Vấn Quan

Chương 70 - Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu 7

/114


Khi A Âm quay về, mọi người đã ăn được nửa bữa trưa, A Âm vào nhà bếp đơm một bát cơm trắng, vừa gắp rau vừa kể lại chuyện ngôi mộ cổ ở núi Tấn Vân với Lý Thập Nhất.

Mọi người không lên tiếng lắng nghe, duy chỉ có A La dừng đũa khi hai chữ "A Bình" xuất hiện, nhìn A Âm một cái thật sâu.

Ăn cơm xong, Lý Thập Nhất chưa bàn bạc bước tiếp theo đã quay về phòng, đóng cửa sửa soạn cả một ngày, ngày hôm sau ăn mấy chiếc bánh bao đơn giản, đợi đường chân trời giăng đầy ráng hồng, mới chống mí mắt sưng sưng ra khỏi phòng, đút tay trong túi quần chậm bước xuống dưới nhà, sau lưng là Tống Thập Cửu trang bị nhẹ nhàng.

A La nghe kịch trong ánh nắng tàn dư của chiều tàn, máy hát xoay từng vòng từng vòng, âm thanh ê a trùm lên ánh mắt dịu dàng của cô.

Lý Thập Nhất cất bước đi tới, vòng nửa vòng: "A Âm đâu?"

Ngũ Tiền đang đọc cuốn sách giảng giải binh pháp ở bên cạnh nói: "Đi ăn với cậu Bình rồi."

A La mím đôi môi nhợt nhạt lại, ngẩng mắt nhìn về phía Lý Thập Nhất: "Muốn lên núi à?"

A La khựng người, nói tiếp: "Có lẽ cô ấy không biết ngài muốn đi ban ngày."

A La không biết tại sao lại giải thích giúp A Âm một câu giống như bị ma xui quỷ khiến, câu nói này có chút dư thừa với mối quan hệ của Lý Thập Nhất và A Âm, cũng khiến bản thân có phần trở nên dư thừa.

Lý Thập Nhất nhíu mày, chớp mắt đôi cái, cuối cùng không nói gì, chỉ hỏi A La: "Cô đi không?"

A La đưa tay chống cằm, nghĩ ngợi giây lát, nói: "Hiện tại Thần Đồ Lệnh đang trong ngài, tôi cũng không còn tác dụng gì nữa." Ánh mắt A La cô đơn trầm lại: "Tôi đợi cô ấy."

Đây là câu nói tự ti nhất cũng cố chấp nhất mà A La từng nói, cô đợi A Âm, đợi đã đủ lâu, lâu mới mức bản thân không dám xác định đây có phải lần cuối cùng hay không.

Lý Thập Nhất động đậy mí mắt, sau đó khép đôi môi lại, cây lặng gió ngừng "ờ" một tiếng, vượt qua A La muốn đi ra ngoài.

Khi chiếc bóng lướt qua A La, Lý Thập Nhất nghe thấy A La dùng âm thanh cực nhỏ gọi một câu: "A Hoành."

Lý Thập Nhất dừng bước, A La cũng không nói gì thêm, chỉ co người lên ghế thái sư, nghiêng tai chăm chú nghe kịch.

Nhưng Lý Thập Nhất cực kì nhạy cảm cảm nhận được sự bất an của A La, cô cúi chiếc cằm xinh đẹp xuống, nhưng không đưa tay ra làm bất kì động tác mang tính an ủi nào, chỉ đáp lại một tiếng: "Ừ."

Cô không tiếp tục phủ nhận thân phận Lệnh Hoành, A La cảm thấy chân thực hơn nhiều, ánh mắt dõi theo đôi chân dài cất bước của Lý Thập Nhất, cùng Tống Thập Cửu trước sau bước qua ngưỡng cửa. Căn nhà cũ yên tĩnh trở lại, tiếng hát từ khúc kịch vừa đẹp đẽ vừa hoang đường, âm thanh cất lên thời gian đằng đẵng mấy trăm năm, không ngừng cất cao, dừng ở đỉnh cao nhất của tình ý.

