lăng rất nhiều, Vương Ngao thực vẫn tin vào cái khả năng nhìn người của vị đệ nhất tài tử đất Giang Nam ấy. Vì vậy ông bèn do dự hỏi:

- Lưu đại nhân! Người này xưa nay luôn khiêm cung hiểu lễ nghĩa, ngoài quãng thời gian gần đây khi tấn tước có hơi tùy tiện quá đáng, còn thường ngày cũng không có gì là phô trương xa xỉ. Nhìn hành vi của y, dường như không có dã tâm gì mới đúng chứ?

Dương Thủ Tùy chậm rãi đáp:

- Đường xa hay sức ngựa, ngày dài biết lòng người. Nhìn thủ đoạn của y hôm nay, thực là hành sự độc địa, bụng dạ thâm sâu, há có thể chỉ là một kẻ nịnh thần dốt nát, kém cỏi?

Dương Phương cũng nói:

- Dương Lăng chưởng quản Nội xưởng, tiền bạc trong tay thực nhiều không kể xiết. Vậy mà với tiền tài địa vị của y hiện giờ lại vẫn ở trong tòa phủ trạch của tội thần được Hoàng thượng ban cho khi trước, ngay đến một ngôi biệt viện cũng chưa xây dựng. Thứ y được ăn không chỉ có bổng lộc của triều đình, tiết kiệm như thế há chẳng kỳ lạ hay sao?

Hơn nữa, người này đang ở vào độ tuổi trẻ trung ham mê hào nhoáng. Thân là Hầu tước, Thượng tướng quân, Xưởng đốc Nội xưởng đốc sát trăm quan, vậy mà trong phủ lại chỉ có một thê hai thiếp, hai thiếp đó còn là do Hoàng thượng ban cho, ngoài ra chẳng có thêm thị thiếp nào khác. Một quyền thần trẻ tuổi tay nắm tài phú và binh mã của thiên hạ lại không đam mê tửu sắc, chẳng thích vàng ngọc lụa là, vậy chí hướng của y là gì đây? Muốn xây dựng sự nghiệp, lưu danh sử sách, hay là ý ở thiên hạ, lòng tại ghế rồng? Hoàng thượng tuổi trẻ bừa bãi, y không những không khuyên can, ngược lại còn thêm phần dung túng! Ta nhìn thế nào cũng không thấy y giống với một bầy tôi hết dạ trung thành!

Mã Văn Thăng cau mày bảo:

- Những việc này hiện không vội bàn đến, quan trọng nhất bây giờ là vấn đề giải trừ lệnh cấm biển. Rất rõ ràng, đám người Dương Lăng, Lưu Cẩn muốn đàng hoàng giải trừ lệnh cấm, qua đó giành lấy quyền lực lớn hơn, rồi từ đó khống chế triều đình. Hôm nay tuy chúng ta lấy tổ chế ra đè nén được bọn chúng, nhưng khó mà đảm bảo sau này bọn chúng sẽ không tích lũy lực lượng mà quay trở lại. Liệu có nên lập tức gửi thư cho các vị đại nhân đã rời kinh, mời bọn họ lập tức trở về kinh thành để cùng bàn đối sách không đây?

Lưu Đại Hạ gật đầu:

- Ta mời các vị đại nhân đến đây chính là để bàn bạc việc này, xin các vị đại nhân hãy lập tức gửi thư cho những vị đã bị điều khỏi kinh thành, gọi họ mau chóng về kinh. Mã đại nhân có danh vọng rất cao trong triều, lại ở bộ Lại, quan viên chính tay ngài đề bạt rất nhiều, nên lập tức liên lạc với bọn họ để cùng dâng tấu, nhất định phải khiến Hoàng thượng hoàn toàn bỏ đi cái suy nghĩ vô lý này!

Còn lão phu…- Lưu Đại Hạ cười nhạt một tiếng, ánh mắt chớp động: - Lão phu sẽ trông chừng Dương Lăng, để xem xem tên tiểu tử miệng còn hôi sữa đó có thể giở trò gì trước mặt lão phu!

Lưu Đại Hạ vốn đã kiêng dè Dương Lăng từ lâu, chỉ e Dương Lăng dã tâm bừng bừng, một khi tay nắm binh quyền thì sẽ sinh lòng muốn chiếm đoạt thiên hạ, đến lúc đó sẽ tạo ra những cuộc giết chóc vô biên.

Ông ta ở bộ Binh nhiều năm, trong quân có không ít thân binh, tì tướng của ông ta năm xưa nay đã trở thành tướng quân một phương. Hoàng thượng muốn điều Tổng binh bốn trấn vào kinh, giao cho Dương Lăng thống soái. Lưu thượng thư sớm đã có kế sách đối phó: phải gài mấy người của mình vào, đến lúc đó sẽ gây ra chút chuyện không lớn không nhỏ. Thân là Thượng thư bộ Binh, ông ta có tư cách, và cũng có cái cớ để dẫn đầu các tướng dâng sớ xin Hoàng thượng thu lại quân quyền của Dương Lăng.