Ngay cả ban ngày sương mù cũng giăng kín núi Tấn Vân, giống như hũ đựng mây bị đổ, khiến mây tản ra khắp núi rừng. Dựa theo sự chỉ dẫn của A Bình, Lý Thập Nhất và Tống Thập Cửu tránh khỏi nơi giăng trận âm tối qua, đi thẳng về phía tây nam men theo con đường nhỏ. Lý Thập Nhất vừa đi vừa để lại kí hiệu trên đường, xác nhận không quay lại đường cũ, lại đi theo kí hiệu một vòng nhỏ, tìm kiếm ở nơi có phong thủy đắc địa, cuối cùng tìm được ngôi mộ trong lời A Bình trước một nhánh sông.

Nói là mộ cổ, thực tế là một hang động bị cỏ dại che lấp, bên ngoài động có một tảng đá lớn cao bằng một người, bên dưới tảng đá có một hồ nước lầy lội, cây cỏ cao bằng một người mọc ra từ trong nước, chặn trước cửa hang giống như lính gác.

Lý Thập Nhất rút ra một con dao găm trong giày, nhanh nhẹn chặt hết đám cỏ dại, sau đó hợp lực cùng Tống Thập Cửu đẩy tảng đá kia, chỉ đẩy ra một khe nhỏ, hai người liền lách người vào trong, "xoẹt" một tiếng mùi lưu huỳnh bốc lên, quẹt lửa dễ dàng đốt cháy bó đuốc nhỏ, ánh sáng yếu ớt ánh lên tường đá.

Suy cho cùng phương nam khác với phương bắc, khe đá cũng khô ráo, tuy hang nhỏ, cũng đơn sơ khác thường, không có hành lang cùng hốc tường, một bên giống như từng bị sập, đá vụn rải rác chồng lên nhau, nhưng bên trong lại là mộ đất vàng theo phong tục mai táng của địa phương, chót vót lại chói mắt nằm chính giữa ngôi mộ.

Phía trước mộ không có bia mộ, thậm chí ngay cả bia gỗ cũng không, chỉ trơ trọi nhô lên, kì dị mà thê lương.

Không tên không họ không thân thế, ngôi mộ lẻ loi như vậy rất hay gặp ở hoang vu, nhưng ngôi mộ này được xây trong hang động hơn nữa còn lưu tâm tới việc che giấu, tường đá kiên cố giống như đang phản xạ ánh sáng cho phòng trưng bày của nó, màu sắc như gang thép cực giống bộ giáp bảo vệ nó, thậm chí ngay cả tiếng gió vù vù cũng hình thành xúc cảm sâu sắc độc nhất vô nhị, cây cỏ là đồ trang sức duy nhất của nó, cũng là đồ bồi táng duy nhất của nó.

Một loại kiên định và bi thương khổng lồ ập tới từ ngôi mộ, đánh lên vai Lý Thập Nhất, khiến cô vô thức dừng bước. Tống Thập Cửu nhìn ngôi mộ kia, biểu cảm lại trống rỗng, tay phải vô thức vân vê lấy vai trái, ngón tay di chuyển lên lưng sờ một cái.

Ban nãy khi vào trong, dường như Tống Thập Cửu nghe được một tiếng "tách" bong bóng vỡ tan rất nhỏ, có thứ gì đó rạch ra một lỗ từ khi cô bước vào, sau đó lại rút lui dọc theo cơ thể cô giống như thủy triều.

Cô nhìn thấy Lý Thập Nhất tiến lên phía trước, sau đó ngồi xổm trước mộ, quan sát một lượt trong ánh lửa, rồi đưa tay ra vân vê đất vàng, sau đó vẫy tay bảo cô đi tới, đưa ngọn đuốc lại cho cô, cúi đầu rút tẩu thuốc trong ống tay áo ra, nhét sợi thuốc vào trong, thuần thục đốt cháy.

Khói thuốc câu hồn đoạt phách hình thành một đường, tập hợp phía trên ngôi mộ lẻ loi.



Lý Thập Nhất không muốn mở quan tài, chỉ co ngón tay gõ một tiếng lên đất vàng, hỏi nó: "Đến từ đâu?"

Ngôi mộ lẻ loi này rất lâu không nói chuyện với người, ngay cả khói thuốc cũng rất vất vả mới có thể ghép lại với nhau, Lý Thập Nhất cực kì nhẫn nại chờ đợi, khi nó đang mù mà mù mờ, lại đưa tay gõ nhẹ thêm một tiếng.

Bị gõ cốc cốc là đất mộ, là quan tài ẩn giấu bên trong, cũng là sự kiên trì nhiều năm không chịu lùi đi.

Gõ quan tài, hỏi ba tiếng, một hỏi đến từ đâu, hai hỏi đi về đâu, ba hỏi tại sao hang đá che giấu ngôi mộ lẻ loi, cỏ mọc cao thê lương?

Cuối cùng nó trả lời: "Trung Châu, Vạn Lịch năm thứ hai*."

Trung Châu? Tống Thập Cửu ngẫm nghĩ, là huyện Trung, Trùng Khánh hiện tại.

"Đi về đâu?"

Quan tài im lặng.

Lý Thập Nhất sinh ra nghi hoặc trùng trùng, theo quy định, cô chỉ có thể hỏi ba câu, cô nhìn làn khói đờ đẫn kia rồi chần chừ một lúc, sau đó trầm giọng lặp lại câu hỏi: "Đi về đâu?"

Làn khói như bị đánh một gậy, nhanh chóng run rẩy cong lên, sau đó lại là sự im lặng rợn người.

Thấy thuốc sắp cháy hết, Tống Thập Cửu mới nhỏ tiếng hỏi: "Có ý gì?"

Lý Thập Nhất chầm chậm thở ra một hơi, đưa tay lấy lại tẩu thuốc, thõng tay đập một cái xuống mặt đất, để sợi thuốc sót lại rụng xuống, nhỏ tiếng nói: "Hồn không nơi trở về."

"Hồn không nơi trở về?" Tống Thập Cửu hít một hơi lặp lại một lượt, âm thanh vừa dứt, đột nhiên đất đá trên mặt đất bay mù trời, đống đá vụn ở một bên bắt đầu lăn giống như viên bi, nhanh chóng chặn lấy cửa hang.

Ánh mắt Lý Thập Nhất rung lên, nắm lấy cổ tay Tống Thập Cửu chạy vội ra ngoài, gấp gáp lăn ra khỏi khe đá trước khi cửa hang bị bịt kín, quần áo vải bông rơi vào bùn nước, bùn bắn lên khuôn mặt như sứ Bạc Thai*.

Tống Thập Cửu nghĩ lại vẫn còn sợ, nhìn về phía cửa hang bị đá vụn bịt chặt không kẽ hở, đưa tay kéo Lý Thập Nhất đang bảo vệ bản thân dậy, xắn tay áo lau bùn dính trên mặt Lý Thập Nhất.

Hai người chưa kịp thở dốc một hơi, giữa rừng cây lại vang lên âm thanh xào xạc. Lý Thập Nhất ngẩng đầu, thấy đỉnh đầu tối đen, vốn dĩ ngôi sao sáng tỏ lại giăng đầy trời bị mây đen che phủ, quỷ khí lạnh lẽo từ bốn phương tám hướng phả tới.

Chiếc cán trắng quen mắt sùng sục trên mặt đất giống như rắn bò trườn, mang theo lá cây phấp phới, nhưng Lý Thập Nhất không giao tranh chính diện với nó, chỉ dẫn Tống Thập Cửu trốn giữa hai tảng đá kì lạ nối liền với nhau, nín thở che đậy hành tung.

Cán trắng kia tìm kiếm mấy lần, giống như không còn phương hướng, đâm chọc vào không khí đôi cái như ruồi mất đầu, sau đó trì hoãn động tác.

Bốn bề im lặng như tờ, rừng núi như thể ngưng trệ trong vệt đen này, không âm thanh cũng chẳng có hơi thở, Lý Thập Nhất nghiêng người đánh giá, tay phải rút một vật ra khỏi túi quần, mai phục trong đám cỏ rậm rạp đen ngòm, có một thứ giống như hòn đá bật về nơi xa.

Binh lá cẩn thận tìm kiếm trong bóng cây, chúng không có mắt cũng không có mũi, duy chỉ có động mạch và tĩnh mạch được tiếng gió nuôi dưỡng nên có bản lĩnh lắng nghe, lại có sự im lặng chết chóc của núi non giúp sức, nên có thể nhanh chóng phân biệt hơi thở của người tiến vào.