Những dự tính này cho dù là hảo hữu nhiều năm cũng không tiện nói rõ, do đó ông ta chỉ nhắc thoáng qua.

Vương Ngao cũng phản đối giải trừ lệnh cấm. Trong suy nghĩ của ông ta, giải trừ lệnh cấm thông thương sẽ chỉ tạo cơ hội cho lũ tham quan đục khoét, khiến triều đình trở nên hủ bại, dễ khiến các đại tộc giàu có ham mê đồ vật tinh xảo của nước ngoài, từ đó phát sinh trào lưu xa xỉ. Còn cấm biển căn bản chẳng tạo ra chút tổn thất nào cho Đại Minh, thiên triều thượng quốc thứ gì cũng phong phú, há lại cần đưa thêm về từ chỗ dị vực phiên bang?

Chỉ là thái độ của ông ta lại không hăng hái như các vị lão hữu. Nhất là khi thấy dáng vẻ như lâm đại địch của bọn họ đối với một tên tiểu tử còn chưa ráo máu đầu, trong lòng ông thực không đồng tình cho lắm, do đó ông chỉ thảo luận qua loa với mấy vị đại nhân này đôi câu rồi đứng dậy cáo từ.

Vương Ngao rời khỏi bộ Binh bước lên kiệu của mình, nhắm mắt trầm tư. Ông vẫn cứ luôn cảm thấy mấy vị thượng thư đối nghịch với thế lực của Nội Đình do Dương Lăng đứng đầu như vậy chủ yếu là vì sợ thế lực của hoạn quan bành trướng đến mức không thể khống chế nổi.

Trong lòng Vương Ngao thực ra cũng chẳng có chút hảo cảm nào với hoạn quan. Nhưng nghĩ đến việc nếu hai bên đem vấn đề giải trừ lệnh cấm biển ra làm vũ khí tranh chấp với nhau một trận, trong triều sẽ khó tránh khỏi cảnh gió tanh mưa máu, ông không khỏi thở dài một hơi não nề.

Ông ta vén rèm kiệu lên, thấy đã tới trước nha môn bộ Lễ rồi, trong lòng chợt động, bèn vội vàng đá chân mấy cái vào thành kiệu, gọi:

- Dừng kiệu, dừng kiệu!

Vương Ngao nghĩ tới việc Thượng thư Vương Hoa hôm nay cũng đứng về phía Tiêu Phương ủng hộ giải trừ lệnh cấm. Nhân phẩm và tài học của Vương Hoa ông ta mười phần tán thưởng, trong lòng nghĩ mãi không thông tại sao những bậc nguyên lão đức cao vọng trọng trong triều như Lý Đông Dương, Vương Hoa lại vì tình thế mà khuất phục trước áp lực của Dương Lăng.

Ông và Vương Hoa khá là thân thiết nên muốn thẳng thắn nói chuyện với học sỹ Vương Hoa một phen để hiểu được suy nghĩ thực sự của đối phương.

Hay tin báo, Vương thượng thư vội vã đích thân ra ngoài cửa đón Vương Ngao vào trong phủ. Sau khi sai người dâng trà, ông cười hỏi:

- Chấn Tế tiên sinh đã lâu lắm rồi chưa vào cửa. Hôm nay ông tới đây có phải là vì việc thương nghị giải trừ lệnh cấm biển trên triều không?

Vương Ngao cười hà hà:

- Thượng thư đại nhân! Tôi cũng không giấu ngài, lần này tôi tới đây chính là vì việc ấy. Việc giải trừ lệnh cấm kia có lợi mà cũng có hại; mở có cái lợi của mở, cấm có cái tốt của cấm, tôi cũng không quá để tâm. Chỉ là qua cuộc tranh biện trong triều hôm nay, ai cũng nhận thấy rõ ràng mấy người Tiêu đại học sỹ đã có chuẩn bị từ trước, Vương thượng thư hiển nhiên cũng là người biết nội tình. Hai chúng ta là hảo hữu tri giao, mong ngài có thể chỉ điểm cho tôi ra khỏi bến mê, kẻ ngu dốt này thực đội ơn lắm lắm!

Vương Hoa cười khà khà đang định trả lời, Hồng lư tự khanh Ôn Tắc An của bộ Lễ đã vội vàng bước vào. Vừa nhìn thấy Vương Hoa, ông ta liền lập tức khom người hành lễ:

- Khởi bẩm Thượng thư đại nhân! Hạ quan vừa nhận được tin đoàn đặc sứ của quốc vương Văn Quy nước Nhật Bản đã đến Thương Châu, trong thời gian tới sẽ tiến kinh đại biểu cho nước Nhật Bản bái kiện Hoàng đế thiên triều. Đặc sứ Nhật Bản đã nhiều năm không qua lại với triều ta vậy nên dùng lễ tiết thế nào để đối đãi, xin Thượng thư đại nhân chỉ cho!

Nghe xong, đột nhiên Vương Ngao đứng bật dậy, ống tay áo phất qua va phải chén trà khiến chén trà “cạch” một tiếng rơi xuống đất, vỡ vụn.

/679

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

adsdoctruyen@gmail.com

DMCA.com Protection Status