Binh lá được huấn luyện quy củ lao nhanh, lưỡi dao sắc trên cán trắng còn nhanh hơn suy nghĩ của con người, vừa thò ra vừa ngoắc, kéo rụng một cành cây to.

Binh lá vồ hụt, nhưng tiếng huýt sáo không ngừng lại, vang lên ở khoảng cách càng gần hơn.

Tống Thập Cửu ngẩn ra, phủi đá nhìn về phía bên phải, lại thấy người giấy Lý Thập Nhất thường dùng nằm trên lá cây, hai tay gối sau đầu, vắt chéo chân đung đưa, thong thả hát một bài. Không lâu sau, nó trở người đứng dậy, chân nhảy lên tránh khỏi móc câu đánh lén, nhảy lên chạc cây cao hơn, đung đưa chiếc xích đu xinh đẹp, sau khi nhìn thấy ánh mắt ngạc nhiên của Tống Thập Cửu, liền lịch sự chào hỏi.

"Oa." Tống Thập Cửu vô thanh hé môi, nháy mắt phải với người giấy linh hoạt, cho đi một lời khen từ tận đáy lòng.

Gáy bị vỗ nhẹ một cái, Tống Thập Cửu rụt về, nhướng mày với Lý Thập Nhất đang rất khoan thai, động đậy cổ ôm lấy cánh tay của Lý Thập Nhất, nhỏ tiếng hỏi Lý Thập Nhất: "Chị làm khi nào thế?"

Tiếng huýt sáo trập trùng vang lên, bốn bề huyên náo, khiến binh lá hỗn loạn.

"Khi em ngủ." Lý Thập Nhất nói.



Siêng năng vậy à? Tống Thập Cửu có chút lúng túng, dựa đầu lên tảng đá, mặt mày như trăng non cúi thấp hơn Lý Thập Nhất, ánh mắt cũng như thuyền quyên, mang theo mấy phần tôn kính quấn quýt lấy khuôn mặt Lý Thập Nhất.

Lý Thập Nhất có chút không chịu nổi lời khen thẳng thắn như thế, cô mím môi lại, giấu đi vui vẻ không ngắn cũng chẳng dài trong mắt.

Tống Thập Cửu thò đầu quan sát tiếp, hỏi Lý Thập Nhất: "Sao lại nghĩ ra thế?"

Lý Thập Nhất nói: "Trong sách cổ mà thầy tôi để lại có nhắc tới chiêu tối qua, thuật bù nhìn, cỏ trở thành binh lính."

Tuy binh lá có thể nghe theo chỉ huy, nhưng không có ý thức nhận biết, dùng bù nhìn khắc chế, giương đông kích tây có thể khiến chúng khó lòng chống đỡ.

"Thế chiêu này của chị thì sao?"

"Phong Thanh Hạc Lệ."

Ngay cả tên cũng ngầu như thế, trái tim Tống Thập Cửu lại vô thức gõ trống.

Nhưng suy cho cùng Tống Thập Cửu đã trưởng thành, nên không biểu hiện ra mặt, hắng giọng muốn tiếp lời, đột nhiên nghe thấy gió mạnh ập tới, tiếng giày tiến gần. Lý Thập Nhất nhíu mày, đang định quay người ứng phó, bỗng cổ tay bị nắm chặt, không kịp trở tay đã bị dẫn vào cái ôm thoang thoảng hương thơm mát, đôi tay lành lạnh dịu dàng đè lấy gáy cô, khiến cô dựa chặt lên vai đối phương.

Lý Thập Nhất thoáng khựng lại, sau đó liền thả lỏng trong hơi thở quen thuộc. Cô phối hợp cúi đầu, ánh mắt liếc thấy một tay Tống Thập Cửu đang ôm lấy bản thân, tay còn lại xòe lòng bàn tay, co năm ngón với binh lá đang tiến tới chính diện, nghiêng mặt thoáng khựng lại, cuộc tập kích cũng đột ngột ngừng lại, giống như chương nhạc bị ngắt.

Gió dừng cát lặng, Tống Thập Cửu mở đôi mắt đang híp lại ra, không quan tâm tới binh lá đang bị dừng hình, chỉ buông lỏng Lý Thập Nhất, đè lại nhịp tim thình thịch nhìn Lý Thập Nhất.

Tống Thập Cửu thu tay lại đỡ lấy tường đá lạnh lẽo, liếc nhìn khuôn mặt như nước ấm của Lý Thập Nhất một cái, khẽ nói: "Chiêu này, em đã học từ lâu rồi."

Sợi tóc sau lưng Tống Thập Cửu tự động đậy trong trạng thái không có gió, tạo thành một độ cong khẽ như có suy nghĩ, nhuộm trong ánh trăng lạnh lẽo, khiến cơ thể tỏa ra sự diễm lệ tàn dư, nhưng ánh mắt như nai con của Tống Thập Cửu lại hiện lên sự căng thẳng dễ dàng quan sát thấy, như thể cảm giác thấp thỏm chờ đợi lời phê của thầy giáo sau khi nộp bài thi.

Trong lòng Tống Thập Cửu biết bản thân không có bản lĩnh sánh vai với Lý Thập Nhất, nhưng nếu đã quyết tâm muốn làm người chung đường, thì nên cố gắng cất bước chân thụt lùi rộng thêm một chút.

Lý Thập Nhất suy đoán được mười phần mười tâm tư của nai con, thế là chớp mắt mỉm cười, dịu dàng nói: "Chiêu này, tên là gì?"

Tống Thập Cửu ngẩn ra, rất thật thà: "Chưa nghĩ tới."

Lý Thập Nhất cong khóe môi, còn chưa lên tiếng, đã nghe thấy một âm thanh già nua lại dày nặng vang lên trong rừng rậm: "Vô tri tiểu nhi, hí lộng lão thân (Trẻ nhỏ không hiểu biết, bày trò trêu đùa người già)!"

Ý cười của Lý Thập Nhất ngưng trệ trên mặt, quay sang nhìn Tống Thập Cửu, sau đó thu lại nụ cười đứng dậy, nhìn về phía sâu thẳm trong rừng rậm.

Dưới ánh trăng trăm năm như một ngày, một chiếc bóng dựng đứng như cây tùng, sống lưng rất thẳng, nhưng lại bị năm tháng đè lên cổ, khó lòng tự chủ cúi xuống. Cho dù tinh thần khỏe mạnh, nhưng nếp nhăn giăng đầy trên mặt cùng tóc bạc đầy đầu lóe lên ánh sáng giống như thể hiện rõ dấu vết của thời gian, trên cơ thể bà lão kia mặc bộ áo giáp, chống chiếc cán không khác gì giáo cán trắng của binh lá, ánh mắt sắc bén khoét lên mặt Lý Thập Nhất.

Lý Thập Nhất nhìn bà lão như ngọn đèn trước gió, lại giống như nhìn thấy thiết mã kim qua*, vạn mũi tên như mưa rơi.

Lý Thập Nhất tiến lên phía trước, khẽ tiếng thở dài: "Tần tướng quân."

...

Chú thích:

1. Vạn Lịch năm thứ hai: Năm 1574.

2. Sứ Bạc thai hay còn cọi là "sứ Thoái Thai", "sứ Đản Xác": có đặc điểm là đồ sứ mỏng như vỏ trứng, là sản phẩm gốm sứ truyền thống của huyện Đại Bộ, Quảng Đông, Trung Quốc.

3. Thiết mã kim qua: Kim qua chỉ cây giáo được chế tạo bằng kim loại; thiết mã chỉ chiến mã được phủ lên giáp sắt. Thành ngữ này để hình dung tư thế anh hùng của các chiến sĩ cầm giáo cưỡi ngựa xông ra trận, cũng dùng để hình dung chiến tranh.

Chương 71<:

/114

THICH DOC TRUYEN

Đa số thông tin và hình ảnh trên website đều được sưu tầm từ các nguồn trên Internet. Website hay upload-er không sở hữu hay chịu trách nhiệm bất kỳ thông tin nào trên đây. Nếu làm ảnh hưởng đến cá nhân hay tổ chức nào, khi được yêu cầu, chúng tôi sẽ xem xét và gỡ bỏ ngay lập tức.

LIÊN HỆ ADMIN

adsdoctruyen@gmail.com

DMCA.com Protection Status